Nhân Vật
1. Khang: Thương binh, giám đốc công ty, 50 tuổi
2. Hường: Vợ Khang, 48 tuổi
3. Bà Lê: Người trong phố, 54 tuổi
4. Ông Hợi: Nhân viên bảo vệ, 60 tuổi
5. Thất: Con bà Lê
6. Bà Doanh: Người trong phố, 52 tuổi
7. Tên khách lạ
8. Tùng “gỗ lim”: Hồn liệt sĩ
Lời giới thiệu
Khang là thương binh làm việc trong một cơ quan nhà nước, cơ chế bao cấp, anh cảm thấy gò bó, xin nghỉ chế độ về quê lập nghiệp, với chí hướng của mình.
Vở chèo ngắn “Mùa xuân ấm áp” , ca ngợi những nhân tố mới đang nảy sinh trong cuộc sống: Đó là tấm gương phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, người thương binh trên mặt trận lao động sản xuất, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương trong thời kỳ đổi mới….
Lớp một
(Cảnh nhà Khang - Chập tối. Những ngày đầu lập nghiệp. Bài trí sơ sài, chiếc bàn gỗ nhỏ, góc nhà có thùng các tông)
Hường: (Đi ra vẻ sốt ruột, nhìn đồng hồ treo tường rồi lại thẩn thơ)
Nói vần: - Lạ thật! Mọi hôm giờ này đã thấy anh về. Sao nay muộn rồi, vẫn chưa trở lại. Nghĩ thương chồng phải nắng mưa dầm dãi. Tìm thị trường chẳng ngại sớm hôm
Hát “Đường trường vị thủy”:
Đêm đã chuyển i i chứ nay đêm sắp i i xuống rồi,
í i ánh trời mà trời thẫm ii
Anh ở nơi nao, và cớ sao vẫn lặng lặng vì sao (LK)
Em hỏi rằng anh ơi,
i nào ii nào bây giờ chứ anh đang ở nơi đâu
Chứ ở nhà nay em ngóng đợi ii (LK)
(ơi chứ chờ) để chờ lâu có một mình ii (LK)
(Với khán giả ):
- Kể từ ngày chồng tôi về quê, mở hàng bánh đậu. Chưa một ngày tôi hết nỗi lo âu. Vết thương khi trở giời, xương nhức mình đau. Vừa dậy được, vội đi bán hàng, nắng mưa dầm giãi.
(Có tiếng gọi trong sân khấu: Nhà chị Hường có ai không nhỉ?)
Hường: - Dạ có tôi đây! (Ra cửa)
Bà Lê: (Vào nhà nhìn ngang ngửa tứ phía)
Hường: - Kìa, bác Lê. Bác vào nhà xơi nước.
Bà Lê: - Gớm, sao nhà tối tăm như cái ngục thế này?
Hường: - Bác thông cảm, cái bóng điện chập chờn vừa bị cháy. Phải đợi nhà em về, mới sửa xem sao (Bê ngọn đèn dầu ra)
Bà Lê: - Thế này mà cũng đòi mở tiệm nọ kia (Nhìn quanh nhà). Cái bóng điện hỏng không có mà thay, thử hỏi sản xuất cái gì kia vậy?
Hường: - Dạ. À, bác sang chơi chắc có việc gì chứ ạ?
Bà Lê (Đanh đá): - Sao lại không có việc? Tôi sang là lấy nốt tiền đỗ xanh, chị mua còn thiếu.
Hường: - Ấy chết, em còn thiếu bác 500 nghìn đồng. Hôm trước em đã hẹn là đầu tháng 10 này, xin gửi bác.
Bà Lê: - Thì hôm nay 29 tháng 9 rồi. Hai ngày nữa là bao nhiêu mà không trả nốt đi!
Hát sắp ngắn: - Tôi nay đang có việc cần
Nợ thời phải trả, lần khân làm gì!
Hường: - Dạ, bác nói quá.
Hát Trần tình: - Chỉ còn có nửa triệu đồng/Em xin hẹn bác, cuối cùng là chiều mai/ Dài lâu cũng một hai ngày.
Bà Lê: - Chị nói dễ nghe nhỉ! Nửa triệu bạc với tôi là to lắm.
Hát sắp chợt: Nhà này nửa triệu cũng to/ Còn hơn nhà… cái hũ, cái vò cũng không.
Nói thường: - Này, đừng hão huyền sản xuất kinh doanh. Cứ ôm cái đường sắt, đường tàu mà sống. Ra thị trường cạnh tranh, khó lắm! Hừ, đang yên lành, lại muốn làm ông nọ, bà kia!
