Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào phương án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương được diễn ra vào ngày 15 tháng 3 năm 2022 tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương. Một trong năm mục tiêu phát triển thành phố Hải Dương mà đơn vị lập quy hoạch báo cáo tại Hội nghị là phát triển thành phố Hải Dương đến năm 2040 trở thành “Thành phố văn hóa – lịch sử”. Đây là mục tiêu rất nhân văn và được các đại biểu đồng tình. Tuy nhiên để mục tiêu trở thành hiện thực lại không hề đơn giản. Bài viết xin nêu lên những vấn đề cần phân tích, trao đổi rất mong được người đọc cùng quan tâm, đóng góp và chia sẻ.
Trước tiên chúng ta cần làm rõ nội hàm của khái niệm “Thành phố văn hóa - lịch sử”. Theo tôi thành phố văn hóa - lịch sử phải chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Ở đây xin đề cập đến giá trị văn hóa, lịch sử ở góc độ kiến trúc đô thị. Thành phố văn hóa – lịch sử phải có những không gian, công trình kiến trúc phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí…, đồng thời lưu giữ được những dấu ấn lịch sử trong quá trình hình thành, phát triển đô thị. Hải Dương có tuổi đời hơn hai trăm năm, việc trở thành “Thành phố văn hóa - lịch sử” là yêu cầu không phải bàn cãi và có điều kiện để thực hiện được.
1. Về yếu tố văn hóa của thành phố Hải Dương
* Hiện trạng và đề xuất của phương án quy hoạch về các cơ sở văn hóa
Khu vực Quảng trường Độc Lập là khu vực trung tâm lịch sử được hình thành ngay từ giai đoạn đầu khởi dựng Thành Đông. Có ba sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến khu vực này đó là năm Gia Long thứ ba - 1804, lỵ sở Hải Dương được chuyển từ Mao Điền về đây và Thành Đông được xây dựng; năm 1889 thực dân Pháp phá bỏ Thành Đông để mở rộng không gian. Năm 1923, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập thành phố Hải Dương. Không gian khu vực này bao gồm Quảng trường Độc Lập, các tuyến phố Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, Trần Hưng Đạo, Đại lộ Hồ Chí Minh. Khu vực này là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa duy nhất hơn hai trăm năm qua, đồng thời vẫn là trung tâm văn hóa, lịch sử rất quan trọng của thành phố Hải Dương hiện nay.
Quảng trường Thống Nhất đối diện với trung tâm thương mại được xây dựng năm 2014, là quảng trường văn hóa, thương mại của khu vực.
Quảng trường Trung tâm văn hóa Xứ Đông được xây dựng năm 2020, là quảng trường trung tâm chính trị, văn hóa của thành phố.
Quảng trường 30-10 được xây dựng năm 2006. Hiện là quảng trường văn hóa lớn, duy nhất ở khu vực phía Tây.
Công viên Bạch Đằng được xây dựng năm 2000, là công viên trung tâm và duy nhất hiện nay của thành phố Hải Dương.
Sông Bạch Đằng là hạ lưu của con sông Sặt được ngăn lại thành một hồ nước dài uốn cong giữa lòng thành phố.
Khu du lịch sinh thái Hà Hải có quần thể cây xanh, hồ nước với các công trình nhà hàng ẩm thực, bể bơi, sân tenis, sân bóng đá mini…
Các công trình văn hóa, công cộng của thành phố chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành (phía Đông) như: Trung tâm Văn hóa xứ Đông ở đường Thanh Niên; Bảo tàng tỉnh, Nhà Văn hóa trung tâm, Câu lạc bộ Nguyễn Trãi ở đường Hồng Quang; Nhà Văn hóa thiếu nhi ở đường Hoàng Hoa Thám; Nhà hát nhân dân ở đường Phạm Hồng Thái - Đô Lương; Sân vận động, Rạp Thống Nhất ở Đại lộ Hồ Chí Minh; Thư viện tỉnh; Nhà thi đấu thể thao ở đường Chương Dương.
