Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nguyên cứu, Lý luận, Phê bình: "Khơi dậy sự dấn thân sáng tạo của người viết trẻ"
04/08/2022 12:00:00

Có thể nhìn thấy, hiện nay, đời sống văn học trẻ vẫn luôn cuồn cuộn chảy. Người viết trẻ đang có nhiều cơ hội, có nhiều sân chơi. Họ luôn là lực lượng được hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo cho văn chương Việt Nam trong tương lai.

 

Song rất lâu rồi, độc giả cũng như văn đàn Việt Nam chưa xuất hiện những tác phẩm ấn tượng, mang tính đột phá gắn với tên tuổi của tác giả trẻ. Mang những băn khoăn này trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam, ông đã chia sẻ những bất cập và lấp lánh những kỳ vọng về người viết trẻ.

* Thực tế đời sống văn chương hiện nay khá phong phú. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những tên tuổi người viết trẻ và cả ở khía cạnh tác phẩm của họ. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Nhà thơ Trần Hữu Việt: Nền văn học được quyết định bằng sự xuất hiện của số lượng tác phẩm xuất sắc. Song những năm gần đây, tác phẩm có ấn tượng của người viết trẻ không nhiều. Hiện tượng thiếu tác phẩm và tác phẩm tốt mang tính đột phá của người viết trẻ diễn ra trong quãng thời gian dài, khiến chúng ta phải suy nghĩ, lý giải. Theo cảm quan của tôi, ngày nay, sau khi hoàn thành công việc học hành, các bạn trẻ bước vào đời là phải bước ngay vào cuộc mưu sinh thực sự. Nào là nơi ăn chốn ở, chi tiêu hằng ngày, nuôi sống gia đình, phấn đấu cho cơ hội nghề nghiệp… Cuộc sống hiện nay diễn ra nhanh tới mức, nếu anh chậm bước thì sẽ tự đánh mất đi cơ hội. Chính áp lực đó khiến cho tình yêu văn chương của người viết trẻ, dù có yêu lắm, thì cũng phải tạm gác sang bên để dành cho những ưu tiên cơm áo gạo tiền trước mắt.

Tôi có cảm giác nhiều tác giả trẻ hiện đang coi văn chương như một thú chơi trong những lúc rảnh rỗi, chưa chú ý đến cái đòi hỏi nghiêm khắc, bền bỉ của nghề này. Giống như một họa sĩ có năng lực mà chuyển sang sản xuất “tranh bờ hồ” thì sẽ hỏng bút lúc nào không biết. Sự thất bại ấy đến âm thầm, lặng lẽ, luồn sâu vào đời sống, nó tiêu diệt người trong cuộc tới mức không kịp nhận ra, đó là thách thức lớn nhất của người trẻ hiện nay. Tóm lại, muốn làm cái gì đến nơi đều đòi hỏi phải dấn thân, văn chương nghệ thuật lại càng như vậy.

* Làm thế nào để đánh thức khát vọng, năng lực tiềm ẩn của mỗi người viết trẻ, thưa ông?

Trong một cuộc họp, khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch HNV Việt Nam nêu ra con số rất thấp (chỉ khoảng 1%) hội viên HNV Việt Nam là người trẻ (tuổi đời dưới 35), tất cả mọi người đều giật mình. Ít thế thôi sao? Hiện tượng hội viên HNV Việt Nam ngày càng già đi, trong khi đó đời sống văn học trẻ vẫn đang cuồn cuộn chảy, thì phải chăng những người viết trẻ đã chảy theo những dòng khác? Tôi cho rằng, muốn kéo những người viết trẻ đồng hành với HNV thì chúng ta phải đến với họ bằng tấm lòng hết sức chân thành, cởi mở, phải tạo ra sân chơi mà họ thật sự thấy thú vị, chứ không phải đến với ở tư thế “xoa đầu” của các bậc cha chú.

Một trong những bước đi đầu tiên đó là vừa qua, HNV Việt Nam đã công bố giải thưởng tác giả trẻ hằng năm dành cho những người viết từ 35 tuổi trở xuống ở cả 4 chuyên ngành: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học dịch.

* Trong thể lệ giải thưởng tác giả trẻ quy định tuổi tác giả từ 35 tuổi trở xuống, liệu có lo đó sẽ là rào cản cho tác giả cũng như kỳ vọng của ban tổ chức về tính lâu dài của giải thưởng?

