NHÂN VẬT
Quỳnh: (Vợ Quân)
Quân: Chiến sĩ đảo xa
Bà Phúc: Mẹ chồng Quỳnh
Lãi: Buôn bán
Chiến: Hội trưởng Hội CCB khu phố
Và một số nhân vật quần chúng.
Lớp 1: (Tại nhà chị Quỳnh lúc 11 giờ trưa, bà Phúc đi lại vẻ sốt ruột…)
Bà Phúc: Chợ búa gì mà đến giờ này vẫn chưa thấy về, hay lại rẽ vào trường đón con?
Nghĩ cũng thương cho con dâu, một vai nuôi mẹ già, một vai nuôi con nhỏ. Chồng thì bộ đội đảo xa mấy năm nay không được về qua nhà. Hoàn cảnh gia đình éo le vất vả, ấy thế mà lúc nào nó cũng vui vẻ đảm đang, tần tảo sớm hôm thay chồng trọn chữ hiếu trung. Chỉ mong trời Phật thương tình giúp cho sức khỏe để làm ăn, tránh được mọi tai ương vận hạn (Bà định vào nhà trong thì có tiếng gọi giật giọng ở ngoài).
Lãi: Bà Phúc! Bà Phúc ơi! Bà có nhà không đấy!
Bà Phúc: (Vội quay lại) Ô kìa! Cô Lãi! Có việc gì mà hớt hải vẻ quan trọng thế hả?
Lãi: Đại hạn! Đại hạn rồi!
Bà Phúc: Cô nói cái gì? Đại hạn! Nhà ai gặp đại hạn?
Lãi: Còn ai vào đây nữa! Nhà bà gặp đại hạn rồi!
Bà Phúc: Thế là sao, cô bình tĩnh nói tôi nghe xem nào?
Lãi: Cháu nội bà bị tai nạn rồi!
Bà Phúc: (Kinh ngạc) Hả? Cháu tôi bị tai nạn ở đâu, sự việc xảy ra thế nào, cháu tôi có làm sao không?
Lãi: Nghe đâu trên đường đi học về, cách trường khoảng 300m, nó bị một chiếc xe máy từ đâu lao vào, làm thằng bé lăn đi mấy vòng, rồi bất tỉnh nhân sự!
Bà Phúc: Trời ơi! Giờ cháu tôi ở đâu! Tôi phải ra với nó.
Lãi: Người ta đã đưa cháu vào viện cấp cứu rồi!
Bà Phúc: Ai là người đã đưa cháu tôi vào viện vậy cô!
Lãi: Nghe đâu là anh Chiến!
Bà Phúc: Anh Chiến, hội trưởng Hội Cựu chiến binh phố ta phải không?
Lãi: Đúng vậy! Rất may là anh ấy đi họp ở phường về đúng lúc gặp thằng bé bị tai nạn. Thấy thằng bé nằm bất tỉnh, anh ấy vội gọi xe đưa nó vào viện ngay!
Bà Phúc: Nhưng cháu tôi có làm sao không? Có …
Lãi: Em cũng chỉ là người ra sau, nghe người ta kể lại thôi!
Bà Phúc: Họ nói sao? Thằng bé có nguy hiểm gì đến tính mạng không hả cô.
Lãi: Họ nói: Thằng bé bị sứt sát khắp người, làm sao mà tránh được kia chứ, nó bị lăn trên đường mấy vòng cơ mà!
Bà Phúc: Vậy người lái chiếc xe đâm vào cháu tôi thì sao hả cô.
Lãi: Nghe đâu thằng lái chiếc xe máy đó là một thanh niên khoảng 16 - 17 tuổi phóng nhanh vượt ẩu trên đường, nó đâm vào thằng bé rồi bỏ chạy biệt tăm.
Bà Phúc: Đâm vào người ta rồi bỏ chạy! Đúng là loại người không bằng cầm thú! Khốn nạn! Khốn nạn quá! Vậy còn mẹ cháu, mẹ nó ở ngoài chợ đã biết tin này chưa hả cô?
Lãi: Mọi người đã truyền tin ra chợ, chắc cô ấy biết tin rồi. Em đoán là cô ấy đã đến bệnh viện với thằng bé rồi!
Bà Phúc: Cô làm ơn cho tôi vào bệnh viện với thằng bé ngay bây giờ được không? Tôi thấy sốt ruột lắm! Nhỡ cháu tôi có thế nào, hỏi rằng tôi sống làm sao được hả cô?
