Toàn cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: P.V
Tọa đàm có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội VHNT tỉnh, chủ đạo là các tác giả của hai ban Văn xuôi và Lý luận phê bình.
Dự tọa đàm có Lãnh đạo Hội VHNT, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,…; các Ủy viên Ban Thường vụ, BCH Hội, phóng viên Báo Hải Dương, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Mở đầu, đề dẫn của tác giả Nguyễn Thị Lan, Trưởng Ban Lý luận phê bình nêu rõ: “Buổi tọa đàm là dịp chúng ta nhìn lại những mặt được và chưa được của văn học thiếu nhi (VHTN) Hải Dương suốt mấy chục năm qua, những điều cần hướng tới trong những giai đoạn tiếp theo”. Trong đề dẫn, tác giả Nguyễn Thị Lan cũng nêu khái niệm “Văn học thiếu nhi là những tác phẩm viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi do cả người lớn và trẻ em sáng tác, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, có nội dung hướng tới giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau… VHTN là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc. Ở Hải Dương mấy chục năm qua, VHTN là một bộ phận không thể thiếu của văn học tỉnh nhà.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Hội VHNT tỉnh Hải Dương có quyền tự hào về thành tựu của VHTN trong dòng chảy của văn chương Hải Dương đương đại. Tính từ các cây bút thuộc thế hệ đầu tiên đến nay đã có gần 50 tác phẩm thiếu nhi được các nhà xuất bản trong nước ấn hành với đầy đủ các thể loại từ truyện đồng thoại, thơ trữ tình, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Mỗi tác giả, bằng tài năng của mình đã tạo ra sự mới mẻ cho tác phẩm và đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, giải thưởng VHNT Côn Sơn, Nhà xuất bản Trẻ, của các báo, tạp chí, và của cấp bộ, ngành.
Với vai trò là Trưởng Ban Văn xuôi, tham luận “Thăng trầm văn học thiếu nhi ở Hải Dương” của nhà văn Vũ Tuyết Mây đã đánh giá khái quát VHTN Hải Dương qua các thời kỳ, từ các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Thạch Lam đến các thế hệ như: nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Thị Hải Vân, Nguyễn Nam Đông, Nguyễn Thị Huệ (Huệ Văn), Trương Thị Thương Huyền, Đinh Ngọc Hùng, Nguyễn Thu Hằng, Vũ Thị Thanh Hòa… Tác giả dẫn chứng với mục đích làm sáng tỏ nhận định: Viết cho thiếu nhi, văn học Hải Dương thời nào cũng có. Tuy nhiên, theo nhà văn Vũ Tuyết Mây, viết cho thiếu nhi không phải thời nào cũng có nhiều tác giả viết và viết được nhiều, viết đều. Nhà văn nhấn mạnh: Không phải tác giả nào viết văn cũng có thể viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Qua đó chúng ta thấy rằng viết cho thiếu nhi quả thật rất khó, nguyên nhân do ngày nay nhịp sống quá nhanh, trong khi bản chất của văn học là nhấn nhá, là nghiền ngẫm, lại bị các loại hình nghệ thuật và giải trí khác chiếm thế thượng phong trong việc thu hút độc giả. Cùng với đó là thế giới ảo, các trò chơi giải trí như game đang phổ biến, giới trẻ đang bị chìm đắm vào thế giới ấy, nên thời gian dành cho văn học ít hơn trước. Ngoài ra, sự phát triển của đa chiều xã hội khiến văn học nói chung, VHTN nói riêng phần nào bị lép vế và trở nên lúng túng trước nhu cầu của người đọc, người xem. Vì vậy để thúc đẩy sáng tác VHTN, các tác giả cần quan tâm đến nhu cầu người thưởng thức; các cơ quan chủ quản cần quan tâm đến sáng tác VHTN. Cá nhân các tác giả cần quan tâm hơn nữa đến mảng VHTN, đồng thời đổi mới cách viết, sao cho có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ, khiến các em vui thích quay lại với văn hóa đọc.