Hường (Rơm rớm nước mắt) - Bác đừng nặng lời, em thêm tủi phận. Mỗi con người có số phận khác nhau.
Bà Lê: - Tôi nói thực nhé! Khối người ti toe cũng mở ngành này, nghề nọ. Thành lập văn phòng, cũng khuyến mại, khai trương. Không có vốn, vay tiền lạy lục tứ phương . Rồi sập tiệm, rồi bùng, rồi lặn!
Hường (Cay đắng, nghẹn ngào): - Vợ chồng em không phải hạng người ấy đâu. Đợi nhà em về, nếu có tiền em xin trả nốt.
(Bà Lê lườm nguýt, bỗng nhiên ngoài cửa có tiếng lào xào):
- Có đúng đây là nhà anh không?
- Đúng nhà đây rồi, cửa hiệu mới đây mà.
(Khang lê lết vào nhà)
Hường: (Xô đến) - Trời ơi anh Khang, sao thế này?
Khang - Em ạ, về gần tới nhà anh thấy đất trời nghiêng ngả. Rồi rời tay, xe máy đổ nghiêng. Có đôi vợ chồng lai nhau chạy đến, nâng lên. Rồi dìu về đây, không thì vẫn nằm giữa đường, giữa chợ.
Bà Lê: - Chị Hường, chồng chị về rồi đấy, nào tiền đâu ?
(Khang đã hồi tỉnh, anh ngồi dậy)
Khang: - Tiền gì thế em?
Hường: - Bà ấy đòi tiền mua đậu xanh, mà em còn thiếu. Em hẹn anh về, có tiền trả hết cho xong.
Khang: - Thế thì chết rồi. Hôm nay không thu được một đồng!
Hường: - Bác Lê, bác nghe đấy. Nhà em đi giao hàng từ 3 giờ sáng. Phúc phận may sao vừa thoát chết về nhà. Bây giờ còn ê ẩm thịt da. Bác thương tình, cho em đúng ngày giao hẹn.
Bà Lê: - Tôi không biết. Đâu, túi đâu?
(Bà Lê vớ được cái túi, mở phanh ra đếm) - Đây, một, hai, ba… Ba trăm nghìn. Thế mà dối vợ là không thu được.
Khang (Mếu máo): - Bác Lê, đây là tiền em mang theo để tuỳ thân. Thực ra hôm nay không thu được đồng nào, bác ạ.
Bà Lê: (Xua tay) - Thôi thôi!
Sắp chờ: - Tôi không nghe ai hết/ Tôi không nghe, không biết/ Đã có tiền (Này này a), có tiền phải trả cho tôi!
(Quay lại): - Thôi, nể tình chồng chị ngã xe, tôi cho chịu thêm 2 ngày, coi như làm phúc. Đúng là tinh không có, lại có tướng! (Ngúng nguẩy vào).
(Còn lại hai vợ chồng)
Hường (Than thở): - Bây giờ mới thấu hiểu thế nào là nhất tội, nhì nợ… (Bỗng nhiên Hường nấc lên rồi oà khóc).
Khang (Lao tới): - Kìa em, sao thế này?
Hường (Đầm đìa nước mắt): - Không sao giăng gì hết… Anh đi biền biệt cả ngày. Có nghe những lời đàm tiếu, câu đầy câu vơi. Nợ, vay cũng là chuyện sự đời. Mà buông lời xỉ vả, đặt lời chua ngoa (Thổn thức khóc). Trời ơi, cứ để ba mẹ con tôi sống ở nhà ga. Có đói khát, cũng không thể chết. Không đến nỗi người ta đến tận nhà chì chiết.
Khang (Đã tỉnh dần, đứng lên): - Không sao em ạ. Trời thử gân sức của anh đây mà. Giữa chiến trường đạn bom mà anh không chết. Thì khó khăn này, không cản bước đi lên. À, em cất xe vào nhà, kẻo kẻ gian cuỗm mất, thì biết lấy gì chạy chợ ngày mai. (Hường đi cất xe máy, Khang vuốt vai bị đau)
Nói vần: - Có trời thương nên tai qua nạn khỏi. Chỉ ê ẩm mặt mày, bị sây sát ngoài da. Ngủ qua đêm, rồi sẽ tỉnh ra. Ngày mai mình lại lên đường tiếp thị.
(Ngoài cửa có người gọi : "Có ai trong nhà không?”)