Ngoài ra còn có hệ thống các nhà văn hóa xã, phường, các nhà văn hóa thôn, khu dân cư, bưu điện văn hóa xã có ở tất cả các xã, phường và thôn khu, dân cư của thành phố; các công trình dịch vụ có tính chất văn hóa, thể thao, giải trí như một số sân tenis, bóng đá mini, vũ trường, quán karaoke, trung tâm thể dục thẩm mỹ, nơi tập gym…bố trí rải rác ở các khu dân cư.
* Phương án quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 đã xác định sông Sặt và sông Thái Bình là hai trục cảnh quan sinh thái đặc trưng quan trọng của thành phố Hải Dương. Làm thêm 1 quảng trường trung tâm và công viên cây xanh (khu trung tâm lịch sử); 2 công viên cây xanh (phường Việt Hòa); 1 tuyến cây xanh cảnh quan dọc sông Sặt; 1 công viên sinh thái ngập nước ven sông Thái Bình (phường Nam Đồng); 1 công viên văn hóa thể dục thể thao (phường Thạch Khôi), 1 công viên trí thức (xã Liên Hồng), 1 công viên trung tâm phía Nam (phường Tân Hưng); 1 sân golf ở phía Tây Nam ven sông Sặt (xã Liên Hồng), 1 khu dịch vụ du lịch - giải trí và ẩm thực ven sông Thái Bình (phường Nhị Châu); 1 khu resort nghỉ dưỡng sinh thái ven sông Thái Bình (phường Việt Hòa); 1 tổ hợp bến du thuyền khách sạn thương mại, dịch vụ ven sông Thái Bình (xã An Thượng), vùng cảnh quan nông nghiệp sinh thái (xã Tiền Tiến). Phương án cũng đề xuất xây dựng thêm các công trình văn hóa, thể thao như Khu liên hợp thể thao ở phía Nam (phường Thạch Khôi), Bảo tàng tỉnh, Đài tưởng niệm tỉnh (phường Tân Hưng), Bảo tàng thành phố và Trung tâm triển lãm tỉnh (xã Tiền Tiến).
* Nhận xét hiện trạng các không gian, công trình văn hóa cũng như phương án quy hoạch
Hiện trạng khu vực phía Tây còn thiếu quảng trường, công viên cây xanh. Quảng trường Độc Lập trở thành nút giao thông là chủ yếu. Các công trình văn hóa quanh quảng trường quy mô nhỏ, kiến trúc lạc hậu, kém hấp dẫn. Chưa có các công trình văn hóa lớn với dịch vụ tổng hợp được đầu tư trong những năm gần đây. Thành phố đang có kế hoạch quy hoạch tái thiết lại khu trung tâm lịch sử gồm công viên cây xanh, khu phức hợp khách sạn, dịch vụ tổng hợp…, chuyển đổi Nhà hát nhân dân thành Trung tâm văn hóa cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phương án quy hoạch đã đề xuất bổ sung thêm rất nhiều quảng trường, công viên, các khu sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao vui chơi giải trí cấp đô thị. Tuy nhiên còn bộc lộ những bất cập như: Chưa đề xuất tạo dựng không gian và công trình văn hóa ở khu trung tâm lịch sử; đưa Bảo tàng thành phố sang xã Tiền Tiến là chưa hợp lý. Chưa đề xuất sử dụng không gian khu vực trụ sở các cơ quan, đơn vị sau khi chuyển về Trung tâm hành chính. Chưa đề xuất được hệ thống các không gian đặt tượng, biểu tượng nghệ thuật, điêu khắc, vật kiến trúc…
2. Về yếu tố lịch sử kiến trúc của thành phố Hải Dương
*Hiện trạng các công trình (tạm chia theo ba giai đoạn xây dựng) như sau:
Giai đoạn trước năm 1954:
Quảng trường Độc Lập gắn với dấu tích Hào Thành.
Công trình có phong cách cổ điển châu Âu như Nhà thờ lớn Hải Dương, di tích Đền thánh.
