Nguyệt thủ thỉ: “Đó là bê tông hóa đường làng. Mình còn một tuyến ra cái xóm năm nhà gò Ô Rô nữa. Đoạn này hơi dài, lại qua cánh đồng, vừa phải nắn thẳng, vừa phải mở rộng, khá tốn kém. Nếu chỉ trông vào sự đóng góp của các hộ ở đấy thì bao giờ mới làm được. Hơn nữa, cái nhà lão Bao ấy lại rất cùn. Ba bố con nhà ông ấy, ba nóc nhà, chiếm già nửa xóm thế mà hễ nói đến đóng góp là cả con lẫn bố đều giãy như đỉa phải vôi. Hai nhà kia thì thích lắm nhưng sao đủ tiền mà làm?”. “Cái đường nối từ quốc lộ cắt qua cánh đồng sang gò Ô Rô gần gò Quy Sơn chứ gì?”. Hà hỏi lại. Rồi anh nói tiếp: “Đúng là khó thật. Cái lối đi ấy đâu gọi là đường. Chỉ là cái bờ vùng to, ngoằn ngoèo nối thửa ruộng nọ với thửa ruộng kia, lâu ngày đi nên cứ gọi là đường thôi mà. Chủ yếu là mấy hộ ở gò Ô Rô và những hộ có ruộng ở khu này. Mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Ổ gà, ổ trâu nham nhở. Bây giờ mà đổ bê tông thì phải làm cho nó thành con đường trước đã”.
Nguyệt chép miệng: “Thì thế. Muốn thẳng còn phải nắn nữa cơ”. “Vậy thì phải cắt một góc vườn nhà ông Phước, cái chỗ cây mít cổ, quả ngon nhất làng ấy à?”. “Vâng. Địa chính xã đã khảo sát đo vẽ rồi. Sơ bộ đàm luận, gia đình ông Phước đã nhất trí”. “Vậy thì ngon rồi. Chỗ ấy là khó nhất mà thông thì còn lo gì nữa?”. “Lo kinh phí. Năm hộ đóng góp được là bao. Ít nhất cũng phải có mười lăm triệu mới xong. Tiền xi măng, tiền sỏi cát, tiền công… Chia ra ba triệu một hộ. Căng đấy. Lô cốt bây giờ là ba bố con nhà ông Bao. Kể cả chia theo đầu hộ hay theo đầu khẩu thì ba bố con nhà ấy cũng chiếm quá nửa số tiền. Một vài triệu đã khó rồi. Chín, mười triệu đồng thì lão ấy chống đến cùng. Con lão ấy lại mới vừa làm nhà. Tiền đâu? Chả bê tông thì chớ, lão ấy cần gì”. “Rồi. Một việc. Còn việc gì em lăn tăn nữa?”
Hà chốt lại và hỏi tiếp. Nguyệt điểm nhanh mấy việc mà xã nhắc nhở: “Đó là tình hình an ninh trật tự thôn mình anh ạ. Theo công an xã cho biết và cảm nhận của em, cùng dư luận mọi người trong thôn thì khu nghĩa địa và khu miếu cổ là tụ điểm của bọn nghiện hút chích choác. Còn quán mát - xa làm đầu Thu Huệ ven quốc lộ lại là tụ điểm của mại dâm. Hai điểm đó không dẹp được thì làng mình không thể gọi là làng văn hóa. Mà làng Cổ Cò không văn hóa, thì xã này coi như chưa thể gọi là xã nông thôn mới được. Đây mới là cái khó anh ạ”.
