Miếu Phạm Xá cùng với những tín ngưỡng thờ tự, lễ hội từ bao đời nay đã đi vào tâm thức của nhân dân Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương và là một phần ký ức thiêng liêng của mỗi người dân, dù làm ăn sinh sống tại quê, hay sống ly hương mỗi khi nhớ về quê hương bản quán, đều không thể quên được. Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử cùng biến đổi của thời gian, nhiều hạng mục công trình bị hư hại, nhưng được dân làng đã phát tâm công đức tôn tạo kịp thời nên Miếu làng vẫn được trường tồn đến ngày nay. Điều đó thể hiện nghĩa cử cao đẹp của người dân không chỉ với công trình của cha ông để lại, mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn người có công với dân làng và với đất nước. Qua đó, cũng nói lên sức sống của văn hóa của một làng quê, cùng với tín ngưỡng tâm linh của làng trải qua bao đời nay vẫn không hề phai nhạt.
Miếu Phạm Xá cùng một hướng với đình làng (hướng Tây- Nam), theo truyền thuyết là có vị trí nằm trên mạch đất “hồi long thu nghịch thủy”: tức con rồng uốn mình, đến đây thì quay đầu lại, thu nước từ cánh đồng Mỹ Xá, Đông Cận, Quán Đào đổ về, tạo thành một hệ thống ao chuôm liên hoàn từ cửa Miếu, cửa Đình vào làng như hút tài lộc trời cho, đem đến cho dân làng cuộc sống bình yên, thịnh vượng.
Cũng theo di ngôn của tiền nhân, thì long mạch chạy từ đống Ngô Đồng (Quán Đào) về đến đống Miễu (trước cửa Miếu) thì rẽ thành hai nhánh, một nhánh về Đình, một nhánh về Miếu.
Miếu thờ thần tọa lạc trên gò đất cao hình con rùa, có thế “song mã phục kim quy” (đống Lăng và đống Hui như hai con ngựa phục hai bên).
Cùng với Đình làng, Miếu cũng được “thiêng hóa” bởi những truyền thuyết về phong thủy.
Khu Miếu thần xưa kia là một rừng cây cổ thụ với các loại cây: quéo, duối, bàng, đa, thông... có muôn loài chim chóc về đây tụ họp. Xung quanh tường thành còn có tường thành, giây leo chằng chịt, bờ bụi rậm rạp, tạo nên không gian nơi thờ tự vừa nghiêm trang vừa thâm u, bí hiểm. Năm 1888, bọn giặc do Phó Thủy - Lãnh Diệu từng đột nhập vào làng cướp phá, Miếu trở thành căn cứ che giấu người và của cho dân làng.
Ngày nay, cảnh quan xung quanh miếu đã có nhiều biến đổi. Những gò đống bên tả, hữu (song mã phục kim quy) đã bị san phẳng. Sân trước thoai thoải hình mai rùa cũng bị hạ thấp và san bằng. Hai bệ thờ phía bên phải (nhìn từ ngoài vào) ở đầu nhà Hậu cung và Tiền tế là đàn tế trời đất đã bị đổ nát. Văn chỉ cách đó vài chục mét về phía Nam cũng không còn. Giếng nước cũng đã bị lấp. Cổng miếu được xây muộn hơn nhà Hậu cung và Tiền tế (khoảng năm 1908), với kiểu dáng kiến trúc tương tự như hiện nay, nhưng bị phá vào năm 1962, đến năm 2009 mới được phục dựng lại. Tuy nhiên, những chữ Nho đắp trên cổng hiện nay là do hậu thế sáng tạo thêm. Khu tường bao phía Bắc đến năm 2020 mới được xây.
Về bố cục, ngôi miếu gồm hai tòa nhà lớn kiến trúc theo “hình chữ nhị”.
