Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Biển chiều lặng lẽ" của tác giả Trần Quốc Cưỡng
27/07/2022 12:00:00

Anh đứng lặng yên như pho tượng trồi lên từ cát trắng, mắt nhìn vô định. Có thể anh không nhìn thấy những đợt sóng cuộn lên thành vồng trắng xóa và không nghe tiếng sóng vỗ phầm phập vào bờ làm nước tung lên đục ngầu, phả hơi vào mặt lành lạnh vị tanh nồng và tiếng gió biển rào rào. Từ phía sau lưng anh có một chàng trai cao to, da sạm đen, tóc dựng đứng như bờm ngựa từ từ tiến lại, bộ đi hai chân bung ra hình quả trứng gà. Dẫu đang là chiều một ngày biển động, anh ta mở gần hết nút áo. Gió biển lồng vào phần phật phô bộ ngực trần lực lưỡng, tiếng nói oang oang:

 
 
 

- Khang! Tao tìm mày muốn chết. Nhớ biển hay nhớ nàng mà đứng phỗng đực ra như tượng đá ấy? Buồn làm đếch gì mày. Nàng lấy chồng, mày lấy vợ đi là vừa. Đừng thần thánh hóa mối tình đầu. Nó cũng như bao mối tình sau thôi mày ạ! Mối tình nào hai kẻ yêu nhau giữ chung thủy dài lâu, đó là tình bất diệt, còn lại thì “tình như áng mây, tình đến rồi đi, đâu phải là tình”. Về thôi mày. Tụi nó đang đợi. Hôm nay tao khao mày một trận không say, không về.

Anh cười hềnh hệch nhìn bạn. Từ hồi nhỏ đến giờ, gần nửa đời người, bạn anh vẫn ăn nói bỗ bã, phóng túng. Mà đâu chỉ có mình nó, các bạn anh phần đông đều như thế cả. Cái đặc tính của dân vạn chài “ăn sóng nói gió”, nhưng trung thực, sống bao bọc nhau.

- Mày về trước đi Cường. Tao còn muốn nhìn cơn giận dữ của biển.

Bạn anh vung tay lên trời, cười rộ:

- Ờ, thì ra mày đang làm thơ. Cái máu nghệ sỹ chỉ làm con người ta đeo sầu, chuốc khổ vào thân và nghèo kiết xác. Về gấp, tụi tao chờ!

Anh bật cười trước lối triết lý gãy gọn, suồng sã và bước đi hấp tấp của Cường. Gần đó, hai thằng bé tóc vàng cháy, da đen nhẻm, áo quần nhếch nhác và một bé gái gầy nhom cột hai bím tóc ngúng nguẩy tranh nhau rượt đuổi những con còng gió trên bãi biển. Tiếng reo cười của chúng làm thức dậy trong anh miền ký ức.

Ngày ấy, anh, Cường và Ánh lúc nào cũng quấn quít bên nhau. Lúc thì rủ rê xuống rừng hái trái măng dương bỏ luôn cơm trưa. Lúc thì theo đoàn người kéo lưới phần đông là người già, phụ nữ và trẻ em. Một ngày mùa đông, ba đứa kéo nhau đến nhà chú Ngược. Nói là nhà cho phải nhẽ, kỳ thật đó là cái lô cốt tường sắp đầy bao cát chống đạn, mái lợp tranh. Đang lúc cả nhà ăn cơm chiều, chú Ngược thấy bọn trẻ lấp ló trước cửa, ông gọi vào cho mỗi đứa một chiếc đùi gà thưng vàng rợm. Ba đứa ăn ngấu nghiến rồi hôm sau tình cờ chứng kiến chú Ngược vớt xác gà, xác vịt trôi từ sông ra biển đem về… Ánh nôn thốc, nôn tháo tới mật xanh. Anh và Cường thì khạc nhổ khục khặc, vậy mà không đứa nào giận chú.

Mùa đông sóng gió gầm gào. Chú Ngược với chiếc thuyền con và cây đèn bão mang cần ra câu cá ngoài biển. Ngọn đèn le lói chấm sáng vàng ệch như hạt đậu thoắt ẩn, thoắt hiện, ai nhìn thấy cũng lắc đầu, bái phục. Chú Ngược nổi tiếng bạo gan, liều lĩnh là thế, nhưng có một lần đi câu đêm về chú chạy sái cổ, vãi đái ra quần.