Các công trình có phong cách tân cổ điển pha trộn với kiến trúc truyền thống như Nhà Rồng ở Dinh tổng đốc (nay là Nhà khánh tiết UBND tỉnh).
Công trình có phong cách kiến trúc “tân cổ điển châu Âu” như Nhà làm việc Dinh tổng đốc cũ (nay là Ban thi đua tỉnh), Nhà làm việc Sở Lục bộ (nay là Sở Giao thông vận tải), Nhà làm việc Dinh phó sứ (nay là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch)…
Các công trình có phong cách kiến trúc truyền thống như đình - chùa Đồng Niên ở phường Việt Hòa, đền Sượt ở phường Thanh Bình, đình Ngọc Uyên ở phường Ngọc Châu, đình - đền - chùa Bảo Sài ở phường Phạm Ngũ Lão…
Các công trình nhà ở có phong cách kiến trúc pha trộn tân cổ điển châu Âu với kiến trúc Á Đông như: một số nhà ở tại phố Bắc Kinh, Sơn Hòa, đại lộ Hồ Chí Minh, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Du, Tam Giang…
Giai đoạn sau năm 1954 đến thập kỷ tám mươi, thế kỷ 20: Các công trình có phong cách kiến trúc hiện đại với đặc trưng vật liệu, kết cấu gạch là chủ yếu kết hợp bê tông cốt thép như: Bách hóa tổng hợp, Nhà hát nhân dân, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh, trụ sở làm việc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khách sạn Hoa Hồng, nhà làm việc các Ban của Tỉnh ủy, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương…
Giai đoạn từ thập kỷ chín mươi, thế kỷ 20 đến nay: Các công trình có phong cách kiến trúc hiện đại đặc trưng vật liệu, kết cấu khung bê tông cốt thép, kết cấu thép: Các công trình văn hóa, hành chính, giáo dục, y tế… như: Trung tâm văn hóa xứ Đông, nhà làm việc Văn phòng Tỉnh ủy, trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trụ sở làm việc Sở Xây dựng, trường THPT Nguyễn Trãi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, chung cư Đông Ngô Quyền, Bưu điện tỉnh, trụ sở Chi nhánh ngân hàng Agribank, khách sạn Nacimex, siêu thị BigC…; các công trình tôn giáo tín ngưỡng có phong cách kiến trúc truyền thống với đặc trưng là sử dụng vật liệu hiện đại cùng với vật liệu truyền thống như chùa Vạn Phúc, chùa Sếu, chùa Phong Hanh, chùa Phúc Duyên…
Ngoài ra có các công trình nhà ở biệt thự, nhà ở chia lô với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau gồm phong cách hiện đại, tân cổ điển, cổ điển châu Âu… được xây dựng từ thập kỷ 80, thế kỷ 20 trở lại đây…
*Nhận xét về yếu tố lịch sử kiến trúc đô thị của thành phố Hải Dương:
Thành phố vẫn đang lưu giữ, bảo tồn được một số công trình kiến trúc với các thể loại xây dựng ở các giai đoạn, cụ thể là giai đoạn trước năm 1954, giai đoạn từ sau năm 1954 đến thập kỷ tám mươi, thế kỷ 20. Phương án quy hoạch thành phố Hải Dương đến năm 2040 đã đề xuất xây dựng những công trình văn hóa hiện đại, quy mô lớn. Tuy nhiên hiện vẫn còn những bất cập như:
Hệ thống Hào Thành là công trình đầu tiên từ khi khởi lập Thành Đông nhưng chưa có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo (chỉ mới kè được ba đoạn).
Nhiều công trình có tuổi đời hàng trăm năm bị phá dỡ hoặc cải tạo làm biến dạng đã và đang tiếp tục xảy ra.
Những công trình kiến trúc xây dựng từ sau năm 1954 đến thập kỷ tám mươi, thế kỷ 20 còn lại không nhiều cũng đã và đang bị phá dỡ, cải tạo làm biến dạng.
Một số công trình xây dựng mới có quy mô, hình thức không hài hòa với không gian, cảnh quan kiến trúc hiện có.