Lãi: Em đưa bác vào viện ngay bây giờ cũng được, nhưng bác vào lúc này cũng không giải quyết được việc gì. Hơn nữa ở trong đó đã có mẹ cháu và các y bác sĩ họ chăm sóc chữa chạy cho cháu rồi. Bác cứ ở nhà để chờ mẹ cháu về rồi sẽ rõ mọi chuyện thôi.
Bà Phúc: Nhưng mà…
Lãi: Bác cứ nghe em, nếu không có gì nghiêm trọng, mẹ cháu sẽ về ngay bây giờ thôi. Còn nếu sự việc thế nào em sẽ đưa bác vào cũng kịp mà. Thôi cứ thế bác nhé, quá trưa rồi, em cũng phải về qua nhà, nếu có gì bác gọi em nhé!
Bà Phúc: Vâng! Cảm ơn cô! (Cô Lãi đi còn lại bà Phúc – Âm nhạc dồn dập)
Không được! Tôi phải biết cháu tôi tình trạng nó thế nào! Tôi phải vào viện! Tôi phải vào viện ngay bây giờ!
(Âm nhạc hồi hộp… bà Phúc vội đi)
Lớp 2: Mẹ ơi! Con đau lắm!
Bố ơi! Hãy cứu con!
Mẹ ơi! Hãy cứu con!
Quỳnh: Con ơi! Mẹ biết con đau lắm, nhưng con hãy yên tâm. Các bác sĩ sẽ chữa khỏi cho con, rồi con sẽ về với mẹ, rồi con lại được chạy nhảy vui đùa như chúng bạn. Tối đến mẹ lại ru con ngủ, con lại được nằm trong vòng tay yêu thương rồi nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ! (Chị nghẹn ngào rồi khe khẽ ru)
Con ơi! Con ngủ cho say
Mẹ còn chạy chợ đêm ngày nuôi con
Bố thì canh giữ đảo xa
Con ngoan, hãy ngủ với bà nghe con!
(Lời ru bỗng nghẹn lại thì tiếng khóc gọi mẹ lại vang lên…)
Tiếng vọng của con trai: Mẹ ơi con đau lắm!
Bố mẹ ơi hãy cứu con!
Quỳnh: (Choàng tỉnh rồi gọi thất thanh) Con! Con ơi!
Tôi biết làm sao đây! Trời ơi tôi phải làm sao bây giờ (gục khóc)
Lãi: (Đột ngột vào) Kìa, cô Quỳnh!
Quỳnh: Cô ơi! Con cháu…
Lãi: Cô biết rồi! Biết cháu từ bệnh viện về nên cô phải sang ngay. Thế tình hình của thằng bé thế nào rồi? Liệu có làm sao không?
Quỳnh: Cô ơi! Con cháu…
Lãi: Nó làm sao rồi!
Quỳnh: Cô ơi! Cháu bị gẫy hở 1/3 xương đùi.
Lãi: Gẫy hở 1/3 xương đùi?
Quỳnh: Vâng! Đứa đâm vào thằng bé lại bỏ chạy biệt tăm. Hoàn cảnh gia đình cháu lúc này chắc cô cũng rõ.
Lãi: Cô biết, hoàn cảnh gia đình cháu bao năm nay vẫn còn lận đận, một mình chăm mẹ, nuôi con.
Quỳnh: Nhưng cháu không thể để con trai cháu trong tình trạng như thế này được?
Lãi: Đúng! Không thể để thằng bé trong tình trạng như thế này được. Phải bằng mọi giá cứu lấy con, cháu hiểu không?
Quỳnh: Hoàn cảnh gia đình cháu lúc này lại đang neo túng, biết tính sao để cứu con cháu đây hả cô?
Lãi: Bán anh em xa còn có láng giềng gần. Cô sẽ tìm cách cứu cháu trong lúc khó khăn. Cháu yên tâm!
Quỳnh: Cô giúp cháu bằng cách nào bây giờ ạ?
Lãi: Chỉ còn một cách là đi vay mượn tiền để kịp thời chữa trị cho thằng bé, nếu không, thằng bé có làm sao thì cô biết nói với chồng cô sao đây. Không khéo cả hai vợ chồng sẽ ân hận suốt đời với thằng bé.
Quỳnh: Vâng! Cô nói không sai, nhưng lúc này cô bảo cháu phải vay mượn ai được đây?
