Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: Kịch nói "Tháng 2 có 28 ngày" của NSƯT Khúc Hà Linh
28/10/2022 12:00:00

Nhân Vật :

- Anh Nhất

- Cô Nhị

- Anh Tam

- Bà Hòa - cựu TNXP- mẹ của 3 con

- Ông Thứ - em chồng bà Hòa

- Cháu Thân - con anh Nhất, 12 tuổi

- Bà Tý, bạn bà Hòa - cựu TNXP.

 

Đài từ trước khi mở màn:

- Thôi, tôi xin các anh các chị. Xin các người đừng cãi nhau nữa. Không phải lỗi của một ai cả. Là tại tôi, tôi vô phúc mới có những người con như thế. À mà không, không phải lỗi tại tôi. Tại ông trời. Ông trời ơi, tại sao ông sinh ra tháng 2? Mà tháng 2 có 28 ngày, chứ không phải là 30 ngày. Tại sao?

Lớp 1 – Nhất – Nhị - Tam

(Tại nhà anh Nhất)

(Anh Nhất tay cầm điện thoại, vừa đi đi lại lại, vừa nói):

- Quái, đã nói là tập trung đúng 10 giờ, mà bây giờ gần mười rưỡi chưa thấy mặt người nào. Mấy cái cô chú này toàn chuyện tào lao. Nhà mình chuyện tầy đình thế này, mà cứ như chuyện người dưng nước lã…

Nhị: (Trang điểm rất diện và sành điệu bước vào) - Có chuyện gì mà bác cả làu bàu người dưng với nước lã đấy?

Nhất: - Kìa, cô Nhị đến đây rồi. Thế chú Tam đâu?

Nhị: - Tôi không biết! Nào, anh bảo họp hành gì thì họp nhanh nhanh lên. Tôi còn về chuẩn bị đi chùa.

Nhất: - Được, họp xong chuyện bà, rồi cô đi. Không ai cấm.

Nhị: - Tôi đã nói, cứ đầu năm nhà tôi rất bận. Anh ấy thì đi làm, còn tôi theo mấy khóa lễ. Nào giải hạn, cầu phúc cho cả gia đình…

Nhất (Ngắt lời): - Chắc chỉ có nhà cô là bận? À, này, trong khi chú Tam chưa đến, tôi bàn trước với cô thế này.

Nhị: - Có gì anh nói thử xem nào?

Nhất: - Mẹ là mẹ chung, mẹ đẻ ra anh em mình. Mẹ đã quá nhiều gian nan vất vả, đạn bom, rồi nuôi con…

Nhị: - Thì đúng rồi, ai chả biết. Có cha mẹ, mới có các con…

Nhất: - Đấy, nay mẹ đã già, mắt mờ chân chậm… Tuổi trẻ thì đi thanh niên xung phong, hết mở đường Trường Sơn, lại phục vụ các tuyến lửa. Khi trở về thì sinh đẻ, hết con lớn đến con bé, bây giờ già rồi, nên các con cháu rất cần phải quan tâm để ý. Phải thường xuyên có người nâng giấc ở bên. Vì thế, tôi định là… đưa mẹ sang ở bên nhà cô cho tiện…

Nhị: (Giẫy nảy lên) - Ồ , thế không được. Tiện là tiện thế nào? Anh là con trưởng, mẹ phải ở nhà con trưởng mới đúng nề nếp gia phong chứ? Nếu cụ ở với tôi, họ mạc, khách khứa người ngoài nhìn vào, cười chết.

Nhất: - Cười là cười thế nào? Con gái chăm sóc mẹ, ai cười, hả?

Nhị: - Thiên hạ cười…! Người ta nhổ vào các anh. Người ta hỏi, nhà này con trai chết hết hay sao mà cô con gái phải nuôi, hả?

Nhất: (Cười xí xóa) - Cô này chỉ cái nói xúi quẩy, cô mong chúng tôi chết hay sao.

Nhị - Là tôi nói ví dụ thế. Nhưng tôi không đồng ý…

Nhất: - Sao lại không đồng ý? Thế cô định vô ơn dưỡng dục với mẹ à? Mẹ già, về ở với con gái, hợp tính hợp tình lại tâm lý. Tâm tình thủ thỉ vẫn hơn. Tôi nói thật, có những việc con giai, không hiểu được tâm lý của mẹ bằng con gái đâu?

