Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"
02/05/2024 08:33:23

Tác giả: KTS Nguyễn Văn Thường

 

Tháng 5 năm 2023, thành phố Hải Dương đã phát động “Phong trào thi đua và cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật” hướng tới kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804 – 2024), 70 năm giải phóng thị xã Hải Dương (1954 – 2024). Qua đó, lựa chọn được những tác phẩm điêu khắc tốt nhất để trang trí, làm đẹp cho thành phố. Đây là việc làm rất cần thiết bởi đang rất thiếu các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật ngoài trời. Song, để thành phố Hải Dương có một diện mạo mới, khang trang và hiện đại theo định hướng nêu trong Quyết định phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040” của Thủ tướng Chính phủ thì phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Trong phạm vi bài này, người viết muốn đề cập đến nội dung định hướng phát triển không gian ở “khu trung tâm đô thị hiện hữu”(1) nêu trong Quyết định.

Khu trung tâm đô thị hiện hữu có hai khu vực là “khu trung tâm lịch sử”(2) (thị xã trước năm 1954, với 5 phường: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão) và “khu trung tâm phát triển sau”(3) (hình thành sau 1954, với 10 phường: Ngọc Châu, Nhị Châu (ở phía Đông); Tân Bình, Thanh Bình, Việt Hòa, Tứ Minh (ở phía Tây); Bình Hàn, Cẩm Thượng (ở phía Bắc); Lê Thanh Nghị, Hải Tân (ở phía Nam). Thực tế có rất ít quy hoạch đô thị được lập hoàn toàn mới. Hầu hết đều là các quy hoạch mở rộng, cải tạo mở rộng. Thành phố Hải Dương nằm ở trường hợp thứ hai. Để thực hiện được quy hoạch mới đã khó; nhưng để thực hiện được quy hoạch cải tạo còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Như một quy luật tất yếu, khu trung tâm đô thị hiện hữu (trong đó có khu trung tâm lịch sử và khu trung tâm phát triển sau) sẽ lần lượt bị lạc hậu, xuống cấp sau một thời gian dài phát triển. Tái thiết khu trung tâm là công việc bắt buộc mà bất cứ đô thị nào muốn tiếp tục phát triển cũng phải làm.

Thứ nhất là khu trung tâm phát triển sau (bao quanh khu trung tâm lịch sử) hình thành sau năm 1954, nhưng chỉ thực sự phát triển từ năm 1996 đến nay, cùng với sự ra đời của Nghị định số 64/1996/NĐ-CP của Chính Phủ về việc “thành lập các phường mới thuộc thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Hưng”. Cấu trúc hệ thống giao thông chính trong khu trung tâm phát triển sau theo sơ đồ ô cờ, kết hợp với sơ đồ hỗn hợp và vành đai. Giao thông theo hướng Bắc - Nam như đường Thanh Niên, Nguyễn Thị Định, Lương Thế Vinh, Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Thanh Bình, Hoàng Quốc Việt; theo hướng Đông-Tây như đường Tuệ Tĩnh, Nguyễn Lương Bằng, Bà Triệu, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Phạm Ngọc Khánh, Đinh Tiên Hoàng, Bùi Thị Xuân...; các đường vành đai gồm: Quốc lộ 5, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Thanh Niên; giao thông theo sơ đồ hỗn hợp như các đường trong khu đô thị Ecoriver. Ngoài ra, có giao thông theo sơ đồ tự ở trong các làng, xóm cũ. Hệ thống giao thông khu vực này còn những bất cập như: Cảnh quan kiến trúc các tuyến đường và các cửa ngõ Quốc lộ 5 vào trung tâm thành phố còn chưa đẹp, thiếu ấn tượng; đường trong các làng mạc cũ nhỏ, hẹp, thiếu các bãi đỗ xe công cộng. Định hướng giao thông theo đồ án quy hoạch là “xây dựng các nút giao thông khác mức, cầu vượt...; hình thành các trục cảnh quan, không gian mở, tạo điểm nhấn các cửa ngõ đô thị trung tâm”. Cụ thể là sớm xây dựng nút giao đường Thanh Niên – Quốc lộ 5, nút giao phía Tây. Thiết kế đô thị các nút giao đường Quộc lộ 5, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Lương Bằng với đường Điện Biên Phủ, nút giao đường Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Bà Triệu với đường Lê Thanh Nghị. Các không gian chức năng gồm có Trung tâm hành chính, dịch vụ ở dọc tuyến đường Trường Chinh, đường Nguyễn Lương Bằng. Trung tâm công nghiệp, dịch vụ ở dọc tuyến Quốc lộ 5. Trung tâm hành chính, dịch vụ, khách sạn ở quanh công viên Bạch Đằng. Đang xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh gắn với quảng trường Trung tâm văn hóa Xứ Đông. Trung tâm thương mại gắn với quảng trường Thống Nhất. Các không gian chức năng này chưa gắn kết thành một hệ khung không gian công cộng hấp dẫn và ấn tượng. Chưa hình thành được quần thể không gian đa chức năng hoành tráng và ấn tượng. Định hướng quy hoạch là “Các khu trung tâm... được bố trí tại những vị trí thuận lợi về giao thông, kết nối thuận lợi với các khu chức năng đô thị khác” Cụ thể là, cần cải tạo mở rộng một số tuyến đường, tạo sự liên kết; cải tạo nâng cấp một số không gian chức năng tương xứng với đô thị loại I”.