Nói xong, Nguyệt thở dài. Hà im lặng một lúc rồi nói: “Đúng là từ lâu anh đã nghe dân làng đồn thổi về ba tụ điểm này rồi. Có đêm trông cá, anh cứ thấy rì rầm tiếng người bên gò Rùa lại cứ nghĩ là ma như mọi người thêu dệt. Trên nghĩa địa thì anh không biết. Có lẽ bọn nghiện hút nó tụ tập ở đây thật ấy chứ. Còn từ ngày mọc lên cái quán Thu Huệ thì… quả là phức tạp. Người ta đồn cả cụ Nhan làng mình cũng ra đó giải quyết nữa cơ. Đúng là có mặt đường, thị tứ mọc lên, sầm uất thật đấy nhưng kéo theo đó bao nhiêu vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh. Thế nhưng việc này, chỉ nguyên thôn làng mình làm sao nổi? Xã phải vào cuộc chứ?”. “Tất nhiên rồi! Nhưng vì những tụ điểm đó mà công việc quản lý, lãnh đạo của mình phức tạp hơn. Nếu không, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của làng mình ngon ơ”. “Thôi được rồi. Em cứ đưa vấn đề này ra bàn trong chi ủy, chi bộ, họp dân lại xin ý kiến. Sức dân mà. Biết đâu, trong cái khó ló cái khôn thì sao? Giờ thì ngủ đi, lấy sức mai còn làm việc”.
Hà luồn tay xuống gáy vợ, kéo Nguyệt vào lòng. Nguyệt rúc đầu vào ngực chồng tin cậy. Nói ra được những băn khoăn, lòng chị nhẹ đi được phần nào. Khuyên Nguyệt ngủ nhưng chính Hà lại thao thức trong đêm. Khi nãy, nhắc tới gò Rùa để bây giờ những hình ảnh ngày xưa của anh và Nguyệt cứ dồn dập hiện về.
Có thể nói rằng, gò Rùa mà tên chữ là Quy Sơn, nơi có ngôi miếu cổ ấy là nơi nảy nở tình yêu giữa anh và Nguyệt. Thời trẻ trâu, như bao đứa trẻ của làng Cổ Cò, Nguyệt và Hà đều tụ tập cùng các bạn chăn trâu, cắt cỏ, bày đủ thứ trò chơi ở đây.
Ngày ấy, ngôi miếu cổ vẫn còn. Cứ ngày Rằm, mùng Một là cụ Cầm và một số bà nữa trong làng đã mang hoa quả, bánh kẹo tới đây để thắp hương. Bọn trẻ trâu thích lắm. Vì bao giờ thắp hương xong, các cụ cũng tán lộc. Bọn chúng được bữa thoải mái ăn bánh kẹo, ăn chuối, cam, quýt, bưởi. Thằng Bao nghịch nhất bọn. Có lần, nó bày trò nấp sau cây hương. Trong lúc các cụ sì sụp khấn vái thì nó nhâng nhâng nháo nháo quan sát. Khi các cụ cúi đầu, chắp tay, nhắm mắt là lúc nó thò tay nhúp. Khi thì cái kẹo dồi, lúc lại quả quýt đỏ. Nó cho tất cả vào bụng rồi lặng lẽ luồn ra khỏi miếu, núp dưới gốc cây si già. Rồi nó vẫy tay nháy Hà và bọn con gái đến. Lôi kẹo dồi, bánh khảo, cam quýt trong bụng ra chia cho mỗi đứa một thứ. Nguyệt lè lưỡi xua tay lắc đầu. Hà thì không cưỡng lại được sự hấp dẫn của thanh kẹo dồi, tứa nước miếng, cầm vội nhai ngấu nghiến.
Đôi lần như thế, cụ Cầm không phát hiện ra. Dần dà cụ cũng biết. Cụ quát lũ trẻ: “Chúng bay ăn lếu láo thế đêm về các cô vật chết tươi chúng mày đấy”. Thằng Bao chẳng những không sợ mà nó nhảy chân sáo, cười khanh khách lảng ra phía con trâu của nó đang ăn ở mé gò. Nó dửng dưng coi như vô can. Cụ Cầm nhìn theo nó chửi: “Quân mất dạy! Ngữ này sau lại thành tướng cướp!”. Nó quay lại nhìn cụ cười hề hề.
Hà kể chuyện này với mẹ. Mẹ Hà trợn tròn mắt, chép miệng: “Chết chết! Quỷ sứ con nhà ma toi. Con chớ theo nó mà khốn đấy. Miếu ấy thiêng lắm. Đùa nghịch như thế là không được. Phạm vào thần thánh thì chỉ có khốn”. Rồi mẹ kể sự tích miếu Ba Cô cho Hà nghe.