Nhị: - Mặc kệ các anh, tôi không biết. Tôi là phận gái đi lấy chồng, ăn phận nhà chồng… Nữ nhân ngoại tộc.

Nhất: - À cái cô này, đúng là bất hiếu!

(Lúc này anh Tam xuất hiện):

Tam: - Cái gì mà ầm lên thế?

Nhất: - Đây, chú Tam vừa tới. Đang bàn chuyện từ nay để bà sang ở với cô Nhị,…

Nhị: - Đây, có cậu Tam. Ai đời làm anh cả lại đùn nuôi mẹ cho đứa em gái, nữ nhân ngoại tộc bao giờ. Làm thế người ta cười cho. Có đúng không?

Tam: - Nuôi mẹ là việc chung, ai nuôi cũng được. Ai có điều kiện thì nuôi, chẳng hơi đâu mà người ta cười…

Nhị: - Vậy cậu nuôi đi. Đấy, con trai có hiếu đễ, rước mẹ về đi. Sĩ diện!

Tam: - Tôi nói thật với các người, nhà tôi nghèo, chật chội, chứ rộng rãi, giàu có như các người, tôi nuôi ngay. Thử hỏi, cụ về thì nằm ở đâu?

Nhị: - Ăn hết nhiều, chứ ngủ thì ngủ ở đâu mà chẳng được.

Nhất - Thôi được, ai cũng đùn đẩy cho nhau, vậy bây giờ tôi có ý kiến thế này: Chúng ta đây, ba anh em, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, mỗi tháng mỗi nhà đều phải nuôi cụ.

Nhị: - Thế cũng được. Một năm có 12 tháng, mỗi tháng là ba mươi ngày, thế là mỗi con nuôi cụ 4 tháng trong một năm. Cứ thẳng tưng ra như chỉ kẻ. Đỡ tỵ nạnh, rách việc.

Nhất: - Được, nếu thế phải làm thành văn bản hợp đồng hẳn hoi. Chú Tam, chú có chữ nghĩa, làm nhanh lên.

Nhị: - Thôi, chuyện văn bản làm sau. Bây giờ chúng ta thống nhất phương cách đã. Trước hết là phải rành mạch rõ ràng. Đến phiên ai nuôi là phải giao nhận cẩn thận, ghi chép cân lạng đàng hoàng. Cụ ở đâu, là phải chăm sóc cho chu đáo, không được lơ là, để sụt cân. Nếu ai nuôi không tốt, sẽ bị nuôi bù, cho đến khi nào trọng lượng bằng thời điểm giao nhận thì thôi…

Nhất: - Tôi đồng ý với cô. Trước khi giao nhận cụ, là phải cân cụ lên. Xem trọng lượng là bao nhiêu cân. Nếu ai lơ là việc nuôi mẹ, để cụ gày gò yếu ốm sụt cân là phải chịu trách nhiệm.

Tam: (Ngần ngừ) - Có phải làm đến thế không?

Nhất: - Sao lại không! Cần phải phân minh, không thể lập lờ đánh lận con đen… Dây máu ăn… công lao, đi đâu cũng rêu rao: Rằng tôi phải nuôi mẹ đây. À tôi hiến kế này, phải báo cho trong họ biết về thái độ vô trách nhiệm trước cha mẹ của ai đó, chứ không nhu nhơ được. Thế là phạm vào tội bất lão, là bất hiếu. Nhất là mẹ lại là cán bộ cựu thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, cả làng cả huyện, đến trên tỉnh cũng có người biết đấy…

Nhị: - Đúng quá đi chứ. Năm nào mẹ chả được về tỉnh dự họp mặt?

Nhất: - Theo tôi bắt đầu từ tháng này, bà ở với cô Nhị. Xong đúng mồng một tháng sau về ở với chú Tam, rồi sau đó đến nhà tôi.

Nhị (Giãy nảy lên): - Không được! Tôi phản đối. Tháng này nhà tôi bận không nuôi mẹ được. Các anh phân công lại. Mà anh Nhất anh mở đầu đi, sau đến tôi.

Nhất: - Thôi được, tôi là anh cả tôi xin đầu tầu gương mẫu, nuôi trước. Nhưng còn ba hôm nữa mới hết tháng, vậy ba ngày này tính thế nào?

