Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Văn nghệ dân gian: "Con trâu" của tác giả Tăng Bá Hoành
31/12/2022 12:00:00

Con trâu trông nặng nề, khù khờ, chậm chạp, nhưng có các đức trung thành chịu đựng gian khổ, dãi dầu mưa nắng vẫn không sờn chí.

 

Theo khảo cổ học, trâu sống với người từ bảy ngàn năm trước, dù gian khổ đến mấy cũng không bỏ con người. Trâu là động vật thuộc họ trâu bò, phân bộ nhai lại, sừng rỗng, bộ guốc chẵn. Chúng sống hoang dã nhiều ở Nam Á, Nam Phi, Bắc Úc. Trâu thuần dưỡng được nuôi nhiều ở vùng nhiệt đới châu Á. Nặng trên nửa tấn, con đực có khi đến tấn hai, cao trên 2m. Trâu sống trung bình 20 năm.

Trâu vốn sống bầy đàn, những con đực khỏe mạnh sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đàn của mình. Khi đã thuần dưỡng, trâu đực vẫn giữ đặc tính di truyền này, rất dễ húc nhau khi có con đực khác đàn, khác nhà, ít được thả chung cùng bãi. Lợi dụng tính cách này, người ta thường tổ chức chọi trâu để làm trò vui vào những tháng nông nhàn. Điển hình là Hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) vào tháng Tám hằng năm.

Muốn chăn trâu và bắt trâu đi cày phải xỏ mũi. Nghé trên một năm là phải xỏ mũi để tiện việc chăn dắt, chừng hai năm phải vực nghé, tức tập cho nghé quen dần với việc cày bừa. Vực nghé là việc không dễ, chỉ những canh điền sắc tay cày, hay tay bừa mới có thể vực nghé để khi nó trưởng thành thẳng sá cày, ngay sá bừa. Từ một nghề khác muốn học vực nghé là cả một quá trình kiên nhẫn và sáng suốt, không khó nhưng cũng không dễ đối với ai chưa thuần thục cày bừa, chưa gắn bó với nghề nông. Trở thành một canh điền giỏi cũng như một dũng sĩ qua nhiều năm trận mạc, một thày giáo tài ba qua nhiều năm lên lớp trong cùng một cấp. Từ thực tế này, thày giáo Văn Duy đã có bài thơ tựa đề là Vực nghé:

Ông đại tá về hưu cầm cày,

Ông giáo dạy văn cầm thừng đi trước,

Con nghé vẫn chông chênh từng bước,

Vẽ những đường cày trông rất nhố nhăng.

Ông Đại tá ở đây trước khi vào quân đội hẳn chưa một lần cầm cày dù đã chỉ huy hàng nghìn quân đánh giặc lập công, bởi vì con trâu cái cày khác súng với xe tăng. Còn ông giáo dù có sư phạm, đứng trên bục giảng nhiều năm, thuộc lòng biết bao văn chương chí lý, kể cả truyện về con trâu, nhưng chỉ là lý thuyết nếu chưa thực tế cầm cày, vì trâu dù khôn cũng khác học trò, cho nên:

Đại tá xe tăng không chỉ huy nổi nghé cày,

Ông giáo dạy văn không đủ lời nói cho nghé hiểu.

Con nghé vẫn vùng vằng đánh tháo,

Trưa hè lã chã mồ hôi.

Trong thiên văn học, trâu được tôn vinh đến tận mây xanh. Trong nhị thập bát tú, chòm sao Kim Ngưu, ví như trâu vàng, đứng thứ chín, là một trong những chòm sao sáng nhất được con người quan tâm từ nghìn năm trước, không chỉ người phương Đông mà cả Trung Đông như Israen, phương Tây như Hy Lạp cũng tôn thờ, vì ở Bắc bán cầu dễ nhận ra chòm sao sáng này. Sao Kim Ngưu biểu trưng cho những người có tri thức uyên thâm. Không những thế, trong Địa Chi được đặt tên bằng 12 con vật, trâu đứng thứ hai, trước cả rồng lẫn hổ. Thật quang vinh cho họ nhà trâu. Từ Can Chi, người xưa đặt ra tên giờ trong một ngày, giờ Sửu từ 1-3 giờ, ở giờ này ngươi ta cho rằng trâu vất vả phải đi làm từ 3 giờ sáng. Theo nhận thức của dân gian, trâu còn được lên cả mặt trăng sống với chú Cuội hàng nghìn năm trước.