(Một người mặc áo mưa, đeo kính đen vào nhà)
Khách lạ: - Anh có phải anh Khang mới về đây mở tiệm không?
Khang: - Vâng, có việc gì thế anh?
Khách lạ: (Cười khẩy) - Tôi có chuyện …
Khang (Dè dặt): - Anh cứ nói.
Khách lạ: - Anh nghĩ thế nào lại mở hàng bánh đậu ở đây?
Khang: (Tự nhiên) - Tôi mới về nghỉ mở hàng này sinh sống. Sao anh lại hỏi thế?
Khách lạ: - Thế anh không biết đã có bao nhiêu hãng bánh à?
Khang (Cười) : - À, mỗi người có một bí quyết riêng, sản xuất riêng chứ.
Khách (Thay đổi thái độ): - Nhưng anh nên làm nghề khác thì tốt cho anh và gia đình hơn…
Khang: - Ý anh là…
Khách lạ: - Ý tôi là “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Tranh miếng ăn của người khác, (Gằn giọng) trong thời buổi thương trường là chiến trường không thể xong đâu!
Khang (Bắt đầu đề phòng): - Anh nhắc tôi hay là có ý đe doạ?
Khách lạ: - Ai dám đe doạ? Nhưng để an toàn, anh nên thôi đi.
Khang (Giận dữ): - À, có phải mày đến đe dọa tao hả? Tao đã từng xông pha trận mạc. Từng đổ máu xương cũng chẳng sợ gì. Nay, được tự do lựa chọn ngành nghề. Không một kẻ nào có quyền ngăn cản. Mày ra khỏi nhà tao! Cút…
Khách lạ (Cười khinh bỉ): - Á à, thằng này rắn mặt.
Khang (Hét lên): - Đồ khốn nạn, cút ngay đi.
(Tên khách lạ huýt sáo, một tên trùm mặt nạ lao ra. Hắn chém Khang vào bả vai. Hai tên kéo nhau đi. Tiếng máy nổ nghe xa dần.)
Hường (Từ nhà dưới đi lên (hốt hoảng): - Anh Khang, sao thế này!
Khang (Ôm vai): Hường! Chúng… chúng vừa chém anh…
Hường (Giơ tay sờ vai áo chồng): - Trời ơi, máu ! Có kẻ cướp.
Khang (Đau đớn) - Em không nên hốt hoảng. Dẫu không bắt tận tay, không day tận tóc, anh cũng đoán chuyện này, sau lưng chúng là ai… May bị chém sượt vai. Hường ơi, lấy bông băng cho anh cầm máu. (Hường băng cho Khang)
Khang: - Cơ sự thế này, em đừng thêm suy nghĩ . Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi.
Hường (Đau xót) - Anh Khang. Nhìn anh mà lòng em tan nát. Giá kể dạo ấy cứ ở ngành Đường sắt, thì làm sao đến nỗi thế này.
Khang (Đứng lên): - Thôi em đừng than vãn nữa. Anh khỏe rồi ta lại tính chuyện làm ăn. Nay mai tiền về, trang trải nợ nần… (Bỗng có chuông điện thoại. Cả hai vợ chồng mừng vui hớn hở: - Đấy ,chắc ở Bắc Giang chuyển trả tiền hàng đấy. Hường nghe điện: A lô, tôi xin nghe đây ạ. Sắc mặt biến đổi dần) - Dạ, máy nghe không rõ… sao ạ?
Tiếng khách hàng vọng về : - Có phải các người bán bánh cho lợn ăn phải không?
Hường (Lo sợ) : - Dạ, bác bình tĩnh nói rõ xem nào?
(Tiếng trong điện thoại): - Không bình tĩnh được. Bánh mốc. Đồ giả dối.
Hường: - Dạ thưa bác...
(Tiếng máy vọng lại): - Không đền lô hàng, tôi sẽ kiện! (Cúp máy)
(Hường tiếc của, xót đau, ôm chồng mà khóc )
Lớp hai (Lớp phụ ngoài màn)
(Bà Lê vừa đi vừa hát)
Hát sắp: - Thôi thôi chết chắc thật rồi. Còn đâu mà cứ định đòi nhi nhoe! (Bỗng nhiên gặp bà Doanh từ phía kia đi tới)
Bà Doanh: - Kìa, bà Lê. Có cái gì mà chết với sống?
