Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Vài suy nghĩ về Văn hóa dân gian Hải Dương" của tác giả Lê Thị Dự
29/11/2022 08:49:43

K hi có con người là có văn hoá dân gian. Văn hoá dân gian là toàn bộ những giá trị tinh thần và vật chất do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nó phản ánh và đúc kết những kinh nghiệm thực tế đời sống của con người và nó là văn hoá gốc, văn hoá mẹ. Nói cho cùng thì chính văn hoá dân gian là điểm tựa vững chắc cho sự thăng hoa của một nền văn hoá nói chung và đương nhiên văn hoá dân gian sẽ trường tồn cùng lịch sử.

 

Do nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của văn hoá dân gian mà từ lâu ngành văn hoá cũng như Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã quan tâm xây dựng lực lượng để nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến và phát huy những giá trị văn hoá dân gian truyền thống của địa phương. Ngay từ khi thành lập, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã manh nha có nhiều tác giả làm công việc này. Đến nay Ban Văn nghệ dân gian của Hội có 8 hội viên và những cộng tác viên. Chính bản thân họ đang nắm giữ văn hoá dân gian, là người đang thực hành. Lực lượng đó phải kể đến hàng trăm người có niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm về vốn văn hoá dân gian trong tỉnh. Hầu hết họ đều là những người có kiến thức và kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn. Có người đã xuất bản tác phẩm văn hoá dân gian khá phong phú như tác giả Trịnh Quang Lạc, nhóm cán bộ phòng trưng bày của Bảo tàng Hải Dương đã thực hiện đề tài: “Trò chơi dân gian Hải Dương” công trình lên tới hơn 300 trang. Các Câu lạc bộ Hát trống quân ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang thường xuyên có tác giả sáng tác bài hát và dàn dựng chương trình thực hành hát trống quân. Những câu lạc bộ hát văn, hát chèo, hát đối, hát ca trù vẫn thường xuyên hoạt động ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Ba phường múa rối nước của tỉnh vẫn hoạt động sôi nổi bất chấp có kinh phí hay là không… Nói như vậy để thấy sức sống của văn hoá dân gian không hề nhỏ, vấn đề là chúng ta có tiếp nhận và nêu trách nhiệm hướng dẫn họ theo định hướng chung hay không.

Ban Văn nghệ dân gian của Hội VHNT tỉnh hiện nay có 8 hội viên thì có 5 người đồng thời là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nhìn lại chặng đường mấy chục năm qua, những thành tích mà Ban đạt được là không hề nhỏ, rất đáng khích lệ, mặc dù hầu hết là những người cao tuổi, đã từng công tác tại các cơ quan văn hoá, văn nghệ, giáo dục, báo chí… Hầu hết đều là những người có tâm huyết, có trách nhiệm và có những công trình khá đồ sộ, nhiều bài viết, nghiên cứu về văn nghệ dân gian, được nhiều giải thưởng của Trung ương và tỉnh,… tiêu biểu như các tác giả Nguyễn Hữu Phách, Nguyễn Quốc Văn, Nguyễn Long Nhiêm, Tăng Bá Hoành…

Tuy nhiên hoạt động của Ban Văn nghệ dân gian hiện nay còn nhiều khó khăn cần được chia sẻ:

Hải Dương là miền quê văn hiến, di sản văn hoá có tuổi từ hàng nghìn năm nay rất phong phú, hàm chứa những giá trị ở nhiều dạng. Phần lớn nằm trong những hoạt động hàng ngày của nhân dân lao động, thậm chí ở trong trí nhớ của nhiều người. Nhưng lực lượng tham gia công việc này còn quá ít, lại đa phần là những người lớn tuổi, sức khoẻ hạn chế, khả năng đi cơ sở rất khó khăn. Nhiều năm nay không bổ sung được hội viên. Nếu chúng ta không phát hiện và có hướng bồi dưỡng, động viên nhiều người tham gia và không kịp thời nghiên cứu, sưu tầm tập hợp được những giá trị văn hoá dân gian tiêu biểu, đặc biệt là những giá trị văn hoá phi vật thể đang tồn tại trong trí nhớ của con người, hoặc những giá trị do con người đang nắm thực hành thì những giá trị đó dần dần mất đi, thật đáng tiếc biết bao.

Ở tỉnh Hải Dương, thực tế cho thấy, các công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian phần lớn là của những người lớn tuổi, ít thấy công trình của lớp trẻ. Cần phải làm sao để lớp trẻ nhận thức được việc nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ những gì là cũ, là cổ không phải chỉ là công việc của lớp người già. Một thực tế sinh động cho thấy ở tỉnh Lào Cai đã có rất nhiều người trẻ ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi tham gia các đề tài khoa học nghiên cứu về văn hoá dân gian và họ đã xuất bản những tác phẩm khá đồ sộ, được nhận nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Họ làm được tại sao mình không làm được?