Tam: - Còn thế nào nữa, thì cứ để mẹ ở nhà tôi…

Nhị: - Không, làm thế chú bị thiệt... Đã công bằng là công bằng. Mỗi người chịu một ngày. Cụ ăn tiêu mỗi ngày cùng lắm là vài chục nghìn…

Nhất: - Cô tính thế nào mà nói vài chục nghìn?

Nhị: - Thì đây, sáng 7.000 đồng ăn bún hay cháo. Trưa, tối hai bữa thì cũng chỉ ba chục là no, đúng không? Vậy ba ngày là… 120 nghìn.

Nhất: (Bấm đốt tay): - Cô tính nhầm, mỗi ngày 37 nghìn, ba ngày là 111 nghìn chứ. Đã công bằng là công bằng một thể…

Nhị: - Nhưng tôi không có tiền lẻ. Thôi đây, phần của tôi (Đếm tiền), tôi đưa hẳn bốn chục. Cậu Tam, này tiền tôi góp đây, cầm lấy (Đưa cho Tam).

Tam: - Tôi không nhận! Nếu chị có lòng hiếu thảo, chị đưa thẳng cho mẹ. Nghèo thì nghèo thật, nhưng không chết được. Thiếu, tôi đi vay hàng xóm. Các anh chị không phải làm thế.

Nhất: - Thôi, tôi quyết định thế này. Trong ba ngày tới, cụ vẫn ở với chú Tam. Tiền ăn ba ngày, tất cả đưa cho tôi. Tôi có trách nhiệm làm việc với cụ. Đây là tiền của cô Nhị, còn phần tôi, tôi sẽ gặp cụ để đưa. Chú Tam, đưa mẹ ra đây để chúng ta ba mặt một lời, chứng kiến cân cụ lên rồi lập biên bản.

Nhị: - Đã đến nước này, hôm nay chưa cân được.

Nhất: - Sao lại không cân được?

Nhị: - Không chính xác. Từ nay đến hôm ấy còn ba ngày, thế cụ thay đổi trọng lượng thì sao?

Tam (Gào lên): - Thôi tôi xin các người, cứ để tôi nuôi cụ thêm ba ngày nữa, rồi các người đến đây mà cân. Hãy tìm cái cân bàn như là cân lợn ấy cho chính xác…

Lớp 2 - Cháu Thân - Bà Hòa

(Tại nhà anh Nhất)

Bà Hòa đang ngồi giở hộp đựng những kỷ vật từ những năm còn là nữ chiến sĩ TNXP ra ngắm nghía và bồi hồi nhớ lại những người bạn cũ. Bà độc thoại “Đây là tổ 3 anh hùng. À, con Tý đây. Tóc dài dày như mây suối. Không biết bây giờ sống ra sao? Nghe nói cũng mới chuyển về thành phố này, mà chưa bao giờ gặp. Còn đây, cái Mận được gọi là Mận Trưng Nhị đấy. Một mình nó xả mấy băng tiểu liên vào bọn biệt kích ngụy, để bảo vệ đồng đội thoát khỏi ổ mai phục và vĩnh viễn không trở về… Ôi thế mà đã 48 năm”. Bà đang ngập tràn niềm cảm xúc thì có tiếng cháu gọi “Bà ơi”, và cháu Thân ra.

Thân: - Bà ơi, bà xuống bếp ăn sáng. Bà làm gì thế?

Bà Hòa: - Bà đang giở lau chùi, xem lại mấy đồ kỷ niệm…

Thân (Đến bên bà) : - Ô, ảnh của ai mà cũ kỹ thế?

Bà Hòa: - Ảnh thời bà còn trẻ đấy! Đây là những người đồng đội của bà rất anh hùng, nổi tiếng kiên cường dũng cảm đấy, cháu có nhận ra bà không?

Thân: - Cháu chịu. À, có phải bà đứng cạnh cái cô tóc dài vắt ra trước ngực không?

Bà Hòa: - Giỏi quá, con bố Nhất sáng dạ quá. Bà đấy. Còn cái cô tóc dài là bà Tý, bạn của bà quê Thanh Hà, nghe có người bảo cũng mới theo con cháu lên thành phố mà bà chưa gặp lại.

Thân: - Ôi, còn cái lược (Giơ lên)… Cái lược làm bằng gì mà thô, lại trắng như là miếng nhôm cưa răng. Xấu thế này bà giữ làm gì cho rách cả túi?