Hôm ấy, quãng hai giờ sáng, chú Ngược dong thuyền về bến. Ông lầm lũi tay xách, nách mang rướn người dồn sức vào đôi chân bước lên dốc cát thoai thoải, chợt nghe văng vẳng tiếng khóc nỉ non. Chú Ngược giật mình đánh thót, dừng chân, định thần quan sát xung quanh, lắng nghe. Đúng là có tiếng ai khóc thật. Chú Ngược nghĩ bụng: “Giờ này ai còn ra biển khóc than?... hay là?...”. Nghĩ đến đó, chú Ngược rùng mình, nổi da gà, quên cả mệt nhọc, sải chạy. Trời bắt đầu nổi giông, ánh chớp lóe sáng, chú Ngược nhìn thấy cô gái mặc áo dài trắng, mái tóc buông dài đứng sựng trước mặt. Chú nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng lạnh toát. Về đến nhà, chú gõ cửa gấp gáp. Thím Ngược hỏi dồn, chú không đáp. Thím vặn lớn ngọn đèn, bưng ra mở cửa. Chú Ngược đặt đồ nghề và giỏ cá xuống, chạy vào bếp nhặt cục than, soi đèn viết lên tấm ván ép ba chữ: “Tôi gặp ma!” trao cho thím Ngược xem (chú không dám nói vì sợ ma hớp hồn). Thím Ngược xem xong lật đật lấy chổi đập búa xua trong nhà xua đuổi ma. Trong lòng chú Ngược hoang mang cực độ. Bỗng nhiên chú sực nhớ đến một người. Trời vừa bảnh mắt, chú Ngược lại lấy cục than viết lên tấm ván, trao cho thím Ngược “Má nó xuống nhà con Yến hỏi ba má nó hồi khuya con Yến có mặc áo dài trắng đi ra biển không?”. Thím Ngược nheo nheo con mắt, lẩm nhẩm đọc một hồi, ngẫm nghĩ. Nét mặt bà giãn ra, gật gù, vội vã ra đi. Chú Ngược hút chưa tàn hết điếu thuốc, thím Ngược đã quay về. Giọng nói của thím rổn rảng từ ngoài ngõ:

- Ông ơi! Hồi khuya ông gặp con Yến chứ ma quỷ gì đâu. Báo hại tôi sợ muốn đứng tim.

Chú Ngược bật dậy đập tay vào bắp vế của mình đét một cái, thốt lên:

- Ối! Trời đất ơi! Đúng là con Yến!

*

Đầu tháng Bảy gió Nam thổi ong ong. Cư dân làng chài làm nghề lưới cước vẫn vô tư bám biển. Đoàn thuyền ra khơi lúc gà gáy canh ba. Buông lưới xong, sao mai hiện lên lấp lánh như viên ngọc treo giữa không trung. Anh và hai người anh trai lấy thuốc lá ra đốt phì phèo, rầm rì trò chuyện. Lúc trời sáng rõ, bất chợt mây đen ùn ùn kéo đến. Mặt biển xanh bỗng biến thành nâu đen quái đản. Anh Cả ngước mắt nhìn trời, nét mặt hiện lên sự âu lo: “Hai đứa bay kéo lưới mau lên! Nguy rồi! Trời sắp nổi giông!”.

Ba người hối hả chong thuyền kéo lưới. Thoáng chốc, gió nổi lên ào ào tạo thành vùng xoáy. Gió, mưa càng lúc càng dữ dội. Anh cả mặt tái mét, hàm răng cắn chặt, hai má bạnh ra, căng thẳng tột cùng: “Thằng Khang cắt lưới nhanh lên! Đành bỏ phần còn lại thôi! Thằng Khanh giữ chặt tay lái, mở hết ga chạy vào bờ!!!”. Mới đó biển còn hiền hòa, dịu êm là thế, giờ cồn cào, hung dữ rợn người. Cơn gió xoáy làm mặt biển trở thành vùng nước lòng chảo sâu hoắm. Những đợt sóng dâng lên cuồn cuộn như quả núi đổ sụp xuống ầm ầm, khiến cho con thuyền chao đảo liên hồi. Lúc thì chúi mũi xuống, lúc thì bốc lên cao, nước bủa vào khoang ào ào. Anh và anh cả đội mưa, cưỡi gió mỗi người một cái gầu tát nước từ khoang thuyền ra ngoài không kịp thở. Khanh ngồi trong buồng lái căng mắt, nghiến răng lèo lái con thuyền vượt qua từng đợt sóng cuồng nộ. Anh cả chợt kêu lên thảng thốt:

- Khang ơi! Có người bị sóng đánh!

Anh buông gầu, chồm tới trông theo ngón tay của anh Cả. Qua màn mưa u ám có một người đàn ông mặc đồ đen đang vật vã trên sóng nước cách mũi thuyền anh chừng hai mươi mét. Khanh tăng ga, con thuyền lướt tới. Khoảng cách giữa con thuyền và người đàn ông ngụp lặn trong biển nước sôi sùng sục ngắn dần. Anh nghe loáng thoáng tiếng kêu đứt quãng: “Cứu…ứ…ứ…u!!!”.

Anh Cả lạc giọng: “Thằng Khanh giữ chặt tay lái, thằng Khang lấy dây thừng lại đây mau lên!”.

Khi con thuyền cách nạn nhân chừng ba mét, anh Cả tung khoanh dây xuống biển, thét vang:

- Bám chặt đầu dây!

Người đàn ông buông chiếc phao, hai tay ghì chặt sợi dây, khi kéo ông lên thuyền, anh vụt la lên:

- Trời ơi! Chú Hai! Còn thằng Vĩnh???...

Ông già mình mẩy ướt sũng, da thịt tím tái, giọng nói phều phào:

- Thuyền bị… sóng đánh… sút mê… chìm. Thằng Vĩnh… nhường… phao… cho tôi… Vĩnh con ơi!!!

