Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Dưới ánh sáng soi đường của Đề cương Văn hóa
08/05/2023 12:00:00

Năm 1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua. Đề cương được coi là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, là những tư tưởng lớn, thu hút mọi tầng lớp xã hội chung tay xây dựng một nền văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại, đưa văn hóa, văn nghệ trở thành vũ khí sắc bén, khơi dậy sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược; cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam hăng say sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến ngày thắng lợi. Trải qua 80 năm, Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị, là ánh sáng soi đường, động lực phát triển văn hóa để dân tộc ta bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

 

 Ngọn đuốc sáng soi đường

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời trong bối cảnh khá đặc biệt: đất nước bị đô hộ về mọi mặt. Bối cảnh lịch sử nước ta lúc đó, về văn hóa, thực dân Pháp và phát xít Nhật không chỉ đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, mua chuộc tài năng văn hóa, kiểm duyệt tài liệu văn hóa ngặt nghèo mà còn tổ chức tuyên truyền những luận thuyết nhằm phô trương quyền năng và sức mạnh của thực dân, phát xít, thực hiện chính sách ngu dân... Trong đêm trường nô lệ, Đề cương về văn hóa 1943 ra đời đã trở thành ngọn đuốc soi đường, chỉ ra những vấn đề cốt lõi về văn hóa, xác định ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa cách mạng là “Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa”.

Có thể nói, lúc đó Đảng ta đang trong thời kỳ hoạt động bí mật, cách mạng chưa thành công song Đề cương đã mang đến luồng gió mới cho người làm văn hóa Việt Nam. Văn hóa đã khẳng định được ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, tạo thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc Việt Nam.

Trải qua 80 năm, các luận điểm của đề cương vẫn đúng, trúng, giữ nguyên giá trị, xác định rõ vai trò, sứ mệnh của văn hóa như một nguồn lực nội sinh cho phát triển của đất nước. Đề cương cũng chỉ ra sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa và các nguyên tắc vận động của văn hóa. Đề cương đã dự báo sáng suốt về tương lai văn hóa Việt Nam.

Giá trị trường tồn

Sau 80 ra đời, với sự thay đổi của xã hội, sự biến thiên của thời gian, nhiều vấn đề đã không còn bắt kịp thời đại, nhưng giá trị cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa, giá trị. Các nhà nghiên cứu văn hóa chỉ rõ, nếu trong thời chiến, văn hóa là “vũ khí tinh thần” khích lệ, cổ vũ quần chúng nhân dân đấu tranh giành độc lập thì nay văn hóa lại trở thành nguồn lực, tài sản để phát triển đất nước. Văn hóa giúp khẳng định thương hiệu du lịch của nhiều địa phương, tạo sinh kế cho người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những nội dung của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn có ý nghĩa lớn đối với nền văn hóa số hiện nay. Đề cương về văn hóa Việt Nam như một thiết kế từ tư tưởng lý luận văn hóa, vừa truyền thống vừa hiện đại. Đề cương về văn hóa năm 1943 là “gốc” của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và có giá trị đến tận hôm nay.

Quả vậy, tiếp thu ba nguyên tắc xây dựng văn hóa của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943, Đảng ta đã phát triển, hoàn thiện hơn ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn văn hóa dân tộc là một bổ sung mới để phù hợp hơn với bối cảnh toàn cầu hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nêu con người là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam phát triển văn hóa để xây dựng con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Gần đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xem văn hóa là một yếu tố then chốt để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa đúc rút ý nghĩa và giá trị vượt thời đại của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, đồng thời nhấn mạnh: Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau… Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...

Tỏa lan trên mảnh đất tỉnh Đông

Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và thành phố Hải Phòng. Hải Dương được đánh giá là mảnh đất có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú.

Dấu tích từ thời Hùng Vương đến các triều đại lịch sử thời phong kiến nối tiếp nhau là dòng chảy liên tục tạo nên một không gian văn hóa đặc biệt với 1.098 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 127 di tích được xếp hạng quốc gia, tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia. Hải Dương còn là nơi lưu giữ lịch sử về ba danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới, đó là Trần Hưng Ðạo - danh nhân quân sự, Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa, Chu Văn An - người thầy của muôn đời.