Bà Hòa (Cười): - Cháu không biết cái lược này là vật kỷ niệm của đời bà đâu. Ngày ấy, bà bị thương vào bệnh xá quân y điều trị, và gặp một người thương binh cũng nằm viện. Chiếc lược này là mảnh xác máy bay Mỹ, ông ấy tự tay cưa, mài giũa mất mấy tháng trời rồi tặng bà đấy.

Thân: - Thế ông bây giờ ở đâu? Hả bà?

Bà Hòa (Cảm động): - Thằng tồ! (Cười) Ông ngồi trên bàn thờ nhà cháu đấy. Ông nội cháu đấy. Ông mất từ lúc bố mẹ cháu chưa lấy nhau.

Thân: - Cười, thế mà chả bao giờ bà kể. Bà ơi, thời còn trẻ, bà rất béo, lại đẹp nhất làng, rồi bà làm đơn đi bộ đội hay sao nhỉ?

Bà Hòa (Cười): - Ai bảo cháu thế? Là bà đi thanh niên xung phong?

Thân: - Thanh niên xung phong là thế nào bà nhỉ? Có phải như mấy anh chị mặc áo xanh ngoài phố hay hỗ trợ các chú cảnh sát hướng dẫn người đi đường không hả bà?

Bà Hòa: - Không, thời của bà phải ra chiến trường, ra mặt trận, bắc cầu phao, xẻ núi mở đường cho pháo ra tiền tuyến. Không phải là bộ đội mà cũng chịu những bão đạn, mưa bom. Gian nan, đói rét, rừng rú, cũng cận kề cái chết. Nhưng bà chỉ bị thương nhẹ rồi đi điều trị, rồi gặp ông cháu là bộ đội đang điều trị trong quân y viện. Hai người làm bạn với nhau. Ừ mà ngày ấy bà khỏe lắm, bây giờ mới gầy. Nhưng tại sao cháu lại hỏi bà chuyện ấy?

Thân: - Thôi, bà xuống ăn bánh cuốn đi, kẻo nguội không ngon đâu.

Bà Hòa: - Hôm nay bà không thấy đói… Hôm nào cũng bún với bánh cuốn… Bà xót ruột lắm. Bà không ăn.

Thân: - Sao bà lại không ăn. Không ăn là gầy, là sụt cân đấy.

Bà Hòa (Cười): - Cha bố anh. Trẻ thì mới sợ gầy yếu, chứ bà già rồi có gầy cũng chả sao…

Thân: - Bà ạ, già như bà cũng không được để gầy. Nếu để gầy là phải nuôi bù…

Bà Hòa (Giật mình): - Cháu bảo ai nuôi bù, thế là thế nào?

Thân: - Bố mẹ cháu nói với nhau thế này: Tháng sau, bà không ở nhà cháu mà sang nhà cô Nhị. Sao bà không ở đây?

Bà Hòa: - Bà có nhiều con, phải ở với mỗi con cháu một thời gian.

Thân: - Nhưng ở nhà cô Nhị, cô chú ấy đi suốt ngày, bà chơi với ai?

Bà Hòa: - Bà chơi một mình, bà dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Mà hôm nay là ngày bao nhiêu rồi? Cháu xem lịch cho bà đi.

Thân: - Hôm nay thứ sáu, ngày 28 tháng 2, mai là mồng một tháng 3…

Bà Hòa: - Sao, mai đã là mồng một tháng 3. Bà tưởng mai còn là 29…

(Có tiếng chuông réo )

Thân: - À, bà ngồi đây, để cháu xuống nhà dưới xem ai gọi chuông nhé! (Chạy đi).

(Còn lại một mình bà Hòa)

Bà Hòa: (Nói vói khán giả) - Chả giấu gì bà con. Ông nhà tôi là thương binh mất sớm, một mình nuôi các con. Bây giờ già không làm gì được, chúng nó phải nuôi tôi. Nhưng cha mẹ sinh con, giời sinh tính, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi vẻ. Đứa thì chỉ mải mê làm giàu, đùn đẩy nhau nuôi mẹ. Bây giờ chúng lại chia nhau nuôi tôi, mỗi đứa nuôi một tháng.