Ở Ấn Độ, người ta quan niệm rằng, con bò ăn cỏ mà vắt ra sữa nuôi người nên con người rất tôn trọng bò không nỡ ăn thịt nó. Chúng đi ăn lang thang cũng ít khi bị xua đuổi. Ở Việt Nam, con trâu ăn cỏ mà cày bừa, làm ra thóc gạo nuôi sống muôn dân nên được tôn vinh không kém. Nhà nước phong kiến đã từng có chính sách về nuôi và bảo vệ trâu. Nhưng ở Việt Nam, quan niệm rằng, dù sao trâu chỉ là súc vật, khi khỏe thì để cày bừa, khi yếu thì ăn thịt. Mọi bộ phận con trâu đều có ích cho con người. Thịt để ăn, da để bưng trống, sừng xương làm đồ mỹ nghệ, công cụ nhà nông. Lược sừng là thứ hàng ưa chuộng. Con trâu phục vụ con người hết thẩy.

Trâu trong đời sống xã hội Việt Nam thật điển hình. Cách đây nửa thế kỷ, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp đối với gia đình nông dân. Là đầu cơ nghiệp vì không có trâu là không có sức kéo trong cày bừa với nhà nông trồng lúa nước ở vùng nóng ẩm. Ngoài cày bừa, trâu còn dùng để kéo gỗ, kéo xe, nhất là xe quệt nhưng không phải là trọng yếu. Trâu cũng có thể nuôi lấy thịt, lấy sữa, nhưng không phải mục đích chính của nông dân Việt Nam trước cách mạng. Dân gian thường nói: Trâu năm sáu tuổi còn nhanh, bò năm sáu tuổi đã tranh về già. Cũng vì thế mà cho rằng Yếu trâu còn hơn khỏe bò. Trong tiêu chí của thanh niên nông thôn xưa có ba việc quan trọng nhất: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà, trong ba việc ấy thật là khó thay, trong đó tậu trâu đưa lên hàng đầu, vì có trâu sẽ tạo nên cơ nghiệp. Có trâu khỏe lại có con trai biết cày bừa thì chả mấy mà phong lưu, từ đó mà lấy vợ, làm nhà cũng không khó. Nhà có trâu to và khỏe là thể hiện mức độ giầu có như ngày nay có chiếc ô tô vận tải. Trong cải cách ruộng đất, nhà nào có một trâu, ruộng nhiều ít chưa cần bàn, chí ít cũng là trung nông, nhà có hai ba trâu, không địa chủ cũng phú nông, tức vào hàng giầu có ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Ở miền núi, đồng bào nuôi trâu từng đàn, tiêu chí giầu nghèo có khác, nhưng có trâu tức là đã phong lưu. Trâu quan trọng như thế nào đối với dân tộc ta, hãy đọc lại những dòng lịch sử hiếm hoi còn lại từ nghìn năm trước.

Thời Tiền Lê, cách ngày nay trên một nghìn năm. “Mùa xuân, năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 8 (987) vua Lê Đại Hành lần đâu tiên cày ruộng tịch điền” (tức cày ruộng công) ở Đọi Sơn, nay thuộc Long Đọi Sơn, xã Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, mở đầu cho tục cày tịch điền của nước ta. Vua cày để lấy khước, để giáo dục quốc dân, rằng nhà nông là nghề cao quý, con trâu là đầu cơ nghiệp, đó là nền tảng của kinh tế Đại Việt.

Đến triều Lý, đúng hơn là Hậu Lý, cách nay đã nghìn năm, con trâu và nông nghiệp được nhà vua đặc biệt quan tâm: “Không những việc trộm trâu bò bị phạt nặng mà cả việc giết trâu bò ăn thịt cũng bị hạn chế. Chính quyền quy định, cứ ba nhà lập thành một bảo để kiểm soát lẫn nhau và cùng liên đới chịu trách nhiệm về tội giết trâu bò” (LSVN tập I, tr 157).

