Từ cuối năm 2020, tức là sau Đại hội Đảng bộ Hải Dương lần thứ XVII, “Khát vọng- phát triển” là cụm từ thấm dần vào mọi người từ cán bộ, đảng viên đến người dân. “Khát vọng - phát triển” có thể hiểu theo nhiều định nghĩa nhưng đó là mong muốn, mơ ước những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Nhiều đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh trở về đã truyền niềm cảm hứng ấy tới đảng viên, quần chúng với một niềm tin rằng thực hiện Nghị quyết XVII của tỉnh cùng với Đại hội XIII của Đảng sẽ tạo nền tảng để Hải Dương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương! Niềm cảm hứng lớn lao ấy càng được thấm sâu, lan xa khi chiến lược phát triển, khát vọng của tỉnh được Tỉnh ủy, chính quyền và các cấp ủy đảng nghiên cứu, thảo luận, liên hệ vào điều kiện thực tế địa phương để đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể.
Với tầm nhìn xa và tự tin vào khả năng, tiềm lực của mình, dù năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm “căng như dây đàn”, nhưng chiến lược phát triển Hải Dương vẫn được từng bước triển khai từ trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, đến hệ thống chính trị và các phương tiện truyền thông. Đó là Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển… Nhờ thế, với tinh thần “Tăng tốc, vượt khó”, vượt qua đại dịch, kinh tế tỉnh ta từ tăng trưởng âm trong quí I - 2021, đã đạt 8,6% cả năm (kế hoạch 8% trở lên), đứng thứ tư trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thứ 8 trong cả nước; đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường hệ thống chính trị, tạo ra những tiền đề mới, nguồn lực mới tiếp tục vươn lên…
Từ những thành công ban đầu đó, “Khát vọng - phát triển” đã tạo ra khí thế mới, mở ra cơ hội mới để vào năm 2022, dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Hải Dương vẫn “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” phấn đấu đạt GRDP với hai con số và triển khai các chương trình trong chiến lược phát triển của tỉnh. Quyết tâm chính trị ấy đã gặt hái khá thành công toàn diện qua những con số thật ấn tượng.
Đó là sau chín tháng của năm 2022, ước tính tỷ trọng các giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - du lịch… đều đạt mức cao hoặc tăng so với năm 2021. Trong đó, phải kể đến giá trị ngành nông nghiệp (tổng hợp), đạt tới giá trị 15.600 tỉ đồng (73,1%/ kế hoạch năm), tăng 3,5%; công nghiệp 24.800 tỉ đồng (73,4% KHN), tăng 14,4%; thương mại dịch vụ 62.800 tỉ đồng (81,3% KHN), tăng 12,8%)…
Về Hải Dương hôm nay, sau hai năm Đại hội Đảng bộ XVII, đã thấy cả tỉnh là bức tranh nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xen kẽ với những cụm, những khu công nghiệp ngày càng lấp đầy, mở rộng, như phần nào minh chứng cho việc tăng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CP1) tới 34 bậc, đứng thứ 13 toàn quốc.
Đã thấy không chỉ có nhà máy điện Phả Lại mà còn nhà máy điện BOT Hải Dương (Kinh Môn) với 2 tổ máy đã đi vào hoạt động, góp phần tăng sản lượng điện cho tỉnh để ứng dụng nhiều hơn vào sản xuất và đời sống.
Đã thấy nhiều nông sản hàng hóa từ củ cà rốt đến quả vải, quả na, quả chuối và rau củ khác không còn lo “được mùa, mất giá” mà đã có hàng chục ngàn tấn quả quý được xuất khẩu, đến cả những thị trường khó tính, để đem về hàng ngàn tỉ đồng.
Đã thấy từ Hải Dương đi các tỉnh bạn, nhất là phía Đông và Bắc đã thuận lợi nhiều với những cây cầu mới bắc, tuyến đường mới làm. Đã thấy di chuyển trong nội tỉnh trên các trục đường Bắc-Nam, Đông-Tây tấp nập, nhanh chóng, thông suốt.
Đã thấy Trung tâm Văn hóa xứ Đông - biểu tượng quê hương có “lò tiến sĩ” đã và sẽ là nguồn nuôi dưỡng, phát triển văn hóa - lịch sử xứ Đông. Đây đã là nơi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khai mạc - với dấu ấn phát đi, lan tỏa tinh thần khát vọng, phát triển. Tinh thần ấy đã và đang trở thành hiện thực. Hiện thực ấy càng duy dưỡng niềm tin. Niềm tin lại biến thành sức mạnh cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần xây dựng Hải Dương trên đường tới giàu đẹp, văn minh và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.