(Bà nhặt những đồ chơi vứt ngổn ngang trên nền nhà)

Đây, đồ chơi, những con gấu, những tòa nhà đẹp đẽ thế này mà nó vứt đi. (Móc trong túi áo) Đây, những miếng giò, chả thơm phức như thế này, mà thằng bé không ăn, gẩy ra đầy mâm. Bố mẹ thì bỏ mặc con, chỉ coi tiền là trên hết, suốt ngày đi biền biệt. Nhà cái anh Nhất này khá, chiều chuộng con quá thể… Chỉ thương vợ chồng nhà thằng út Tam, công việc chả ra sao, lại con nhỏ, vợ yếu đau, quanh năm túng thiếu…

Tranh thủ thằng bố Nhất chưa về, tôi đến nhà thằng út Tam, cho cháu mấy miếng giò, và vài cái đồ chơi này, chắc là cháu thích lắm (Vào trong).

Lớp 3 - Nhị - Nhất - Bà Hòa

(Tại nhà cô Nhị)

Nhị trang phục rất trẻ trung, giống như các cô gái tuổi tin. Cô đang kẻ lông mày, và trang điểm, soi gương ngắm nghía… Bỗng có tiếng điện thoại vang lên. Cô mở máy cười nói hớn hở:

Nhị: - Con Lê đấy à? Chị Nhị đây. Chuẩn bị xong chưa? Rồi à, này chuẩn bị cả bộ quân bài nhé. Nhớ là bộ xịn đấy. Ừ, đã chơi là phải chơi đồ xịn (Cười). À quên, nhớ mang đem rộng ra cho ta vay 10 “củ” nhé. Lại còn vờ không biết. 10 củ tức là 10 triệu đấy. Ta chưa tróc được của lão ấy. Cứ yên chí, chỉ nay mai lão về là ta có ngay thôi. Mà đề phòng thôi, chứ vận tao mà hên, thì cũng chưa cần dùng đến.

Lê à, hôm nay là bao nhiêu nhỉ? Cái gì? Cuối tháng à, hăm tám à. Âm lịch cơ mà? Đúng rồi, âm lịch là mồng 4.

(Chính lúc ấy, anh Nhất ra)

Nhất: - Cái gì mà mồng 4 với mồng 5 đấy, cô Nhị? Này chuẩn bị đón mẹ về nuôi đi

Nhị: - Cái gì, nuôi gì? (Cong cớn) - Anh bảo đón mẹ nào, vớ vẩn! Tôi nói anh biết, trước đây chúng ta đã hợp đồng thế nào? Anh nhớ chứ?

Nhất: - Nhớ, thì mỗi người nuôi mẹ một tháng.

Nhị: - Một tháng. Hớ hớ. Một tháng có bao nhiêu ngày?

Nhất: - Cô ngu lắm. Trẻ con nó cũng biết, một tháng có ba chục ngày. Thế mà còn hỏi, không biết ngượng à?

Nhị: - Vâng, anh khôn. Anh nói đi, hôm nay là bao nhiêu mà anh đã phải nhắc? Là 28!

Nhất: - Phải, ngày 28. Thế đấy. Là ngày tận cùng của một tháng! Ngày mai là mồng một, là tháng khác, đến phiên cô…

Nhị: - Tôi không biết. Chưa đủ ba chục ngày, anh đừng có đùn bà sang nhà tôi là không xong đâu!

Nhất: - Á à, cô này chầy bửa. Tôi nói cho mà biết, hợp đồng nuôi mẹ là một tháng, hôm nay hết tháng, cô phải nhận bà. Đây hợp đồng đây, chữ ký cô rành rành ra đây (Xòe tờ giấy ra trước mặt Nhị). Không chày cối! Nào chuẩn bị cân chưa?

Nhị: - Tôi không nhận. Còn hai ngày nữa mới đủ ba chục ngày.

Nhất: - Nhưng tháng hai có 28 ngày thôi. Nói với cô như nói với người âm lịch, tức bỏ mẹ!

(Trong khi hai người cãi cọ nhau, bà mẹ cầm túi thập thò ngoài cánh cửa, như muốn vào, lại nửa muốn ra).

Nhất: - Bây giờ tôi bận đi họp, cô liệu mà chuẩn bị, chiều nay sang đón cụ về. Đồ bất hiếu! (Nhất bỏ đi).