BCH HNV cũng đã cân nhắc kỹ về độ tuổi tác giả, vì trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đôi khi độ tuổi sinh học và độ tuổi sáng tạo không giống nhau. Tuổi sinh học ngày càng nâng lên tương ứng với tuổi thọ trung bình của người Việt, còn tuổi sáng tạo dường như đang muộn đi. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ thì Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 16 tuổi; 20 tuổi Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ”; 27 tuổi Vũ Trọng Phụng đã có sự nghiệp văn học vô cùng đồ sộ; Hoài Thanh hoàn thành “Thi nhân Việt Nam” ở tuổi 30… Vậy mốc tuổi sáng tạo là 35 so với các bậc tiền bối thì quá già ấy chứ! Cho nên, dù tác phẩm hay của các tác giả trẻ còn hiếm hoi, thì mốc tuổi này đã tính đến sự lâu dài của giải thưởng như chị nói, và cũng phù hợp với quy định về tuổi của HNV Việt Nam đối với đại biểu tham dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

* BCH đặt ra những kỳ vọng gì ở giải thưởng tác giả trẻ, thưa ông?

Việc xét và trao giải thưởng tác giả trẻ nhằm phát hiện những tài năng văn học trẻ, khuyến khích, cổ vũ họ gắn bó lâu dài với công việc cầm bút, khơi dậy sự dấn thân sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Ban giám khảo sẽ do những nhà văn, nhà thơ có chuyên môn, có uy tín văn học cao chịu trách nhiệm thẩm định tác phẩm của người viết trẻ. Nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại ở đó, từ giải thưởng này, HNV Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các tác giả trẻ tiếp cận những hoạt động văn chương trong và ngoài nước như các trại sáng tác, hội thảo, festival thơ… hơn thế là tham gia những khóa đào tạo về văn học dài ngày ở những trường đại học nổi tiếng của thế giới, miễn tác giả có đủ năng lực văn chương và có ngoại ngữ tốt. Sự giao lưu, tiếp xúc, trao đổi trong những môi trường lớn, với những nhân vật lớn của văn học thế giới là vô cùng cần thiết đối với người viết trẻ.

Chúng tôi cũng tính đến việc hằng năm, hội có thể mời một hoặc hai tác gia nổi tiếng của thế giới đến Việt Nam. Cùng với việc tìm hiểu, khám phá đất nước tươi đẹp của chúng ta, họ sẽ tham gia trao đổi, trò chuyện với các nhà văn Việt Nam về những vấn đề thời sự nhất của văn học thế giới. Việc này không chỉ đem lại lợi ích cho các cây bút trẻ mà cho tất cả các nhà văn.

Bước tiếp theo là xuất bản tác phẩm của các cây bút trẻ. HNV Việt Nam có một nhà xuất bản (NXB), một tờ báo và một số tạp chí văn chương, nhưng chúng tôi sẽ mở rộng kết nối các tác giả trẻ với các NXB khác. Có một thực tế là nhiều NXB đang khan tác phẩm, nhưng họ không biết tìm sáng tác hay ở đâu, còn khá nhiều người viết trẻ lại lúng túng trong việc tìm “bà đỡ” cho đứa con tinh thần còn rất mới mẻ của mình.

Lâu nay, chúng ta có khá nhiều câu lạc bộ văn chương, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở sinh hoạt giữa những người cùng chí hướng, tuổi tác, hay nói theo ngôn ngữ đương đại là hợp “gu”. Cha tôi, nhà văn Hữu Mai từng kể lại, trong kháng chiến chống Pháp, những người viết trẻ như ông ở chiến khu Việt Bắc đã được “ghép đôi” với nhà văn nổi tiếng thế hệ trước, giữa họ hình thành mối quan hệ thầy trò và cũng là đôi bạn văn chương vong niên. Cha tôi được “ghép” với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để ông kèm cặp. Hai người ký với nhau giao ước thi đua sáng tác hằng năm, ai hoàn thành tốt thì người ấy “thắng”! Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Những ngày bão táp” của cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là người đầu tiên đọc và ký thẩm định xuất bản. Giữa những người hoạt động văn chương hiện nay nếu chỉ “gặp” nhau qua tác phẩm thì đã đánh mất đi điều vô cùng quan trọng là trực tiếp giao lưu, học hỏi, truyền đạt về nghề. Học nghề văn không nên chỉ thông qua văn bản tác phẩm mà phải học cả văn cách của tác giả, đặc biệt là những tác giả lớn, rồi kiến thức, sự hiểu biết, cách làm việc, quan niệm văn chương, cách đánh giá, thẩm định tác phẩm… của họ. Phần lớn trong cuộc đời văn chương của mình tôi đều học theo cách ấy. Tôi nghĩ, những câu lạc bộ văn chương có sự tham gia của nhiều thế hệ cầm bút sẽ làm thay đổi chất lượng sinh hoạt và thu về nhiều lợi ích cho các thành viên.

