Với kỹ thuật diễn sáng tạo, chất giọng truyền cảm, các vai diễn của nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Song ngoài đời thường, anh lại là con người bình dị, gần gũi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ở phố Trịnh Thị Lan, nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng cho biết: “Bà xã mình là giáo viên, công tác mãi huyện Ân Thi (Hưng Yên), bản thân mình đi lưu diễn xa nhà thường xuyên. Hiếm hoi lắm gia đình mình mới có dịp đoàn tụ”.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, năm 1990, nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng về công tác tại Đoàn kịch nói Hải Dương (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh). Năm 1991, về công tác tại Đoàn chèo Hải Dương (nay là Nhà hát Chèo Hải Dương), anh đã bén duyên và khẳng định tên tuổi với môn nghệ thuật dân gian độc đáo này. Nghệ sĩ Mạnh Thắng tâm sự: “Những ngày đầu, tiếp cận với nghệ thuật chèo, mình gặp rất nhiều khó khăn. So với kịch, nghệ thuật chèo phải kết hợp nhiều kỹ năng biểu diễn: hát, múa…”. Khi đó, anh chủ yếu đảm nhận các vai phụ, thời lượng xuất hiện trong vở diễn không nhiều. Tuy nhiên, sau vài năm làm quen, cộng với sự học hỏi, tìm tòi, được truyền nghề từ chị ruột là Nghệ sĩ Ưu tú Trương Thị Ngọc Bích; anh trai; anh rể, anh đã dần khẳng định được tài năng của mình. Năm 1996, anh được giao đảm nhận vai “Triều” trong vở “Con đò của mẹ”. Đây là vai diễn chính đầu tiên của anh, cũng là vai diễn thành công, được đông đảo khán giả yêu mến. Tiếp theo vai “Triều”, anh được giao đảm nhiệm hàng loạt các vai diễn chính: "Hoàng tử" trong vở “Hoàng tử bị bỏ quên”, năm 1997; "Nguyễn Trãi" trong vở “Côn Sơn hiền sĩ”, năm 2002; "Tuệ Tĩnh" trong vở “Nam dược thánh nhân”, năm 2004; "Mạc Đĩnh Chi" trong vở “Sứ thần Đại Việt”; vai "Thiện sĩ" trong vở “Quan âm Thị Kính”, năm 2007; vai "Thành" trong vở “Cơn bão màu da cam”, năm 2008; vai "Lưu Bình" trong vở “Lưu Bình Dương Lễ”, năm 2009; vai "Đức Hảo" vở “Đào lý một cành”, năm 2011; vai "Huyền Quang" trong vở “Huyền Quang tôn giả”, năm 2013; vai "ông Thắng" trong vở “Bến đợi nhịp cầu”, năm 2014; vai "cụ Cử" trong vở “Chuyện tình Hàn sĩ - Đào nương”, năm 2019; vai "Hưng Đạo Đại vương" trong vở “Thần tướng Yết Kiêu”, năm 2022; vai "Bác Hồ" trong vở “Biên giới mùa thu ấy”… Mỗi vai diễn là một tìm tòi, sáng tạo, trong đó có gian khổ tập luyện. Tính đến nay, trong hơn 20 vai diễn anh từng đảm nhiệm, có tới 15 vai diễn chính. Nghệ sĩ Mạnh Thắng tâm sự: Vai diễn nhớ nhất của mình là vai "Nguyễn Trãi" trong vở “Côn Sơn hiền sĩ. Vở diễn này được dựng năm 2002, do anh Bảo thủ vai "Nguyễn Trãi". Dự kiến vở diễn sẽ ra mắt vào dịp tổ chức lễ dâng hương danh nhân vào dịp hội Côn Sơn. Thế nhưng, cách ngày mở hội khoảng 10 ngày thì xảy ra việc anh Bảo mất do bạo bệnh. Trước tình huống bất ngờ đó, lãnh đạo trong đoàn đã họp, tìm hướng giải quyết và thống nhất giao vai "Nguyễn Trãi" cho mình đảm nhiệm. Khi nhận được nhiệm vụ trên, mình vô cùng lo lắng. Thứ nhất, lúc đó tuổi đời của mình còn khá trẻ, mới 25 tuổi, thiếu kinh nghiệm để đảm nhận một vai diễn danh nhân quan trọng. Thứ hai, để làm việc với một vai diễn cần thời gian ít nhất khoảng 2 tháng, trong trường hợp này, thời gian còn chưa đến 10 ngày. Tuy nhiên, do tập luyện ngày đêm, tập ngay cả lúc đi ngủ và được sự truyền thụ của những bậc đàn anh đi trước, mình đã tiếp nhận tốt vai diễn. Vở diễn sau này đã gây được tiếng vang lớn trên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều lần được phát trên sóng truyền hình. Riêng vai diễn của mình được lãnh đạo đoàn đánh giá cao. Còn bản thân mình nhận thấy, đây là vai diễn đánh dấu sự trưởng thành trong nghề nhiệp”.
