Hà Cừ là một nhà thơ đa tài, giàu trải nghiệm với vốn sống dồi dào, bởi ngoài sáng tác thơ, ông còn là họa sĩ, từng tham gia quân đội, dạy học, làm phóng viên, biên tập viên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là tác giả của các tập thơ: Gió chân mây, Dòng sông năm tháng, Thăm thẳm cõi người, Dấu chân trong cỏ, Những bước chân đi qua chiều, Buông, Hai và bốn tên tập thơ "Hai và bốn và những bài thơ khác/..." Mới đây, Hà Cừ xuất bản tập thơ thứ tám với nhan đề đầy ấn tượng, gây sự chú ý cho người đọc: “Vụn” - NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023. Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh khi đọc tập thơ này, đã thốt lên rằng:
Mang tên VỤN gây tò mò, suy ngẫm
Có phải trải qua bao nhiêu biến động
Nén dồn hết sự buồn - vui
Đã làm “vụn” qua những tứ thơ ấp ủ?
Tập thơ có 75 bài, được viết bằng nhiều thể thơ: lục bát, ngũ ngôn, và nhiều nhất là thơ tự do, đề tài khá phong phú nhưng ấn tượng nhất với tôi khi đọc tập thơ “Vụn” chính là vẻ đẹp giản dị nhưng vẫn toát lên chiều sâu triết lí của những vần thơ hàm súc, cô đọng. Nhiều bài thơ chỉ có 4 dòng, 5 dòng, thậm chí có bài chỉ có 2 dòng thơ: Đêm cứ tối và đèn cứ sáng/ Cây lá âm thầm gánh cả trắng và đen… (Gánh); Trong lành là nắng sau mưa/ Nắng như cô gái ngày chưa lấy chồng… (Nắng); Người đi bụi phố bụi phường/ Bao nhiêu phận bụi tự thương lấy mình (Bụi); Về quê cái nắng cũng giòn/ Gói trong vạt áo nắng còn tỏa hương… (Nắng quê); Nhận thức là một quá trình/ Đến khi hiểu được thì mình thành tro (Hiểu); Lặng im trong khoảnh khắc chiều/ Mà nghe sâu thẳm bao nhiêu nỗi niềm (Lặng)… Những bài thơ ngắn đến mức không thể ngắn hơn như thế trong tập thơ “Vụn” khá nhiều, khiến ta đọc đi, đọc lại, ngẫm ngợi và suy tư để hiểu thấu đáo những thông điệp ẩn chứa trong chiều sâu ngôn từ.
Nếu đọc qua những vần thơ “Vụn”, ta tưởng như gặp lại ca dao xưa, nhưng đọc kĩ, ngẫm lâu thì thấy những bài thơ ấy nói ít mà gợi nhiều. Nhà thơ Hà Cừ hướng đến thi pháp của thơ ca trung đại Việt Nam “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (chỉ có tinh nhuệ, tinh thông mới đáng trân quý, chứ không phải có nhiều là đáng quý). Nói cách khác, thơ hay, đáng quý là ở chất lượng, không nằm ở số lượng. Do đó, trong mạch chảy của thi ca hiện đại, biết bao người làm thơ nhưng Hà Cừ vẫn tìm được lối đi riêng, giọng điệu riêng trong cách biểu đạt cảm xúc. Cảm xúc trong thơ ông dường như được nén lại, cô lại với những từ ngữ giàu màu sắc triết lí, thâm trầm, ngân vang, nhiều sức gợi: Hoa vườn, hoa nắng đung đưa/ Ta xin tạ lỗi vì thưa thớt về… (Hoa). Bài thơ lục bát chỉ có 14 chữ với dấu chấm lửng ở cuối: “Ta xin tạ lỗi vì thưa thớt về…” nhưng tạ lỗi với ai, với vườn, với chủ của khu vườn hay với quê hương, với nơi nhà thơ từng gắn bó? Câu thơ để cả một khoảng trống cho người đọc cảm nhận và còn khiến ta giật mình nhìn lại chính mình, bởi trong hành trình của cuộc sống, đôi khi ta xao nhãng những gì thân thuộc.
