***
Ông làm nghề xiếc rong, bán thuốc đau lưng đau xương trên khắp các chợ của mọi vùng quê miền Bắc. Khi sinh ra cậu con trai quý tử, ông bà muốn tìm cho cậu một cái tên thật đặc biệt mà tranh cãi mãi không thuận, thành ra lên 3 tuổi mà cậu bé vẫn chỉ được gọi là: “Ba Tò Lóe”. Ba Tò Lóe là tên của một con rối tay, thường xuất hiện trong các gánh xiếc rong trong những năm của thập kỷ 40,50,60 thế kỷ trước. Mỗi khi muốn đánh lừa sự chú ý của khán giả để cho một trò diễn mới xuất hiện, ông lại cầm cây roi gió (1) trên tay phải, quất đánh đét một nhát vào không khí, tạo ra một tiếng nổ “ Bốp” đồng thời quát to:
- Ba Tò Lóe!
- Chi chít!
Tiếng trả lời cũng do chính ông bóp cái còi giấu trong bụng con rối mà thành. Cứ thế, cứ thế, vở kịch vui do người và Ba Tò Lóe đơn giản mà đã đem lại bao tiếng cười cho nhiều lứa tuổi. Gánh xiếc rong thu hút nhiều người xem và thuốc cũng bán được nhiều, đủ sức nuôi cả nhà và các bạn diễn. Trong một lần, ông vừa quát to: “Ba Tò Lóe!” thì một cậu bé chạy ra, nhoẻn miệng cười đáp trả: “Chi chít!” Dân chợ đang quen với con rối tay, nay thấy một chú bé bằng xương bằng thịt thì vỗ tay vang trời. Hôm đó thuốc bán nhoáng một cái đã hết veo, cả gánh xiếc vui lắm nhưng ông thì lại ngậm ngùi chua xót trong lòng: “Chả lẽ rồi con ông suốt đời là một con rối?”. Ông quyết chí bỏ nghề xiếc rong bán thuốc, về quê làm mộc, tìm người hay chữ đặt cho con trai cái tên. Vì cậu cầm tinh con mèo nên Mão là tên chính thức của cậu từ đấy.
Mão lớn lên nhờ gạo quê, tép đồng với các trò vui cùng đám trẻ con cùng trang lứa. Khi vui thì: “Thả đỉa ba ba, con đỉa đeo bà, con gà tục tác, mỏ nhát cầm chầu, con mèo cầm lái, con rái chạy buồm, con tôm tát nước, vọc nước giỡn trăng”; “Con mẻo con mèo, mày trèo cây duối, mày nấp vô bụi, mày lủi lên trên, mày ngó sang bên, mày co cái cẳng, mày ngoẳng cái đuôi, mày chộp cái mồi, chết cha con chuột.” Trong đám bạn bè có thằng phàm ăn theo kiểu: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” nên to béo, coi thường những đứa khẳng khiu, mới vào trận đã cho đối phương ngã bổ chửng. Nhưng thằng gầy không chịu, nếu chỉ vật có một keo thì chưa biết: “Mèo nào cắn mỉu nào” phải chơi đủ 3 keo mới rõ cao thủ: “Ba keo thì mèo mở mắt”. Mão học lỏm của lớp học trong đình làng được vài chữ, tuy không mấy thông minh nhưng được cái chịu khó, vì: “Mèo đi học ba năm cũng được bồ chữ”, huống chi là người. Chẳng mấy chốc mà Mão đã bước vào tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Vào đời, anh Mão đi làm thuê, thôi thì ai thuê gì làm nấy: “Mèo nhỏ bắt chuột con” mà. May nếu gặp được người chủ tốt bụng khen anh trẻ khỏe, chịu khó, có chí thì ắt sẽ nên người như: “Mèo con bắt chuột cống”. Không may gặp người chủ hà tiện, bủn xỉn: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”; khi bực mình người khác lại trút giận qua những người ăn kẻ ở: “Đá mèo, quèo chó”; “Chửi chó mắng mèo”. Khốn nỗi, những người ấy tuy giầu có mà nhân cách thì có ra cái gì. Có tật xấu thì: “Giấu như mèo giấu c...”. Thấy cái lợi lập tức tỏ ra thèm thuồng, háo hức một cách quá lộ liễu: “Như mèo thấy mỡ”. Lạ một điều là những người đó lại rất coi thường nhau, đúng là: “Chó chê mèo lắm lông”; “Lợn chê mèo có lắm lông, kì tình lợn cũng bằng ông con mèo”. Nhiều đận, anh Mão đã muốn cho những kẻ bất nghĩa ấy một trận rồi muốn ra sao thì ra; nhưng bố anh khuyên giải, mình là phận tôi tớ: “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo?”; “Mèo quào không xuể phên đất” đâu, đừng có dại làm một việc nguy hiểm, liều lĩnh: “Chuột cắn dây buộc mèo”; “Chuột gặm chân mèo”; “Mèo vật đụn rơm”, mà uổng công, vô ích. Nghe bố khuyên giải, anh Mão: “Tiu nghỉu như mèo cắt tai”, anh lại chí thú đi làm thuê nhưng cũng từ đó anh cạch mặt những kẻ tham lam, keo kiệt, thâm hiểm.