Bà Lê (Trợn trừng): - Buồn cười lắm bà ơi, cái nhà anh Khang…
Hát - Nón thúng quai thao: Ếch nhái trong ao/ Ti toe chỉ chực đớp sao trên trời/ Xem ra ai chẳng bật cười/ Đơn thương độc mã giữa trời bơ vơ/ Muốn oai định phất cao cờ.
Nói vần: - Bà biết không? Hôm trước đi giao hàng rất sớm. Lúc quay về, ngất xỉu quay lơ nằm vật ven đường. Chưa kịp hoàn hồn, có 2 thằng ma cô vào tận cửa hàng. Dọa nạt, rồi băm cho một kiếm, xả vai, thoát chết…
Bà Doanh: - Ôi khiếp quá… Nhưng sao bà biết?
Bà Lê: - Thì chính tôi được nhìn… tận mắt(?)! À mà tôi nghe thế .
Bà Doanh: - Thật ái ngại… hình như là thương binh, tính tình hiền lành dễ chịu…
Bà Lê (Bĩu môi): - Ôi dào, chắc cũng có phốt gì mới phải bỏ cơ quan. Không tham ô, thì cũng là hủ hoá…
Bà Doanh: - Chết, sao bà độc mồm thế? Nhỡ không phải thì sao?
Bà Lê: - Vậy tôi hỏi bà nhé? Là thương binh, giữ chức trưởng tàu chạy tuyến Bắc Nam. Được ưu tiên, lại bổng lộc hàng tấc, hàng gang. Sao bỗng dưng bỏ về, tập tọe học đòi làm bánh? Hả?
Hát sắp chờ: - Thế là tan hoang hết. Chuyến này bao anh chết. Cứ ham giàu, này này a. Ham làm giàu có lúc nhăn răng. (Bỗng có tiếng loa truyền thanh phường )
Tiếng loa: - Đây là bản thông tin của phường… Bà con lắng nghe chú ý. Đội quản lý trật tự giao thông đô thị. Ngăn chặn kịp thời được một tốp thiếu niên rủ nhau đua xe làm mất trật tự an ninh. Khi kiểm tra, bỗng nhiên phát hiện có cả ma túy giấu ở cốp xe…
Bà Lê (Gạt phắt): - Thì gô cổ chúng nó cho chừa đi chứ ?
(Tiếng loa tiếp tục): Người cầm đầu thú nhận tên là Lưu Mục Thất. Có mẹ tên là Lê ở phố hàng Bèo…
Bà Doanh (Vỗ vai): - Ơ này, nghe hình như có cả tên thằng Thất…
Bà Lê (Sợ hãi): - Cái gì? Làm sao có chuyện thằng Thất nhà tôi? Ai mà nói bậy, tôi gạc mồm ra đấy!
(Tiếng loa đọc tiếp): - Mời bà Tiêu Thị Lê , số nhà 9 phố hàng Bèo, là phụ huynh ra đồn công an bảo lãnh…
Bà Lê (Cuống quýt): - Hả? Thằng Thất nhà tôi ư? Ối con ơi là con ơi…!
Bà Doanh: - Thì về mau lên, còn đứng đây kêu giời.
Lớp ba
(Chiến trường xưa. Khang cầm nắm hương đi trong sườn núi )
Khang: - Về giữa đời thường lo toan dựng nghiệp. Nay tôi về thăm lại chiến trường xưa… Ôi, trận địa cũ đây rồi, ký ức hiện về. Tiểu đội giữ chốt năm xưa, biết ai còn ai mất?
Hát Du xuân: 1 - Cây lá rầm rì
Đâu đó tôi nghe, cây lá rầm rì
Hay lời đồng đội (ới i a mà để ) thầm thì đó chăng
Các bạn ơi, đâu chỗ anh nằm?
Nắm đất biên cương, đâu chỗ anh nằm
2 -Tuổi xanh dâng hiến, giữa chiến trường lập công
Bạn với cỏ cây, sương gió lạnh lùng
Giữa thinh không, heo hút mịt mùng …
(Từ khi Khang hát, một bóng người mặc quân phục xuất hiện góc sân khấu. Tiếng văng vẳng): - Có phải anh Khang khu 3 đấy không?
Khang (Như người mộng du): - Đúng rồi, tôi đây, bạn nào đấy ?
Tùng (Quân phục ): - Em là Tùng- Tùng Yên Thế …
Khang: - Ôi, Tùng “gỗ lim”… Tôi nhớ rồi, bạn nằm ở đâu? Sao tôi không nhìn thấy gì?
