Lần đầu tổ chức Festival Chí Linh
Những ngày này, các ngả đường TP Chí Linh, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc sặc sỡ sắc màu của hồng kỳ, cờ hội. Các phướn chữ, bảng, biển giới thiệu nội dung của Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 và chương trình lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành điểm nhấn tại các điểm mút giao thông, các trục đường chính và các vùng quê. Tại khu vực quảng trường Sao Đỏ ngoài các biển bảng trực quan sinh động giới thiệu Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 và di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, nhiều hạng mục phục vụ cho sự kiện văn hóa đặc sắc này cũng đã được hoàn thiện.
Chuỗi các sự kiện Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 sẽ diễn ra từ ngày ngày 24/9-4/10 song hành cùng Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Festival Chí Linh - Hải Dương năm 2023 có chủ đề “Tinh hoa hội tụ - Khát vọng toả sáng”, gồm 8 chương trình: khai mạc; đêm hội trăng rằm với chủ đề “Lồng đèn thắp sáng ước mơ thiếu nhi Chí Linh - Hải Dương”; liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại khu di tích quốc gia đền Mẫu Sinh - đền Thánh Hóa; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và triển lãm sinh vật cảnh; các trò chơi dân gian; không gian trải nghiệm “Trung thu Việt Nam”; đồng diễn và giao lưu dân vũ, khiêu vũ thể thao; phối hợp tổ chức các hoạt động Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.
Màn múa rồng trong lễ hội quân trên sông Lục Đầu - Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. - Ảnh: Ngọc Hùng
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Chí Linh thông tin đây là lần đầu tiên Festival Chí Linh - Hải Dương được tổ chức. Lễ khai mạc Festival Chí Linh - Hải Dương năm 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, tiếp sóng trên các Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lân cận vào lúc 20 giờ 10 ngày 28/9 tại Quảng trường Sao Đỏ (TP Chí Linh) với chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc mang chủ đề “Chí Linh - Hải Dương: Tinh hoa hội tụ - Khát vọng tỏa sáng”.
Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ tại buổi họp báo, chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng với các ca khúc đặc sắc, sáng tác mới về Chí Linh, Hải Dương, qua sự góp mặt, thể hiện của sao mai Hoàng Tùng, Minh Quân, sao mai Lê Anh Dũng, sao mai Lương Nguyệt Anh, sao mai Ngọc Ký, sao mai Nguyễn Thu Thủy, sao mai Tiến Hưng, ca sỹ Lê Anh, ca sỹ Lê Trang…
Cùng với đó là phần trình diễn của Liên đoàn lân sư rồng Việt Nam đến từ 10 tỉnh, thành phố… sẽ mang đến các tiết mục hấp dẫn, thể hiện tràn đầy sức sống của vùng đất giàu khát vọng.
Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 còn là nơi hội ngộ, giao lưu văn hóa các làn điệu Hát Văn (Chí Linh, Hải Dương), Hát Then (dân tộc Tày TP Lạng Sơn, TP Chí Linh), Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; TP Chí Linh); Hát Quan họ (TP Bắc Ninh); Hát múa Khèn (dân tộc H’Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La),… Trong khuôn khổ của chương trình lễ khai mạc là màn bắn pháo bông tầm thấp, pháo hoa xoay,... tạo ấn tượng đặc biệt, mở màn cho một Festival nhiều đặc sắc, hấp dẫn, mới lạ.