Thứ hai là khu trung tâm lịch sử - một trong những trung tâm quan trọng nhất, ghi dấu sự ra đời và phát triển của thành phố Hải Dương. Cấu trúc không gian được hình thành từ sự kết hợp mạng lưới giao thông theo sơ đồ xuyên tâm ở hai khu vực Quảng trường Độc Lập và Ngã Sáu, kết hợp với sơ đồ nan quạt ở khu vực Bạch Đằng – Đại lộ Hồ Chí Minh một cách khéo léo, tạo nên diện mạo đô thị Hải Dương khá đặc sắc. Với cự ly vừa phải, có thể di chuyển bằng xe thô sơ hoặc xe đạp đến bất cứ địa điểm nào cũng đều tương đối thuận lợi. Tuy nhiên những năm gần đây, khi quy mô thành phố Hải Dương đã tăng lên hàng chục lần với lưu lượng và phương tiện giao thông lớn, thì không còn đáp ứng được. Các tuyến đường kết nối với các khu vực khác như đường Phạm Ngũ Lão, Tuệ Tĩnh, Hoàng Văn Thụ đều trở nên chật hẹp. Đường Hồng Quang vướng Ga Hải Dương cắt ngang; cầu Hồng Quang cũng không kết nối trực tiếp với khu hành chính tập trung. Đường Mạc Thị Bưởi (do vướng một số nhà ở) chưa đấu nối trực tiếp được với đường Bùi Thị Xuân. Đường Điện Biên Phủ (tuyến đường chính trung tâm) chưa được đấu nối với Quốc lộ 5. Chính vì những hạn chế nêu trên làm cho không gian khu trung tâm lịch sử bị lạc hậu, xuống cấp và thiếu sức hấp dẫn. Các hoạt động dịch vụ, văn hóa và vui chơi, giải trí nghèo nàn. Một số công trình bị bỏ hoang, đã không còn sử dụng. Định hướng của quy hoạch là “Xây dựng thành khu đô thị trung tâm sầm uất, nhộn nhịp”. Cụ thể là phải khắc phục hạn chế, bất cập của mạng lưới giao thông. Có kế hoạch tái thiết mang tính triệt để, dài hạn. Cần “Ưu tiên cải tạo chỉnh trang kiến trúc cảnh quan các tuyến phố, hệ thống kênh, sông hồ, các công viên, vườn hoa và các không gian mở khác, gắn với không gian đi bộ” . Nếu có thể thì ưu tiên trước tiên là cải tạo chỉnh trang đường Hoàng Văn Thụ. Vì tuyến đường này có vai trò chính kết nối trực tiếp khu trung tâm lịch sử với đường Bạch Đằng - khu đô thị phía Đông, hơn nữa có chiều dài ngắn (từ cạnh phía Đông của sân vận động đến đường Bạch Đằng chỉ dài 170m). Các tuyến đường như Tuệ Tĩnh, Phạm Ngũ Lão cũng cần có thiết kế đô thị, để từng bước có kế hoạch chỉnh trang... Quy hoạch cảnh quan, tạo sự liên kết ba hồ Văn Hóa - Bảo Tàng - Nhà Thiếu nhi và ba hồ Bình Minh - Cơ Khí - Cầu Cất. Thiết kế đô thị tuyến Phố đi bộ - Chợ đêm Bạch Đằng. Nên xem xét đến phương án thu hẹp khuôn viên Đài liệt sỹ để thêm chức năng quảng trường - nút giao thông tạo kết nối trực tiếp giữa khu trung tâm lịch sử với khu đô thị phía Đông? Khu vực Thành Đông cũ nên có mô hình cổng hoặc khối biểu tượng Thành Đông?