Theo như mẹ Hà kể thì ngày xửa, ngày xưa, cách nay ba bốn trăm năm gì đó, cái làng Cổ Cò này toàn rừng thiêng nước độc. Rậm rạp, âm u hơn cả cái ngày làng mình lên đây khai hoang cơ. Hồi đó, quốc lộ bây giờ chỉ là lối mòn. Trong rừng khu gò Ô Rô ấy có đúng một hộ vợ chồng người tiều phu ở. Họ ngày ngày vào rừng kiếm củi, hái quả, được bao nhiêu lại mang ra bờ sông bán đổi cho những người đi bè dưới xuôi lên. Vợ chồng họ sinh hạ được ba cô con gái xinh đẹp đến ngỡ ngàng. Ở chốn rừng thiêng nước độc, thiếu thốn thế mà các cô cứ ngời ngời lớn lên, cứ rờ rỡ đẹp như những bông hoa rừng.
Một hôm, bố mẹ ba cô ra sông bán đổi các thứ như mọi ngày thì có một toán giặc từ phương Bắc đến. Vó ngựa phi rầm rập. Bụi bay mù trời. Tiếng quát tháo ầm ĩ. Thấy ngôi nhà giữa rừng, chúng liền lao tới sục sạo. Nhìn ba chị em mơn mởn, thằng tướng cướp cười khả ố. Nó xuống ngựa xông đến. Người chị thấy thế chạy lên dang tay đứng trước hai em. Mặc, thằng này vẫn cứ lừ lừ lao tới. Người chị vội cầm cái gậy thủ thế. Tên giặc thò tay vuốt má người chị. Cô chị gạt phắt tay hắn ra. Nó điên tiết hô quân xông đến. Cô chị vung gậy vụt túi bụi vào bọn giặc, kiên quyết bảo vệ hai em. Thế nhưng, phận gái, ít người sao địch nổi lũ hổ đói. Bọn chúng thay nhau hãm hiếp ba cô cho đến chết. Họ chết rồi, chúng còn phanh thây, xếp ba cái xác chụm đầu vào nhau, để chân quay về ba hướng đúng theo kiểu tam giác. Sau đó, chúng đốt nhà, vơ vét hết của cải rồi bỏ đi.
Khi bố mẹ ba cô về thấy thế đã ngất xỉu. Lúc tỉnh lại, họ cố đào hố chôn cất những đứa con thân yêu đang độ mười tám đôi mươi của mình. Vợ chồng người tiều phu vẫn bám trụ, dựng lại nhà, ngày đêm vẫn công việc như cũ. Họ phục thù đợi ngày lũ giặc kia quay lại sẽ quyết sống mái với chúng. Thực ra người chồng thì muốn đuổi theo lũ giặc trả thù luôn nhưng vợ ông gàn. Một thân một mình đấu sao lại được lũ chúng nó. Quân tử mười năm trả thù không muộn. Vợ ông bảo thế. Với lại, để mình vợ ông ở lại cũng không đành. Thế nên hai vợ chồng ông cứ cặm cụi vừa kiếm sống vừa trông nom mộ phần ba con của họ. Nhà họ là chỗ nghỉ, nơi dừng chân của cánh sơn tràng, của những người dân xung quanh mỗi khi vào rừng khai thác.
Sau khi vợ chồng người tiều phu chết, dân xứ này thường xuyên gặp ba cô gái áo trắng, tóc đen dài ngồi vắt vẻo trên cây mỗi khi chiều buông xuống, họ đi rừng về muộn. Nghĩ thương cảnh chết oan uổng của ba cô, một số người đã lập một ngôi miếu thờ ba cô gái này mong các cô phù hộ cho họ. Xung quanh ngôi miếu cổ này còn có nhiều câu chuyện khá bí ẩn, nhiều giai thoại đồn thổi nghe rợn tóc gáy.