Lãi: Thử hỏi họ hàng, anh chị em bên nội, ngoại xem sao?
Quỳnh: Bên cháu thì đều ở xa xôi cách trở. Còn bên nội thằng bé thì cháu cũng vay mượn nhiều rồi, bây giờ lại đến hỏi vay nữa thì ai người ta dám cho vay hả cô.
Lãi: Cháu nói cũng phải, xem ra chỉ còn cách là vay nóng ở bên ngoài thôi, vay để cứu lấy thằng bé. Cuộc đời ai chẳng có lúc vận hạn, khó khăn. Công nợ rồi sẽ trả dần cháu cứ nghe cô, đây là kế thượng sách đấy. Hoàn cảnh của cháu rồi trời cao sẽ thấu, tất cả rồi sẽ qua được khổ đau, lúc này chẳng gì bằng hoạn nạn có nhau. Chỗ quen biết, cháu cần gì cô sẽ ra tay giúp đỡ!
Quỳnh: Cháu cảm ơn cô! Cô là người cho vay nặng lãi, vay được rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Cháu sợ là sau này sẽ không trả được cô.
Lãi: Cháu cứ yên tâm! Cô là người kinh doanh buôn bán, nhưng cũng tùy chỗ, tùy nơi. Còn cháu với bác bên này là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, lấy lãi với cháu nó cũng phải khác so với người ngoài chứ.
Quỳnh: Cụ thể là khác như thế nào hả cô?
Lãi: Vì cô rất thương hoàn cảnh của cháu và thằng bé cô sẽ hạ giá cho cháu mỗi ngày chỉ có 1% thôi.
Lãi: Đây là cái giá thấp nhất hiện nay rồi, cháu hiểu không? Cái đứa nó gây hại cho thằng bé thì chạy trốn mất, bây giờ còn truy cứu bắt đền ai. Đúng là phúc bất trùng lai, khéo tránh được họa vô đơn chí. Cô nói vậy cháu thấy có đúng không?
Quỳnh: Dạ! Cô nói rất đúng ạ!
Lãi: Vậy thì còn chần chừ gì nữa. Tất cả cũng chỉ vì thằng bé. Cả phường mình hỏi xem có đứa nào được như nó đâu. Học giỏi, chăm ngoan năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc. Năm ngoái thi toán nó cũng đứng sau một đứa trên toàn quốc, tương lai sau này, nó sẽ làm giầu cho quê hương đất nước. Nhiều con nhà danh giá mơ được như nó cũng có được đâu. Cháu cứ nghĩ kỹ đi, giờ cô về, nếu cần cứ sang cô, bao nhiêu tiền cô cũng xin chiều hết. Cô về nhé… (Lững thững đi về)
Quỳnh: (Nói với sau) Dạ cô về ạ!
Biết người ta đưa cổ ra để cầm dao mà cắt, ấy vậy mà vẫn nói rằng giúp đỡ lúc khó khăn, nhưng tình trạng của thằng bé mỗi ngày một nguy cấp. Là người mẹ chẳng lẽ khoanh tay đứng chờ đợi mãi. Nghĩ cho cùng thì cũng chẳng còn cách nào hơn. Vì con, tôi đành phải vay nặng lãi, phải chấp nhận làm con nợ suốt đời! (Nhìn ra xa rồi thầm gọi) Anh Quân ơi! Ngoài đảo xa xôi ngàn trùng sóng vỗ, em chẳng dám báo tin cho anh biết … nhưng anh có linh cảm gì về tai nạn với con không?
(Tiếng vọng của Quân):
Em ơi! Lúc khó khăn em hãy vững tâm, giữ trọn niềm tin như tình anh mong đợi, giữa biển khơi xa xôi vời vợi, lúc nào anh cũng nhớ mẹ và vợ con. Giờ anh đang phải đương đầu với bão táp đại dương, nhờ nghĩa nước tình nhà mà luyện lên sắt đá. Hãy chăm sóc tốt mẹ già cùng con trai em nhé! Anh nhớ thương nhiều và biết ơn em!
Quỳnh: (Chợt gọi to) Anh Quân! Anh Quân!
Trời ơi! Anh tin cậy vào em, lại còn nói ơn em, vậy mà lúc này con gặp nạn em chẳng lo liệu được. Tiền mổ, tiền cấp cứu, tiền viện, rồi tiền mua thuốc cho con, em biết trông cậy vào ai? Anh thì đêm ngày lo canh giữ đảo xa, em không muốn anh buồn, nên không báo tin cho anh biết. Sợ đơn vị ngoài khơi lại phải quyên tiền giúp. Em không muốn phiền lòng người chiến sĩ đảo xa.
