Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Thành phố và dấu tích những dòng sông" - Phần 2: Du lịch bằng thuyền trong thành phố
08/12/2023 12:00:00

Tác giả: KTS.Nguyễn Văn Thường

Trong bài viết "Thành phố và dấu tích những dòng sông" đăng ở số Tạp chí trước, tôi đã trình bày về lịch sử hình thành của hệ thống sông, hồ ở thành phố Hải Dương. Nêu lên những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan cần được khai thác, phát huy. Trong bài viết này xin trình bày những tồn tại và đề xuất một số ý kiến. Mục đích mong thực hiện được mục tiêu quy hoạch mà Quyết định phê duyệt "Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040" của Thủ tướng đã xác định, đó là: "... phát huy tối đa lợi thế về địa lý, di sản văn hóa, bản sắc của con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững".

Chúng ta đều biết sông, hồ - tài sản quý và rất quan trọng đối với một đô thị. Nhưng mấy chục năm trước đây do nhiều lý do đã bị lấn chiếm, san lấp khá nhiều. Do tình trạng úng ngập ngày càng diễn ra thường xuyên nên thành phố đã phải đầu tư cho hệ thống thoát nước, làm kè và đường bao để giúp cho việc quản lý được tốt hơn. Tuy nhiên những năm vừa qua hệ thống sông hồ mới dùng để điều hòa tiêu thoát nước là chính. Cảnh quan đô thị cũng đã quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế. Hiện trạng ở thành phố Hải Dương tồn tại những vấn đề như sau:

Sông, hồ thiếu sự liên kết và khó tiếp cận. Các con sông ở khu vực trung tâm qua quá trình bồi lắng, san lấp đã thành những đoạn sông cụt và những hồ nước riêng rẽ, tách biệt. Tại trung tâm lịch sử của thành phố hiện các hồ Văn hóa, hồ Bảo tàng và hồ cạnh Ngân hàng Công thương tồn tại tách biệt, không có sự kết nối. Khoảng cách tiếp cận và tầm nhìn của hồ Bảo tàng phía đường Hồng Quang chỉ 20m, hồ Văn hóa cũng chỉ giáp đường Hồng Quang một cạnh nên tiếp cận rất hạn chế. Kết quả nhiều hồ nhưng không tạo thành một tổng thể đẹp. Ba hồ khác là hồ Bình Minh, hồ Cơ khí và hồ Vệ sinh (vốn cùng một con sông) diện tích lớn hơn ba hồ trên, song tình hình cũng tương tự. Hiện vẫn còn hai đoạn đường bao chưa giải phóng mặt bằng để khép kín. Chiều rộng đường nhỏ, lối thông với bên ngoài ngoắt ngoéo, không có không gian ven hồ... do vậy người bên ngoài bình thường không biết đến những hồ này. Hai bên bờ sông Bạch Đằng từ cầu Tam Giang về cuối chưa giải phóng mặt bằng xong. Con sông nối Hào Thành với hồ Bình Minh và hồ An Ninh đã bị thu hẹp, phần còn lại chuyển thành cống ngầm. Chính vì thế không gian mặt nước trở thành những không gian biệt lập, khép kín thiếu sự kết nối, liên thông.

Cảnh quan, môi trường đã được cải thiện nhưng vẫn tồn tại hạn chế. Hồ Công viên Bạch Đằng là hồ duy nhất có quy hoạch thiết kế bài bản, vườn hoa cây cảnh được trồng và chăm sóc chu đáo. Hồ Bình Minh chỉ mới trồng cây xanh, thảm cỏ ven bờ phía giáp đường Lê Thanh Nghị. Hồ Trái Bầu trồng cây bóng mát, làm đường bao ven bờ một phần ba. Những nơi khác tuy phần lớn đã kè, đường bao nhưng chiều ngang đường nhỏ, thiếu cây xanh, thảm cỏ. Chất lượng nước một số sông, hồ khu trung tâm mấy năm gần đây đã có cải thiện nhưng ở mức độ. Chỉ một số loài cá và thủy sinh tồn tại được. Gần đây thành phố Hải Dương đã cho trồng hoa sen, hoa súng ở một số hồ và hai con sông Bạch Đằng, sông Hào Thành. Hoa nở khá đẹp nhưng ở một số vị trí một thời gian lại chết (do nước bị ô nhiễm).

