Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Trọn đời cống hiến cho văn học nghệ thuật" của tác giả Ngọc Hùng
07/02/2023 08:02:59

 
Tác giả Nguyễn Quốc Văn trải lòng về khát vọng cống hiến cho văn học nghệ thuật 

 

Ở tuổi 85, tóc, râu phơ phơ trắng nhưng ông vẫn “cưỡi” trên chiếc xe cup tri kỉ rong ruổi khắp các làng quê trong tỉnh để nghiên cứu, thu thập tư liệu. Ông là Nguyễn Quốc Văn, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; hội viên Ban Văn nghệ dân gian Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương; hội viên Hội Sử học Hà Nội; hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. 9 năm được đào tạo chính quy trong các trường nghệ thuật, ông được biết đến là tác giả đa tài, đã công bố tác phẩm công trình ở nhiều loại hình nghệ thuật trong và ngoài nước, được trao tặng nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương. Có tận mắt thấy những công trình, tác phẩm ông viết, vẽ mới khâm phục tâm huyết và sức sáng tạo vô biên của ông.

Sinh năm 1938 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Thượng Cốc, Gia Khánh (Gia Lộc), ông sớm giác ngộ cách mạng, trở thành chiến sĩ ở tuổi thiếu niên thời chống Pháp. Được gia đình cho ăn học, ông cũng sớm bộc lộ năng khiếu văn học nghệ thuật, thi đỗ vào trường trung cấp nghệ thuật tạo hình (khi đó chưa có hệ đại học). Tốt nghiệp, năm 1960, ông về công tác tại Ty Kiến trúc Hải Dương.

Năm 1965, ông tiếp tục thi đỗ Đại học Mỹ thuật song theo tiếng gọi của Tổ quốc, quyết định gác lại bút nghiên lên đường nhập ngũ. Năm 1967, ông vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam khi chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. 8 năm chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ, trực tiếp tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và nhiều chiến dịch lớn khác, ông 4 lần được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Song mang trên mình 11 vết thương, là thương binh loại A hạng 2/4, ông được xuất ngũ điều ra Bắc công tác.

Thực hiện ước mơ còn dang dở, năm 1974 ông tiếp tục vừa học Đại học Mỹ thuật vừa giảng dạy bộ môn về điêu khắc cổ truyền ở một số khoa của các trường đại học và các trường nghệ thuật các tỉnh thành. Ông còn là tác giả biên soạn cuốn giáo trình giảng dạy môn Điêu khắc cổ truyền Việt Nam, ấn hành năm 1974. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục, phụ trách mảng biên soạn mỹ thuật sách giáo khoa.

Đa tài cộng với niềm đam mê, miệt mài sáng tạo, ông lần lượt công bố tác phẩm công trình ở nhiều loại hình nghệ thuật và vinh dự được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các hội chuyên ngành khác. Các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của ông phải kể đến: “Thiếu nữ đồng chiêm”, giải B Triển lãm Mỹ thuật thủ đô; “Địa đạo Củ Chi”, “Người đi săn phượng hoàng bay”… Miệt mài sáng tác, đến nay, ông đã cho ra đời hơn 200 tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại: tranh, tượng.

Song hành cùng mỹ thuật, tác giả Nguyễn Quốc Văn bén duyên với văn nghệ dân gian cũng từ những ngày lặn lội các miền quê tìm tòi tư liệu nghiên cứu viết giáo trình môn Điêu khắc cổ truyền Việt Nam. Những ngày đó, mỗi khi có thời gian, ông lại tự lên kế hoạch các chuyến điền dã để về các địa phương nghiên cứu, sưu tầm, thu thập tư liệu. Có những chuyến đi vào các địa phương phía Nam phải mất nhiều ngày với điều kiện sinh hoạt vô cùng kham khổ. Và sau mỗi chuyến điền dã đó, khi trở về ông lại miệt mài ngồi vào bàn viết. Từ sự lao động không mệt mỏi, ông và những người bạn lần lượt công bố nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian giá trị: “Chi Nê, làng khoa bảng thời xưa”, Bảo tàng Hà Tây xuất bản năm 1992; “Làng Liên Bạt xưa và nay”, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hà Tây xuất bản năm 1997; “Truyện dân gian Hải Dương”, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản năm 1995; “Văn nghệ dân gian Hải Dương”, tập I, Hội VHNT Hải Dương xuất bản năm 2013. Ngoài ra ông còn có nhiều bài chuyên khảo in trên các báo, tạp chí, sách của Trung ương và địa phương...

Kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ năm 1994, sau khi nghỉ hưu được lãnh đạo Hội động viên, ông đã về quê cùng một số hội viên tập hợp vận động thành lập chi hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Hải Dương. Ông tâm sự, lí do ông chọn mảnh đất quê hương để nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian những năm cuối đời vì: xứ Đông là đất giàu có về văn nghệ dân gian. Nguồn tài nguyên quý báu đó nếu không được nghiên cứu, sưu tầm, khai thác sẽ mai một mất đi rất đáng tiếc.

Quả ông đã làm đúng những gì mình nói. Năm 2017 cuốn “Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông” dày 1.111 trang do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành đã ra mắt bạn đọc. Nghe ông kể về quá trình hoàn thành tác phẩm đủ thấy nếu không phải vì niềm đam mê cống hiến thì khó mà thực hiện được. Để viết cuốn sách trên ông phải bỏ công thu thập tư liệu, nghiên cứu trong 7 năm. Trong quãng thời gian đó, ông đến từng gia đình, dòng họ để ghi chép tư liệu. Có những gia đình đã chuyển sang Mỹ, Úc định cư, ông phải viết thư để họ cung cấp thông tin về gia phả. Ngần ấy năm, người làng Thượng Cốc đã quen với hình ảnh một ông lão râu tóc bạc phơ ngày ngày quanh quẩn bên các ngôi mộ cổ vạch cỏ đọc từng chữ Nho còn sót lại trên bia mộ. Tính cả 3 năm viết, ông phải mất 10 năm để hoàn thành tác phẩm. Để đưa đứa con tinh thần đến với đời sống, ông đã phải bỏ ra hơn 70 triệu đồng in ấn. Tác phẩm đã xuất sắc được trao tặng giải A giải Văn học Nghệ thuật Côn Sơn- Hải Dương năm 2016-2020 ở mảng Văn nghệ dân gian.

Sau cuốn “Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông”, ông lại bắt tay hoàn thiện cuốn “200 năm các ông quan đầu trấn, đầu tỉnh Bắc Kỳ (1745-1945)” dung lượng 3 tập. Hiện nay, ông đã xuất bản tập 1 dày 400 trang nói về các đời đầu trấn, đầu tỉnh đã có công đóng góp xây dựng mảnh đất Hải Dương. Bản thảo hai tập còn lại cũng đã gửi đến nhà xuất bản.

Không chỉ tâm huyết với mảng văn nghệ dân gian, tác giả Nguyễn Quốc Văn còn sáng tác rất nhiều thơ. Thơ ông chủ yếu nói lên cảm xúc với quê hương đất nước, nhân tình thế thái, gia đình, bè bạn và những chiêm nghiệm sâu sắc trong cuộc đời. Ông đang chuẩn bị bản thảo để sau Tết sẽ in ấn một tập thơ tập hợp các tác phẩm sáng tác từ thời gian còn ở chiến trường đến nay khoảng 400 trang.

Tác giả Nguyễn Quốc Văn chia sẻ: “Càng già càng thấy mình bận vì nhiều việc quá chưa làm được trong khi quỹ thời gian không còn nhiều. Công việc viết lách và nghiên cứu, sưu tầm, nhất là mảng Văn nghệ dân gian đòi hỏi sự dụng công vô cùng. Nếu mình không tham lam e rằng qua thời gian sẽ có rất nhiều những di sản, tư liệu, con người nắm giữ tri thức dân gian mai một, mất đi”.

Ngoài kia sắc xuân đã về trên cành đào Tết. Xuân mới chúc người đảng viên già 56 năm tuổi Đảng, lão tác giả Nguyễn Quốc Văn mãi minh tường khỏe mạnh để thực hiện khát vọng cống hiến cho văn học nghệ thuật. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mục Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Ấn tượng Con của đảo" của tác giả Nguyễn Duy Chung(06/02/2023)
Như gốc đào tươi…(06/02/2023)
Tình biển tình anh(06/02/2023)
Câu đối (06/02/2023)
Mục Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Mùa xuân trong thơ trung đại Việt Nam" của tác giả Nguyễn Thị Lan(06/02/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na