Tùng: - Em ở rất gần anh, nhưng không thể thấy em đâu. Hôm ấy, anh bị thương được chuyển về hậu cứ. Tổ ba người chúng em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Một chùm đạn đại pháo bập bùng . Chụp vào chỗ em đang nằm kháng cự.
Khang (Hét lên): - Ôi, thật là khủng khiếp!
Tùng: - Chính vì thế mà mọi người không biết. Hàng tháng trời, đồng đội vất vả kiếm tìm em.
Khang: - Vậy Tùng ở chỗ nào? Hiển linh báo cho Khang biết?
Tùng: - Anh có nhìn thấy chùm hoa mua tím biếc? À không , em đã tan trong từng nắm đất . Trong mỗi lá cây, hạt cát biên cương… (Cười). - À, em cũng có chiếc giường cá nhân ở tại quê hương. Gần cha mẹ, cũng thấy lòng ấm áp.
Khang (Xúc động, quay ra với khán giả): - Ôi, đất mẹ thiêng liêng ôm hồn liệt sĩ. Nên nhành hoa thơm tận vô cùng!
Hát Đường trường thu không: - Đã nghe gió thoang thoảng/ Xa vắng giữa không gian / Hay đồng đội, hiện lên thầm gọi/ Sâu lắng đất biên ii cương/ Ôi đâu đây, lắng đọng hồn thiêng / Vang lời non nước (LK)/ Nhắn tới muôn người/ Muôn đời mai sau/ Ông cha ta dựng thành xây lũy/ Giữ vững cơ đồ, vững bền ngàn năm/ Giang sơn này xưa bao đời gan góc/ Nay truyền thống kế tiếp noi ii gương
Khang: - Tùng ơi, các bạn ơi. Tôi may mắn hơn mọi người . Còn sống về chuyển ngành, và nay đang giữa thương trường khắc nghiệt… Không phụ với mọi người đã hy sinh oanh liệt. Thầm hứa chí bền, thắp sáng niềm tin.
Hát Đường trường Bắn thước: Tôi những mong quê mình, đẹp giàu i ì thêm i i i i/ Khao khát mong sao, mai này làm nên thương hiệu/ Trên khắp nơi nơi bao miền, tấm bánh đơn sơ/ Ngọt ngào đậm sắc hồn quê/ Bằng niềm tin yêu đó, dù chịu bao gian khó, quyết chẳng nề.
Khang quay ra, hồn liệt sĩ Tùng biến mất. Tiếng vọng lại: “Em về với núi rừng đây”).
Đèn sáng bừng lên
Lớp bốn
(Ban đêm. Mấy năm sau tại nhà Khang. Bài trí nội thất tư gia của giám đốc công ty Bảo Nguyên)
Khang (Đi lại vẻ tư lự)
Nói vần: - Giờ nghĩ lại cứ như trong mộng. Mới thoắt thôi đã gần chục năm ròng. Từ lúc vốn cò con, vài chục triệu đồng. Xay đậu thủ công, mẻ giòn mẻ cháy
Nói sử: - Từ đất khô hạt mầm nay bật dậy. Cành sum sê, tán lá đã xanh cây.
Ngâm sổng: - Bao nhiêu sóng gió/ Ấm lạnh vơi đầy/ Lên rừng xuống bể/ Nam Bắc Đông Tây/ Vẫn đau đáu hai chữ vàng “chất lượng”/ Mà lao tâm khổ tứ hao gầy
Hát du xuân: - Trăn trở bao ngày/ Tôi nấu nung trăn trở bao ngày/ Nào ai thấu hiểu nỗi lòng này, chăng ai/ Mong tin khắc khoải, mong hoài.
Hường (Trong nhà ra): - Tưởng anh về chiến trường xưa viếng thăm đồng đội. Đã vơi đi những nỗi ưu tư. Vậy còn điều gì, hãy cùng em chia sẻ
Khang: - Em cũng chưa ngủ à? Mới ngày nào từ bốn bàn tay dựng nghiệp. Nay đã là công ty đang khởi sắc, đi lên. Nhưng trong lòng vẫn thao thức, chưa yên…
Hường: - Chắc là anh đang thấp thỏm chờ tin. Về công trình “ đăng ký độc quyền sáng chế”.