Lại có chuyện kể rằng, có ba cô gái rất xinh đẹp ở làng ven sông một hôm cùng rủ nhau vào rừng hái củi. Đến gò Quy Sơn này các cô mải mê hái hoa, bắt bướm. Trưa hè nóng nực, ba cô cởi quần áo cùng nhảy xuống hồ tắm. Khu ruộng Tổ Đỉa ngày xưa do rừng rậm nên giữ được nước. Suối róc rách chảy đổ nước về đây, tích tụ lại thành một cái hồ nho nhỏ. Hồ này nước trong xanh, nhìn thấu tận đáy. Ba cô vùng vẫy cười thỏa thích.
Thế rồi, chẳng may một cô bị chuột rút, co quắp chân tay cứ thế tụt xuống hố. Hai cô kia lao đến cứu. Càng vùng vẫy thì càng chìm nghỉm xuống y như hồi con trâu nhà bà Hạng ham bãi cỏ rôm xanh bước tới ăn liền bị sa lầy trong vũng bùn vậy. Ba cô cùng chết đuối. Mấy ngày sau xác nổi trương phềnh trong hồ nước. Dân bản đi tìm phát hiện ra thì thấy trên ngực mỗi cô đều có một con rùa đang ngóc đầu tròn xoe mắt nhìn bốn phía. Người ta chôn ba cô ngay tại cái gò cạnh hồ. Cái gò hoang có tên Quy Sơn cũng từ đó. Và miếu thờ cũng được lập nên để hóa giải cho linh hồn ba cô. Chết trẻ là thiêng lắm. Miếu ba cô cũng có từ ngày đó.
Khi dân Cổ Cò lập làng, người ta thấy ngôi miếu xập xệ ở giữa khu rừng rậm, hoang vu. Sau lưng ngôi miếu, sừng sững một cội si già với hình thù kỳ quái. Rễ buông tua tủa, thâm sì với những tua dài đan vào nhau, buông rũ xuống giống mái tóc của người già, khô hanh, biến màu bụi mốc, phủ lên nền gạch rêu phong với nhiều đường nứt nẻ như mặt ruộng khô… Cành lá đan kín vào nhau, đâm nhánh về các phía. Nhánh to nhất trùm lên ngôi miếu cổ. Chim chóc rủ nhau về kéo đàn kéo lũ làm tổ, hót ríu ran, cãi cọ nhau chí chóe. Ban đêm, nhìn từ xa cả tán cây si trông như một con rùa mà cái nhánh vươn về phía khu ruộng Tổ Đỉa, nơi cái hồ nước ngày xưa thì đúng là cái đầu của nó. Trẻ trâu thường chơi trò ẩn nấp ở cây si này. Ba bốn đứa trèo lên ngồi trên cây. Một số đứa khác thì chui ẩn trong các chùm rễ, sau những gốc cây. Mùa si ra quả thì tuyệt. Vừa đùa giỡn, Hà, Bao, Nguyệt và lũ trẻ vừa bứt những quả si con con màu vàng ươm để ném nhau.
Mấy năm trước, ngôi miếu còn cả mái cho dù mái ngói xập xệ, có chỗ thủng nhìn thấu trời. Lũ mèo hoang rượt đuổi nhau coi đây là thế giới của riêng chúng. Tường vôi sạt nứt, kèo cột chuyển mình răng rắc, vặn vẹo như cái lưng của người già khi có gió thổi qua. Trên nền gạch loang lổ, rễ si mặc ý đâm toạc lên, làm bật mấy viên gạch rạn vỡ, nằm cheo leo bên các cành cây cong queo, quéo quắt… Cái bệ thờ xây lạnh lẽo, gánh biết bao thời gian trở nên già cỗi, ủ dột. Bốn góc bị sạt lở đến đỗi tròn không ra tròn, vuông không ra vuông. Trên ấy có ba cái lư hương. Hồi cụ Cầm còn sống, cứ mùng một và ngày rằm ba lư hương này thường lập lòe những đốm đỏ, ngào ngạt hương thơm. Bây giờ thì nó hoang tàn hẳn. Không còn mái. Bốn bức tường cũng bị đổ sau trận lụt năm bảy mốt. Gạch vỡ ngổn ngang. Bệ thờ trơ ra giữa quả gò sừng sững cùng cây si già cô đơn trầm tư giữa bốn bề đồng không mông quạnh. Ngôi miếu chỉ còn dấu vết và trong những câu chuyện kể của người già.