Nhị: (Cười khinh bỉ) - Ai bất hiếu thì thiên hạ người ta biết. (Nhìn theo Nhất) Còn lâu! Thế mà cũng gọi là anh trưởng. Có mà trưởng giả. Đồ bội bạc, đồ nghịch tử. Định trốn hai ngày nuôi mẹ hử, quên đi nhé!

(Bỗng nhiên có tiếng điện thoại, Nhị nhấc máy) - A lô, tôi Nhị nghe đây, vâng tôi đi ngay đây (Xách túi đầm đi).

(Bà Hòa thẫn thờ bước ra, bà uể oải ngồi xuống ghế đẩu giữa sân khấu)

Bà Hòa: (Với khán giả) - Đấy bà con đã nghe hết cả rồi đấy. Gầm giời này có ai khổ như cái thân tôi không? Chúng nó coi tôi như là con trâu của thời hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhà thay phiên nhau nuôi một tháng (Sụt sịt).

Người mẹ lúc còn trẻ, thì xông pha trên tuyến lửa, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ trở về một nắng hai sương, ban ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, tảo tần cày cuốc kiếm hạt gạo nuôi con, bấm đốt ngón tay thầm mong từng ngày con lớn… Đêm đông rét lạnh thấu xương, con đái dầm ướt đẫm nửa manh chiếu rách, mẹ mấy lần xê chỗ khô cho con, còn tấm lưng gầy xoay về chỗ ướt, lấy hơi người sưởi khô chiếu ẩm, mà thân mình thì rét thấu xương…

Nào con có hay chăng? Mẹ mòn vẹt móng tay để cậy thêm miếng cơm cháy, nhai lấy phần nước cốt, mớm cho con. Mẹ phải kiên nhẫn lắm mới không dám nuốt ực cái ngụm nước ngọt bùi trước cơn thèm dạ khát. Bởi vú sữa mẹ cũng đã lép cạn rồi… Vậy mà bây giờ… (Bà mẹ đứng lên quay vào phía trong sân khấu):

- Ông ơi, những năm đầu tôi cứ tưởng ông mất sớm là vô phúc, là khổ. Hóa ra ông sướng nhất. Người chết được yên thân, còn tôi trên thế gian này, các con ông lấy tôi ra cò kè, tỵ nạnh nhau từng ngày nuôi tôi, tôi không sao chịu nổi. Ông có nghe tôi nói không, hãy cho tôi biết, ông đang ở đâu? Hãy cho tôi đi với.

(Bà mẹ chới với rồi tuyệt vọng khuỵu xuống ngồi ôm mặt trên mặt bàn)

Tiếng người chồng từ xa xăm vọng về:

- Bà ơi, tôi ở đây. Bà nghe tôi, tuyệt đối không nên nghĩ quẩn mà dại dột. Bà phải sống. Con dại cái mang, nhưng không hẳn thế. Con tôi, tôi biết. Chúng ác khẩu độc mồm, nhưng lòng dạ không đến nỗi nào đâu. Tuy chúng đã khôn lớn rồi, nhưng vẫn cần phải giáo dục. Khuôn mặt người ta phải lau chùi, rửa ráy hàng ngày, nếu quên đi một ngày không rửa, là lại nhem nhuốc. Bà ơi hãy nghe tôi, đừng khi nào nghĩ quẩn…

Nào bà lại gần đây, gần bức tường này, tôi dặn câu này. Hãy làm thế nhé!

(Bà Hòa mê man đi lại phía cánh gà, áp tai vào nghe. Bỗng như bừng tỉnh dậy):

- Không, tôi hết chịu rồi, ông ơi cho tôi theo với…

(Ánh sáng tắt lịm. Sân khấu tối đi một lát lại bừng sáng)

Lớp 4 - Nhất - Nhị - Tam - Thân - Bà Hòa - Bà Tý - Ông Thứ

(Tại gia đình cô Nhị)

Sân khấu chỉ có một chiếc bàn có máy điện thoại. Một hồi chuông đổ dồn. Lại một hồi chuông dồn. Chị Nhị hớt hải từ trong chạy ra định vồ lấy nghe thì máy tắt. Chị lại quay vào nhà, lại có tiếng máy đổ dồn. Cứ như thế lặp lại vài lần, khiến cho Nhị càng giận dữ, nhưng có phần lo lắng.

Nhị: (Đi đi lại lại rất sốt ruột) - Quái , tại sao ai gọi, cứ nhấc máy lại tắt thế này.