Khang (Hát Con nhện giăng mùng): - Bao tháng năm trăn trở đêm ngày/ Bao nhiêu lắng sâu tụ dồn trong tâm khảm/ Trĩu đầy lòng tôi/ Bao nhiêu lắng sâu tụ dồn trong tâm khảm (mà để)/ Đến nay, đến nay mỏi chờ/ Tin đâu thăm thẳm xa mờ/ Một niềm khao khát ước mơ…
Hường: - Đúng thế, em rất tin anh vào công trình sáng chế. Hình dáng thoi vàng, đậm đà phong tục cổ truyền. Mỗi tấm bánh bên trong, hương vị tinh nguyên. Ngày lễ tết về, cháu con dâng lên tiên tổ .
Hường (Đi lại quanh bàn, bỗng trông thấy tờ báo): - Ô, báo Kinh tế họ mới gửi đến đây này anh…
Khang: - Đâu?
(Khang chăm chú xem , bỗng reo lên - Ôi, mình ơi, có kết quả rồi. Đọc): Hội đồng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ đã thông qua. Sản phẩm kiểu dáng công nghiệp của Công ty Bảo Nguyên đã được cấp bằng độc quyền sáng chế. (Khang ôm chầm lấy vợ quay mấy vòng )
Khang (Tha thiết): - Anh vui quá,
Vỉa: - Em ơi/ Gian nan, chí vững gan bền/ Đường trơn chân bước, trọn niềm tin yêu.
Quân tử vu dịch (Trổ 2): - Anh chưa quên được, trải bao gian khó/ Chỉ với đôi tay, ta quyết mở ngành nghề/ Từng hạt đậu, dụm dành, chăm chút/ Ngày ngày gom góp, ta mơ ước ươm thành niềm vui/ Đường óng quyện hương đời.
Hường (Tiếp trổ 3): - Em chẳng dám quên, một ngày hôm ấy/ Tưởng nhớ lúc trời khuya bừng dậy/ Xe máy anh đi, chở hàng nặng trên đường/ Buốt lạnh hơi sương, ngả nghiêng mưa dồn/ Màn đêm trùm phủ, mòn lốp xe trơn/ Thương anh, tìm kiếm thị trường / Đông Tây Nam Bắc, nẻo đường xông pha…
Hường (Nói): - Anh ơi! Trong khôn xiết nỗi vui mừng, phấn khởi. Hãy thắp hương báo cho gia tiên được biết (Cả hai vợ chồng chuẩn bị mâm lễ vật).
Khang và Hường (Kể hạnh: - Trong tĩnh lặng đêm về khuya khoắt/ Giữa thinh không man mác cuối đông/ Vật phẩm đơn sơ dâng một tuần hương/ Trình kính tổ tiên hiển linh chứng giám…
Hường (Vỉa): - Ngọt ngào tấm bánh quê hương/ Thành tâm dâng kính Tổ đường, báo công.
Hát điệu tò vò trổ 2: - Quê mình đất sa mát mênh mông/ Dạt dào nguồn nước bến sông/ Bột đậu xanh mịn tơi thanh khiết/ Đã quyện trong ngát thơm mật đường/ Tấm lòng trĩu nặng tình thương…
Lớp năm
(Ngày cuối đông. Tại Công ty Bảo Nguyên. Sân khấu tắt đèn. Có tiếng hô hoán “Đứng lại! Bắt lấy nó”. Từ góc trong nhà, bác Hợi dẫn Thất ra. Ánh sáng lại bừng lên)
Thất (Run sợ): - Cháu xin bác, bác tha cho cháu. Cháu chưa lấy được gì.
Hợi: - Hả…? Chưa lấy được cũng là có ý ăn cắp. Này, nếu biết điều thì…
Nói đếm: - Phải khai đầy đủ/ Tên họ rõ ràng/ Tên phố, tên làng/ Tên cha tên mẹ/ Thực thà tử tế/ Ta sẽ tha cho/ Giấu giếm quanh co/ A lê, đưa về đồn công an giải quyết.
Thất: - Đừng, đừng bác ơi. Cháu xin bác…
Hợi: (Nói to) - Vậy có nói không?
Khang (Ra): - Kìa có chuyện gì thế này bác Hợi?
Hợi: - Báo cáo giám đốc/ Tổ bảo vệ vừa bắt được tên này ăn trộm…
Thất (Mừng quá): - Chú Khang, chú cứu cháu với?
Hợi (Quay lại): - À, thằng này cũng biết bác Khang?
Khang (Nhẹ nhàng): - Vậy cháu ở đâu mà biết tôi? Sao đã biết, còn vào nhà tôi lấy cắp?
