Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Tiến sĩ Đỗ Quang, danh nhân xứ Đông tuổi Mão" của tác giả Nguyễn Thị Huê
10/02/2023 12:00:00

Đỗ Quang còn có tên là Đỗ Tông Quang, sinh ngày 25 tháng 9 năm Đinh Mão năm Gia Long thứ 6 (1807) tại làng Phương Điếm, xã Văn Lư, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (nay là Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi khoa bảng. Ông nội là Đỗ Khắc, đậu Tú tài năm Giáp Ngọ (1774) làm tri huyện Nam Trực. Bố là Đỗ Ngoạn, đậu tú tài. Đỗ Quang từ nhỏ đã là một cậu bé thông minh hiếu học, năm 18 tuổi đã đậu tú tài. Ba năm sau (1828) ông đỗ cử nhân, được xung chức Hành tẩu bộ Binh. Năm 1830 cai quản 3 huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Bình Chính. Năm 1831, giữ chức sơ khảo trường thi Thừa Thiên.

 

  
Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832), ông thi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, được giữ chức Hàn Lâm viện, trực học sĩ biên tu, tham gia biên soạn 2 cuốn sách “Đại nam Thực lục tiền biên” và “Ngọc Điệp” (gia phả của các vua Nguyễn). Từ năm 1935 - 1847 ông lần lượt giữ các chức vụ: Tri phủ Diễn Châu, Án sát tỉnh Quảng Trị, Công bộ thị lang, Lại bộ thị lang, Giám khảo trường thi Gia Định, Lang trung, sung vào Ban tuyển quyền của triều đình, làm giảng quan, duyệt quyển thi đình, thăng tham tri Bộ Lễ...

Năm 1848, Đỗ Quang làm tuần phủ Định Tường, là một trong 3 tỉnh cũ ở miền Đông Nam Kỳ, Việt Nam và là một trong sáu tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh) vào thời Nhà Nguyễn độc lập. Một vùng đất xa xôi với nhiều phong tục tập quán khác lạ so với quê hương ông. Tuy nhiên, trong tám năm làm Tuần phủ ở đây, ông luôn luôn chăm lo đời sống cho dân. Thương dân nghèo do thiên tai mà đói khổ, ông đã tự ý giảm thuế cho dân, do vậy mà thất thu 300 quan tiền và 100 lạng bạc. Biết tin vua Tự Đức đã cách chức ông, phạt tội trượng đồ. Khi phúc tra ông được minh oan.

Đỗ Quang là người nổi tiếng thanh liêm, công minh chính trực. Khi làm quan, ông thường xuống tận thôn xóm để tra xét quan lại, lý hào ức hiếp, cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân. Bọn cường hào kinh hãi mang lễ vật đến biếu nhưng ông kiên quyết không nhận. Hồi đỗ Tiến sĩ ông không ngồi kiệu mà đi bộ về làng. Khi nghe tin gia đình ông chỉ có ngôi nhà một gian hai trái, vua Tự Đức đã cho mang từ Thanh Hóa ra tặng một tòa nhà gỗ lim, khi cất lên cần lấy thêm đất của nhà hàng xóm, ông tâu vua khước từ. Điều này cũng được ghi trong sớ phúc tra minh oan cho ông: “Đỗ Quang làm quan thanh bạch, liêm khiết, nhân dân kính trọng như cha, bình thường sao được lòng dân như thế. Xin miễn tội để nâng đỡ người liêm khiết”. Sau ông được phục chức, làm Bố chính Nam Định. Năm 1856, thăng Quang Lộc tự khanh, làm giảng quan ở Kinh đô.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Đỗ Quang đứng hẳn về phe chủ chiến, kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1860, ông làm Tuần phủ Gia Định. Ông cùng với tổng thống quan vụ, đại thần Nguyễn Tri Phương hợp sức đánh giặc. Trong hai trận kịch chiến, quân triều đình đã giết hàng trăm tên địch, được triều đình trọng thưởng.

Trong hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đỗ Quang cùng với Bình tây Đại nguyên soái Trương Định đã chiêu mộ binh sĩ, phát triển thế lực, tích lương đúc súng, đẩy mạnh hoạt động kháng chiến từ Gò Công, Tân An đến Chợ Lớn; từ duyên hải đến biên giới Campuchia. Ông chỉ huy nhiều trận, diệt 2000 quân pháp. Trong khi đó, triều đình Huế nhu nhược, ký hòa ước 5-6-1862 dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Trương Định bị điều về Phú Yên, Đỗ Quang về làm Tuần phủ Nam Định. Ông đã dâng sớ, dùng lời lẽ ôn tồn xin cáo quan về quê dạy học. Sớ có đoạn viết “Thiết nghĩ tôi kém tài năng, được phụng chỉ triệu hồi, nghĩ đến nghĩa sĩ vì nước đã quyên tiền của, ra sức chiến đấu mà phải chịu cảnh người dân mất nước, lòng đau như cắt. Như tôi trên phụ lòng vua, dưới phụ lòng bách tính. Tội tôi không chối cãi được. Nếu nay tôi lại nhậm chức được thăng thì sĩ dân Gia Định sẽ nhận xét tôi ra sao? Dư luận thiên hạ sẽ bảo tôi như thế nào? Lòng dạ tôi xấu hổ nhường bao! Xin nhà vua tha cho về với làng mạc ruộng vườn, có vậy mới hả lòng cái giận của sĩ dân và bảo tồn được liêm sỉ khí tiết của hạ thần...”.

