Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: Kịch ngắn "Món quà lớn nhất" của tác giả Trần Thùy Linh
29/11/2022 02:58:33

 

Nhân vật:

Chị Hợi

Ngân – 10 tuổi – con gái chị Hợi

Lan và Hà – Bạn học của Ngân

Cô giáo Mai

Chị Hoa – Hội trưởng hội cha mẹ học sinh

Một buổi chiều

Cảnh trí: Một ngôi nhà cấp bốn sơ sài, chị Hợi te tái đi ra, tay cầm nón, tay cắp rổ rau

Chị Hợi: (Nhìn quanh, cất tiếng gọi) - Con Ngân, con Nga, con Thôi, con Cố ới ơi…

Ngân: (Lưng cõng em bé, tay dắt hai đứa lớn đi vào, mặt mũi nhem nhuốc): - Dạ…

Chị Hợi: - Dạ dơm gì? Mang dạ dơm về đây cho tôi lấu cơm! Ôi, gớm chửa, mặt mũi đẹp chửa kìa! (Ôm lấy đứa bé lấy tay áo lau mặt cho nó rồi vuốt tóc cho đứa lớn hơn)

Ngân: - Mẹ ơi! Cô giáo con dạy phát âm là rạ rơm chứ không phải dạ dơm đâu ạ!

Chị Hợi: - Ô hay dạ dơm lào mà chẳng nà dạ dơm. Bố cô chứ! Mới học được mấy chữ mà đã về dạy khôn mẹ đấy phỏng? Nàm thì không chịu nàm gì nại cứ nắm chuyện…

Ngân: (Cười): - Mẹ lại phát âm không đúng rồi ạ! Cô giáo con dạy phải phát âm thế này: Làm thì không chịu làm gì lại cứ hay lắm chuyện ạ!

Chị Hợi: - Ơ, cái con lày hay nhẩy. Mẹ lói câu lào mày cũng…. Con với cái!

Hà và Lan (Cầm tay nhau, nhảy chân sáo từ ngoài vào, hát vui): - Ta lên rừng hái sim/Có con chim hót mừng/Nơi đây đẹp biết bao/Hoa thơm đang đón chào… Chúng cháu chào bác ạ!

Chị Hợi: - Ừ, chào các cháu! Gớm, con cái nhà ai mà xinh đẹp thế? (Quay ra phía khán giả): Tí tuổi đầu đã mắt xanh, mỏ đỏ, ăn trắng mặc trơn thế kia thì biết nàm ăn gì? Cái ngữ ấy nhớn nên nà hỏng hết bà con ạ!

Ngân: - Mẹ ơi, đây là Lan và Hà, bạn cùng lớp với con. Các bạn ấy ở trong đội văn nghệ của trường con đấy mẹ ạ! Các bạn ấy đang tập múa hát để chuẩn bị tham gia văn nghệ chào mừng ngày hai mươi tháng mười một, ngày Nhà giáo Việt Nam đấy ạ!

Chị Hợi: - Vẽ chuyện! Múa với chả hát!

Ngân: (Mếu máo): - Mẹ ơi! Con cũng muốn múa hát…

Chị Hợi: - Ối dào ôi! Một đống em cô không trông thì tôi đi nàm thế lào được. Không đi nàm thì nấy gì mà ăn. Không ăn mới chết, không múa hát không chết đâu con ạ!

Ngân: - Nhưng mà… Sao nhà mình đông em thế hả mẹ? Cô giáo con nói: Mỗi gia đình chỉ nên có một hoặc hai con thôi. Nhà mình những bốn…

Chị Hợi: - Cô giáo cô nắm chuyện thật đấy! Mẹ đẻ thì mẹ luôi chứ cô giáo cô có luôi hộ đâu lào? Mẹ cứ phải đẻ, đẻ khi lào có cái…mầm gừng mới thôi. Chứ chị em cô chỉ nà nũ vịt giời ăn lo tắm mát vịt bay nên giời hiểu chửa?

Lan: - Bác ơi, bạn Ngân rất ngoan và học giỏi ạ!

Hà: - Bạn ấy lại hát hay, múa dẻo và biết giúp đỡ mọi người nữa ạ!

Chị Hợi: - Nhưng mà, bạn ấy nà con gái, mà một trăm đứa con gái thì cũng không bằng, không bằng… Mà thôi, bác nói các cháu cũng không hiểu đâu. Lói tóm nại nà bạn ấy phải trông em và lo việc nhà. Không múa hát gì cả nhé! Các cháu đừng có mà rủ rê, lôi kéo nó.

Chị Hoa: (Gọi từ ngoài vào) - Chị Hợi ơi! Chị có nhà không?

Chị Hợi: - Ai gọi gì đấy? Nhà em có nhà đây!