Thất (Rụt rè): - Dạ, chú Khang, cháu xin khai thật. Cháu tên là Thất, con bà Lê ở phố Hàng Bèo…
Khang: - Hả, cậu là con trai bà Lê ở phố Hàng Bèo? (Quay ra khán giả). Tôi nhớ rồi, ngày mới kinh doanh vốn liếng còn nghèo. Chính mẹ cậu ta đến nhà tôi đòi tiền bán đỗ.
(Bà Lê vừa chạy ra vừa khóc)
Bà Lê (Hớt hải): - Các ông các bà ơi, con tôi ở đâu rồi? Ối con ơi là con ơi, con trát gio trát trấu vào mặt mẹ mày đây! (Chạy đến ôm chầm lấy con, rồi quay ra vái Khang như tế sao) - Ông Khang, xin cầu mong ông làm phúc. Hãy tha cho con tôi dại dột lần này. Nó ba bốn tiền sự rồi, nếu dính vụ hôm nay. Thì cầm chắc đi tù thôi, ông ạ.
Khang: - Bác Lê! Bác hãy nên bình tĩnh. Tôi còn đang hỏi rõ đầu đuôi sự việc ra sao. Cậu ấy khai là con bà Lê ở phố Hàng Bèo. Chứ đã có gì đâu, bác vội cuống lên như thế.
Bà Lê: - Vâng, thật là nhục nhã…
(Chính lúc ấy, Hường về)
Hường: - Có chuyện gì mà nhục với nhã? Ai nhục? Sao nhà đông người ồn ã? (Nhìn thấy bà Lê) - Kìa, lại bà Lê …?
Bà Lê (Ngượng nghịu): - Dạ, chào cô Hường, à bà giám đốc… Xin ông bà hãy làm ơn, làm phúc. Hãy tha cho thằng Thất. Nó vào kho định ăn cắp ít hàng. Bảo vệ bắt được quả tang.
Hường (Mát mẻ): - Sao thế? Con nhà bà Lê cũng biết đi ăn cắp cơ à?
Bà Lê (Van vỉ): - Tôi cắn rơm cắn cỏ xin lạy ông bà. Tha cho đứa con tôi vô phúc. Hãy bỏ qua những lỗi lầm của tôi ngày trước. Tôi đã hành xử… quá quắt với ông bà… (Hát Trần tình) - Tôi xin cúi lạy ông bà/ Rộng lòng Bồ tát thứ tha một lần/ Lòng tôi cảm tạ muôn phần.
Hường (Nín giận): - Hoá ra bà Lê có trí nhớ tốt nhỉ. Bà nhắc lại, bây giờ tôi bỗng nhớ. Vì mải làm ăn, tôi quên tự lâu rồi …
Khang (Nhẹ nhàng): - Thôi, em ạ bác Lê đã có lời như thế. Dẫu sao cũng là nghĩa phố tình làng. (Nhìn vợ xem ý tứ ra sao). Vậy tôi hỏi bác Lê. Cậu Thất học hành, công việc thế nào? Tại sao lại đi lang thang ăn trộm?
Bà Lê (Thẹn thùng): - Thưa ông giám đốc, à thưa chú. Chú ơi, tại tôi nghĩ thằng Thất là con cầu, con cúng. Nên từ bé đã được nuông chiều. Học dở dang rồi cứ lêu têu. Vô công rồi nghề, đàn đúm, đua xe, đá bóng...
Khang (Cắt ngang) : - Nó biết đá bóng?
Bà Lê: - Vâng, cứ có tiền lại bia bọt, rượu chè, đề đóm. Thật là cái nợ đời, khốn khổ thân tôi… (Khóc hu hu).
Khang: - Thế sao không đi làm, lại chỉ thích chơi bời?
Bà Lê: - Chú Khang, từ bé nó chỉ ăn chơi. Có biết làm việc gì đâu cơ chứ?
Khang: - Đấy, thế là chính bác làm cho con hư rồi đấy. Vậy bây giờ có người nhận nó đi làm, bác có chịu không?
Bà Lê: - Chú bảo sao? Có ai nhận nó bây giờ hả chú?
Khang: - Tôi nhận!
Bà Lê (Hổ thẹn): - Thôi chú đừng mỉa mai, tôi càng thêm nhục nhã
Khang: - Bác nói gì, tôi nói là sẽ nhận nó…
Bà Lê (Sững sờ): - Trời ơi chú nhận con tôi, nhận thằng Thất vào công ty?