“Mùa thu, tháng 7 Nhâm Ngọ, Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 4 (1042), xuống chiếu, kẻ nào ăn trộm trâu thì xử 100 trượng, một con trâu phạt thành hai con”.

Mùa hạ, tháng 4, năm Quý Mão. Thiên Phù Duy Vũ thứ 4 (1123), lệnh cấm giết trâu, xuống chiếu rằng: Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau, ba nhà làm thành một bảo (tổ bảo vệ), không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái trị tội theo hình luật (tức hình phạt kẻ phạm tội, bậc cao có thể tử hình).

Đến thời Lê sơ, Vũ Hữu đỗ Hoàng Giáp, lệ làng Mộ Trạch phải giết trâu khao làng, vì thế ông đã làm bài thơ tự trào, có câu: Trâu cày không có, có trâu khao. Như vậy nhà tân Tiến sĩ đương thời mà cũng không có trâu, nhưng khao làng thì phải có.

Trước cách mạng, người nông dân luôn mơ ước có một con trâu mà trâu cái thì càng tốt, tuy sức kéo không bằng trâu đực, nhưng cứ quên đi hai ba năm lại có một con nghé, đó là món lợi không nhỏ. Cuộc sống ở nông thôn không cứ ước mơ là có, cứ xác định được mục tiêu là phấn đấu được, nó còn phụ thuộc vào xã hội đương thời. Thật bất công, người biết cày, có cả đời làm canh điền nhưng không có ruộng và trâu, người đã có nhiều ruộng và trâu nhiều khi cũng chẳng cần đi cày cũng sung túc. Nhà nông có bốn tiêu chí: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Kèm theo là phong điều, vũ thuận. Giả sử có đủ những tiêu chí trên mà không có trâu, tức không có sức kéo liệu có được mùa. Từ thực tế đó, năm 1938, Trần Tiêu trong nhóm Tự lực vă đoàn, viết tác phẩm Con trâu nổi tiếng đương thời, in dần trên báo Đời nay trước khi in thành sách. Nhân vật chính ở đây là Bác Chính. Bác ước mơ tậu một con trâu cái, điều không dễ có. Tác phẩm có đoạn viết: “Con trâu gập hai chân trước, chân sau hơi duỗi, để lộ bộ vú hồng phơn phớt, lông trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đi đâu...”.

Trong kháng chiến chống Pháp, giặc biết diệt dân quân du kích không dễ mà diệt trâu không khó. Mất trâu nông thôn mất sức sản xuất, dẫn đến dân đói, không những du kích mà quân đội cũng mất sức chiến đấu. Năm 1951, Hải Dương có gần 500 đồn bốt lớn nhỏ, ngoài bọn cướp nước còn có bao nhiêu bọn tay sai phản quốc mở hàng trăm trận càn lớn nhỏ, bắn giết hết trâu ở vùng địch hậu. Mỗi buổi chiều đông, khi giặc rút đi, trên cánh đồng vùng địch hậu đây đó những bộ xương trâu đỏ huẩy, quạ đen đua nhau rỉa rói từng miếng thịt bọn giặc lấy vội còn để sót. Trên trời lảng vảng những đám mây xám bốc lên từ những ngôi nhà tranh bị giặc đốt phá, gọi là để chống Việt Minh.

Ở miền Trung, tác phẩm Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, viết vào năm 1952, từ một làng quê Đại Lộc (Quảng Nam). “Cốt truyện xảy ra từ một làng du kích, nằm giữa vùng Pháp tạm chiếm, sát nách một làng tề, có đồn giặc, chúng liên tiếp mở các cuộc càn quét, bắn giết thanh niên, sát hại trâu bò, đồng thời chúng cho bọn tay sai tìm đủ cách dụ dỗ cưỡng bức dân lập tề, bầu lý trưởng” không khác gì tình trạng cùng thời ở đồng bằng Bắc Bộ. Vậy còn hay mất trâu liên quan đến còn hay mất vùng du kích kháng chiến.