Bà Phúc: (Bà Phúc đột ngột gọi điện về) Quỳnh con! Bác sĩ trực vừa gặp mẹ thông báo tình trạng của cháu phải mổ gấp tối nay! Ổ gẫy 1/3 xương đùi phức tạp, di lệch nhiều, không được chậm chễ kéo dài, ở nhà con hãy lo toan để tối nay vào viện!
Quỳnh: Vâng! Vâng! Mẹ cứ yên tâm động viên cháu giúp con. Ở nhà con thu xếp rồi sẽ vào ngay với cháu. (Thở dài lo lắng) Ôi! Bây giờ biết tính sao đây? Bà nội suốt ngày than thở, còn mình thì chạy ngược chạy xuôi chỉ vay được ít tiền. Trong lúc này chồng lại không có ở bên, một mình chèo chống con thuyền lênh đênh (Quỳnh kêu lên) Trời ơi! Trời cao có thấu nỗi lòng tôi không? (Bỗng tiếng con gọi mẹ lại vang lên)
Tiếng vọng: Mẹ ơi! Hãy cứu con! Con đau lắm! Bố ơi hãy cứu con!
Quỳnh: Ôi! Nghe tiếng con kêu gào tha thiết, mà lòng mẹ như đứt ruột xé gan, giờ tôi phải tính sao đây, âu cũng phải chạy sang cô Lãi để vay tiền cho kịp ca mổ tối nay. Đành phải nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần ra sao ? (Định đi)
Chiến: (Đột ngột tới cùng hai đồng chí cựu chiến binh khu phố) Chào cô Quỳnh!
Quỳnh: Dạ vâng! Em xin chào các bác! Mời các bác vào nhà xơi nước.
Chiến: Cô cứ để mặc chúng tôi, thời gian không còn nhiều, tôi xin trao đổi với cô ở ngoài này cũng được!
Quỳnh: Dạ vâng! Có việc gì xin các bác cứ nói ạ!
Chiến: Tôi xin giới thiệu: tôi là Chiến hội trưởng hội Cựu chiến binh của khu phố ta.
Quỳnh: Dạ vâng! Em biết chính bác là người đã đưa cháu vào viện hôm đó ạ!
Chiến: Tình trạng cháu bé bị xảy ra tai nạn hôm ấy, ai gặp tình huống đó cũng phải làm như tôi thôi. Còn đây là 2 đồng chí thành viên của Hội.
Cô Quỳnh ạ! Cháu bé không may bị tai nạn. Chiều nay tôi và một số anh em trong Hội có vào viện thăm cháu. Hỏi han trò chuyện, được biết gia đình đang gặp khó khăn. Nhất là tối nay cháu bé phải mổ. Nên tôi đã bàn và thống nhất: Giải quyết khẩn trương; trích số tiền quỹ của Hội cùng với tấm lòng của các anh em đồng đội mang tới gửi cô, để cô yên tâm lo việc này cho cháu tối nay.
Quỳnh: Trời ơi! Thật vậy ư!
Quý hóa quá! Em xin đa tạ các bác!
Đa tạ tấm lòng vàng của các cựu chiến binh!
(Xúc động định quỳ xuống)
Chiến: Kìa cô Quỳnh! Cô đừng làm thế. Hoàn cảnh của cô một mình chăm mẹ nuôi con, đúng là vô cùng vất vả, bố cháu hiện giờ lại đang canh giữ đảo xa, chúng tôi, những người chiến sĩ chỉ có một tấm lòng lúc khó khăn thì cùng nhau đoàn kết để gắng sức vượt lên. Cô và gia đình không phải suy nghĩ gì cả. Đây cũng là trách nhiệm của người lính cụ Hồ chúng tôi!
Quỳnh: Vâng! Em cảm ơn Hội Cựu chiến binh.
Ngoài tiền giúp đỡ của Hội lại có thêm tiền hỗ trợ thiện tâm. Đúng là có nghĩa, có nhân trước sau trọn vẹn để xa, gần ngợi khen.
Chiến: Thôi! Giờ thì cô cùng chúng tôi vào viện thăm cháu. Nào, ta đi thôi các đồng chí!
(Âm nhạc – kết cảnh)