Đằng sau mỗi thành công, đều có dấu ấn của sự gian nan, khổ luyện. Nhưng bù lại là tình cảm, niềm yêu mến của khán giả mỗi khi vở diễn ra mắt. Đó cũng là món quà quý giá nhất với người nghệ sĩ. Nghệ sĩ Mạnh Thắng kể, anh có rất nhiều kỷ niệm không thể quên mà khán giả dành cho sau mỗi vai diễn. Nhưng có một kỷ niệm mà anh nhớ nhất, đó là khi đoàn về huyện Bình Giang biểu diễn vở “Con đò của mẹ”, khoảng năm 1996. Hồi đó anh em diễn viên khi đi lưu diễn đều ở nhờ nhà dân. Hôm đó, mình ở nhờ nhà một gia đình nông dân. Lúc đầu, gia đình cũng chỉ đối xử bình thường. Thế nhưng sau vở diễn, mình được gia đình tỏ ra rất yêu quý, chăm sóc như người thân. Đặc biệt sáng hôm sau, có khoảng 10 thanh niên nam, nữ tìm đến đoàn hỏi "anh Triều" (vai diễn do nghệ sĩ Mạnh Thắng đảm nhiệm). Mọi người chỉ vào mình bảo "anh Triều" đây và cười vui vẻ. Lập tức mấy cô, cậu cứ quấn lấy mình chuyện trò. Sau 3 đêm lưu diễn, khi xe chuẩn bị rời đi, các cô, cậu hôm trước mang tới, người thì mấy cân ngô, người thì mấy cân khoai, bảo đây là tình cảm chúng em dành cho đoàn. Đó không chỉ là một kỷ niệm sâu đậm với khán giả mà còn là sự tri ân của khán giả với người nghệ sĩ. Kỷ niệm đó khích lệ mình rất nhiều trong sự nghiệp và trở thành động lực lớn để vượt qua mỗi lúc gặp khó khăn trong nghề nghiệp.
Hơn 30 năm gắn bó với chèo, nghệ sĩ Mạnh Thắng đã gặt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Năm 1996, vai "Triều" trong vở “Con đò của mẹ” đạt huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chèo chuyên nghiệp miền duyên hải. Năm 2005, vai "Tuệ Tĩnh" trong vở “Nam dược thánh nhân” giành huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc. Năm 2009, vai “Thành” trong vở “Cơn bão màu da cam” giành huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc. Năm 2011, vai diễn "Đức Hảo" trong vở “Đào lý một cành” đoạt huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc. Đặc biệt, năm 2012, nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng đã được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tiếp nối thành công, vai diễn "cụ Cử" trong vở “Chuyện tình Hàn sĩ - Đào nương” giành huy chương Bạc Liên hoan Chèo toàn quốc, 2019. Vai diễn “Hưng Đạo Đại vương” trong vở “Thần tướng Yết Kiêu” giành huy chương Bạc Liên hoan Chèo toàn quốc, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, 10/2022. Ngoài ra, bản thân anh nhận được nhiều khen thưởng của ngành văn hóa, của tỉnh. Vai diễn "Thành", vở “Cơn bão màu da cam” được trao tặng giải C Giải thưởng VHNT Côn Sơn - Hải Dương lần thứ VI (2006-2010). Vai "Đức Hảo" vở “Đào lý một cành” được tặng giải Khuyến khích, Giải thưởng VHNT Côn Sơn-Hải Dương lần thứ VII (2011-2015). Vai diễn "Khoá Huấn" trong vở “Trinh phụ hai chồng” Giải B, Giải thưởng VHNT Côn Sơn – Hải Dương lần thứ VIII (2016-2020).
Nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng chia sẻ: “Mình đến với chèo cũng là cái duyên. Song, quan trọng nhất là lòng yêu nghề và đam mê. Trên hết là khát vọng cống hiến cho nghệ thuật”. Những năm tháng cống hiến cho nghệ thuật chèo của nghệ sĩ Trương Mạnh Thắng đã được đền đáp xứng đáng. Đầu năm 2024, anh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Một mùa xuân mới lại về. Chúc Nghệ sĩ Nhân dân Trương Mạnh Thắng tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường nghệ thuật!