Anh gào lên, nước mắt ứa ra:

- Vĩnh ơi!!! Mày!!!

Khi thuyền cập bến mưa tạnh, gió yên, một bãi người nhốn nháo, kêu khóc. Vừa thấy anh, Yến ào tới khóc như mưa bấc:

- Anh Khang ơi! Anh về đây còn anh Vĩnh của em đâu? Anh Vĩnh ơi! Mới hôm qua anh còn nói với em sau mùa biển anh cưới em… sao anh bỏ em mà đi!!!

Sau cơn giông tố quái ác ấy, Vĩnh và gần mười người nữa ở làng chài mãi mãi không về. Yến ngày ngày ôm áo cưới ra bãi biển khóc than. Khóc chán rồi cười ha hả. Có hôm cô thắt những chiếc thuyền giấy thả xuống bực sóng, mắt long lanh, reo lên:

- A! Thuyền rước cô dâu, thuyền đưa chú rể, xem này tụi bay ơi! Có đẹp không?

Đám trẻ con mình trần trùng trục, đen đúa vô tư xúm lại cười cợt:

- Có ma nó cưới bà. Đồ điên!

*

Những ly bia ngập đá sóng sánh được bạn bè anh nâng lên chúc tụng va vào nhau rôm rốp. Anh chuếnh choáng hơi men, xúc cảm dâng tràn:

- Tụi bay có nhớ thằng Vĩnh thường hát câu gì không? “Rượu nồng, rượu nồng ta uống với ta, uống với ta hỡi ông trời già”. Tao chọn ngành hải sản là để nhớ đến nó, nhớ đến cơn giông nghiệt ngã năm xưa… Sao cái làng chài của tụi mình cái nghèo cứ đeo đẳng thế? Mới hồi trưa tao cãi lẩy với anh Cả tao. Ai đời thằng con ảnh mới học lớp sáu đã nghỉ ngang để theo cha lên đênh trên sóng nước.

Cường - bạn anh lưng trần đỏ khay kháy như gà chọi, mắt lim dim. Qua ánh đèn vàng vọt, gương mặt nó trông méo xệch, giọng nói ríu lại:

- Khang, mày nói… hay đấy… nhưng anh Cả mày… tìm đâu… ra tiền… nuôi cháu mày ăn học?

Anh bị dồn vào thế bí, đổ quạu:

- Thế ai bảo vợ chồng ảnh cứ sanh đẻ bừa ra đấy?

- Mày có giỏi thì bảo ban con Ánh – bồ cũ của mày đó. Nó không đợi mày như lời hẹn ước để đi lấy người khác, ba năm sinh liền ba con vịt trời. Giờ nó ốm tong, ốm teo như que củi. Ha! Ha! Ha!

Thằng Tân cướp lời, châm chọc rồi phá lên cười. Lũ bạn anh trừng mắt, nó mới chịu im. Ngay khi ấy trước cửa quán xuất hiện một gã đàn ông mảnh khảnh, bước đi chệnh choạng. Ông ta cười khùng khục, tiếng nói nhừa nhựa:

- Ê! Khang, mày về hồi nào không cho chú biết, bắt tay cái coi! Chủ quán đâu cho mười chai để tao đãi kỹ sư thủy sản về làng.

Anh nhổm dậy, chìa hai tay ra phía trước bắt tay người đàn ông:

- Dạ! Cháu mới về hồi sáng. Cảm ơn chú! Mời chú ngồi chơi với tụi cháu, bia vẫn còn, chú yên trí!

- Mày khinh chú Bảy không mua nổi chục chai bia hả?

Ông Bảy vung tay, trợn mắt giận dữ, trong khi cô chủ quán lải nhải: “Nợ cũ còn cả đống, bày đặt làm sang”. Có tiếng đáp của đàn ông từ trong nhà vọng ra: “Cứ bán cho ông ấy kẻo ông lại quậy tinh lên”.

Anh cầm tay ông Bảy rung rung, đấu dịu:

- Cháu nào dám thế. Chú đã có lòng, cháu xin nhận!

Anh đâu có lạ gì lòng dạ người dân xứ biển quê anh. Họ thảo ăn, thảo uống lắm, nhất là đối với những người ăn nhậu lúc đang sướng lên. Người đàn ông khui bia bừng bựt, đặt lên đầy bàn, rót ra ly mời anh, bè bạn của anh cùng “đưa hơi”. Không hiểu sao bỗng dưng anh tưởng tượng dưới đáy ly bia của người đàn ông kia hiện lên đàn con lít nhít, áo quần rách rưới, bò lổm ngổm… Anh không còn thấy hứng thú gì nữa. 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tri ân(26/07/2022)
Truyện ngắn "Kỷ niệm Lai Vu" của tác giả Nguyễn Thế Trường(26/07/2022)
Âm nhạc: Tri ân các anh hùng liệt sỹ(26/07/2022)
Đồng đội cũ (25/07/2022)
Hát trong tháng Bẩy(25/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na