Nhân vật:
Ông Nhất: Nông dân - Cựu chiến binh.
Bà Thư: Vợ ông Nhất.
Nhật: Con trai ông Nhất, sinh viên trường Học viện kỹ thuật quân sự.
Lỏn: Cho vay nặng lãi.
Giới: Người môi giới xuất khẩu lao động.
Mở màn:
(Kịch xảy ra tại nhà ông Nhất. Ông Nhất ngồi trên bàn viết... Ông viết rồi lại xé... lại viết, rồi lại xé; nét mặt đăm đăm, khó chịu... Bà Thư từ trong ra, đứng ở một góc quan sát, rồi lặng lẽ lắc đầu...).
Bà Thư: (Một mình) Cái ông này, viết gì mà cả ngày vẫn không xong. Cứ viết rồi lại xé, lại viết rồi lại xé... Thật chả hiểu ra làm sao nữa? (Lò dò đến chỗ ông nhòm vào tờ giấy) Ông... ông viết cái gì thế? Cho tôi xem được không?
Ô. Nhất: (Giật bắn mình) Cái bà này, có xê ra không? Đàn bà con gái, biết gì mà nhòm mới chả ngó? Xê ra cho tôi làm việc. Bà làm tôi đứt hết mạch cảm xúc rồi.
B. Thư: (Cười) Ôi giời! Cỡ như ông thì làm gì có cảm xúc viết lách mà sợ đứt với chả không? Thôi, đưa tôi xem... ông viết cái gì mà từ sáng đến giờ mãi không xong? (Định giật tờ giấy trên tay ông Nhất).
Ô. Nhất: (Phát khùng) Bà có tránh ra không thì bảo. Bà học cái thói soi mói người khác từ bao giờ thế? Tôi hỏi bà... bà có hiểu thế nào là nhân quyền không hả? Để tôi giải thích cho bà nghe nhé: Nhân quyền là quyền cá nhân của con người; mà đã là quyền cá nhân thì không ai được phép xâm phạm. Vì vậy, bà không có quyền tò mò về việc riêng của tôi. Tôi nói thế, bà đã hiểu chưa?
B. Thư: (Thản nhiên) Chả hiểu gì cả.
Ô. Nhất: Biết ngay mà. Bà thì hiểu được gì cơ chứ? Thôi, bà mau ra ngoài cho tôi làm việc, mất thời gian quá!
B. Thư: Cái ông này... vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, trải bao muối mặn, gừng cay, có cái gì mà ông phải giấu tôi. Ông mau đưa đây, đưa đây tôi xem... (Bà cố giằng lấy tờ giấy của ông).
Ô. Nhất: Bà có thôi đi không. Thấy người ta nhún nhường, định làm càn hả?
B. Thư: Ông bảo ai làm càn? Ông thử nghĩ xem, còn ai ở cái tuổi như ông mà suốt ngày viết viết, lách lách, rồi úp úp, mở mở, giấu vợ, giấu con? Á, tôi nghĩ ra rồi, mấy lần trước tôi thấy ông cứ thậm thà, thậm thụt với con mẹ Lỏn ở xóm trên... Hay là... hay là ông đang thư từ, trăng hoa gì với con mẹ đó? Không được. Hôm nay, tôi nhất định phải làm cho ra vụ này. Ông đưa tờ giấy cho tôi? Đưa ngay tôi xem...
Ô. Nhất: Đã bảo không được là không được. Cứ lằng nhằng...
B. Thư: Ông có đưa tôi xem không... (Hai người giằng co tờ giấy. Bỗng ông Nhất dẩy mạnh bà ra)... Á, ông dám dẩy tôi à? Ông Nhất ơi là ông Nhất! Vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, chưa bao giờ giấu nhau cái gì. Vậy mà hôm nay, ông úp mở, ông giấu giếm... Thôi đúng rồi, đúng là ông ăn phải bùa mê, thuốc lú của con mẹ Lỏn rồi... Thế nên bây giờ ông gây sự với tôi? Giời ơi là giời! Ông... ông đúng là... già rồi mà vẫn còn... dê.
Ô. Nhất: Cái mụ già này, lại ăn nói linh tinh rồi. Hàng xóm nghe thấy, người ta cười cho bây giờ.