Cô giáo Mai và chị Hoa: (Đi vào):

- Chào chị Hợi! Chị đang làm gì đấy ạ?

Bọn trẻ: - Chúng em chào cô! Chúng cháu chào bác ạ!

Chị Hợi: - Chết chửa, Cô giáo và bác Hội trưởng đến nhà em có việc gì không ạ! Mời bác và cô ngồi chơi! Ây, con bé Ngân, nấy cho mẹ mấy cái cốc con Cố vừa gặm kia để mẹ mời lước bác và cô. Nhà có trẻ lên… Bác với cô thông cảm nhá! (Bảo Ngân) - Mấy đứa dắt nhau ra sân chơi! Để mẹ lói chuyện với cô giáo và bác Hoa.

Cô giáo Mai: - Chị Hợi ạ. Chúng tôi gặp chị trao đổi về việc toàn Đảng, toàn dân quê ta đang nô nức chung tay xây dựng đường, trường, trạm đạt chuẩn quốc gia.

Chị Hợi: - Ui chao! Việc xây dựng ấy nà của chính quyền địa phương, của nhà trường chứ dân đen chúng em nà cái kiếp con sâu cái kiến, thấp cổ bé họng thì nàm được gì? Nhà em đang phấn đấu chuẩn con giai mà chả được kia!

Chị Hoa: - Nói vậy là nhà chị vẫn chưa dừng đẻ sao?

Chị Hợi: - Ôi dừng nàm sao được hả bác? Trong bụng em còn dững bao nhiêu đứa con giai ló đang đòi ra đấy ạ! Em mà chưa đẻ được con giai nà em chưa chịu thôi.

Cô giáo Mai: - Chị Hợi này, chị có ý định cho em Ngân nghỉ học phải không ạ?

Chị Hợi: - Vâng ạ! Con gái học nắm nàm gì ạ? Biết đọc, biết đếm nà được rồi. Mới học được mấy chữ mà ló đã nắm ní sự nắm rồi cô ạ! Gớm, cứ suốt ngày: lào nà mẹ phát âm sai rồi, cô giáo con dạy…. lào nà, cô giáo con dạy nà lói ngọng nà xấu. Ôi dào ôi, em có ngọng đâu lào. Lói ngọng phải như thế lày chứ: En hưa ô! en quên vợ ợ nhà chứ cô giáo nhẩy?

Cô giáo Mai: (Cười): - Chị ơi! Em Ngân nói đúng đấy ạ! Ngành giáo dục đang phát động phong trào phòng chống phát âm lệch chuẩn l/n. Nhất là tỉnh Hải Dương chúng ta, việc phòng chống này cần phải được các cấp, các ngành, toàn Đảng, toàn dân tham gia mới được chị ạ!

Chị Hợi: - Ơ, thế hoá ra nà dân mình trước lay đều lói ngọng hả cô?

Chị Hoa: - Không phải là tất cả, nhưng nhiều người vẫn còn nói ngọng chị ạ! Còn chuyện em Ngân thì chị tính thế nào ạ?

Chị Hợi: - Thì em cho cháu ló ở nhà trông em. Vợ chồng em mà không có con bé đấy thì chết dở ấy chứ! Chả nàm ăn gì được. Đấy bác với cô xem, mới 10 tuổi đầu mà trông được những ba đứa em. Đâu có suốt ngày rong nhan như con nhà người ta.

Ngân: (Từ ngoài chạy vào, òa khóc) - Mẹ ơi, đừng bắt con nghỉ học. Mẹ bắt con làm gì cũng được. Nhưng cho con đi học mẹ nhé! Con sẽ làm hết việc nhà, con vẫn sẽ trông các em. Con sẽ...

Chị Hợi: - Ô hay, cái con lày hư nhỉ? Mẹ đang lói chuyện với người nớn. Cái ngữ ở đâu mà ăn cơm mèo lói neo các cụ thế hử? Đi ra ngoài.

Ngân: - Con không ra. Nhất định con không ra ngoài đâu. Mẹ cho con được đi học đi mẹ! Cho con đi học mẹ nhé!

Cô giáo Mai: - Chị ơi, Em Ngân còn bé mà đã phải lam lũ quá! Em đã bị tước mất quyền trẻ em rồi. Theo công ước Quốc tế trong điều 28 thì trẻ em có quyền được học hành và điều 31 thì trẻ em có quyền được nghỉ ngơi và tiêu khiển, được tham gia vui chơi vào các hoạt động giải trí phù hợp với lứa tuổi và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật.

Chị Hợi: - Ô. Cô lói vậy nghĩa nà...

Cô Mai: - Là chị cần cho em Ngân tham gia học tập, vui chơi để em được phát triển toàn diện chị ạ!

Chị Hợi: - Nhưng mà...