Trong bối cảnh chung của đất nước, ngay khi Đề cương ra đời đã mang đến luồng gió mới cho người làm văn hóa tỉnh Đông. Kể từ khi cách mạng thành công cho đến ngày nay, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ luôn được tỉnh quan tâm chú trọng. Với sự vận dụng khoa học, bài bản các giá trị cốt lõi của đề cương, coi trọng giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa vùng miền, tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới, Hải Dương đã phát huy cơ bản những giá trị văn hóa, bản sắc nổi bật của con người tỉnh Đông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trải qua 80 năm, người Hải Dương có thể tự hào vì đã xây dựng được nền văn hóa đặc sắc là sự kết tinh từ những giá trị của phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư, được lưu truyền và thể hiện rõ hơn cả qua các lễ hội truyền thống. Văn hóa tỉnh Ðông được kết tinh từ sự cần cù lao động, sáng tạo, được hình thành, đi lên bằng sức lao động của con người. Người Hải Dương đã tạo ra những sản vật truyền thống, như gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, bánh đậu xanh, bánh gai, mắm rươi, mắm cáy... Hải Dương còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng, như chạm khắc gỗ Ðông Giao (Cẩm Giàng), kim hoàn- vàng bạc Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Ðậu (Nam Sách). Đặc biệt, văn hóa tỉnh Đông ngày nay còn là kết tinh từ truyền thống hiếu học trải qua các giai đoạn lịch sử lâu đời từng được mệnh danh là vùng đất khoa bảng. Có thể nói, giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đông - Hải Dương chứa đựng những giá trị của văn hóa Việt Nam và mang đậm nét văn hóa riêng có của tỉnh Hải Dương, đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo; sự tinh tế, tính giản dị; hiếu học, khéo léo, tài hoa, lạc quan, lãng mạn, khát vọng vươn lên, vượt khó…

Phát huy truyền thống văn hóa phong phú của quê hương, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương luôn xác định văn hóa là điểm tựa, là nền tảng; gắn văn hóa với các hoạt động, các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; văn hóa vừa là động lực phát triển, vừa là đích hướng tới trong quá trình đưa địa phương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và phát huy các giá trị cốt lõi, nét đặc trưng của người xứ Đông - Hải Dương thông qua nhiều chương trình, cuộc vận động lớn.

Nhờ đó, đời sống văn hóa ở tỉnh Hải Dương có sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét, khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có vị trí trọng tâm, được triển khai rộng khắp và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và phát huy vai trò chủ động sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoàn thiện, nhất là hệ thống nhà văn hóa thôn, khu dân cư.

Ngọn đuốc soi đường của người làm nghệ thuật tỉnh Đông

Với sự ra đời của Đề cương văn hóa, mấy mươi năm qua, sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm đặc biệt. Nền VHNT chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng phát triển nhanh chóng, với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng; bảo tồn hiệu quả những giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Nhìn lại quá khứ, trong thời kỳ đất nước còn chìm trong đêm dài nô lệ, Đề cương văn hóa trở thành ngọn đuốc soi đường, tạo thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh Đông đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, Đề cương văn hóa cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh Đông hăng say sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến ngày thắng lợi. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế với sự quan tâm của tỉnh, Đề cương văn hóa tiếp tục là ánh sáng soi đường để đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Đông phát huy tài năng, trí tuệ hòa mình vào với công cuộc xây dựng quê hương đất nước, sáng tác các tác phẩm VHNT có giá trị phản ảnh bức tranh thời đại, quảng bá đất và người Hải Dương đến với bạn bè quốc tế, cổ vũ các tầng lớp nhân dân góp công góp của vào sự nghiệp chung.

Mấy chục năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Đề cương văn hóa, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, VHNT Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng mừng trong xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc.

Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi giúp các văn nghệ sĩ phát huy hết tiềm năng sáng tác của bản thân qua một loạt các hoạt động như: Thực tế sáng tác, hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… Hiện Hội có hơn 240 hội viên, sinh hoạt ở 9 ban chuyên môn, gồm: Văn xuôi, Thơ, Văn nghệ dân gian, Lý luận phê bình, Mỹ thuật, Âm nhạc, Kiến trúc, Nhiếp ảnh và Sân khấu. Khi mục tiêu xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được triển khai, công tác định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc tới các tầng lớp văn nghệ sĩ luôn được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó, quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ được tôn trọng, không khí dân chủ được mở rộng. Các hình thức tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ, hỗ trợ sáng tạo được vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Giải thưởng văn học nghệ thuật Côn Sơn vinh danh, động viên những tác giả có tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng, có sức lan tỏa trong định hướng tư tưởng, thẩm mỹ về đất và người Hải Dương, về công cuộc xây dựng quê hương đất nước, về giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc. Nhờ đó đại bộ phận văn nghệ sĩ của tỉnh tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc.

Để khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm VHNT đi sâu vào giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc, Hội VHNT tỉnh Hải Dương còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương (huyện, xã) trong tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, VHNT, các cuộc thi, các chuyến thực tế sáng tác.

Công tác xuất bản, công bố tác phẩm phản ánh về sự nghiệp xây dựng đất nước, giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc cũng được coi trọng. Từ khi chủ trương xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều tiểu thuyết, tập thơ, tập truyện ngắn, tuyển tập… được xuất bản. Nhiều tác phẩm VHNT của hội viên được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, báo chí Trung ương và địa phương.

Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, bản giấy và online cơ quan ngôn luận của Hội vừa giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT, phát hiện, quy tụ những tài năng VHNT vừa góp phần tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khi chủ trương xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc triển khai, tạp chí vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, vừa tích cực tìm tòi các tác phẩm đi sâu vào vấn đề giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc để đăng tải, giới thiệu. Tạp chí còn tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác VHNTvề đề tải biển đảo, vì bình yên cuộc sống, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Về phía các văn nghệ sĩ Hải Dương, đại bộ phận gắn bó sâu sắc với đất nước và nhân dân, có trách nhiệm cao trong giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc. Các văn nghệ sĩ phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia sáng tác VHNT phản ánh sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, coi việc giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa dân tộc là trách nhiệm hàng đầu của người nghệ sĩ.

Đánh giá lại những thành tựu đạt được, vừa qua tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023) giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong tỉnh thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 trong thời gian 80 năm qua.

Nằm trong chuỗi sự kiện đó, thực hiện Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023), Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm Ảnh nghệ thuật “Hải Dương - Văn hiến và Phát triển”.

 
Các đại biểu cắt  băng khai mạc triển lãm 

Dự khai mạc triển lãm có đại diện lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, thành…; đông đảo các nghệ sỹ nhiếp ảnh, những người yêu thích nhiếp ảnh trong toàn tỉnh.

Phát biểu tại triển lãm, đồng chí Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức triển lãm nhấn mạnh: Năm 1943, khi đó, dù trong bối cảnh chính trị cực kỳ khó khăn, bị o ép tứ bề, nước ta còn chưa được thành lập, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, xác định “Văn hóa chính là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, chính thức ra mắt. Đề cương được coi là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa đã cổ vũ trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam hăng say sáng tạo cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến ngày thắng lợi. Trải qua 80 năm, vượt qua biết bao thăng trầm của lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ và phát triển đất nước, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị, là ánh sáng soi đường, động lực phát triển văn hóa để dân tộc ta từng bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế.

Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023), triển lãm Ảnh nghệ thuật “Hải Dương - Văn hiến và Phát triển” là sự cố gắng, là tấm lòng, tình cảm của các văn nghệ sĩ, của những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật tri ân “Bản Đề cương” vĩ đại này.