B. Thư: Tôi mặc kệ. Ai cười thì hở mười cái răng. Hôm nay, tôi nhất định phải làm cho ra vụ này mới được.
Ô. Nhất: Này, này... già mồm quá đấy! Có thôi đi không thì bảo.
B. Thư: Tháng trước, cũng tại ngôi nhà này, con mẹ Lỏn đem một bọc dày cộp sang đây, giấu giấu, giếm giếm rồi đưa cho ông. Giời ơi! Thế thì đúng rồi, nhất định là ông đang viết thư cho con Lỏn rồi. Ông có đưa đây không? Đưa ngay tờ giấy cho tôi? (Hai người đuổi nhau chạy vòng quanh nhà).
Ô. Nhất: Thôi, bà đừng đuổi nữa, tôi già rồi, chạy mệt lắm.
B. Thư: Già rồi mà còn... dê à? Mau đưa tờ giấy cho tôi.
Ô. Nhất: (Đứng lại, quát) Này! Có thôi đi không? Trong cái nhà này tôi là chủ hay bà là chủ?
B. Thư: Vậy ông mau đưa tờ giấy tôi xem.
Ô. Nhất: Đưa để lộ hết chuyện đại sự à?
B. Thư: Chuyện gì? Hay chuyện gái gú.
Ô. Nhất: Bình tĩnh, bà cứ bình tĩnh, khi nào xong xuôi, tôi sẽ nói...
B. Thư: Không được. Ông phải nói ngay.
Ô. Nhất: Chuyện làm ăn kinh tế của tôi với các con, không liên quan đến bà?
B. Thư: Sao lại không liên quan? Tôi là vợ ông, tôi đẻ ra các con ông, tôi cũng là chủ gia đình này.
Ô. Nhất: Nhưng bây giờ chưa phải lúc! Đợi khi nào thành công, tôi sẽ chính thức tuyên bố với bà và các con.
B. Thư: Ông cứ úp úp, mở mở thế này thì làm sao tôi yên tâm, tin tưởng ông được. Thôi, ông mau đưa tờ giấy tôi xem.
Ô. Nhất: Ngọt không nghe, lại thích… dùi đục với gậy tre hả? Bà mau ra ngoài cho tôi làm việc.
B. Thư: (Tức giận, cố nén lại, chợt nhìn ra ngoài sân) Ô kìa, ông... ông nhìn kìa... có con bò... con bò nhà hàng xóm đang phá cây cau cảnh của ông...
Ô. Nhất: (Vội nhìn theo) Đâu, đâu...
Bà thư: (Vội chộp lấy tờ giấy trên tay ông) Chết nhá! Được rồi... để xem ông dám thư từ hẹn hò với con nào...
Ô. Nhất: Bà... bà dám lừa tôi? Bà có muốn chết không hả?
B. Thư: (Đọc tờ giấy) Đơn xin vay vốn ngân hàng? (Nhìn ông Nhất) Ông định vay vốn làm gì?
Ô. Nhất: Đấy, thích thì đọc nốt đi... mệt cả người.
B. Thư: (Đọc tiếp) Tôi xin thế chấp toàn bộ mảnh đất ở, gồm 360 mét vuông cả nhà và vườn để vay 500 triệu về làm vốn cho hai con gái đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan... (Sợ hãi, giọng lạc đi) Trời ơi! Cái... cái gì thế này? Ông Nhất ơi là ông Nhất! Ông viết cái gì đây hả? Ông có điên không đấy?
Ô. Nhất: Điên cái gì mà điên? Chưa cháy nhà đã lo chết người? Đưa tờ giấy đây cho tôi.
B. Thư: (Gào lên) Không. Tôi cấm. Tôi cấm ông không được động đến các con tôi. Không được động đến mảnh đất này... Các con tôi dứt ruột đẻ ra, còn mảnh đất này là của ông bà, tổ tiên để lại... Giời ơi! Tại sao ông có thể tuỳ tiện đem đất đai, nhà cửa đi thế chấp mà không bàn với tôi và các con một lời? Ông mau trả lời tôi đi.
Ô. Nhất: Khổ quá! Không chịu động não gì cả. Già cả rồi mà không lo suy nghĩ phương thức làm ăn thì chỉ có nước chết đói thôi, bà hiểu không?