Vấn đề người nông dân phải có trâu cày ruộng cấy trở thành một mục tiêu quan trọng trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập. Ước mơ ngàn đời đó đã được thực hiện trong cải cách ruộng đất, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để nước ta giầu mạnh, nhưng thế cũng là giải quyết được vấn đề trọng yếu một thời.

Sau cải cách ruộng đất, nông dân có ruộng nhưng không phải nơi nào cũng có trâu, trâu thiếu nghiêm trọng ở vùng tranh chấp trong kháng chiến. Nhà nước, trực tiếp là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cho nông dân vay tiền mua trâu như một chính sách đầu tư căn bản. Con trâu từ miền núi lại hành quân về đồng bằng, làng quê đó đây lại có bóng dáng con trâu. Trâu được chăm sóc như người, đi làm được ăn cám với cỏ non, hết buổi cày được tắm rửa ở bến sông, tối về nhai rơm khô thỏa thích. Ngày ba tháng tám thong dong gặm cỏ ven đê. Tết đến nhiều gia đình cho trâu ăn xôi chè như một cách trả ơn đầy tình nghĩa.

Từ năm 1960, cả miền Bắc vào hợp tác xã nông nghiệp, rồi hợp tác xã bậc cao. Trâu thoát ly gia đình cá thể, sống trong chuồng tập thể, ăn tập thể, cày bừa tập thể, chăn nuôi tập thể. Thời này trâu nhàn, tuy không được ăn xôi chè hay cám thơm như trước, tuy thiếu nhi có tổ chức khao trâu, nhưng chỉ là thỉnh thoảng, lý do, vì giá trị công thấp dần, quy ra thóc, lúc đầu công từ vài cân vài năm sau chỉ còn ba bốn lạng thóc, vì thế nông dân lãn công dần dần. Đương thời Đồng Bằng, cán bộ phòng Văn nghệ Hải Hưng có bài ca dao được nhiều người quan tâm, kể cả cán bộ:

Bẩy giờ trống đánh kẻng la,

Tám giờ đủng đỉnh mới ra đến đồng,

Chín giờ chống cuốc đứng trông,

Mười giờ không kẻng thì ông cũng về.

Ông xã viên về thì đương nhiên trâu cũng được tha. Trâu trông khù khờ chậm chạp nhưng trí tuệ không đến nỗi. Khi trên cánh đồng đã có người tháo ỏe tha trâu, những con còn phải cày bừa nhìn thấy, chúng dễ đánh tháo, tha cả cày bừa lên bờ. Thời HTX, làm tập thể nghỉ cùng tập thể, trâu chả cần đánh tháo cũng được nghỉ đúng giờ, thậm chí trước giờ.

Đầu năm 1981, chỉ thị 100 ra đời, khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Đây là thời kỳ sức lao động được phát huy cao độ, nhưng trâu HTX là thời kỳ gian khổ nhất trong kiếp trâu. Ấy là khi thực hiện khoán quản, trâu vẫn là tài sản của HTX, vài nhà chung một con, đến phiên cày bừa phải tận dụng triệt để, đi sớm về tối. Người ta cũng thương con trâu lắm nhưng trong nhóm liên gia không phải ai cũng thương, thế là trâu bại, con nào càng hay càng chóng chết. Nhiều con đổ gục trên sá cày dở dang. Nó chảy nước mắt khi thấy người mang dao bầu đến phanh thây chia cho xã viên. Xã viên được bữa liên hoan đấy nhưng chả mấy ai vui, vì ngày mai biết tìm trâu ở đâu để cày bừa. Đây là thời kỳ quá độ, lênh đênh mãi rồi cũng đến bến. Tháng 4 năm 1988, Nghị quyết 10 ra đời, đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý nông nghiệp, nông dân được giải phóng sức lao động trên con đường đổi mới. Sau bảy năm gian lao, trâu lại trở về với gia đình nông dân như ngàn năm trước, lại được những tháng ngày thư giãn, nằm nhai trầu dưới những lũy tre thân thuộc.

