Nghe danh nhà thơ đã lâu nên từ học sinh đến cán bộ công nhân viên chức ai cũng háo hức. Tôi tìm hiểu kỹ rồi, cố gắng đáp ứng nhu cầu trong đi đứng sinh hoạt để nhà thơ vui lòng.
Đêm ngủ nhà thơ cần một ngọn đèn nhỏ. Chúng tôi chuẩn bị sẵn 10 quả trứng gà tươi và một cân đường trắng. Nhớ là đường kính trắng bấy giờ hiếm lắm.
Tối đến, là chương trình dành cho nhà thơ nói chuyện. Ông không khách sáo gì, vào đề luôn. Ông bắt tắt hết các bóng đèn ở sân khấu, chỉ để một ngọn đèn sáng trước bàn nhà thơ nói chuyện. Ông không vào đề về văn chương ngay đâu. Ông bảo Trung Quốc mới đánh ta có ít ngày mà mọi tiêu cực xã hội tất tần tật đổ thừa cho phương Bắc. Rồi ông dẫn bao nhiêu vấn đề về mặt trái, tự ta làm hư hỏng ta. Phải đến mươi mười lăm phút rồi mới bắt mạch được với thi ca. Ông bình thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về "Từ ấy", "Việt Bắc" của Tố Hữu. Tất nhiên khoảng thời gian dài nhất là ông bình về thơ Xuân Diệu, thơ tình Xuân Diệu. Khán giả lúc lặng thinh như tờ, lúc rộn lên vỗ tay dàn ra.
Tôi nhớ mãi là bữa cơm thiết đãi nhà thơ. Sao bây giờ nó khổ đến thế! Mâm cơm có thịt lợn, có rau, có trứng, nhưng không có được đĩa thịt gà. Sau đó khi đưa ông về 24 Cột Cờ, Hà Nội tức là số 24 đường Điện Biên Phủ. Thường vẫn có câu thơ dân gian: Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đến hững hờ thì qua.
Khi về đến Hà Nội ông mới kéo tôi lại và nói: "San ơi, lần sau nếu không kiếm được thịt gà thì đừng mời nhà thơ nói chuyện nữa nhé".
Ôi chao! Tôi còn nhớ một lần một nhà thơ ở Thái Bình mời ông về nói chuyện. Khi đi xe đạp trên đường 10 ông có đánh rơi một viên thuốc bổ Becomnec, hình như là thuốc bổ của Bulgari gì đó thì phải. Ông còn bắt nhà thơ Thái Bình dừng lại nhặt cho bằng được viên thuốc. Sao mà cái thời bao cấp nó tội nghiệp đến thế. Một kỷ niệm vui và buồn, buồn mà vui!