B. Thư: Thế tôi đã để ông và các con phải đói ngày nào chưa?
Ô. Nhất: Không đói nhưng không ngóc đầu lên được. Bà không thấy là cái nhà này ngày càng kiệt quệ đi à? Ba đứa con, đứa nào cũng học hành tốn kém mà đã làm nên trò trống gì chưa? Thà cho chúng nó đi xuất khẩu lao động... vừa nhàn thân bố mẹ, lại dễ dàng kiếm tiền. Thằng Nhật đã trót cho đi học rồi thì phải chịu. Còn con Thu và con Thuỷ, tôi cho đi xuất khẩu lao động hết.
B. Thư: Ông... Hôm nay, ông có bị ấm đầu gì không mà ông ăn nói hồ đồ thế?
Ô. Nhất: Bà thử nghĩ xem? Con Thu làm công nhân may, lương ba cọc, ba đồng mà suốt ngày phải đầu tắt mặt tối, gầy rạc người đi... Như vậy có đáng không? Còn con Thuỷ thì vừa học xong lớp 12... lại sắp sửa ăn không ngồi rồi... Đấy bà xem, hai đứa chúng nó như vậy, cho đi xuất khẩu lao động là hợp lý nhất còn gì.
B. Thư: Ông có ý nghĩ đó thì cũng phải bàn bạc với tôi và các con xem chúng có thích đi xuất khẩu lao động hay không đã chứ?
Ô. Nhất: Thích với thiếc cái gì. Đi là đi, không có lằng nhằng.
B. Thư: Ông... ông ác lắm! Con cái Thuỷ nó có người yêu rồi, bây giờ ông bày trò cho nó đi xuất khẩu lao động để chia cắt chúng nó hả?
Ô. Nhất: Yêu với đương gì cái trò trẻ con ấy. Con Thuỷ nhà mình phải đi xuất khẩu lao động thì mới mong lấy được anh chồng người ngoại quốc, mới mở mày, mở mặt được, chứ ở cái xó quê này thì nghèo đến mục thớt.
B. Thư: Ông ích kỷ lắm. Hàng ngày hễ mở miệng ra là ông mắng tôi không được xâm phạm đến nhân quyền của ông... Thế mà bây giờ ông áp đặt các con... Tôi... tôi quyết phản đối việc này đến cùng. (Bà xé tan tờ đơn) Không có đơn với từ gì nữa. Không vay, không mượn gì hết. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Giàu có mà để làm gì cơ chứ...
Ô. Nhất: Cái bà này... bà quá đáng lắm rồi đấy! Sao bà lại xé đơn của tôi?
B. Thư: Tôi không thể để ông muốn làm gì thì làm như thế.
Ô. Nhất: (Tức giận, nhưng cố kìm nén) Thế bà không muốn chồng con bà được ăn sung mặc sướng à?
B. Thư: Ăn sung mặc sướng để rồi mất gốc, mất hết quê hương bản quán, mất cha, mất mẹ lúc nào không biết à?
Ô. Nhất: Phủi phui cái mồm bà đi. Sao mà độc miệng thế?
B. Thư: Chả nhẽ tôi lại nói sai? Ông không thấy cái nhà anh Tự ở xóm dưới, vay vốn cho vợ đi xuất khẩu Đài Loan, một mình ở nhà cày ruộng nuôi con, làm cật lực để trả nợ ngân hàng. Ấy vậy mà con vợ nó đi 5 năm liền không về... đến năm thứ 6 thì nó về đưa cho một cục tiền rồi nói: (Nhại giọng cô gái) Anh thương em thì hãy đi lấy vợ khác đi để các con có chỗ dựa, mà bản thân em cũng được thanh thản... Em đã trót sai rồi, bây giờ em không thể sửa chữa được nữa... Em đã yêu và có con với người chồng Đài Loan, bây giờ em phải trở về bên ấy... Đấy! Giàu có để rồi con người tha hoá, biến chất, mất gốc thế đấy.
Ô. Nhất: Cái bà này, sao lại so sánh như thế. Con mình nó ngoan hiền, đạo đức chứ đâu có như cái thứ lẳng lơ, đĩ thoã ấy.
B. Thư: Tôi tin chắc là hai đứa chúng nó cũng không đồng ý đi đâu. Con Thu thì đã có người yêu, còn con Thuỷ thì chuẩn bị thi vào đại học. Mà con cái Thuỷ nhà mình nó học hành thông minh, sáng lạng lắm ông ạ. Nó bảo với tôi là nó ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, thế nên chắc chắn nó sẽ thi trường sư phạm đấy ông ạ.
