Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, phê bình: Diện mạo mới từ truyện ngắn của các cây bút nữ xứ Đông đương đại
14/09/2023 10:10:43

Tác giả: Trần Thúy Lành

 

Trong mạch phát triển chung của văn chương đương đại, các cây bút nữ xứ Đông ngày càng khẳng định vị trí và đóng góp riêng của mình. Đối với văn xuôi Hải Dương các tác giả nữ xuất hiện và gây được ấn tượng với độc giả trong nhiều năm, đến nay không ít cây bút nữ đã có những chỗ đứng nhất định thông qua các tác phẩm truyện ngắn được xuất bản thành sách, các giải thưởng văn học mà họ gặt hái được từ Trung ương đến địa phương, đem đến một diện mạo mới, phong phú, đa dạng cho văn học tỉnh nhà, đặc biệt là thể loại truyện ngắn.

Phát huy truyền thống sáng tác văn học của xứ Đông, các cây bút nữ Hải Dương trong khoảng hai thập kỷ qua đã gây được ấn tượng với độc giả cả nước: Đỗ Thị Hiền Hòa, Thùy Dương, Vũ Tuyết Mây, Nguyễn Thị Việt Nga, Trương Thị Thương Huyền… Hầu hết trong số họ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, bạn đọc thấy cả một dàn “đồng ca” những cây bút nữ Hải Dương viết truyện ngắn thành công. Với ưu thế đặc trưng thể loại là nhỏ gọn, đi thẳng vào bản chất vấn đề cuộc sống và mang tính khái quát cao, truyện ngắn rất phù hợp với nhịp độ sống gấp gáp của thời đại công nghiệp như hiện nay. Mặt khác, thể loại truyện ngắn luôn nhạy bén với cái mới, nắm bắt được kịp thời những đổi thay của muôn mặt cuộc sống thường ngày. Hơn nữa, sự “trỗi dậy” của giới nữ trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng đồng nghĩa với việc xác lập bản sắc riêng trong tiếng nói nghệ thuật: đó là một “chất nữ” đậm nét, dưới cách nhìn của phụ nữ và theo cách thể hiện của phụ nữ.

Các nữ tác giả Hải Dương đã chứng tỏ ngòi bút của những phụ nữ tài hoa, tinh tế và sắc sảo. Trong danh mục sách xuất bản và ra mắt bạn đọc khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta bắt gặp một số tập truyện của các tác giả quen thuộc. Đó là Nguyễn Hải Yến với các tập truyện ngắn “Quán Thủy Thần”, “Hoa gạo đáy hồ”…, Nguyễn Thu Hằng với các tập truyện “Đảo thức”, “Bám biển”, “Cánh đồng xa xăm”, “Mưa ngâu”; Trần Thúy Lành với các tập truyện “Đi qua mùa trăng”, “Lồng son”, “Blouse trắng”; Vũ Thị Thanh Hòa với tập truyện “Hoa mận về xuôi”…

Hầu hết những tác giả kể trên khi cầm bút viết truyện đều viết theo bản năng, sự thôi thúc từ trong tâm hồn với nhu cầu giãi bày, tâm sự bởi các chị không phải là những người viết văn chuyên nghiệp. Công việc chính của các chị là giảng dạy ở nhà trường phổ thông. Nhưng điều không thể phủ nhận là các tập truyện của các cây bút nữ Hải Dương gần đây đã giúp người đọc hiểu thêm về cuộc sống đa dạng quanh mình, hiểu thêm những phận đời, những tình huống, những tính cách cùng bao ước mơ, khát vọng chính đáng của con người lao động, nhất là người phụ nữ và thêm lòng tin vào sự hướng thiện của con người. Điểm mạnh của những cây bút truyện ngắn này là trình độ học vấn, năng lực thẩm mỹ, bút lực dồi dào, tâm hồn nhạy cảm và vốn sống khá phong phú. Văn chương của họ cuốn hút ở những chuyện đời chân thực nóng bỏng, có tính thời sự, ở sự hồn nhiên trẻ trung, tinh tế; văn phong mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt và đậm màu sắc nữ tính.