Chị Hoa: - Chị yên tâm, mấy cháu nhỏ chị gửi vào trường mầm non, các cô giáo sẽ chăm sóc chu đáo, sẽ dạy múa, dạy hát cho các cháu. Có khó khăn gì thì chính quyền, các nhà trường, gia đình và Hội Phụ huynh học sinh chúng ta cùng nhau tháo gỡ. Phải vì tương lai con em chúng ta chị ạ!

Chị Hợi: - Lói thì rất dễ nhưng thực hiện mới khó bác ạ! Đi học nà phải đóng tiền, tiền đồng phục, tiền sách vở, tiền và tiền.... Thôi thì đủ thứ bà rằn. Nhà em cứ đứa nớn trông đứa bé cho đỡ tốn tiền ạ.

Cô giáo Mai: - Chị Hợi ạ! Càng khó khăn càng phải lo cho các cháu học hành để các cháu sau này sẽ thoát được cái nghèo, cái khổ. Cháu Ngân nhà chị ngoan ngoãn, sáng dạ lắm. Em tin là cháu sẽ có một tương lai tốt nếu được học tập đến nơi đến chốn.

Chị Hoa: - Chị nghe tôi, nghe cô giáo, chúng ta cùng chung tay, đồng tâm hiệp lực sẽ cùng nhau vượt qua tất cả. Hãy vì con em chúng ta chị ạ!

Lan: - Bác ơi, bác cho bạn Ngân đi học nhé! Chúng cháu sẽ cùng tranh thủ giúp bạn Ngân chơi với các em để bạn làm việc nhà. Bác đừng bắt bạn Ngân nghỉ học.

Hà: - Cô giáo ơi, cô xin mẹ bạn Ngân cho bạn ấy đi học cùng chúng em đi cô!

Cô giáo Mai: - Các em yên tâm. Bạn Ngân ngoan ngoãn, học giỏi như vậy. Chắc chắn bác Hợi sẽ cho bạn ấy đi học.

Chị Hợi: - Cô giáo và bác hội trưởng ạ! Nhà em nói thật chứ! Đẻ nhiều, con đông, nghèo khó rồi đâm cùn ra thế chứ thấy con mình không bằng chúng bạn cũng tủi lắm ấy chứ! Giờ nghe cô và bác góp ý em hiểu ra rồi. Em sẽ về bàn với bố các cháu: Không đẻ nữa, tập trung làm ăn kinh tế cho gia đình thoát khỏi cảnh nghèo bền vững. Cho các cháu được học hành đến nơi, đến chốn.

Ngân: - A, thế là mẹ không bắt con nghỉ học nữa phải không ạ? Ơ, mà các cậu ơi, mẹ tớ hết ngọng l/n luôn rồi nhé!

Lan và Hà: - Hoan hô! Hoan hô! Bác ơi, bây giờ bác cho bạn Ngân đi tập văn nghệ chào mừng 20/11 cùng chúng cháu bác nhé! Chúng cháu đưa cả các em đi cùng cho vui đây ạ! (Kéo nhau vui vẻ chạy ra)

Chị Hợi: - Gớm, cẩn thận không ngã chết bây giờ. Từ từ thôi!

Chị Hoa: - Đấy, chị thấy không? Đúng như Bác Hồ ta đã dạy: Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Người lớn chúng ta cần phải chăm sóc, yêu thương và tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Tôi nói vậy cô giáo và chị Hợi thấy có đúng không ạ?

Chị Hợi: - Chị nói rất phải ạ! Mà nói phải thì củ cải cũng phải nghe. Chuyện nhà em đúng là phải viết khác đi chị ạ. Thôi, em đã hiểu ra vấn đề rồi. Khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua để cho các con được an vui. (Quay sang cô giáo Mai) - Mà sắp đến ngày 20/11 rồi, chả có gì cho con mang tặng cô giáo lấy thảo thật ngại quá. Thôi thì… tôi xin chúc cô giáo vui khỏe, hạnh phúc và thật nhiều thành công nhé!

Cô giáo Mai : - Em cảm ơn chị! Hạnh phúc của em là niềm vui của con trẻ. Học sinh nào cũng được học hành, vui khỏe, chăm ngoan chính là món quà lớn nhất của em rồi. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Văn nghệ dân gian: "Vài suy nghĩ về Văn hóa dân gian Hải Dương" của tác giả Lê Thị Dự(29/11/2022)
Trường Tiểu học Tô Hiệu mến yêu(28/11/2022)
Xem tranh Đặng Việt Cường(28/11/2022)
Mùa thiên di(25/11/2022)
Lược thuật tọa đàm: "Văn học thiếu nhi trong dòng chảy văn học Hải Dương" của tác giả Kim Xuyến (25/11/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na