Người ta đồn rằng, miếu Ba Cô rất thiêng. Những nhà làm trái ý với ba cô thường bị quấy rối rất khó chịu. Thường thì nấu cơm bị khê, củi lửa dở chứng đang khô hóa ướt, ung khói đầy nhà. Nặng hơn chút nữa chuyện người nọ xọ người kia, gây bất hòa rồi cãi vã với nhau không đâu vào đâu. Có người bị ba cô quở nặng thì tay chân sưng trật, sau đó thì trâu lành thành trâu què… Những kẻ mạnh miệng, tuôn ra những lời bất kính có ý mỉa mai huyền năng của các cô, đều bị sái mồm mép, hoặc sinh ra bệnh nói lắp. Có người lại bị ba cô phạt nặng, đứng giăng nắng cho kiến vàng cắn mà không biết làm cách nào thoát ra được… Mỗi người một cách và mỗi kiểu, nên câu chuyện về “Miếu Ba Cô” được thêu dệt ngày càng nhiều ra, đến nỗi người nghe lúc tin lúc ngờ, rồi có lúc như hòa mình vào truyền thuyết ma quái không sao dứt bỏ được.
Nghe kể rùng rợn như thế nhưng lũ trẻ trâu lúc đông người chơi với nhau thì chúng quên hết cả. Cứ ngôi miếu và cây si già chúng bày trò trốn tìm, đánh trận giả. Tiếng cười đùa, cãi vã nhau chí chóe vang động cả khu gò Quy Sơn.
Trò chơi lũ trẻ thích nhất đó là trò đánh trận giả. Bao giờ cũng thế, Hà cầm quân một bên, bên kia là thằng Bao. Mặc cho lũ trâu đủng đỉnh gặm cỏ quanh gò, trên cánh đồng Giếng Tiên, lũ trẻ bắn nhau loạn xạ, chí chóe nhiều hôm quên cả giờ về. Lũ con gái thường chơi chuyền, đánh chắt, nhảy dây, chơi âm. Nguyệt dài hơi nhất liên tục thắng cuộc. Có hôm, bọn chúng cũng bị Hà và Bao chia thành hai toán xung vào đội quân mỗi bên, làm nhiệm vụ hậu cần. Khi chia người, thằng Bao toàn nhận Nguyệt. “Cái Nguyệt về bên tao”, nó tự phụ oang oang thế. Nguyệt cự nự: “Đếch thèm. Tao ở phía thằng Hà”. Thế là cãi nhau. Rồi thì ù xòe dàn quân “chiến đấu”. Ngôi miếu cổ và cây si già là hai căn cứ điểm mỗi bên. Có hôm, Hà và Bao cưỡi trâu, ra roi, đốc cho hai con trâu cà xông lên. Chẳng ngờ hai con trâu ấy lao vào nhau húc nhau thật. Hà và Bao văng ra ngã chỏng gọng xuống đất. Hai con trâu cà vằn mắt, ghì đầu, ngoắc sừng, choãi chân đẩy, vặc nhau. Quân sĩ hai bên hò reo. Vừa lúc đó, ông Hưng bố Hà đi đến thấy thế liền quát tháo ầm ĩ. “Chúng mày làm thế này để chết trâu à?”. Rồi ông cầm cây lao tới giải tán hai con trâu cà đang hăng máu. Chúng bị ông đánh đau, liền bỏ lại đối thủ, chạy lồng lên, con ra cánh đồng Giếng Tiên, con về khu gò Ô Rô gần đó.