Đang bồn chồn , thì Tam chạy bổ ra

Tam: - Chị Nhị đâu rồi? Chị Nhị đâu?

Nhị: - Tôi đây, có chuyện gì mà cậu hốt hoảng thế?

Tam: - Thế anh Nhất đâu? Bà có ở đây không?

Nhị: - Sao, sao? Tôi mới đi lễ về, không thấy bà sang.

Tam: - Tôi hỏi, bà không sang nhà chị, thì có ở nhà anh Nhất không?

(Nhất cũng chạy vào)

Nhất: (Hốt hoảng) – Không, tôi cũng vừa ở chỗ khuyến thiện về đây, có thấy bà ở nhà đâu?

Tam: - Vậy cụ đi đâu? Túi đồ nghề quần áo cũng mang theo, không có trong buồng nữa.

Nhất: - Sao, mang cả đồ tư trang quần áo đi rồi à? Đi đâu nhỉ?

Tam: - Tôi tưởng bà sang bên này với cháu.

Nhị: - Bây giờ biết làm thế nào?

Tam: - Đi tìm chứ làm thế nào? Đi tìm ngay đi.

Nhất: - Vậy chú bảo tìm ở đâu?

Tam: - Đi tìm tất cả những nơi quen thuộc họ hàng, làng xóm.

Nhị: - Không được, nếu thế thì có mà mặt mo. Lạy ông tôi ở bụi này à. Theo ý tôi cứ ra báo cho công an, rằng bà cụ tôi bị tâm thần, bỏ nhà ra đi… Nhờ cơ quan giúp đỡ.

Tam: - Này chị im đi, đừng nói hỗn láo như thế. Ai bảo chị nói mẹ tâm thần? Hả?

Nhị: - Chứ không à? Vậy không tâm thần sao lại yên lành bỏ con cháu mà đi. Nếu không tìm được, ngộ xe pháo đâm vào…

Nhất: - Phủi thui cái mồm cô Nhị.

(Lúc này ông Thứ ra. Tất cả mọi người lo sợ chùng lại)

Ông Thứ (Tức giận): - Có chuyện gì ầm cả nhà lên thế hả? Chị dâu tôi đâu?

Ba anh em (Sợ hãi đồng thanh): - Dạ, thưa chú không có chuyện gì đâu ạ. Mẹ cháu mới…

Ông Thứ (Giọng ghìm xuống nhưng căm giận): - Mới bỏ đi phải không? Ta nghe hết rồi, đừng giấu giếm nữa. Chị dâu ta bỏ đi từ bao giờ, tại sao? Quân bay hỗn láo quá. Ta mới vào Sài Gòn có một tuần, ở nhà các anh các chị hành xử thế này với mẹ ư? Quả là bất hiếu!

Ba anh em: Dạ chúng cháu có lỗi, chúng cháu biết tội rồi…

Ông Thứ: - Đi tìm ngay bà ấy về đây. Đi ngay!

(Trong khi mọi người cãi nhau, thì có tiếng xôn xao, bà Tý, cháu Thân dìu bà Hòa ra sân khấu. Cháu Thân gọi to: Bố mẹ ơi, cô chú ơi! Bà đã về đây rồi!).

Các con chạy ùa đến bà mẹ, mỗi người nói một câu:

- Trời ơi, sao lại đến thế này!

- Mẹ ơi, tại sao lại bỏ chúng con mà đi?

- Mẹ có làm sao không?

- Kìa chị. Chị đã về…

Tam: - Bác Tý, bác gặp bà cháu ở đâu?

Bà Tý: - Thế này vẫn còn là phúc đức.

Ngày hôm kia, bà cụ đến chơi. Hai bạn già, thanh niên xung phong hơn bốn mươi năm trước, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm thời chiến tranh gian khổ… Hôm qua, tôi giục về thì bà bảo rằng: khi đi đã nói với các anh chị rồi. Chẳng lẽ tôi lại chối từ. Rồi chiều hôm qua, nhất định đòi ra về. Thế nhưng có về đâu. Hóa ra sự tình thế này đấy.

Ông Thứ: - Thật khổ cho bà chị.

Nhị (Với mẹ): - Vậy từ hôm rời nhà bác Tý, mẹ đi những đâu?