Với 80 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác qua các thời kỳ của gần 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu là hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, được ghi nhận tại các triển lãm cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế, Triển lãm giới thiệu đến người xem dấu ấn văn hiến và sự phát triển của tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ qua góc nhìn chân thực và cảm xúc của nghệ thuật Nhiếp ảnh. Các tác phẩm ảnh nghệ thuật trưng bày tại triển lãm tập trung phản ánh sự phát triển, đổi thay của quê hương Hải Dương trong tiến trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đồng thời giới thiệu, quảng bá những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng tiêu biểu của đất và người Hải Dương. Tại triển lãm ảnh nghệ thuật này, người xem sẽ được sống lại những khoảnh khắc rưng rưng với dấu ấn về di tích cổng Thành Đông xưa, khi Thành Đông là 1 trong tứ trấn phên giậu của Kinh thành Thăng Long; được thấy phong cảnh thanh bình ấm áp khi chiều về với những đoàn thuyền ưỡn ngực trần của cánh buồm no gió xuôi ngược trên sông Kinh Thầy qua tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức đã từng triển lãm tại Ru- ma- ni, Liên Xô những thế kỷ trước; thấy được sự tảo tần, vượt khó vừa sản xuất vừa chiến đấu thông qua những “Đường cày đảm đang”, “Lấp lánh ánh vàng” của tác giả Văn Quang Đức, Trần Quang Thông; thấy được truyền thống văn hóa bền bỉ với cội rễ vững bền về văn hóa qua các tác phẩm về di tích Kiếp Bạc, Côn Sơn, An Phụ, qua nghệ thuật biểu diễn chèo, tuồng, rối nước, hay lễ hội quân trên sông Lục Đầu, trò chơi Pháo đất của các nghệ sĩ Văn Cả Quyết, Thiện Tín, Hoàng Hiệp, Tiến Thành, Đỗ Thanh Mai, Nguyễn Đức Toàn, Trần Tuấn, Tăng Bá Hanh, Trương Thế Dùng... Thấy được sự phát triển bứt phá trên các lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế thông qua các tác phẩm của những nghệ sĩ Văn Hồng, Mạnh Hiển, Phùng Tuệ, Trường Thông, Xuân Tiến... Tại triển lãm này, người xem cũng được nhắc nhớ về truyền thống văn hiến, về bề dày văn hóa của từng mảnh đất quê hương với sự góp mặt những dấu ấn di tích, văn hóa, lễ hội... của 12 huyện thị Kinh Môn, Chí Linh, Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Gia Lộc và thành phố Hải Dương... Mỗi huyện thị ấy với những nét đặc trưng là một mảnh ghép văn hóa làm nên một bức tranh rực rỡ đa sắc màu, giàu trầm tích văn hóa, văn học nghệ thuật của Xứ Đông xưa, Hải Dương nay.

Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Hải Dương - Văn hiến và Phát triển” không chỉ là một sự kiện văn hóa, VHNT quan trọng tuyên truyền, kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023) mà còn lời nhắn nhủ của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn tin tưởng, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; gắn bó sâu sắc, mật thiết với đất nước và nhân dân; hết lòng phụng sự Tổ quốc, dân tộc… 
 
Đinh Ngọc Hùng 
Các tin mới hơn
Đại thắng 30 - 4 – 1975 Đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc (17/05/2024)
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam(17/05/2024)
Về thăm Tiên Lữ(17/05/2024)
Mùa hoa bưởi(17/05/2024)
Cuộc gặp năm mươi năm(17/05/2024)
Các tin cũ hơn
Trang văn nghệ trẻ: Truyện thiếu nhi "Ước mơ mùa xuân" của Đoàn Ngọc Minh(15/02/2023)
Én ơi!(14/02/2023)
Chuyện làng văn nghệ: "Nguyễn Bính với nhuận bút một bài thơ Tết" của tác giả Nguyễn Hữu Phách(14/02/2023)
Nụ cười(13/02/2023)
Tiểu phẩm vui: "Ước mơ của lão Mão" của tác giả Dzuy Tiến(13/02/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na