Ô. Nhất: Không có sư phạm, sư phẽo gì nữa. Tốn kém mà chả giải quyết được gì. Bà không thấy ối người học đại học ra mà vẫn thất nghiệp à? Như thằng Nhật nhà mình đấy, học trường Học viện kỹ thuật quân sự hẳn hoi đấy, quân đội đàng hoàng đấy nhưng nay mai ra trường khéo lại hưởng đồng lương ba cọc, ba đồng, chả đủ sống ở cái đất Hà Nội ấy chứ? Học hành thế thì học để làm gì cho tốn sức? Chẳng qua, tôi cũng đã từng là một người lính… không lẽ tôi lại cho nó đi xuất khẩu lao động nốt.
B. Thư: Tôi là tôi tin ở nó. Thằng Nhật nhà mình là đứa có trí. Mà tôi cũng thấy lạ, chả có ai như ông. Con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang mà lúc nào ông cũng chê bai chúng nó, chả chịu đầu tư... chả chịu đặt niềm tin vào đứa nào cả.
Ô. Nhất: Tôi chả tin thằng nào, con nào hết. Tôi chỉ tin chính bản thân tôi thôi.
B. Thư: Thế rút cuộc là ông định làm gì?
Ô Nhất: Bà không cần hỏi? Những gì cần làm, tôi đã và đang làm cả rồi.
B. Thư: Như vậy nghĩa là sao?
Ô. Nhất: Nghĩa là, tôi đã quyết định sẽ vay vốn ngân hàng và cho hai con gái đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
B. Thư: Không được.
Ô. Nhất: Sao lại không được. Tiền tôi đặt cọc rồi, ký kết đàng hoàng cả rồi.
B. Thư: Tiền đâu mà ông đặt cọc?
Ô. Nhất: Đi vay chứ ở đâu?
B. Thư: Nhưng vẫn chưa làm đơn xong thì đi vay lúc nào?
Ô. Nhất: Vay nhà Lỏn ở xóm Trên. Tạm thời vay lãi để đặt cọc, chờ khi nào có vốn ngân hàng thì trả.
B. Thư: Giời ơi là giời! Thế là ông giết mẹ con tôi rồi... Ông có biết là con mẹ ấy nó lấy lãi suất cao lắm không?
Ô. Nhất: Biết. Thế nên mới vội làm đơn để vay ngân hàng. Bà lại đi xé đứt mất tờ đơn của tôi...
B. Thư: Thế ông vay con mẹ Lỏn bao nhiêu?
Ô. Nhất: 200 triệu?
B. Thư: Hả? 200 triệu? Thế tiền đâu? Tiền ông để đâu cả rồi?
Ô. Nhất: Đặt cọc hết cho chú Giới ở trên thị trấn rồi.
B. Thư: Thôi, thế là hết! Thế là mất... mất sạch rồi... Ông Nhất ơi! Ông giết mẹ con tôi rồi, ông Nhất ơi! (Bà khóc nức nở).
(Nhật về. Từ ngoài đã gọi to...).
Nhật: Mẹ ơi! Bố ơi... con về rồi đây! Bố... mẹ... (Thấy mẹ đang sụt sịt khóc, còn bố ngồi lặng thinh) Ơ... nhà ta... có chuyện gì thế này? Mẹ... sao mẹ lại khóc?
B. Thư: (Ôm Nhật, tiếp tục khóc) Nhật ơi... con ơi! Phen này cả nhà ta chết đói mất thôi... đi ăn mày mất thôi con ơi...
Nhật: Mẹ... có chuyện gì, mẹ bình tĩnh, kể con nghe xem nào?
B. Thư: Con... hỏi bố con ấy?
Nhật: Có chuyện gì mà mẹ khóc thế này hả bố?
Ô. Nhất: Có gì đâu? Tại mẹ mày cứ bù lu, bù loa lên thế chứ...
B. Thư: Ông còn dám nói là không có chuyện gì à?
Nhật: Kìa, mẹ... mẹ cứ bình tĩnh, để bố nói con nghe. Bố, bố nói đi...