Bà Hòa (Nói mát): - Tôi đi tìm chỗ ở nhờ cho qua hai ngày, rồi tôi về…

Bà Tý: - Bà nói thế là làm sao? Bà nói là lâu không đến thăm tôi mà.

Bà Hòa: - Bà hãy hỏi các con tôi ấy.

Nhị (Cướp lời và xuê xoa): - Không có gì đâu bác Tý ạ. Mẹ cháu mệt, nên nói lẫn đấy.

Bà Hòa: - Vâng tôi mệt mỏi lắm… Rồi tôi đi ra đường… thấy ông nhà tôi ở bên kia đường giơ tay gọi vẫy. Tôi mừng quá, nghĩ bụng, ông ấy về đón tôi. Tôi chạy sang đường, vừa chạy vừa gọi “ông đợi tôi với”, rồi thấy sa sẩm mặt mày. Có một vật gì quật tôi xuống giữa đường.

Nhất: - Thôi, mẹ đừng nói nữa. Con biết tội rồi.

Nhị: - Thật khổ thân mẹ tôi.

Bà Tý: - Thật phúc đức! Chiếc xe chỉ lạng vào, khiến bà cụ ngã, nhưng không gãy xương. Mấy anh cảnh sát giao thông vội đưa cụ vào nhà thương cấp cứu. Người ta hỏi cụ nhà ở đâu, không biết. Có nhớ người thân con cháu gì không, không hay. Mãi sau mới nhớ người bạn thân là thanh niên xung phong là tôi đây. Mà làm sao bà ấy nói đúng cả số nhà tôi mới lạ chứ. Thế là họ cho người tìm tôi ra bệnh viện. Trời ơi, bà bạn thân thiết thời đạn bom của tôi. Suýt nữa thì…

Ông Thứ: - Đấy, các anh các chị là phận làm con mà để mẹ ra thế này, có đúng không?

Tam: - Mẹ ơi, hãy tha tội cho chúng con. Xin chú tha tội.

Nhị: - Vâng, tại con trước hết. Cũng là vì bấn bận công việc mà để mẹ ra nông nỗi này.

Nhất: - Mẹ hãy tha tội cho con, con trai bất hiếu.

Bà Hòa: - Không, các anh các chị không có tội. Không phải lỗi của một ai cả. Là tại tôi.

(Tất cá các con, cháu đều sợ hãi, quỳ xuống van xin bà mẹ. Cháu Thân bám chặt lấy bà Tý).

Nhị (Khóc lóc): - Mẹ ơi tất cả tại con, con hẹp hòi ích kỷ với các anh em trong nhà, lại ác khẩu với mẹ. Con đáng trừng phạt.

Nhất: - Mẹ hãy tha cho chúng con, con không xứng đáng là anh cả, trụ cột gia đình khi cha mất sớm. Hãy một lần tha lỗi cho con.

Tam: - Mẹ hãy tha cho chúng con bất hiếu. Không chỉ là đã vi phạm vào Luật Bảo vệ chăm sóc người cao tuổi, mà còn bất kính với người thân.

Bà Tý: - Các anh các chị ấy đã nói thế, bà hãy đại xá cho các con.

Bà Hòa: - Bác Tý ơi, cũng tại tôi, lỗi tại tôi không biết dạy các con. À mà không, không phải lỗi tại tôi. Tất cả tại ông trời. Ông trời ơi, tại sao ông sinh ra tháng 2? Mà tháng 2 có 28 ngày?

(Bà mẹ giơ tay lên trời, kêu thống thiết. Các con cháu đến quỳ lạy bà: - Mẹ ơi, con xin mẹ, con biết tội rồi).

Nhạc da diết. Lời ca “Công đức sinh thành, đạo con phải nhớ. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.

Hết kịch

 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bí ẩn giếng đời" của tác giả Hoàng Đăng Khoa(27/10/2022)
Mục Tác giả, tác phẩm: "Tác giả Nguyễn Thị Bích- Một hồn thơ dịu dàng đằm thắm" của tác giả Kim Xuyến(26/10/2022)
Kiến trúc: "Bàn về bản sắc dân tộc trong tác phẩm kiến trức" của KTS. Nguyễn Văn Thường(26/10/2022)
Chuyện làng văn nghệ: "Nhà thơ Xuân Diệu với chính sách kế hoạch hóa gia đình" của tác giả Nguyễn Hữu Phách(26/10/2022)
Giấc mơ(26/10/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na