Làm thế nào để khắc phục những tồn tại nêu trên. Thứ nhất: vận động các hộ gia đình phải chủ động làm bể xử lý sơ bộ theo hướng dẫn. Tuyệt đối không vứt rác xuống sông, hồ. Tiếp tục đầu tư cho công tác thoát nước và xử lý nước thải tiến tới đạt tiêu chuẩn loại B, phục hồi các loài thủy sinh bản địa. Thứ hai: tạo sự kết nối không gian giữa các sông, hồ gần nhau. Trường hợp trong một khu vực có nhiều hồ nhỏ không kết nối được thì mạnh dạn tính tới phương án lấp bớt các hồ không cần thiết. Lựa chọn giữ lại một hồ và mở rộng diện tích mặt nước ít nhất bằng với tổng diện tích đã san lấp các hồ trên. Mở rộng không gian công cộng xung quanh hồ (đã giữ lại) đáp ứng yêu cầu điều hòa, tiêu thoát nước và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân đô thị. Vận động, hỗ trợ các tổ tự quản khu dân cư cùng những hộ gia đình ở ven sông, hồ tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ hoa, cây cảnh. Tạo cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch tham gia đầu tư các cơ sở dịch vụ, vui chơi, giải trí.

Chúng ta hy vọng trong tương lai Hải Dương sẽ có loại hình du lịch bằng thuyền trong thành phố. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó khách ngoại tỉnh đến Hải Dương sẽ được trải nghiệm một trong bốn tour du lịch vô cùng hấp dẫn và thú vị sau:

Tour du lịch dịch vụ - cảnh quan - sinh thái trên sông Thái Bình vào ban ngày (đoạn dài 5,8 km). Khởi hành từ bến thuyền cạnh khu đô thị Ecorive, ngược dòng đến Khu tổ hợp bến thuyền, khách sạn, dịch vụ ở bờ Bắc. Du khách được ghé chùa Thiên Bồng, tham quan Công viên sinh thái ngập nước ven sông, các bè nuôi cá lồng ở bên mạn trái. Nếu có nhu cầu thuyền sẽ đưa du khách đi tiếp 3,5km nữa đến cầu Hàn, thăm các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ngắm ánh sáng điện lung linh trên các cây cầu Bùi Thị Xuân, Phú Lương. Thỏa mãn thú vui mua sắm, vui chơi giải trí... Được nghe lịch sử quê hương, sự tích Lục Đầu Giang, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực địa phương trên hành trình quay về bến.

Tour du lịch Văn hóa - dịch vụ - cảnh quan trên sông Sặt vào buổi chiều và tối (đoạn dài 6,5km). Thuyền khởi hành từ bến Công viên quảng trường Thống Nhất, xuôi một đoạn về Âu thuyền rồi ngược dòng đến gần cầu Lộ Cương. Du khách được ngắm cầu Hải Long duyên dáng, cầu Hải Tân, cầu Cất, cầu Phú Tảo và cầu Lộ Cương tấp nập xe qua lại. Ngắm những hàng cây xanh, dàn hoa sặc sỡ, ngắm các biệt thự nhà hàng, khách sạn hai bên. Nếu có nhu cầu thuyền ghé cho du khách vãng cảnh chùa Đống Cao, thăm đảo Ngọc, vườn hoa Hướng Dương... Trên thuyền du khách được chụp cảnh hoàng hôn sông Sặt, nghe giới thiệu về lịch sử con sông, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực địa phương.

Tour du lịch văn hóa - lịch sử - cảnh quan trên sông Bạch Đằng vào buổi sáng, chiều (Đoạn dài 3,5 - 4km). Khởi hành từ bến thuyền gần quán Gió coffee hồ Bạch Đằng tới đầu phố Bùi Thị Xuân. Thuyền dạo một vòng hồ, ngắm những hàng cây cổ thụ, vườn hoa, cây cảnh và nhà hàng, khách sạn ven hồ. Tiếp tục bơi theo con mương ra sông Bạch Đằng. Đến đây thuyền xuôi một đoạn xuống cuối phố Bùi Thị Xuân. Du khách lên cầu Hải Long thưởng thức ly giải khát, chụp ảnh và ngắm cảnh hoàng hôn phía thượng nguồn. Sau đó ngược dòng qua cầu Tam Giang, đặc biệt là lượn qua đài phun nước hai bên cầu Hồng Quang về đến đầu phố Bùi Thị Xuân. Trên thuyền du khách được nghe kể về lịch sử hồ và con sông Bạch Đằng, phố Bến Bè, phố Bờ Sông và một số công trình kiến trúc Pháp còn lại. Ngoài ra còn thưởng thức âm nhạc, ẩm thực địa phương. Nếu có nhu cầu du khách sẽ ghé thăm phố và chợ Bắc Kinh hiện với nhiều ngôi nhà cổ. Nếu đi tour muộn, du khách cùng hòa vào dòng người với không khí náo nhiệt ở phố đi bộ - chợ đêm.