Những người xa quê khoảng 40 năm, nay trở về quê không rõ họ hàng nhà trâu di cư đi đâu, nhiều làng không thấy bóng dáng một con, đồng làng nhiều nơi không còn lúa, toàn vườn cây ăn quả, làng xóm toàn nhà xây mái ngói, nhà hai ba tầng sang trọng hơn cả phố phường thời Pháp thuộc. Những lũy tre xanh mát rượi, bên con đường bậc thang đầy vết chân trâu thì nay là những tường bao kiểu cách, trang trí cây hoa lạ, bên những con đường bê tông phẳng và rộng. Nơi chuồng trâu xưa nay trở thành ga ra để xe đủ loại, kể cả ô tô hạng sang. Những ông canh điền nay đã tám chín mươi còn kể với nhau về cảnh vực nghé năm nào.

Con trâu giữ vai trò to lớn trong đời sống nông thôn Việt Nam xưa, nên được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong ca dao, tục ngữ nói lên sự vất vả của người nông dân và con trâu:

Lao xao gà gáy đi cày,

Vai vác cái cày tay dắt con trâu.

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.

Đình làng là chốn thâm nghiêm, nơi trang trọng thờ Thành hoàng và các vị danh nhân cũng không thiếu những bức cốn tạc con trâu với nhiều hình thức khác nhau. Gốm Chu Đậu ra đời từ thế kỷ XV, vốn là gốm mỹ nghệ cao cấp làm đồ ngự dụng và xuất khẩu cũng có nghiên mực bằng tượng trâu. Tranh Đông Hồ có bức trẻ mục đồng cưỡi trâu, đội lá sen, thổi sáo hay thả diều được treo nhiều trong những tết năm Sửu. Ở Bến Tắm (Chí Linh), người ta đào được con trâu đồng đúc khá đẹp, nặng tới 10kg. Bộ tranh do học giả Hăng-ri-ô-giê tổ chức thực hiện, thợ Liễu Chàng vẽ và khắc năm 1908, có nhiều bức vẽ cảnh trâu cày bừa, trâu bị thiến..., nhưng điển hình là bức Lái trâu. Hình ảnh lái trâu, tay trái cầm thừng, tay phải đập vào tay người bán trâu, thể hiện sự ngã giá truyền thống mà chỉ thấy ở Việt Nam. Năm 2003, SEA games 22 tổ chức tại nước ta, Trâu vàng được lấy làm linh vật của đại hội. Hiện nay, đâu đó người ta đã đắp tượng trâu trong công viên, bên cạnh voi ngựa để tưởng nhớ đến công lao của trâu trong lịch sử.

Xã hội Việt Nam chuyển mình từ đổi mới đến hội nhập, công nghiệp hóa, điện khí hóa, rồi tự động hóa, đất nước tiến lên từng ngày, nhất là chính sách về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, rồi xây dựng nông thôn mới... Sức kéo dần thay bằng máy móc. Người ta chẳng nuôi trâu để làm gì. Thương tiếc đấy nhưng người ta cũng dắt trâu đến lò mổ, con nào may mắn thì được đến trang trại sống theo bầy đàn như xưa.

Trâu nay được sống bầy đàn quanh năm ở những trang trại lớn, nơi đồng rộng cỏ nhiều, nhất là những nơi có dự án treo. Thế nhưng họ nhà trâu lại bị một vận hạn lớn không ngờ, tạo nên nỗi buồn vô hạn nay trở thành trâu thịt. Xưa kéo cày vất vả thật nhưng vẫn sống hết cuộc đời, tức xấp xỉ 20 tuổi. Còn trâu thịt, trừ giống má, thường chỉ hai ba năm là cùng.

Kiếp trâu là như thế. Thời Pháp thuộc dân ta sống như kiếp ngựa trâu, bởi thế mà phải vùng lên làm cách mạng và quyết tâm giữ vững và phát huy thành tựu ấy.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bản tình ca cuộc sống" của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga(30/12/2022)
Cánh đồng và bầy chim(29/12/2022)
Sân khấu: Kịch ngắn "Nghĩa tình đồng đội" của tác giả Xuân Ba(29/12/2022)
Thiên thần gẫy cánh(28/12/2022)
Truyện ngắn "Lạc vào cõi mê" của tác giả Bùi Thu Hằng(28/12/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na