Ô. Nhất: Hôm nay nhân tiện anh về, mà anh là con trai cả nên bố bàn luôn với anh thế này nhá! Bố định vay vốn ngân hàng để cho hai em con đi xuất khẩu lao động ở bên Đài Loan. Bây giờ chỉ có cái nghề ấy là kiếm tiền nhanh nhất và dễ nhất!
Nhật: Đi xuất khẩu lao động thì không có gì xấu, nhưng bố đã hỏi ý kiến hai em con chưa?
Ô. Nhất: Bố quyết cả rồi. Bố tin hai đứa chúng nó đồng ý thôi. Đứa nào chả thích có nhiều tiền, rồi được ăn sung mặc sướng. Với lại bố ký kết hợp đồng cả rồi, không thay đổi được nữa. Để bố lấy hợp đồng cho anh xem. (Ông mở tủ lấy bản hợp đồng đưa cho Nhật).
Nhật: (Xem bản hợp đồng) Công ty môi giới xuất khẩu lao động Đài Loan à? Con thấy công ty này có vẻ bất thường bố ạ? Con dấu thì mập mờ không sắc nét... Mà con không dịch được chữ gì ở con dấu này nữa. Các điều khoản trong hợp đồng cũng chỉ ghi chung chung... Chết! Người ký hợp đồng với bố tên là Giới đúng không ạ?
Ô. Nhất: Ừ, đúng! Chữ ký của chú Giới to đùng đấy.
Nhật: Thế thì đúng rồi, đúng là hắn ta rồi... Bố ơi! Bố bị hắn ta lừa rồi.
Ô. Nhất: Căn cứ vào đâu mà anh bảo thế?
Nhật: Hôm qua con tình cờ đọc được tờ báo điện tử, viết về một người môi giới tên là Giới... Hắn chuyên dụ dỗ bà con làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, rồi cuỗm mất số tiền khổng lồ của bà con.
Ô. Nhất: Anh... anh có nhầm với Giới nào khác không đấy!
Nhật: Linh cảm mách bảo con không nhầm bố ạ.
B. Thư: Đấy, tôi biết ngay mà.... tham thì thâm. Ối giời đất ơi, là giời đất ơi...
Ô. Nhất: Bà có câm đi không. Để bố con tôi nói chuyện. Đang rối hết cả ruột đây.
Nhật: Vấn đề bây giờ là phải tìm cách liên hệ với tên Giới để dụ hắn vào tròng... Mà bố đã đặt cọc tiền cho hắn chưa?
Ô. Nhất: Rồi. 200 triệu.
Nhật: 200 triệu cơ ạ? Thế có hoá đơn không bố?
Ô. Nhất: Có. (Lấy từ trong tủ ra đưa cho Nhật).
Nhật: May là còn có cái hoá đơn này. Bây giờ chỉ cần bố dụ được tên Giới đến nhà ta là con sẽ có cách lột trần bộ mặt lừa bịp của hắn.
Ô. Nhất: Tưởng gì chứ chuyện ấy thì đơn giản. Hôm qua hắn còn hẹn bố là trong ngày nay sẽ đến thu nốt 200 triệu nữa, rồi sẽ đưa hợp đồng lao động và lịch bay cụ thể của hai em con. Thế bố mới vội vã làm đơn để vay ngân hàng chứ! Nhưng mà làm cái đơn vay vốn cũng khó ra phết, bố viết đi viết lại mãi không xong.
Nhật: Như vậy là nhà ta còn có phúc lớn đấy bố mẹ ạ.
Ô. Nhất: Bố thấy có bóng người ngoài cổng. Hình như là tên Giới thì phải.
(Giới gọi ông Nhất từ ngoài).
Tiếng Giới: Bác Nhất ơi... Bác Nhất ơi... (Ngó nghiêng trước sau) Có ai ở nhà không?
Ô. Nhất: Đấy... đấy... đúng là hắn đến đấy.
Nhật: Tốt rồi. Bố cứ ở đây nói chuyện với hắn, con và mẹ tạm lánh vào trong. Bố mẹ cứ bình tĩnh, yên tâm. Phen này thì hắn bị tóm gọn rồi.
Ô. Nhất: Vậy bố... bố phải làm gì?
Nhật: Bố cứ trao đổi mọi việc bình thường với hắn... như thật bố nhé. Thôi, con và mẹ vào trong đây. Mẹ! Ta vào trong thôi.