Không gian Quảng trường Độc Lập và vùng phụ cận có nguy cơ bị biến dạng, mất đi giá trị lịch sử vốn có.
Phương án quy hoạch chưa đề xuất được những không gian, công trình cần phải bảo tồn, tôn tạo.
3. Đôi điều cần nói.
Qua phân tích những nội dung trên có thể thấy còn rất nhiều việc phải làm để thành phố Hải Dương yêu quý của chúng ta xứng danh là thành phố văn hoá - lịch sử. Tuy nhiên cần lựa chọn thứ tự ưu tiên để phù hợp với nguồn lực thực hiện.
Điều cần quan tâm thứ nhất là về không gian trung tâm lịch sử của thành phố, đó là khu vực Quảng trường Độc Lập và vùng phụ cận. Bởi nếu không có kế hoạch thực hiện ngay từ bây giờ thì e rằng sau này không còn cơ hội để làm lại. Điều trăn trở lúc này đó là liệu có thể phục dựng lại một phần di tích Thành Đông? Hội nghị báo cáo để xin ý kiến tham gia vào phương án quy hoạch năm 2017, đơn vị lập quy hoạch đã từng đề xuất khôi phục lại toàn bộ Thành Đông; ý tưởng rất hay nhưng đành từ bỏ vì khó khả thi. Tuy nhiên logo cách điệu cổng Thành Đông đã được chọn là biểu tượng của thành phố Hải Dương, điều đó cho thấy Thành Đông không bao giờ bị quên lãng trong tâm trí của chính quyền và người dân thành phố. Theo tôi, khôi phục toàn bộ Hào Thành là không thể, nhưng phục dựng một phần Hào Thành và cổng Thành Đông thì có thể nếu chúng ta có quyết tâm. Không nên cứng nhắc phải phục dựng cổng Thành Đông ở một trong 4 vị trí trước đây mà có thể chọn vị trí ở trung điểm của một trong hai cạnh còn lại (nếu có mặt bằng, có không gian và tầm nhìn tốt), bởi cổng và Hào Thành chưa phải là di tích nhà nước xếp hạng.
Một vấn đề nữa đó là không gian Quảng trường Độc Lập và hai bên các tuyến đường Hồng Quang, Hoàng Hoa Thám, Đại lộ Hồ Chí Minh phải được coi là “không gian thiêng” của thành phố. Trong tương lai chắc chắn khu vực này không chỉ thu hút rất đông người dân thành phố mà còn thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi giải trí. Bất cứ đồ án quy hoạch chi tiết hay dự án đầu tư nào ở khu vực này nên cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến rộng rãi. Quản lý kiến trúc chặt chẽ, nhất là về mật độ xây dựng và chiều cao công trình. Nên bố trí một số công trình văn hóa cấp thành phố hoặc cấp tỉnh ở khu vực này để có hiệu ứng hấp dẫn và sức hút.
Điều cần quan tâm thứ hai là bảo tồn các công trình hàng trăm năm tuổi. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích thì công tác quản lý, bảo tồn đã đi vào nề nếp. Còn những công trình khác (số lượng không nhiều) được xây dựng ở hai thời kỳ trước năm 1954 và trong thời kỳ bao cấp (từ sau năm 1954 đến thập kỷ tám mươi, thế kỷ 20) chưa được quan tâm đúng mức. Thành phố cần quan tâm khảo sát, lập danh mục những công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị kiến trúc để có chính sách bảo tồn.
Hai con sông Sặt và sông Thái Bình là cảnh quan tự nhiên vô cùng quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Hải Dương. Sông là trục cảnh quan ở trung tâm thành phố gắn với đời sống đô thị. Với chiều rộng từ 30 đến 50 mét, rất vừa tầm để có thể đầu tư và khai thác một cách hiệu quả.
Làm được những việc nêu trên là một bước cơ bản để thành phố Hải Dương tiếp tục phát triển bền vững. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng thành phố Hải Dương yêu quý của chúng ta sẽ là thành phố Văn hóa – Lịch sử nhấn mạnh về nơi chốn – niềm tự hào văn hóa xứ Đông.