Tác giả Văn Duy, hội viên Ban Lý luận phê bình, nguyên là một nhà giáo đã đem đến cho buổi tọa đàm một vấn đề rất mới, thời sự bằng tham luận “Văn học thiếu nhi, đòi hỏi cấp thiết của xã hội thời 4.0 đối với nhà văn”. Ông khẳng định “Văn học thiếu nhi ở nước ta đã từng có một thời hoàng kim, đó là giai đoạn từ hòa bình lập lại (1954) đến hết thời bao cấp (1990), với nhiều tác giả nổi tiếng. Sách nhiều lại hay nên thiếu nhi rất say mê đọc. Nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa. Nhưng thời hoàng kim của VHTN nước ta đã chấm dứt bởi nhiều lý do: lớp tác giả xưa đã thành người thiên cổ, sáng tác của họ hay nhưng đọc nhiều cũng mất hứng. Văn hóa đọc của xã hội nói chung và trẻ em thời nay nói riêng xuống cấp nghiêm trọng. Mạng xã hội xuất hiện nhan nhản những văn thơ cấp thấp, nhảm nhí, tục tĩu. Tranh truyện nước ngoài ào ạt vào nước ta tuyên chiến với văn thơ ký tự, khiến cho các em dần xa lánh với văn học ký tự. Số tác giả viết cho thiếu nhi còn rất ít. Tác phẩm viết cho thiếu nhi chưa trúng đích nên thiếu nhi vẫn thờ ơ. Vì vậy, VHTN nước ta hiện nay vẫn là món ẩm thực xa lạ và khó ăn với các em.
Xã hội thời 4.0 đòi hỏi một việc cấp thiết là lấy lại thời hoàng kim cho VHTN bằng cách: Hội chuyên ngành văn học các cấp thường xuyên phát động các cuộc thi sáng tác VHTN, đầu tư chuyên sâu từ khâu tổ chức bản thảo, in ấn xuất bản và phát hành. Phía các nhà trường phát động cuộc thi đọc sách, thi nói chuyện văn học. Ở tầm cao hơn, nhà trường, gia đình và xã hội cần có những cuộc điều tra, nghiên cứu, khảo nghiệm xem thiếu nhi thời nay thích gì, thích đọc loại văn học nào. Có hiểu sở thích của các em mới đi vào tâm hồn các em. Đó là điều các nhà văn rất cần suy nghĩ.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dù bận công việc vẫn tham gia tọa đàm với tham luận “Văn học viết cho thiếu nhi- Cơ hội và thách thức”. Theo chị, thách thức lớn nhất đối với nhà văn trưởng thành là viết cho thiếu nhi, bởi thiếu nhi là đối tượng độc giả đặc biệt, những cánh nhìn, cách cảm, cách suy nghĩ, những yêu ghét của các em hoàn toàn không giống với người lớn. Muốn viết được cho thiếu nhi, nhà văn phải thực sự am hiểu tâm lý lứa tuổi, phải là người gần gũi với trẻ thơ, hiểu được thế giới nội tâm của các em, làm sao viết cho thiếu nhi mà không bị “già”, bị gượng, được các em hồn nhiên đón nhận và yêu thích là chuyện không dễ dàng.
Tác giả chỉ ra, bên cạnh những thách thức thì việc sáng tác văn học cho thiếu nhi cũng có những cơ hội riêng như: các tác giả ngày nay dễ dàng tiếp cận với xu hướng sáng tác mới trên thế giới, tham khảo các tác phẩm nổi tiếng, ăn khách của nhiều tác giả nước ngoài. Việc tìm hiểu tâm lý, tình cảm của trẻ em cũng dễ dàng hơn khi việc kết nối với phụ huynh ở nhiều nơi khá đơn giản; các diễn đàn về trẻ em trên mạng xã hội cũng cung cấp nguồn tư liệu khổng lồ. Khi số lượng người sáng tác cho thiếu nhi hạn chế thì các tác giả dễ đạt giải hơn trong các cuộc thi ở mảng này, việc xuất bản sách và ra mắt công chúng cũng đễ dàng hơn (tuy nhuận bút có thể không cao).