Nhà Hậu cung gồm ba gian gỗ lim, được xây dựng vào thời hậu Lê (khoảng TK XVII- XVIII), hiện chưa có tư liệu xác minh niên đại cụ thể. Diện tích kiến thiết là 9m x 6,7m; diện tích trong nội tự là 8,45m x 6,3m. Kiến trúc kiểu kèo cầu cánh ác trụ trốn. Bốn cột cái cao 3,25m, chu vi cột 1,04m. Các cột quân cao 2,1m, chu vi 0,72m. Nhà Hậu cung cao 4,45m. Hậu cung có nhiều mảng kiến trúc mang đậm phong cách thời hậu Lê. Trên các xà nách, đầu dư và một số con chồng chủ yếu thể hiện hình tượng rồng. Xà nách bên tả khắc rồng, chồn, sóc.
Nền nhà Hậu cung cao cao hơn nhà Tiền tế 0,3m, nhưng nhà Hậu cung và Tiền tế lại có độ cao bằng nhau do nhà Tiền tế có cột và tường cao hơn. Phần mái nhà Tiền tế được trang trí tạo sự đồng bộ với nhà Hậu cung.
Nhà Tiền tế 5 gian, được xây dựng vào thời Nguyễn với diện tích kiến thiết dài 15,45m, rộng 8m, cao 4,8m. Diện tích nội tự là 14,8 x 6,5m. Trong đó, có 6 hàng cột; gồm 8 cột cái và 16 cột quân. Cột cái cao 3,75m, chu vi 1,03m. Cột quân cao 2,9m, chu vi 0,9m.
Theo ký tự ghi ở câu đầu phía bên phải: “Minh Mệnh thập bát niên tuế thứ Đinh Dậu Nhâm Tý nguyệt cát nhật lương thần doanh kiến”-có nghĩa là nhà Tiền tế được xây dựng vào giờ tốt, ngày lành, tháng Nhâm Tý, năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 - tức năm 1837 (đến nay đã ngót 200 năm). Trên thượng lương lại có dòng chữ Nho: “Tự Đức tam thập ngũ niên Nhâm Ngọ trùng tu” và câu đầu gian bên trái có dòng chữ: “Thành Thái thập ngũ niên tuế thứ Qúy Mão nhị nguyệt cát nhật lương thần trùng tu”. Nghĩa là nhà tiền tế được trùng tu vào các năm: Nhâm Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 35 - tức năm 1882 và Qúy Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 15 (năm 1903). Ngoài hai thời điểm trùng tu trên, thì năm 2012 cũng có đợt trùng tu lớn ở phần mái; và rất có thể còn những đợt trùng tu nhỏ khác không được ghi lại.
Về nghệ thuật kiến trúc, cả hai tòa nhà (Hậu cung và Tiền tế) đều mang rõ dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời hậu Lê và thời Nguyễn: nhà 4 mái, tường xây gạch bát tràng, mái lợp ngói ta, có đao tàu réo góc; các phù điêu: rồng chầu, phượng mớm; hai bờ chảy đắp đôi nghê đăng đối; bờ nóc đắp đôi lạc long cách điệu. Bẩy phụ để trơn hoặc một số bẩy có điêu khắc rồng, hoa lá cách điệu.
Kiến trúc nhà Tiền tế theo kiểu con chồng giá chiêng, đầu các con chồng và đấu chạm khắc hình hoa sen cách điệu. Ba gian cửa- trong đó có gian trung tâm, cửa bằng gỗ lim, chấn song con tiện, thượng sơ hạ mật, cao 2m, rộng 2,4m. Đầu dư nhà Tiền tế trang trí đầu rồng, các mảng cốn nách chạm hoa lá.
Trong nhà Tiền tế còn có cửa võng sơn son thiếp vàng, chạm trổ tứ linh, rồng chầu mặt nguyệt, lưỡng phượng, ly, quy đan xen, cùng hoa lá cách điệu. Ngoài ra, còn có nhiều câu đối, và 3 bức đại tự.
Đại tự có kích thước từ 2 đến 2,5m chiều dài và từ 0,8m đến 1,0 m chiều rộng, được sơn son thiếp vàng, xung quanh chạm tứ linh và hoa lá cách điệu.