Trò chơi thứ hai là trò thi hoa hậu. Trò này lũ con gái thích lắm. Thường thì sau mỗi trận đánh, thắng thua đều ngồi lại với nhau để chơi trò này. Thằng Bao nghịch nhất bọn luôn nhận chân trưởng ban giám khảo. Hà chỉ là phó cho nó. Có gần chục đứa con gái thôi nhưng bao giờ cũng thế, cứ đến trò này là chúng nhao nhao lên với nhau. Nguyệt thì lặng lẽ nhìn chúng bạn. Nhiều lúc cô phì cười vì bọn cái Hoa, cái Huệ lấy than vừa nướng sắn lúc nãy hóa trang. Có đứa mang cả cục gạch non để bôi làm má hồng. Mặt chúng nguệch ngoạc, nhôm nhếch. Mặc dù trang điểm vậy nhưng thường thì Nguyệt vẫn cứ đạt vương miện hoa hậu. Lại có hôm, thằng Bao và Hà vênh nhau. Bao thì chấm con Huệ nhất. Hà thì chấm cho Nguyệt nhất. Thế là cãi nhau ỏm tỏi làm cho Nguyệt và Huệ cứ đứng trơ ra chờ vương miện. Vương miện là cái vòng tròn tết bằng cỏ, cắm vài cái hoa dại lên đó. Hà bực mình, nhanh chân, vớ ngay vương miện chụp lên đầu Nguyệt. Thằng Bao trơ mắt ếch. Sau rồi, nó chạy lại định giằng vương miện lại. Hà lập tức ôm thốc Nguyệt chạy về phía cây si già. Bao đuổi theo. Hà hăng máu cứ thế ôm Nguyệt chạy xung quanh cây si, vòng ra ngôi miếu cổ. Nguyệt vừa quẫy đạp chân tay vừa cười rũ rượi. Một tay Nguyệt bấu vai Hà, tay kia giữ vương miện. Những bông hoa dại cắm ở cái vương miện đội trên đầu Hà rung rinh theo nhịp chạy. Có bông không chịu được đã rơi xuống đất. Thằng Bao tức quá dẫm nó nát bét. Lũ trẻ được thể reo hò ầm ĩ. “Nguyệt Hà! Nguyệt Hà!”.
Nguyệt rất sợ ma. Hồi hai người yêu nhau, Hà thường hẹn Nguyệt mỗi tối ở gốc đa nhà văn hóa. Cây đa dạo đó mới hơn chục năm, đang kỳ xanh tốt. Họ thường ngồi ngắm trăng, đón gió đồng, chuyện không đầu không cuối mãi tới khuya mới về. Từ gốc đa, nhìn về gò Rùa thấy rõ cây si già và ngôi miếu cổ. Hai vật này nhìn đen đen, lù lù trong đêm, nhất là những đêm trăng suông. Đã sợ ma nhưng Nguyệt lại rất thích nghe chuyện ma. Nhớ một lần, Nguyệt bảo Hà kể lại sự tích miếu Ba Cô, Hà đã thủ thỉ, thì thầm y như câu chuyện mẹ anh đã kể. Đến đoạn cao trào, bất chợt Hà khẽ suỵt lên một tiếng, chỉ tay về phía miếu. Một con đom đóm to, xanh lè vụt bay lên từ ngôi miếu cổ sang cây si già. Nguyệt thất thần ôm chặt lấy Hà run lẩy bẩy. Hà được thể ôm ghì Nguyệt. Rồi bất ngờ, anh ngửa đầu Nguyệt ra, đặt vội lên môi cô một nụ hôn dài đắm đuối. Nguyệt đón nhận chìm đi trong cơn mê. Đó cũng là cái hôn đầu đời của cả Hà và Nguyệt. Mãi sau, sực tỉnh, Nguyệt vùng ra. Hai tay cô đấm vào Hà túi bụi. “Bắt đền anh đấy!”.
Cô bé hoa hậu xóm trẻ trâu, người con gái sợ ma ngày ấy nào ngờ sau này trở thành vợ Hà và là bí thư chi bộ làng Cổ Cò, là lãnh đạo của Hà. Thật chẳng có ai ngờ. Hà cứ lang thang về ngày xưa như thế rồi thiếp đi trong vòng tay của Nguyệt tự lúc nào không hay. Trong mơ, Hà thấy anh và Nguyệt đang nắm tay nhau đi trên con đường sang xóm Ô Rô vừa được đổ bê tông láng bóng. Và ngôi miếu cổ vẫn trầm tư u tịch giữa gò.