B. Thư: Ừ, ừ... (Hai mẹ con Nhật vào).
Ô. Nhất: Chú Giới đấy à? Vào đi chú?
Giới: (Vào. Nhìn trước, ngó sau) Thế nào? Những gì em dặn bác đã làm chưa?
Ô. Nhất: Tôi... làm cả rồi?
Giới: Vậy bác mau giao nốt 200 triệu cho em. (Đưa cho ông tờ giấy) Đây, lịch bay cụ thể của hai con gái bác đây. Bảo các cháu cứ yên tâm, không phải lo gì cả. Xuống sân bay sẽ có người ra đón.
Ô. Nhất: Thế lương mỗi tháng 75 triệu đúng như thoả thuận chứ?
Giới: Đương nhiên rồi. Bác cứ phải lo xa. Đâu, bác mau giao tiền cho em, để em còn đi.
Ô. Nhất: Gì mà gấp thế chú? Cứ bình tĩnh làm chén trà, hút điếu thuốc cái đã. (Rót trà, mời thuốc).
Giới: Thôi, thôi... em không có thời gian đâu. Em còn đi nhiều nơi lắm. Làm cái nghề này nó khổ thế đấy bác ạ.
Ô. Nhất: Thì chú cứ uống chén trà cái đã. Tiền tôi chuẩn bị cả rồi, lo gì.
Giới: Vâng. Mời bác... (Giới uống trà, rồi lại sốt ruột) Đâu, bác đưa tiền cho em kiểm tra để em còn đi kẻo tối mất.
(Nhật ra).
Nhật: Chào chú Giới. Cháu nghe bố cháu nói nhiều về chú, mà nay mới có dịp được gặp. Chú cứ bình tĩnh, đi đâu mà vội.
Giới: (Lộ rõ vẻ sợ hãi) Anh... anh Nhất... cậu... cậu này là...
Ô. Nhất: Nó là con trai tôi...
(Nhật nhìn ra ngoài, nháy nháy... Hai đồng chí công an đột ngột vào, bắt ngay Giới và còng tay hắn lại).
Giới: (Hốt hoảng) Ơ... anh Nhất! Thế này là thế nào? (Với 2 công an) Các ông... tại sao các ông lại bắt tôi? Mau thả tôi ra.
Công an 1: Anh Giới! Lê Cảnh Giới... Chúng tôi bắt anh vì tội giả mạo công ty môi giới, xuất khẩu lao động để lừa bịp, tống tiền của người dân.
Giới: (Cười khẩy, nhìn Nhất) Ông Nhất... ông lừa tôi...
Nhật: Ông Giới! Ông nên nhớ! Vỏ quýt dày còn có móng tay nhọn. Rất may là hôm nay tôi về kịp, nếu không thì hậu quả ông mang đến cho gia đình tôi... thật không thể lường hết được.
Công an 2: (Với Nhật) Cám ơn đồng chí đã nhiệt tình hợp tác, giúp chúng tôi bắt được tên lừa đảo này. Bây giờ, chúng tôi phải đi. Có vấn đề gì chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ với gia đình sau.
Nhật: Vâng. Cảm ơn các đồng chí.
Ô. Nhất: Ơ... thế còn 200 triệu của tôi? Tên Giới lừa đảo kia, mau trả lại tiền cho ông...
Giới: Tiền à? Tôi ăn tiêu hết rồi...
Công an 2: Bác cứ bình tĩnh, chờ chúng tôi điều tra rõ vụ việc rồi sẽ yêu cầu phạm nhân bồi thường tất cả những khoản tiền đã lừa của gia đình bác.
B. Thư: (Vội chạy ra) Vâng, vâng... Vậy thì trăm sự nhờ các chú! Nếu mất số tiền ấy thì cả nhà tôi đến nước đi ăn mày mất thôi các chú ạ.
Công an 1: Gia đình yên tâm, chúng tôi hứa sẽ có kết quả sớm nhất về cho gia đình. (Với Giới) Đi... (Hai đồng chí công an giải Giới ra).
B. Thư: (Thở phào) Gớm... sợ quá! Thật không ngờ... con người mặt mũi sáng sủa thế mà lại đi lừa đảo.
Ô. Nhất: (Với Nhật) Nhật! Rất may con về kịp... nếu không thì... hỏng cả.