Nhằng một cái, đến lứa: “Tam thập nhi lập”, anh đã dành dụm được tý vốn, tuy nhỏ nhưng đủ để giúp anh làm vài chuyến buôn bè, lại nhờ chịu khó nên anh cũng đã có: “Bát ăn bát để”, họ hàng giục giã chuyện vợ con mà mãi chẳng tìm được ai, (hoặc cũng có thể là không có cô nào thèm để ý đến anh). Anh Mão buồn lắm, nhưng vẫn hy vọng, thôi thì: “Còn duyên anh cưới ba cheo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng anh cũng kén ra phết, quyết không tìm loại gái lăng loàn khiến người đời khinh ghét: “Mèo mả gà đồng”; “Chó khô mèo lạc”; “Mèo đàng chó điếm”; “ Chó vả đi mèo vả lại”. Người đần độn, ngu ngốc hoặc không có tài năng như: “Chó gio, mèo mù”, càng không làm anh để ý. Lại có những cô tự đề cao mình, mặc dù chẳng: “Sắc nước hương trời” mà cứ: “Mèo khen mèo dài đuôi”. Hoặc người có tính cẩu thả, hời hợt, làm việc ẩu, không đến nơi đến chốn: “Rửa mặt như mèo”, anh cũng không muốn kén. Anh Mão tuy không giầu nhưng có lòng tự trọng cao, không muốn lấy vợ nhà giầu vì anh sợ người đời cho anh là loại: “Chuột sa chĩnh gạo”; “Mèo mù vớ cá rán". Anh chỉ chú tâm tìm con gái nhà lành, nghèo cũng được, vì bố anh dạy: “Mèo không chê chủ khó, chó không chê chủ nghèo”. Thấy bạn bè cùng trang lứa, có những kẻ: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” mà lấy được vợ đẹp, đã có lúc hận đời: “Con mèo, con mẻo, con meo; Ai dạy mày trèo, mà chẳng dạy tao?”. Nhưng rồi những kẻ: “Làm như mèo mửa” lại được trời có mắt, xe cho cô gái tuy xinh đẹp mà lười hơn hủi: “Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi, vợ anh đẹp lắm, bắt ruồi nấu canh”; “Mèo nằm trổ máng vênh râu, chuột chạy không bắt, lắc đầu nghêu ngao”. Chẳng mấy nả, các cặp đôi ấy tưởng: “Vợ với chồng như hồng với cốm, nào ngờ như chó đốm mèo khoang”; việc nhà thì đùn đẩy nhau: “Chó tha đi, mèo tha lại”; “Yêu nhau như chó với mèo”. Tan vỡ đến rất nhanh, khác chi: “Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. Năm tháng qua mau, trời không phụ người chăm chỉ, không để: “Cơm treo, mèo nhịn đói”, tuy đã vài lần: “Tiếc công anh lên đảnh xuống đèo, cầm sào thọc chuột cho mèo nẫu ăn”. Nhưng rồi anh cũng tìm được người vợ như ý: “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”.
Ngày qua ngày, vợ chồng biết bảo ban nhau làm ăn, ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, không tị nạnh nhau: “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”. Anh không bao giờ bắt vợ làm những việc: “Không có chó bắt mèo ăn c…” mà chỉ dặn vợ luôn cảnh giác đề phòng, đối phó với các thủ đoạn trộm cắp: “Chó treo, mèo đậy”. Trải qua đời làm thuê thuở hàn vi nên anh biết: “Có ăn nhạt mới thương đến mèo”, vì thế, đối với người làm trong nhà phải khoan hòa, thương yêu thì họ mới tận tụy vì mình. Càng không bao giờ đổ điều tiếng gì oan cho họ: “Chó già ăn vụng cá khô, ông chủ không thấy đổ hô cho mèo”.
Vợ anh đúng là con nhà lành, chị không có tính ngồi lê mách lẻo, chê bai chồng: “Chồng người vác giáo săn beo, chồng em vác đũa săn mèo khắp mâm”; “Đánh giặc mà đánh tay không, thà về xó bếp giương cung bắn mèo”. Chị cũng luôn nhắc anh đừng bao giờ: “Mỡ để miệng mèo, gươm treo chỉ mảnh” chớ: “Mèo tha miếng thịt thì đòi, Hổ tha con lợn mắt coi trừng trừng”; đừng làm ơn cho kẻ có thể hại mình như: “Chuột cắn dây buộc mèo” ; Tránh xa những kẻ: “Mèo khóc chuột”; "Mèo già hoá cáo". Bản thân chị luôn tâm niệm: “Biết đủ là hạnh phúc” nên không bao giờ: "Mèo miệng đòi ăn xôi vò"…
… Lại nhoằng cái nữa, anh Mão đã trải qua một lục thập hoa giáp, lên ông, có người đã gọi ông bằng lão. Lão cũng hay, người lớn tuổi thì không còn bạo gan như kẻ thanh niên: “Mèo già thua gan chuột nhắt”, lão sẽ giao mọi việc làm ăn trong nhà cho con. Dặn con biết tằn tiện chi tiêu thì không bao giờ sợ túng thiếu: “Mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn”; cứ kiên nhẫn, siêng năng kiên trì: “Rình như mèo rình chuột” cho đến khi được việc mới thôi, sự thành công ắt sẽ tới. Còn vợ chồng lão, sang năm Quý Mão, lão sẽ cùng vợ gia nhập một tổ chức làm từ thiện, giúp cho những người còn khốn khó.
***
Tiếng động của chú mèo tam thể chạy trên đầu làm lão Mão bừng giấc. Cuốn phim quay chậm về cuộc đời khiến lão mỉm cười khoan khoái. Đêm 23 Tết se lạnh nhưng lão vẫn thấy ấm lòng.
Ghi chú (1) - Roi gió: Là một cây roi có tay cầm bằng tre già, ngọn roi bện bằng dây vải hoặc sợi đay, khi vung roi và giật mạnh trở lại, ngọn roi sẽ bung ra, bị tước đầu và phát ra tiếng nổ. Roi gió là một đạo cụ quen thuộc của các diễn viên xiếc trước đây.