Khang: - Đúng, nếu nó biết làm người tử tế. Thì ngay ngày mai tôi cho làm bảo vệ. Nếu có tài đá bóng, thì bổ sung đội bóng đá công ty…
Hường (Ngăn lại): - Kìa, anh… Dùng người phải thử thách con người…
Khang: - Em yên trí, anh quyết thế đấy.
Bà Lê (Mừng rỡ): - Trời ơi, chú Khang, ông Khang! Vị cứu tinh của nhà tôi!. Kìa thằng Thất, mày không lạy ông đi, Thất ơi!.
Thất (Xúc động): - Cô chú Khang ơi, hãy tha tội cho cháu. Cháu thực là không phải với chú cô… Đã từng gieo họa hoạn nhà ta! Cháu là thằng khốn nạn…! (Quỳ xuống , lạy vợ chồng Khang)
Hường ( Ngạc nhiên và nâng Thất dậy): - Cái gì? Cậu nói tai hoạ là làm sao?
Thất (Lo sợ): - Dạ, ngày cô chú mới mở hàng sản xuất. Đã có người thuê cháu tìm cách dằn mặt chú Khang…
Hường (Rú lên): -Trời! Sao lại như thế?
Thất (Tiếp): - Dại dột nhận tiền của người ta có mấy chục ngàn. Cháu che mặt, vác gươm… đâm chú.
Bà Lê (Kêu rú lên): - Khốn nạn thế con ơi!
Thất (Hát làn thảm) - Trổ 1: Trời tối mập mờ/ Nghe lời xui giục bất ngờ cháu ra tay/ Thế rồi cao chạy xa bay. Trổ 2- Cao chạy xa bay. Bao năm cháu vẫn chất đầy nỗi ăn năn. Giờ đây tự thú đã muộn mằn … (Quỳ rạp trước mặt Khang) - Chú cô hãy tha lỗi cho cháu khi còn nhỏ dại!
(Tất cả kêu lên hốt hoảng): - Trời ơi! Ai xui? Mà sao khốn nạn thế?
Thất (Sợ hãi): - Dạ, người thuê đâm chú Khang năm ấy. Đã nhồi máu cơ tim, chết từ năm ngoái mất rồi…
Bà Lê (Gào lên): - Là ai? Là ai, là ai?
Khang (Căm tức): - Thôi, thôi, thôi! Chuyện qua rồi, không cần nói lại. Người đã chết, chẳng thèm nhắc tới.
Bà Lê: - Ối giời ơi, sao tôi khổ thế này, thật khốn nạn thân tôi. Con ơi là con ơi, Bao nhiêu lầm lỗi kia rồi. Khắc sâu trong dạ, nguyện làm người hoàn lương
Hát thảm trần tình: Khổ thời đau, khổ thời đau/ Trong lòng tôi đầy nỗi khổ đau (LK)/ Trong lòng tôi đầy nỗi khổ đau/ Nuôi con từng năm tháng, dãi dầu âu lo/ Chẳng ngờ đâu, tôi chẳng nào ngờ (LK)/ Chẳng ngờ đâu, tôi chẳng nào ngờ/ Con làm cho mẹ, xót xa lòng này/ Tôi thật nhục nhằn, hổ thẹn đắng cay (LK)
Thất (Kêu lên): - Mẹ ơi con biết dại rồi.
(Hai mẹ con, ôm nhau sụt sùi cảm động)
Giang (Cười giơ tay): - Bác Lê. Sao bác bảo hôm nay vui lắm mà, cứ than vãn thế này là xui đấy nhé.
Bà Lê (Cười gượng): - Là tôi xúc động quá, ông giám đốc ạ…
Khang: - Thôi, cuộc đời con người có lúc sai lầm vấp ngã. Mỗi lần vấp là phải đứng dậy bước đi. Cũng sắp qua đông, chuẩn bị đón xuân về. (Nói với mọi người) - Năm nay công ty có nhiều thắng lợi. Sản phẩm kiểu dáng ngày càng đổi mới. Đã được cấp bằng sáng chế độc quyền. Và hôm nay lại mới tuyển được nhân viên. Mừng công ty, đón một mùa xuân ấm áp.
Múa hát Luyện năm cung: - Chào đón xuân về, nao nức quê hương, tha thiết yêu thương/ Đồng quê, thành phố lên hương cuộc đời/ Kìa bầy chim ríu rít chân trời/ Mang đến muôn người, chim báo tin vui/ Qua đêm đông tới mùa xuân chín, ánh dương soi chan hòa/ Hạnh phúc cho muôn nhà/ Con đường sung sướng ấm no/ Bắt nguồn từ lòng ta…/
MÀN