Trong những năm gần đây, được sự hậu thuẫn của công nghệ xây dựng tiên tiến, của vật liệu nội thất và đặc biệt là tốc độ hội nhập thương mại toàn cầu nên các công trình xây dựng của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng đã được đầu tư đồng bộ và đã xuất hiện những công trình như điểm sáng kiến trúc. Mảng nhà ở nhỏ, thấp tầng từ đô thị tới nông thôn có bước phát triển rõ rệt. Sự phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, bao gồm kiến trúc ngoài nhà và nội thất công trình. Người Hải Dương cũng có sự lựa chọn phong cách kiến trúc cho xây dựng nhà ở của mình và hòa đồng với kiến trúc Việt Nam đương thời. Trong số 4 xu hướng và phong cách kiến trúc: cổ điển, tân cổ điển, hiện đại và dân gian truyền thống, người dân Hải Dương đang lựa chọn xu hướng kiến trúc chiết trung, lai tạo nhuần nhuyễn các xu hướng hướng ngoại, bảo thủ… Đó là phong cách kiến trúc hiện đại, năng động và trẻ trung.
Phong cách kiến trúc hiện đại thường có bố cục đơn giản, phù hợp với cuộc sống hiện nay. Mặt bằng bố trí tự do, phóng khoáng mang tư duy mới, đầy sáng tạo. Mặt đứng công trình thường dùng đường nét thẳng hoặc cong nhẹ. Hình khối công trình được tạo nên bởi các đường thẳng, ngang, chéo… nên nhìn công trình rất khỏe và mạnh mẽ. Chi tiết trang trí của công trình trong và ngoài nhà tối giản sự uốn lượn và không rườm rà. Vật liệu xây dựng mới được sử dụng nhiều như kính, xi măng, đá, thép, bê tông, cốt thép… Do cách bố cục đơn giản, nên được nhiều người ưa chuộng, từ đó có nhiều tư tưởng tương đồng và các công trình cùng mô-típ. Sự giống nhau đó thể hiện cao nhất là ở sự đơn giản, phóng khoáng đường nét và rất gần gũi với con người hiện đại. Phong cách kiến trúc hiện đại có tính đột phá cao mang tư duy mới, tính hòa đồng, hòa nhập cao và có nhiều ưu điểm so với các phong cách kiến trúc khác:
- Mặt bằng được nghiên cứu quán triệt, đề cao dây chuyền công năng sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng và công nghệ hiện đại.
- Thời gian nghiên cứu thiết kế không lâu như phong cách kiến trúc cổ điển và tân cổ điển hoặc dân gian truyền thống.
- Tiết kiệm vật liệu xây dựng, tiết kiệm không gian giao thông.
- Không trang trí rườm rà uốn lượn, đường nét tinh xảo, gọn gàng nên tiết kiệm nhân công và tay nghề thợ không yêu cầu quá cao.
- Áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật xây dựng tiên tiến và các ứng dụng khoa học công nghệ vật liệu xây dựng, khoa học công nghệ khác rất cao nên hòa đồng với kiến trúc thế giới nhanh.
- Phù hợp với phong cách sống hiện đại của con người hiện nay. Rất gần gũi thiên nhiên, môi trường và xã hội qua các hình ảnh cây xanh, mặt nước, ánh sáng…
Tuy có nhiều ưu điểm nhưng phong cách kiến trúc hiện đại cũng có một số nhược điểm:
- Tính chất công trình khô khan từ hình khối tới chi tiết.
- Nghèo nàn về chi tiết trang trí. Đòi hỏi phải có sự kết hợp cao về độ nhuần nhuyễn các chi tiết, đường nét thì mới thấy công trình có hồn, không vô cảm và làm mặt đứng đường phố thêm sinh động.
- Màu sắc đơn điệu, không gian thiếu sự ấm áp vì nó luôn phù hợp với sự gọn gàng, đơn giản và mạnh mẽ.
- Tính dân tộc truyền thống không có vì mang tính quốc tế cao và hòa đồng quốc tế nhanh chóng.
Đó là một số ưu và nhược điểm của phong cách kiến trúc đang thịnh hành hiện nay ở Hải Dương. Gần đây, Việt Nam và thế giới đang cùng nhau tiến tới nền kiến trúc xanh bằng nhiều hình thức. Chúng ta đều biết những công trình kiến trúc xanh hiện nay mới được xây dựng trong những đô thị thông minh hoặc trong những đô thị lớn, nhỏ khác. Trách nhiệm của mỗi chúng ta phải làm cho những công trình kiến trúc này lan tỏa tới mọi địa phương, từ thành phố tới nông thôn Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Chính vì vậy, các kiến trúc sư, những gia chủ và những nhà quản lý… chúng ta hãy cùng chung tay để xây dựng nền kiến trúc xanh hòa nhập cùng kiến trúc thế giới, mang đậm kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam phong phú và đa dạng; mang hồn cốt văn hóa dân tộc Việt.