Chương trình đêm hội trăng rằm: Lồng đèn thắp sáng ước mơ thiếu nhi Chí Linh - Hải Dương được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Hải Dương tại quảng trường Sao Đỏ vào lúc 20h10’, ngày 29/9/2023, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ và thiếu nhi Chí Linh, Hải Dương. Tiếp đó, sẽ có 20 xe mô hình (12 con giáp và các biểu trưng Trung thu) diễu hành đường phố, tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt và dấu ấn hoành tráng. Không gian trải nghiệm “Trung thu Việt Nam” và trưng bày cặp bánh Trung thu kỷ lục (diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29/9/2023 tại Quảng trường Sao Đỏ). Tại hoạt động này, có hơn 1.000 thiếu niên nhi đồng tham gia trải nghiệm nặn tò he, in tranh dân gian, làm đèn ông sao, trang trí đèn lồng, trang trí mặt nạ giấy bồi, trang trí quạt giấy, làm bánh dẻo, cốm, bánh dày, chè kho… và trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu,…
Trong khuôn khổ Festival Chí Linh - Hải Dương 2023, cùng đồng hành với các hoạt động diễn ra tại quảng trường Sao Đỏ, Chương trình Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được diễn ra tại Khu di tích Quốc gia Đền Mẫu Sinh - Đền Thánh Hóa (xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh) vào 2 ngày (ngày 29, 30/9/2023), với sự tham gia trình diễn các giá đồng của 12 nghệ nhân ưu tú, thanh đồng về từ các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng với 44 gian hàng (từ ngày 27/9 - 30/10/2023) và Triển lãm sinh vật cảnh với 200 cây cảnh (từ ngày 23/9 - 8/10/2023) được tổ chức tại Quảng trường Sao Đỏ, hứa hẹn mang đến cho Nhân dân và du khách tham quan nhiều trải nghiệm; đồng thời đẩy mạnh cuộc tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra còn có chương trình đồng diễn và giao lưu dân vũ, khiêu vũ thể thao “Chào Festival Chí Linh - Hải Dương 2023” tại Quảng trường Sao Đỏ từ 14h00’ - 21h00’, ngày 25/9/2023, với sự tham gia của 2023 phụ nữ Chí Linh…
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều chương trình đặc sắc
Cùng với Festival Chí Linh- Hải Dương 2023, năm nay, lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ tổ chức với nhiều chương trình đặc sắc cũng như điểm mới. Về đền Kiếp Bạc, đê sông Thương, núi Nam Tào, Bắc Đẩu thời khắc này như thể lạc vào không gian văn hóa tự xa xưa. Đây là nơi tâm điểm diễn ra lễ hội thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay. Trong khu vực nội tự đền Kiếp Bạc, không lúc nào ngớt du khách đổ về hành lễ. Trên đê sông Thương tấp nập người trẩy hội, dưới sông san sát thuyền bè vào ra. Phiên chợ hội Kiếp Bạc bán chum vại, chiếu nón và các sản vật địa phương phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật đã tạo nên nét đặc trưng riêng của lễ hội thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tự hàng trăm năm nay.
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là tưởng niệm 581 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và tuyên truyền giá trị của quần thể di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc hướng tới trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm là di sản thế giới. Bởi vậy về đây, du khách sẽ được đắm mình vào các nghi lễ đã làm nên bản sắc riêng của lễ hội mùa thu. Linh thiêng là lễ rước bộ dâng cỗ lợn sống, cỗ bánh xu xê, tràng gừng, bánh trong, bánh lọc, bánh mật đặc trưng của nhân dân hai làng Dược Sơn, Vạn Yên và lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ngày chính hội. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu luôn là sự kiện để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Hòa vào lễ hội quân, mỗi cá nhân như thể được sống lại thời khắc lịch sử giữ nước của ông cha hơn 700 năm về trước. Lễ ban ấn cho nhân dân và du khách thập phương cũng đã trở thành một nét độc đáo của lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc. Theo truyền thống, vào trước ngày đại kỵ của Đức Thánh Trần, chính quyền sở tại cùng các thủ từ làm lễ đóng ấn vào tấm lụa vàng, làm lễ xin phép ngài và ban phát cho khách thập phương để Đức Thánh phù hộ, che chở và có được nhiều may mắn trong cuộc sống. Ngoài ra du khách sẽ được hòa mình vào không khí lung linh huyền ảo của lễ cầu an và hội hoa đăng trên đê sông Lục Đầu…
So với các năm, lễ hội năm nay có một số điểm mới: Lễ tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và khai hội sẽ được tổ chức vào 19 giờ 30 ngày 16/8 âm lịch thay vì vào buổi sáng như những năm trước. Lễ tưởng niệm và khai hội sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương, các đài địa phương lân cận và một số nền tảng số… Trong không gian lễ hội sẽ trưng bày 79 tác phẩm ảnh đoạt giải Cuộc thi về văn hóa, du lịch Hải Dương, về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trên hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới. Tuần Văn hóa du lịch và Xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gồm 65 gian hàng, trong đó có 35 gian hàng của tỉnh Hải Dương và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, 30 gian hàng của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tuần văn hóa được tổ chức ở vị trí đê sông Thương, phía trước đền Kiếp Bạc, trưng bày đặc sản địa phương, nông sản tiêu biểu, làng nghề thủ công…
Phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Quang Phúc nhấn mạnh Festival Chí Linh - Hải Dương tổ chức song hành cùng lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo sản phẩm du lịch mới; giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, danh nhân, điểm đến du lịch, tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội, chiến lược phát triển TP Chí Linh và tỉnh Hải Dương; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Lượng du khách đổ về Chí Linh những ngày này không ngừng tăng lên không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc mà còn thể hiện sự lôi cuốn, hấp dẫn của Festival Chí Linh - Hải Dương 2023 và lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng như hứa hẹn những trải nghiệm văn hóa tuyệt vời.
P.V