Thực hiện theo định hướng quy hoạch là “Bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, tạo dựng bản sắc, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử con người xứ Đông”. Cần có đề án khảo sát, đánh giá và xếp loại các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố ở từng thời kỳ để bảo tồn. Cụ thể là một số công trình xây dựng trước 1954 như không gian khu vực hồ Hào Thành, nhà ở phố Bắc Kinh, Tam Giang, Phạm Hồng Thái..., các dinh thự cũ ở phố Bạch Đằng, Quang Trung, Nguyễn Du..., một số công trình xây dựng sau năm 1954 đến năm 1985. Khu trung tâm lịch sử nên có một số công trình mới với hình thức kiến trúc theo phong cách tân cổ điển châu Âu để gợi lại một phần không gian lịch sử trước năm 1954.

Một định hướng quy hoạch tiếp theo, đó là “Di dời các công sở, cơ sở công nghiệp... gây ô nhiễm hoặc kém hiệu quả để tái thiết lại đô thị”. Cụ thể là di dời trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh nằm rải rác ở các phường về khu hành chính tập trung của tỉnh. Lập kế hoạch sử dụng quỹ đất sau di dời để tái thiết khu trung tâm theo nội dung định hướng: “... ưu tiên cho hệ thống công trình dịch vụ công cộng và hạ tầng kỹ thuật, các chức năng đô thị còn thiếu trong khu vực như các không gian, công trình công cộng, công viên cây xanh, thể dục, thể thao - văn hóa”, trong đó ưu tiên mở rộng một số tuyến đường ở khu trung tâm lịch sử.

Khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên, xác định sông Sặt “là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Tổ chức các cầu mới qua sông... phát triển công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, du lịch, công viên, cây xanh, vui chơi giải trí...” ở ven sông. Đây là con sông gắn liền với cuộc sống đô thị, có giá trị rất lớn về cảnh quan, môi trường sinh thái. Cần tiến hành lập quy hoạch chi tiết cảnh quan. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư.

Trên đây mới chỉ điểm qua một số nội dung cần thực hiện theo định hướng phát triển không gian ở khu trung tâm đô thị hiện hữu, đã thấy một khối lượng công việc rất lớn. Nguồn kinh phí cho việc cải tạo, mở rộng và nâng cấp cũng không hề nhỏ. Rất nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đồng bộ và sự kiên trì, quyết tâm và thống nhất rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, còn nhiều yếu tố thuận lợi cơ bản như: hệ thống giao thông chính đã được định hình, một số cơ quan, đơn vị chuyển đi sẽ tạo điều kiện cho việc chỉnh trang đô thị, có nhiều sông hồ tự nhiên, góp phần tạo dựng cảnh quan, môi trường đô thị... Và cuối cùng là có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân thành phố. Hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng Hải Dương sẽ “Là thành phố xanh, thông minh, hiện đại và mang bản sắc văn hóa con người xứ Đông” như mục tiêu quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 đã đặt ra.

Ghi chú:

(1) - Khu trung tâm đô thị hiện hữu (theo Quyết định 339/QĐ-TTg, ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040) thuộc một phần các phường Việt Hoà, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Ngọc Châu, Nhị Châu và Hải Tân.

(2) - Khu trung tâm lịch sử (tạm gọi - theo tác giả) là ranh giới thị xã Hải Dương trước năm 1954, thuộc các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Phú, Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão.

(3)- Khu trung tâm phát triển sau (tạm gọi – theo tác giả) thuộc một phần các phường Việt Hoà, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Lê Thanh Nghị, Ngọc Châu, Nhị Châu và Hải Tân.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Đại thắng 30 - 4 – 1975 Đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc (17/05/2024)
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam(17/05/2024)
Về thăm Tiên Lữ(17/05/2024)
Mùa hoa bưởi(17/05/2024)
Cuộc gặp năm mươi năm(17/05/2024)
Các tin cũ hơn
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na