Vẻ đẹp hàm súc của tập thơ “Vụn” gây ấn tượng với độc giả ngay từ nhan đề mỗi bài thơ. Nhiều nhan đề chỉ có một chữ: Tìm, Ai?, Gửi, Gánh, Chuyển, Sen, Lửa, Nhớ, Trắng; Nắng, Bụi, Hiểu, Đầy, Mong, Lặng, Cầu, Quên… Những nhan đề kiệm lời ấy vẫn như những chiếc chìa khóa, giúp người đọc mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của bài thơ. Tập thơ hấp dẫn người đọc còn bởi những triết lí về nhiều vấn đề có tính thời sự trong cuộc sống hiện đại: triết lí về “lập trình”, “quyền lực”, “thế giới phẳng”…
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu rất tinh tế khi nhận xét: “Trên từng chặng đường làm thơ, Hà Cừ viết nhiều về vùng quê thân thuộc với cách nhìn mới mẻ qua từng giai đoạn của một người gắn bó, đồng cảm, giàu chiêm nghiệm”. Tập thơ “Vụn” dù không viết nhiều về miền quê xứ Đông, nhưng kí ức làng quê vẫn đọng lại trong tâm trí nhà thơ qua một số bài tả cảnh của mỗi mùa trong năm. Nét đẹp đặc trưng của quê hương nhà thơ là vẻ thanh bình, đầy sức sống: “Đồng vào vụ đất trở mình ngai ngái/ Mùa chưa xanh, hạt cụng cựa trổ mầm/ Cây bên cửa bừng lên hơi thở ấm/ Sớm mai về gánh dào dạt hương xuân”. (Tết phố, Tết quê). Yêu quê là yêu từng mùi vị quen thuộc của đất, của đồng, của cây bên cửa, để mỗi khi đi xa, lòng lại không nguôi nỗi nhớ dạt dào: “Nắng mưa còn mãi đất quê nhà/ Để lại xứ Đông đầy thương nhớ/ Một đời đằng đẵng tháng năm xa…”. (Đi trong ngày xuân cuối). Chỉ cần bắt gặp hương vị quen thuộc của quê nhà là nỗi nhớ trào dâng: Cảm ơn người cho vải/ Hương thơm bay đầy nhà/ Bỗng dưng lòng khắc khoải/ Càng nhớ về quê xa…(Nhớ). Điều làm nhà thơ trăn trở chính là hồn quê một thuở đang mai một dần theo sự biến động của thời đại. Lòng người buồn, lo, tha thiết, đau đáu muốn níu giữ những gì đẹp nhất của quê mình: Đồng xa thoáng một cánh cò/ Mong sao phần xác biết lo phần hồn/ Ngoài khơi biển vẫn sóng cồn/ Mong sao giữ được linh hồn đất quê (Mong)
“Đọc "Vụn" mà không phải vụn. Những âm ba sắc màu của tâm hồn phản ánh sự phong phú, đa chiều của cuộc sống tạo nên thật ấn tượng khi ta đọc qua từng trang sách vui, buồn cùng tác giả”. (Thanh Nguyên). Thơ Hà Cừ thường lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ của một hồn thơ đã từng trải nên chất chứa nhiều suy tư, chiêm nghiệm. Ý nghĩa triết lí được nhà thơ gửi gắm qua những vần thơ, đọc lên tưởng nhẹ tênh mà ngẫm lại thì thấy sức nặng vô cùng của ngôn từ biểu đạt: Ngày tháng vẫn trôi xuôi/Kỷ niệm thì trôi ngược/ Bao nhiêu là mất được/ Cũng tan vào hư không (Đón xuân). Những vần thơ ngũ ngôn ấy gợi nỗi đau đáu của con người khi nhận ra quy luật của thời gian, quy luật của cuộc đời nhưng không hề hốt hoảng trước “mất được” bởi câu thơ có tới 4/5 thanh bằng “Cũng tan vào hư không”, nhẹ bẫng, thanh thản. Chỉ có người bản lĩnh, trải đời mới viết được những vần thơ sâu sắc, thẫm đẫm chất trí tuệ như vậy.
Với tập thơ thứ tám, trong khoảng bốn thập kỷ miệt mài gieo chữ trên cánh đồng thơ, Hà Cừ đã chứng tỏ sự kiên trì xây đắp lầu thơ cho riêng mình, làm nên vẻ đẹp riêng của một hồn thơ xứ Đông, với cảm hứng dồi dào, ngôn từ bình dị nhưng được chắt lọc tinh tế, có chiều sâu triết lí. “Vụn” là sự tổng hòa của nhiều mảnh ghép, nhiều đề tài, nhưng mạch nguồn xuyên suốt tập thơ chính là tình yêu, là chiêm nghiệm của thi sĩ dành cho cuộc sống, thiên nhiên, con người và quê hương, đất nước.