Ở một khía cạnh khác, tác giả Trần Kim Xuyến, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Hải Dương đóng góp với tọa đàm tham luận “Tác phẩm viết cho thiếu nhi trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương”. Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham gia cùng tòa soạn và Ban Biên tập tạp chí tổ chức xuất bản tạp chí, tác giả đã nêu khái quát sự đóng góp của đội ngũ các tác giả Hải Dương với Tạp chí Văn nghệ Hải Dương ở mảng VHTN. Tuy số lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi được đăng tải trên tạp chí còn khiêm tốn so với các loại hình khác, nhưng các tác giả cũng đã tạo được ấn tượng đối với người đọc, những tác phẩm dù là truyện ngắn, tản văn, thơ hay nhạc…, cũng đều mang giá trị giáo dục và tình cảm gia đình; ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước; ca ngợi thầy cô, mái trường và tình bạn… Các tác phẩm viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi trên Tạp chí VNHD đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Tạp chí VNHD đã dành một chuyên mục Văn nghệ trẻ để đăng tải các sáng tác của các em học sinh, của các tác giả viết cho thiếu nhi. Tạp chí luôn là “bà đỡ” mát tay, tiếp sức cùng các tác giả, đưa những đứa con tinh thần vô giá đến với bạn đọc.
Là một người viết khá nhiều cho thiếu nhi, đến nay tác giả Đinh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Sáng tác và quảng bá tác phẩm của Hội VHNT đã xuất bản 8 tập sách viết cho thiếu nhi. Với tham luận “Viết cho thiếu nhi cần nhất sự tự nhiên”, tác giả cho rằng “Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào của VHTN Hải Dương, phải thẳng thắn nhìn nhận, văn học thiếu nhi cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng thiếu sự tự nhiên. Điều này đã đánh mất đi sự trong trẻo của một tác phẩm viết cho thiếu nhi, khiến cho tác phẩm thiếu sức hút”. Theo tác giả, “Chính sự thiếu tự nhiên này là nguyên nhân chính gây ra những hạn chế của VHTN hiện nay, thể hiện ở việc người cầm bút áp đặt cách nhìn của người lớn khi viết cho thiếu nhi, chưa đặt mình vào vị trí, thế giới của các em. Họ viết cho thiếu nhi song nói, suy nghĩ theo cách của người lớn, nên các sáng tác cũng thiếu đi sự hài hước, trí tưởng tượng, kịch tính và tính giải trí. Nó thường giống một câu chuyện đạo đức mà cha mẹ, ông bà kể cho con cháu nghe nhiều hơn…”.
Chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác cho thiếu nhi, tác giả Đinh Ngọc Hùng luôn chuẩn bị đầy đủ và kết hợp những yếu tố như: đề tài, sở trường, kết cấu, nhân vật và tác giả chỉ bắt tray vào viết khi đủ các yếu tố này…
Tác giả Nguyễn Thu Hằng, hội viên Ban Văn xuôi có tuổi Hội chưa nhiều, nhưng chị đã có 4 tập truyện viết cho thiếu nhi, trong đó một tập đoạt giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021, một tập vừa đoạt giải thưởng “Văn học tuổi 20” của Nhà xuất bản Trẻ. Là cô giáo dạy Văn, tại buổi tọa đàm, chị chia sẻ về nghề viết, đặc biệt viết cho thiếu nhi: “Với tình yêu văn chương, tôi tập tành cầm bút chính là từ những truyện ngắn, tản văn cho lứa tuổi thiếu nhi, có lẽ do sở trường và do môi trường sư phạm cho tôi gần gũi với các em… Cho đến bây giờ, tôi đã viết sang thể loại truyện ngắn cho người lớn, nhưng viết cho thiếu nhi vẫn như là một khu vườn ban mai với tôi. Mỗi khi ngắm, quan sát một cái cây, bông hoa hay con mèo, con chim, tôi dễ nảy ra những ý tưởng xoay quanh sự vật ấy, tưởng tượng các bạn nghĩ gì, sống ra sao, nghĩ sâu thêm thì câu chuyện hình thành, khi đặt bút viết rất nhanh…”. Với mỗi truyện hay tên sách, tác giả Nguyễn Thu Hằng cũng đều chú trọng tới việc đặt tên, tác giả nghĩ đặt tên sách như khi nghĩ tên đặt cho con mình vậy. Và khi viết cho thiếu nhi, tác giả thấy tâm hồn nhẹ nhàng, trong trẻo, vì tất cả các nhân vật trong truyện thiếu nhi dù có buồn đau đến bao nhiêu cũng vẫn hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu…”.