* Nói về cuộc đời văn chương của mình, ông có thể chia sẻ điều gì với bạn đọc?

Tôi đến với văn chương khá muộn, trước đó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đại học theo khối A (Toán, Lý, Hóa), được chọn đi du học ở Liên Xô (cũ), chuyên ngành kinh tế, hoàn toàn không liên quan gì đến văn chương. Những năm 80 của thế kỷ trước, việc liên lạc, thư từ đâu có dễ dàng như bây giờ. Cha tôi thường gửi thư và một chút quà quê hương qua các nhà văn Việt Nam sang Liên Xô công tác. Nhờ đó, tôi có cơ hội gặp và lắng nghe những tên tuổi của văn học lúc bấy giờ như Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Thị Ngọc Tú…; dịch giả Phan Hồng Giang lúc ấy đang làm luận án tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov thường xuyên giữ mối liên lạc với tôi. Trong những lần gặp này, tôi quen chị Irina Davydova, cán bộ Hội Nhà văn Liên Xô, là phiên dịch tiếng Việt. Chị mời tôi đến Hội Nhà văn Liên Xô, vốn trước đây là lâu đài của bá tước Rostov trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Chúng tôi đi qua khu vườn rải sỏi, có bức tượng đại văn hào Lev Tolstoy đang ngồi, nét mặt rầu rĩ, trên người phủ đầy lá cây. Chúng tôi uống cà phê trong câu lạc bộ trước kia vốn là phòng khiêu vũ của gia đình bá tước. Chị chỉ tay lên gác lửng, nói chỗ kia là nơi tiểu thư Natasha thường đứng để xem bố mẹ mình tiếp khách. Sau đó chị dẫn tôi xuống Ban Đối ngoại, nơi chị làm việc. Cánh cửa phòng làm việc của chị vừa mở, đập vào mắt tôi là một tấm ảnh đen trắng khổ lớn: Nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ông đang nở nụ cười rạng rỡ, mắt lấp lánh nhìn thẳng. Irina nói ông là thần tượng của chị và chị đã làm luận án tốt nghiệp khoa tiếng Việt bằng các tác phẩm của ông. Ngày ấy tôi mới ngoài hai mươi tuổi, sống xa quê hương, nên những cuộc tiếp xúc, những câu chuyện đầy thi vị đó đã làm tôi xao xuyến, khơi dậy tình yêu văn chương trong tôi. Dù sau này trở về nước, tôi làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu công nghệ hơn mười năm trước khi chuyển sang làm báo, rồi bước vào lâu đài văn chương, thì dường như từ lúc ấy, tôi đã xác định và tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống sau này. Dù mọi người có thể biết tôi ở các vai trò khác nhau, nhà báo, MC, giám khảo cuộc thi sắc đẹp… thì văn chương với tôi vẫn là điều đau đáu nhất.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo VƯƠNG HÀ

Nguồn Văn học Sài Gòn

 
 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyện làng văn nghệ: "Xuân Thiều trong ký ức tôi" của tác giả Nguyễn Thanh Kim (03/08/2022)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Cô giáo như mẹ hiền" của tác giả Lê Thị Mỹ(03/08/2022)
Văn nghệ dân gian: "Nổi chìm nghề làm lược tre làng Hoạch Trạch" của tác giả Lê Thị Dự (02/08/2022)
Kiến trúc: "Để Hải Dương năm 2040 xứng đáng là thành phố văn hóa - lịch sử" (02/08/2022)
Tác giả, tác phẩm: "Nguyễn Ngọc San - Người chiêm nghiệm cuộc sống bằng thơ" của tác giả Ngọc Hùng(01/08/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na