Nhật: Bây giờ bố mẹ tạm thời yên tâm rồi chứ!
Ô. Nhất: Nhưng mà bố vẫn thấy đau lắm! Không ngờ bố bằng ngần này tuổi rồi, từng làm lính xông pha trận mạc rồi mà còn bị thằng cha Giới nó lừa.
B. Thư: Ai bảo ông tham. Đấy, ông thấy hậu quả của sự tham lam? Không chịu bàn bạc với vợ con... Ừ. May mà cái nhà này còn có con. Nhật! Con... (Xúc động) con lớn thật rồi... mẹ... mẹ thấy mừng lắm.
Ô. Nhất: (Nãy giờ ngồi im một góc) Bố... bố làm con vất vả rồi Nhật ạ. Tha lỗi cho bố. Bà... bà cũng tha thứ cho tôi chứ.
B. Thư: Ông... lẽ ra ông không đáng được tha thứ. Nhưng vì ông là chồng tôi, là bố của các con tôi nên tôi phải chấp nhận.
Ô. Nhất: Vậy là diễm phúc cho tôi lắm rồi. Tôi... cám ơn bà! Tôi... đúng là... già rồi bà ạ? Chỉ vì nhất thời tham lam mà tôi làm bà và các con khổ. Tôi… thật là… già rồi nên hồ đồ, lú lẫn.
Nhật: Thôi, bố đừng quá bận tâm nữa. Cũng tại con mấy năm trời đi học xa nhà, chả giúp được gì cho bố mẹ và hai em. Từ nay con hứa với bố mẹ là con sẽ luôn ở bên bố mẹ để lo lắng cho cả gia đình ta.
B. Thư: Không được, anh phải học, rồi phải đi làm, phải cống hiến cho ngành quân đội. Bố… bố thì già rồi.
Nhật: Tất nhiên là con sẽ học, rồi sẽ đi làm bố ạ. Bố hãy yên tâm và tin tưởng ở con.
Ô. Nhất: Tốt. Tốt lắm! Anh trưởng thành thật rồi.
B. Thư: Vậy là từ nay gia đình ta có con là trụ cột rồi. Hôm nay, dù nhiều chuyện hú hồn, hú vía nhưng chung quy lại, được vẫn nhiều hơn mất. Vì thế, tôi quyết định chờ hai con gái về sẽ làm một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên để báo cáo thành tích của con trai và xin ông bà phù hộ cho nhà ta tai qua nạn khỏi.
Ô. Nhất: Được. Tôi đồng ý.
Nhật: Bây giờ con sẽ làm đơn để hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng.
Bà Thư: Nhật. Nhân đây, bố mẹ cũng muốn con vay thêm vốn để mở mang trang trại tại gia đình ta. Đất vườn nhà ta còn rộng mà không phát huy được thì phí lắm.
Ô. Nhất: Phải đấy. Việc này mẹ con đã bàn với bố từ lâu nhưng bố cứ khất lần, khất lượt, bỏ qua những lời đề xuất của mẹ con. Nhưng giờ thì bố hiểu ra rồi, bố không viển vông trong phương thức làm giàu nữa. Nhà mình lợi thế có diện tích đất vườn rộng, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Hiện nay, du lịch sinh thái Sông Hương đang được các lãnh đạo tỉnh ta rất quan tâm. Do vậy, tới đây, bố muốn mở rộng diện tích trồng cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap kết hợp du lịch sinh thái… để quả vải quê mình được xuất khẩu đi khắp các nước châu Á, châu Âu… trên thế giới. Và khu du lịch sinh thái Sông Hương sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.
Bà Thư: Phải đấy con ạ! Đó cũng là mong muốn, là ước nguyện bấy lâu nay của mẹ.
Ô. Nhất: Còn mấy sào ruộng trũng ở đồng Nhồi, bố sẽ đào ao thả cá, biến nó thành vùng nuôi trồng thủy sản như: cá diêu hồng, ba ba, ốc nhồi… Bố mẹ sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.
Nhật: Về khoản này thì con nhất trí 100%. Con cũng nghĩ không gì bằng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bố ạ.
Ông Nhất: Tốt! Anh lính trẻ của bố! Bố tin, sau này con nhất định sẽ khá hơn bố rất nhiều.
(Mọi người vui vẻ).
(Âm nhạc - kết kịch).