Ngoài các tham luận chính, trong buổi tọa đàm, các ý kiến phát biểu khác cũng xoay quanh việc làm thế nào để thúc đẩy sáng tác VHTN trong thời gian tới. Tác giả Trần Thùy Linh, hội viên ban Thơ chia sẻ “Là một giáo viên tiểu học, gần gũi với trẻ thơ nhưng lại chưa thể viết được gì cho các em bởi tôi thấy viết cho thiếu nhi thật sự là khó. Khó bởi vì tôi không có được những ngôn từ trong trẻo của trẻ thơ, câu chữ không còn ngây thơ, dung dị để khiến các em yêu thích. Mặt khác, tôi thấy rằng viết cho thiếu nhi phải khiến cho các em yêu mà tìm đọc, say mê đọc chứ không phải những gì mà người lớn chúng ta gọi là văn học dành cho thiếu nhi mà đã là cái các em cần. Tuy nhiên, tôi đã tự nguyện làm người “sửa mũ mấn” cho những cây bút nhí tại địa phương. Tôi đã lập ra nhóm bút Hương Hoàng Lan, cùng học sinh đọc và chia sẻ, gợi ý đề tài cho các em viết, chỉnh sửa bài cho các em. Song, nhóm bút hoạt động không thường xuyên, tác phẩm còn ít và chưa được như ý. Dù vậy, tôi vẫn luôn hi vọng ở các em, hi vọng sau này, các em sẽ là lứa văn nghệ sĩ kế cận chúng tôi đưa văn học Hải Dương bước lên một tầm cao mới. Và tôi cũng hi vọng một ngày nào đó có thể viết được cho thiếu nhi bởi tình yêu trẻ thơ chưa bao giờ vơi cạn trong tôi”.
Tác giả Nguyễn Văn Thụy, Phó ban Lý luận phê bình nêu ý kiến: “Nhìn chung, các ý kiến tham luận đã điểm qua thành tựu sáng tác văn học cho thiếu nhi của các cây bút Hải Dương qua các thời kỳ, với những thành tựu nhất định. Nhưng vấn đề đặt ra mà chúng ta cần làm rõ ở đây không chỉ thành tích. Vấn đề cần thảo luận bên cạnh những thành tựu thì văn học viết cho thiếu nhi của chúng ta hiện nay còn có những hạn chế gì. Và người nghiên cứu, phê bình văn học viết cho thiếu nhi cũng tương tự như các tác giả, cũng phải thay đổi, không phải chỉ có kiến thức hàn lâm và đứng trên quan điểm giáo dục là đủ, mà cũng phải thông qua cái nhìn của trẻ thơ ngày hôm nay để đánh giá…”…
Phát biểu kết luận, nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội rất phấn khởi khi các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình VHNT của Hội đã rất tâm huyết mang đến buổi tọa đàm những tham luận và ý kiến phát biểu xác đáng. Buổi tọa đàm là hoạt động chuyên môn quan trọng góp phần tôn vinh những đóng góp, cống hiến của đội ngũ tác giả Hải Dương trong hoạt động sáng tác văn học cho thiếu nhi cũng như tìm kiếm giải pháp để phát triển VHTN trong thời gian tới.