Về lại quê nhà không lâu, năm 1863, ông lại được lệnh triệu vào kinh làm Tham tri bộ Hộ, nhưng ông cũng viện cớ xin thôi.

Năm 1864, miền Hải Dương, Quảng Yên bị giặc biển quấy nhiễu, dân tình hết sức khổ cực. Đến lúc ấy, ông mới ra nhậm chức Tham tán Hải An. Nhưng sau khi tình hình trong vùng ổn định, ông lại trả ấn trở về.

Năm 1866, Đỗ Quang lại có lệnh triệu làm Tuần phủ Bắc Ninh. Ra giúp dân được ít lâu, vào tháng 7 (âm lịch) cùng năm, ông bị ốm nặng, phải xin vua cho về nghỉ. Ngày 7-8 năm Bính Dần (1866) ông mất tại quê nhà. Triều đình Huế vô cùng thương tiếc, vua Tự Đức có sắc dụ tưởng niệm ông, có đoạn viết: “Cố Tuần phủ Đỗ Quang, nổi danh khoa giáp, rạng rỡ hàng quan. Trong triều, ngoài trấn thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng. Từ Nam ra Bắc mấy bận bôn ba, vất vả, khổ ải, gian nan, người người đều ca ngợi... nay truy tặng: Tư Thiện đại phu, Lễ bộ Thượng thư, ban tên thụy là Trang Lượng...”.

Hiện nay Tiến sĩ Đỗ Quang còn để lại một số tác phẩm như: Vạn cổ khai quân mông li tập, Sớ không nhậm chức Tuần phủ Nam Định; tham gia biên soạn hai bộ sách: Đại Nam Thực lục Tiền biên và Ngọc Điệp. Ngoài ra ông cũng là tác giả một số bài minh văn được khắc trên bia, chuông đồng, như tấm bia đá “Lương Sơn huyện bi ký” (Bia ghi huyện Lương Sơn) hiện đang lưu giữ Trung tâm văn hoá huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tấm bia tạc theo phong cách tạo hình đầu thời Nguyễn. Trán bia khắc hình “lưỡng long triều nhật”, xung quanh thân bia là hoa lá uyển chuyển và thanh thoát. Hai mặt bia đều khắc chữ Hán chân phương. Nội dung văn bia ca ngợi truyền thống hiếu học, trọng lễ nghĩa của huyện Lương Sơn nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Hàng chữ cuối ở mặt trước tấm văn bia có ghi rõ: “Tứ Nhâm Thìn khoa đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, Trung Thuận đại phu, Hồng Lô tự khanh, Lãnh Nghệ An đẳng xứ địa phương Thừa tuyên bố chính sứ ty Bố chính sứ Đỗ Quang soạn”. Dịch nghĩa “Vua ban Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Nhâm Thìn, Trung Thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, nhận chức Bố chính sứ ở ty Bố chính sứ địa phương các xứ Nghệ An, Đỗ Quang soạn”.

Đỗ Quang làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, là vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là những người cùng khổ, được nhân dân ca ngợi là bậc “Dân chi phụ mẫu”. Ông cũng nổi tiếng với tài thao lược và lòng yêu nước; là một trong những vị anh hùng đầu tiên đứng lên chống lại giặc Pháp xâm lược.

Cảm mến đức tài của ông, nhân dân đã lập bài vị thờ tại đền Hiền Lương (Thừa Thiên Huế) và lập văn tế và bài vị tôn thờ tại đình Phương Điếm - quê hương ông. Mộ Tiến sĩ Đỗ Quang và đình Phương Điếm đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia ngày 5/9/1989. Hằng năm cứ vào dịp tháng 8 âm lịch nhân dân Phương Điếm lại náo nức chuẩn bị lễ hội truyền thống để tỏ lòng thành kính tri ân tới các vị thành hoàng làng, danh nhân, người có công với quê hương, đất nước, trong đó có Tiến sĩ Đỗ Quang - Người con của quê hương Hải Dương, một vị quan văn võ toàn tài, yêu nước, thương dân nổi tiếng trong lịch sử với sự thanh liêm, chính trực, cần mẫn, thận trọng đã được ghi vào sử sách. Ông là danh nhân văn hóa xứ Đông và mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp các thế hệ con cháu học tập và noi theo.r

------------

Tài liệu tham khảo

- Hồ sơ di tích đình Phương Điếm (Kho Bảo tàng tỉnh Hải Dương năm 1989).

- Sách Hải Dương di tích và danh thắng tập 1. Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương năm 1999.

- Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, NXB Văn học 2006.

- Sách nhân vật lịch sử Hải Dương, Thư viện tỉnh Hải Dương, năm 2006.

- Sách Tiến sĩ Nho học Hải Dương.

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Văn nghệ dân gian: "Giai thoại về sự học của hai quan đại khoa Phạm Trấn và Đỗ Uông" của tác giả Phạm Chức(09/02/2023)
Sân khấu: Vở chèo 5 lớp "Mùa xuân ấm áp" của NSƯT Khúc Hà Linh(07/02/2023)
Tâm sự xuân(07/02/2023)
Xuân đến(07/02/2023)
Tác giả, tác phẩm: "Trọn đời cống hiến cho văn học nghệ thuật" của tác giả Ngọc Hùng(07/02/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na