Trong Hậu cung có khám thờ, hương án, ngai, sập và nhiều đồ thờ tự khác bằng gỗ, đồng, gốm, sứ... có từ thời hậu Lê và thời Nguyễn.
Bên hữu vu nhà Tiền tế hiện còn bốn tấm bia dựng vào thời Nguyễn, ghi công đức của các hậu thần và bia văn chỉ:
1. Bia lập năm “Gia Long thập nhất niên tuế thứ Nhâm Thân, tứ nguyệt thập thất nhật” (tức ngày 17 tháng 4 năm Gia Long thứ 11- tức năm 1812), mặt trước ghi “Phúc thần bi ký”, mặt sau ghi “Nam Sơn chi thọ”;
2. Bia dựng năm “Bính Tý, niên hiệu Tự Đức, nhị thập cửu niên nhị nguyệt, thập tam nhật” (tức ngày 13 tháng 2 năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876), có 4 mặt chữ, ghi “Phối hưởng bi ký, Lẫm lẫm do sinh”;
3. Bia “Văn chỉ bi ký, Từ vũ bi ký” có hai mặt, nội dung nói về quá trình xây dựng văn chỉ (mặt trước) và về đền, vũ (mặt sau);
4. Bia do các quan viên, hương lão xã Phạm Xá, tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang và Đặng Huy Lân, khán thủ Nguyễn Văn Độ, khóa sinh Đặng Duy Phiên lập (ngày 25 tháng 5 năm Tự Đức thứ 28- năm 1875), viết về hậu thần công đức.
Ngoài bi ký, đại tự, câu đối, những thông tin có liên quan đến di tích miếu Phạm Xá còn có 13 đạo sắc phong triều Nguyễn. Cuốn Ngọc phả xã Phạm Xá, tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang do lý trưởng Đặng Đức Long thừa khai ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876) ghi gia phả bà Cung tần họ Nguyễn trong vương phủ. Ngoài ra, còn có thần tích và liệt truyện...
Nhờ làm tốt công tác trùng tu di tích và bảo tồn tư liệu, hiện vật cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa đã được khẳng định, đến thời điểm năm 1999, miếu Phạm Xá trở thành một trong 4 di tích của huyện Tứ Kỳ (từ tháng 12 - 2019 thuộc về thành phố Hải Dương) và 107 di tích của tỉnh Hải Dương được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 05/1999/QĐ- VHTT ngày 12 tháng 02 năm 1999 của Bộ Văn hóa- Thông tin).
Phát huy truyền thống của địa phương, những năm gần đây, nhân dân thôn Phạm Xá đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa, tôn tạo miếu làng... Công việc tôn tạo và khôi phục di tích đang đặt ra nhiều việc cần làm: ngoài việc hoàn thiện cảnh quan xung quanh, gia cố nền móng, chống xuống cấp các hạng mục công trình, còn phải khôi phục lại các tượng thờ tứ vị thành hoàng cùng các bệ thờ, khám thờ và đồ thờ tự; đòi hỏi Ban Quản lý di tích cùng nhân dân thôn Phạm Xá phải có kế hoạch để từng bước triển khai thực hiện.
Giá trị của di sản văn hóa miếu Phạm Xá (cả phần vật thể và phi vật thể) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin thẩm định, đánh giá qua việc xếp hạng di tích quốc gia. Đó là di sản văn hóa vô cùng quý giá của làng Phạm Xá, đóng góp vào di sản văn hóa làng xã Việt Nam nói chung và văn hóa tỉnh Hải Dương nói riêng.
Nhiệm vụ của mỗi người dân thôn Phạm Xá ngày hôm nay là làm sao để giữ gìn và lan tỏa những giá trị của di tích miếu Phạm Xá, để cho mọi người dân và lớp lớp con cháu mai sau hiểu được. Đồng thời, biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong quá trình xây dựng “nông thôn mới”; để “bản sắc làng Phạm Xá” giàu truyền thống văn hóa không bị mai một đi trong quá trình hội nhập và quá trình đô thị hóa.