Tuổi là vô hình. Tuổi chẳng là gì cả. Nhưng tuổi cũng là hữu hình, là tất cả. Bởi vì chỉ cần qua một tuổi thôi như con người chẳng hạn là trải qua một quãng thời gian có bao nhiêu mưa, nắng, buồn, vui… phải vật lộn với bao khó khăn gian khổ để tồn tại. Phải bỏ ra bao mồ hôi, trí tuệ, có khi cả máu xương và nước mắt để đấu tranh sinh tồn và giành lấy hạnh phúc. Qua một tuổi, con người lớn lên bao nhiêu, làm được bao nhiêu công việc giúp ích cho đời? Bỏ bao nhiêu tham, sân, si như Kinh của Đức Phật. Cũng trong một tuổi nào đó, có người thành anh hùng, có người gặp hoạn nạn tuỳ thuộc vào chủ quan của họ. Vạn vật cũng vậy. Tất cả đều chịu chung nóng, lạnh, sự va đập, bồi tụ hay bào mòn, chuyển dịch hay tĩnh tại. Tuy nhiên, con người vẫn theo triết lý lạc quan, nhìn thấy cái được là chính, cái mất là phụ nên con người biết trân trọng cái tuổi.
Theo thời các cụ ngày xưa, ai 60 tuổi được gọi là tuổi thọ, 70 tuổi gọi là cổ lai hy, 80 tuổi là thượng thượng thọ. Với các sự vật cứ đến tuổi 100 được gọi là cổ. Truyện dân gian đạt tuổi 100 trở ra gọi là cổ tích. Các vật thể như đồ gốm, đồ gỗ, đồ đá… đạt tuổi 100 được gọi là cổ vật. Ngôi chùa trăm tuổi gọi là cổ tự (Tự là chùa). Cái cây trăm tuổi gọi là cổ thụ. Lịch sử xa xưa gọi là cổ đại hay cổ sử. Tác phẩm văn học đạt 100 năm tồn tại thành cổ văn, cổ thi... Những chữ cổ ở đây, dù với con người hay sự vật cũng đều mang ý nghĩa khẳng định giá trị lâu đời và tốt đẹp với tình cảm trân trọng, tự hào và yêu quý. Tất cả do cái tuổi tạo nên.
Trở lại mùa xuân (đã nói ở trên) gồm có 90 ngày. Mở đầu là mồng Một tháng Một âm lịch. Thời điểm đầu tiên của xuân là Tiết Xuân, ta quen gọi là Tết. Đó là thời khắc của cái cũ (mùa đông) qua đi, cái mới (mùa xuân) bắt đầu đến. Giây phút giao thừa ấy mỗi năm - mỗi tuổi chỉ có một lần. Nó thiêng liêng lắm, đáng trân trọng biết bao. Ta đón Tết không chỉ là đón mùa xuân mà còn đón tuổi mới cho ta, cho mọi người. Đón tuổi mới cho ngôi nhà, cho cái cây, cho sự nghiệp của ta nữa. Vì thế nên vui lắm, mừng lắm. Và cũng vì thế văn hoá mừng tuổi ra đời. Mừng tuổi chẳng qua là trạng thái tình cảm vui mừng khi được đón tuổi mới, người ta đón tuổi mới và thể hiện niềm vui đó bằng hành động cụ thể giữa người với người dần thành tục lệ, văn hóa.
Mừng tuổi có ba phạm vi: người mừng tuổi với người, tạo hóa mừng tuổi con người và con người mừng tuổi cho tạo hóa. Ta hãy xem tạo hóa mừng tuổi cho ta những gì? Nhiều lắm, con người không kể hết được. Tạo hóa mừng tuổi cho ta cả một mùa xuân với bao nhiêu báu vật. Tiết trời xuân dịu mát. Những làn mưa bụi như nước hoa của trời, như kem dưỡng da làm cho con người trẻ lại, tươi da thắm thịt, lớn lên, đẹp thêm. Mùa xuân làm trẻ con thành người lớn. Mùa xuân giục thanh niên bước vào mùa cưới, mùa hạnh phúc. Mùa xuân nâng tuổi cao lên thành tuổi thọ, thành thượng thọ, đại thọ... Mùa xuân cho thế giới thực vật trẻ ra, tươi non. Lúa đồng xanh mướt. Vườn cây đâm chồi, phát nụ, nở hoa, sinh quả... để nuôi con người, nuôi con vật. Cả trái đất nhờ mùa xuân mới có màu xanh để trẻ em cất lên câu hát: “Trái đất này là của chúng mình, quả bóng xanh bay giữa trời xanh...”. Rồi ánh mặt trời mùa xuân hồng hào, ấm áp. Đó cũng là thức ăn vô giá của con người và sinh vật. Rồi tiếng chim hót, tiếng ếch nhái gọi bạn đời, tiếng côn trùng... Cả một dàn âm nhạc của tạo hóa. Đó là nhạc của sự sống, nhạc của sinh sôi, nhạc của tình yêu trong tạo hóa.
Bắt chước tạo hóa. Ngày Tết con người biết mừng tuổi cho con người. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho con, cháu. Con, cháu mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Trò mừng tuổi thầy, bạn mừng tuổi cho bạn và có lúc tự ta mừng tuổi cho ta. Vật đem ra mừng tuổi có thể là bó hoa, bông hoa, bánh chưng, chai rượu, gói chè, hộp mứt... hoặc phong lì xì mang trong mình những tờ tiền có mệnh giá không lớn. Tất cả đều là “vật khinh, tình trọng”. Vật thể không quý bằng cái tình. Ẩn trong vật mừng tuổi ấy là lời chúc an khang, thịnh vượng, thọ lâu hoặc phú quý, ngoan hiền... tùy đối tượng. Cả thơ nữa. Những khách văn chương có thơ mừng tuổi nhau quý lắm, xúc động lắm. Mừng tuổi là nét văn hóa vô tư, trong sáng, rất nên duy trì. Xin đừng để nó bị biến tướng vào những mục đích khác.
Chúng ta đã nhận quá nhiều báu vật do thiên nhiên mừng tuổi. Ta sống thêm tuổi nào, ta làm thêm được gì đều phải nhờ thiên nhiên. Vậy Tết này và các Tết sau, ta hãy mừng tuổi thiên nhiên đi. Ta hãy làm trong sạch bầu trời và khí quyển. Ta hãy làm sạch đất đai đang bị ô nhiễm.... thế là ta mừng tuổi cho thiên nhiên, trả ơn thiên nhiên đấy, chắc là thiên nhiên ưng lắm và suy cho cùng đó cũng chính là ta mừng tuổi cho ta.