Lại có ý kiến cho rằng: Cuộc sống hiện đại gấp gáp hiện nay đang dần làm lu mờ và lãng quên những giá trị văn hoá dân gian, ở Hải Dương cũng trong tình trạng đó. Để văn hoá dân gian sống mãi trong nhân dân, thì cần đưa văn hoá dân gian vào trường học, vào những hoạt động của bảo tàng, thư viện, gắn văn hoá dân gian với du lịch, sân khấu… Đặc biệt với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay đây là điều mà chúng ta nên làm ngay. Làm sao để bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, nhưng những giá trị văn hoá dân gian truyền thống tốt đẹp và phù hợp phải luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Tiếp tục khai thác và phát huy di sản văn hoá dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng là: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thiết nghĩ công việc đó không chỉ của một bộ phận những người làm công tác văn hoá, văn nghệ hoặc giáo dục mà phải là của toàn dân. Có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã thể hiện cảm xúc của mình trong những tác phẩm của họ bằng cách mà khi đọc ta thấy họ nuối tiếc một mái đình cổ kính, một chiếc giếng tròn, một bờ ao có tiếng ếch kêu ban đêm, một ngòi nước có thả những chiếc vó tôm, hay những rặng tre ken dầy nơi thôn dã, những hàng rào râm bụt, duối ngăn cách giữa nhà nọ với nhà kia, một cánh võng mắc vào hai khóm tre đầu ngõ nơi có những bà mẹ trẻ nằm ru con buổi trưa hè. Hoặc chỉ đơn giản là một buổi xem diễn chèo sân đình, hoặc xem đánh đu ngày lễ hội… Đó chính là những trăn trở, những mong ước làm thế nào để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của ông cha. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng vô cùng.

Trước những khó khăn thử thách đó đòi hỏi những người làm công tác nghiên cứu về văn hoá dân gian phải nỗ lực hơn nữa, thiết nghĩ nên tiếp tục tập trung vào những vấn đề như sau:

- Tập trung nghiên cứu các làng cổ tiêu biểu, điển hình, vì nghiên cứu một làng quê là căn bản thâu tóm toàn bộ những giá trị văn hoá dân gian của một địa phương. Sau đó đi sâu nghiên cứu các chuyên đề như: nghề cổ truyền, các loại hình diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian, lễ hội dân gian… Rồi biên soạn thành sách để bảo tồn và phát huy.

- Nghiên cứu vốn văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (tập trung ở hai địa phương là Chí Linh và Kinh Môn), vấn đề này cũng đã được một số tác giả manh nha tìm hiểu nhưng chưa thực sự đi sâu nghiên cứu cụ thể, chi tiết.

- Quan tâm hơn nữa về tinh thần và vật chất đối với các nghệ nhân dân gian, vì họ là vốn quý về văn hoá dân tộc. Với hình thức như tôn vinh, tặng danh hiệu, tạo điều kiện để họ phát huy. Việc này Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã làm, rất cần được duy trì và ngày một nâng cao hơn.

- Cần sớm ra cuốn sách viết về các nghệ nhân dân gian của tỉnh Hải Dương, cũng như có băng ghi âm, ghi hình về hoạt động của họ để truyền đạt cho các thế hệ sau.

- Ngành văn hoá cần tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan về các loại hình văn hoá dân gian hơn nữa để từ đó phát hiện và bảo tồn giá trị văn hoá dân gian của địa phương.

- Cần phát hiện và bồi dưỡng lực lượng trẻ để bổ sung hội viên cho Ban Văn nghệ dân gian và Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Hải Dương. Công tác tuyên truyền rất quan trọng, cần hướng tới những cán bộ là giáo viên, cán bộ ngành văn hoá, những người yêu thích văn hoá dân gian, có kiến thức, nhiệt tâm. Có thể tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi công văn đến những địa chỉ tiềm năng…

Văn hoá dân gian là nền tảng văn hoá tinh tuý và chọn lọc, đã được đúc kết và mài dũa qua hàng ngàn đời, bản thân nó đã tự tu chỉnh và điều tiết từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành những nét đặc trưng nhất của tâm thế dân tộc, lối sống và lề thói ứng xử của người Việt từ xa xưa. Văn hoá dân gian là vốn quý của văn hoá dân tộc. Hiểu được văn hoá dân gian giúp chúng ta hiểu sâu hơn về truyền thống của ông cha trong quá khứ, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước trong mỗi con người Việt Nam. 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Trường Tiểu học Tô Hiệu mến yêu(28/11/2022)
Xem tranh Đặng Việt Cường(28/11/2022)
Mùa thiên di(25/11/2022)
Lược thuật tọa đàm: "Văn học thiếu nhi trong dòng chảy văn học Hải Dương" của tác giả Kim Xuyến (25/11/2022)
Họa sĩ Lê Hướng Quỳ cống hiến hết mình cho hội họa(25/11/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na