Hôm qua em đi tỉnh về
Chờ em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê” neo bám vào lòng người. Nó cũng là cái lý làm cho thơ Nguyễn Bính lan tỏa đi khắp nơi. Dịp Tết, nhiều tòa báo đã “đặt hàng” thơ Nguyễn Bính.
Cuối năm 1944, tờ Dân báo ở Sài Gòn chuẩn bị cho số báo Tết “Xuân Ất Dậu – 1945”, chủ bút là ông Tế Xuyên thấy rất cần có bài thơ của Nguyễn Bính thì báo mới đắt khách. Ông đến đặt hàng cho chắc ăn. Thấy rõ tấm lòng chủ bút, “cò kè” chứ không thoải mái, Nguyễn Bính liền “ra giá”:
- Ông nói mỗi trang thơ tòa soạn trả 2 đồng thì viết sao được! Nếu ông trả mỗi câu 2 đồng thì tôi viết xong sớm!
Giá thị trường lúc đó, 1 xu được 1 ly cà phê, 3 xu một tô phở… Suy tính mãi, Tế Xuyên bàn bạc với Nguyễn Bính, cuối cùng mạnh dạn trả 1 đồng 1 câu thơ. Một bài thơ dài 20 câu cũng khá tốn đây, nhưng đành chấp nhận. Tết sắp đến rồi, Báo Tết có tên Nguyễn Bính sẽ hấp dẫn bạn đọc.
Đến hẹn, tác giả nộp bài thơ khá hay. Bài có 11 khổ thơ, theo thể thất ngôn. Nhưng tính ra, 40 đồng thì đắt quá. Tế Xuyên đọc kỹ bài thơ, cố tìm cách dèm pha xuống giá. Ông tìm thấy trong khổ thứ hai có 2 câu “gờn gợn”, có ý “trách” tòa báo là vì tiền:
Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ đem bán cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền
Ông yêu cầu tác giả sửa 2 câu cuối, vì lý do “Năm mới mà đăng tải câu ấy, tòa soạn dễ bị xui”. Nguyễn Bính không sửa. Tế Xuyên liền trả 4 đồng nữa cho riêng khổ thơ này, có nghĩa là cả bài sẽ được 44 đồng. Nguyễn Bính cứ băn khoăn mãi, cuối cùng chấp nhận, liền cầm bút sửa 2 câu này như sau:
Xót xa một buổi xòe năm ngón
Thấy chết lòng tay vệt trái tim
Tế Xuyên thấy câu thơ hay, nhưng vẫn “chửi” mình về chuyện “mặc cả từng đồng”. Năm mới mà như thế, ai mua báo. Ông nài nỉ nhà thơ sửa. Nguyễn Bính liền “mặc cả” thẳng thừng:
- Nếu sửa vừa ý ông, ông sẽ trả tôi bao nhiêu?
- Nếu hoàn chỉnh…, tôi sẽ trả như thỉnh cầu ban đầu.
Nguyễn Bính nhận lời. Ông trầm ngâm một lát rồi viết:
Xót xa một buổi soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền
Chữ điền, theo Hán tự là vuông vức, dễ được chấp nhận. Giữa cảnh giao thừa, bài thơ tự khẳng định ý hay, lời đẹp, thu hút tấm lòng người đọc.
Tác giả sống trong túp lều tranh ngoại thành Sài Gòn luyến tiếc quá khứ, mà mình lại không về ngoại ô, không về được nơi “gió bụi” chốn thị thành, nhà thơ viết:
Sao chẳng về đây, nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết dần từng nấc, rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân, chết cả đời?
Và ở chính xóm dừa xa xôi ấy, ông tưởng tượng thấy tình người ăm ắp chung quanh, mặc dù xuân dường như chưa đến. Ông giữ “ẻm” mấy câu thơ gan ruột:
Xuân đã sang rồi em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?
Đến lúc này, ông Tế Xuyên mới thông cảm. Ông lấy bút trả 80 đồng cho bài thơ. Tính ra, bằng lương hàng tháng của một viên quan tri huyện lúc bấy giờ. Bài thơ Tết ấy đã mang đến một số tiền chi dùng trong suốt dịp Xuân 1945 cho nhà thơ chân quê Nguyễn Bính.