Tour du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - cảnh quan trên sông Hào Thành vào buổi sáng và chiều (Đoạn dài 2 - 3km). Phải nói rằng tuyến du lịch này là dành cho những du khách muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa và cuộc sống, sinh hoạt đời thường của người dân đô thị. Khởi hành từ bến thuyền khu vực hồ Hào Thành phía đường Phạm Ngũ Lão đến đường Hồng Quang, qua một con ngõ và mương nhỏ đến cống Ba Cửa và hồ An Ninh. Trên đường đi qua hai cây cầu Hào Thành (ở vị trí cổng Tây và cổng Bắc của Thành). Du khách được ngắm những dàn hoa sặc sỡ chạy dài trên bờ đá rêu phong. Hàng cây cảnh, cây bóng mát xanh mướt rủ xuống sông. Phía sau là dãy nhà ở nhấp nhô, thỉnh thoảng nhìn thấy mái ngói đỏ của một nhà thờ. Vừa ngắm cảnh du khách vừa nghe thuyết minh về lịch sử của Thành Đông và thành phố Hải Dương. Đến một nơi cách xa sự ồn ào náo nhiệt của đô thị, thuyền ghé cho du khách lên bờ vào một quán "Xưa" nhìn cảnh vật, nghe tiếng hát, thưởng thức món ẩm thực hàng trăm năm về trước. Được đi qua con ngõ nhỏ yên tĩnh và cổ kính. Chiêm bái một ngôi đình cổ (Xếp hạng di tích quốc gia) thờ một vị tướng quân. Thuyền đến điểm cuối cùng gặp một cái chợ cho du khách mua một chút quà đậm bản sắc địa phương. Trên đường trở về du khách được nghe chương trình văn nghệ dân tộc và thưởng thức ẩm thực truyền thống quê hương. Nếu có nhu cầu du khách quá bộ đến khu vực trung tâm của Thành Đông xưa, chiêm ngưỡng mô hình cổng Thành và khối biểu tượng nghệ thuật Thành Đông.

Cũng có thể nâng cấp các tour bằng cách ghép hoặc kéo dài. Tour sông Thái Bình: tăng thêm chiều dài tuyến từ Khu tổ hợp bến thuyền, khách sạn, dịch vụ ngược dòng đến điểm cuối là Đền Kiếp Bạc. Tour sông Sặt: tăng thêm chiều dài tuyến từ cầu Lộ Cương ngược dòng đến điểm cuối là Làng chạm bạc Châu Khê (gần Đền Phù Ủng). Tour sông Bạch Đằng - sông Hào Thành: ghép hai tour sông Bạch Đằng với tour sông Hào Thành. Để thực hiện được tour này cần phải đầu tư giải phóng mặt bằng và đào mương nối được các sông, hồ với nhau. Về phía Bắc nối con sông Hào Thành với con mương thông ra hồ An Ninh, hồ Quang Trung (hồ Viện Mắt) và hồ Bạch Đằng. Về phía Nam nối sông Hào Thành với hồ Bình Minh, hồ Cơ khí.

Có thể ai đó cho rằng tôi lãng mạn hoặc hơn nữa là viển vông. Nhưng tôi nghĩ vấn đề hoàn toàn thực tế và khả thi. Xu hướng thời đại ngày nay trên thế giới tất cả mọi lĩnh vực đều hướng tới "xanh" như: "Không gian xanh", "Đô thị xanh", "Môi trường xanh"... và tất nhiên cả "Du lịch xanh" nữa. Nghĩa là phát triển kinh tế, xã hội phải bền vững, không làm tổn hại đến môi trường. Nếu bây giờ chúng ta không hành động ngay thì các thế hệ mai sau sẽ phải làm, nhưng khi đó sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều. Hệ thống sông, hồ của thành phố Hải Dương có thể ví như một viên ngọc còn đang ở dạng thô. Nếu biết gia công, mài giũa sẽ trở nên đẹp đẽ "long lanh" không kém nơi nào. Chắc chắn các tour du lịch bằng thuyền trong thành phố sẽ là một sản phẩm du lịch vô cùng đặc sắc.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Lên Sơn La(06/12/2023)
Hàng xóm(06/12/2023)
Văn nghệ dân gian: "Vai trò của cấp xã trong lịch sử dân tộc" của tác giả Tăng Bá Hoành(06/12/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Về tính đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI"(06/12/2023)
Sân khấu: "Day dứt" của tác giả Nguyễn Cửu(06/12/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na