Trong sự nỗ lực cách tân, đổi mới thể loại truyện ngắn và đem đến cái nhìn đa diện, nhiều chiều về hiện thực cuộc sống, số phận con người, mỗi cây bút nữ Hải Dương đương đại khi viết truyện ngắn đã ít nhiều để lại ấn tượng trong lòng người đọc theo những cách khác nhau: một Nguyễn Hải Yến tài năng và “ma mị”, hấp dẫn độc giả từ những dòng chữ đầu tiên. Dù viết cả tản văn, tiểu thuyết và kịch nhưng thể loại làm nên tên tuổi Nguyễn Hải Yến lại là truyện ngắn. Với tập truyện ngắn đầu tay “Quán Thủy Thần”, chị đã trở thành “hiện tượng” trên văn đàn được “đặc cách” trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với 10 truyện ngắn, tập truyện “Quán Thủy Thần” (2019) đã chứng tỏ sở trường của Nguyễn Hải Yến là viết về nông thôn với hai phong cách: hiện thực và hiện thực huyền ảo. Truyện của chị miêu tả chân thực, tinh tế, sống động cuộc sống của gia đình, xã hội, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngòi bút Nguyễn Hải Yến lột tả tài tình những hủ tục, lề thói quan liêu, tệ nạn… bằng cách dựng lên những số phận, những tình huống điển hình trong đời sống, “đưa người đọc trở về những khung cảnh ẩn trong không gian trầm mặc màu cũ – màu thời gian, ký ức và màu của tình người” (Nguyễn Hải Yến). Đó là 10 đoản khúc buồn mà đẹp bởi chị viết về cuộc sống như là một quá trình, đi từ cái đẹp để hướng thiện. Nhà phê bình văn học - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét tập truyện “Quán Thủy Thần” “dày dặn, đậm đà, thương cảm về cõi nhân gian của người Việt hiện đại”. Mỗi truyện đều có sự hóa thân, đồng cảm đặc biệt giữa người viết và nhân vật bằng tấm lòng thương cảm, thấu hiểu tận cùng những bi kịch của kiếp người, nhất là những người phụ nữ bất hạnh, trải qua nhiều nỗi truân chuyên: Bà cụ Thao trong “Nhân gian một cõi”, con vợ Tuân trong “Giếng mắt Rồng”, bác Cả trong “Hoa đại đỏ”... Truyện của Nguyễn Hải Yến đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: đã đọc là mải miết, một mạch, đôi lúc lại cười tủm tỉm, cười phá lên hả hê, đôi lúc thấy cay xè sống mũi, cuối cùng lại im lặng ngẫm ngợi. Thậm chí có lúc ta phải dừng lại, để cơn nghẹn ngào qua đi, để nỗi đau đàn bà dịu lại trong tim. Làm được điều đó chứng tỏ Nguyễn Hải Yến phải có một trái tim chan chứa yêu thương, trăn trở về cuộc sống, về lẽ đời, về số phận của con người trước những va đập của đời sống thì mới đem lại cho người đọc những rung cảm về cuộc đời và tình người sâu lắng đến vậy.

Nhân vật của Nguyễn Hải Yến như những con người thực trong cuộc đời mà ta đã từng gặp ở đâu đó. Cách viết của chị hóm hỉnh mà sâu sắc. Giọng văn biến hóa vô cùng linh hoạt. Nhiều truyện đậm chất thơ, “thơ” từ cách đặt tên tác phẩm, gieo vào lòng người đọc một cảm xúc bâng khuâng (Đi giữa trời xanh mây trắng, Lục bát về gõ cửa mùa xuân, Gió lên thả ngọn đèn trời…). Cái hư và thực hòa quyện đầy nỗi niềm trắc ẩn. Truyện ngắn của chị rất chân thực và cảm động về cõi đời, về lòng người. Vì vậy, khép trang sách lại ta vẫn thấy rưng rưng, ám ảnh và điều quan trọng là ta được tiếp thêm niềm tin vào tình người, tình đời.

Với 10 truyện ngắn, tập truyện “Hoa gạo đáy hồ” đã chinh phục người đọc bằng giọng kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn và qua nhiều cung bậc mới lạ của ngôn ngữ, nhân vật và cuộc đời. Tập truyện được chia làm 2 phần rõ rệt: phần 1 là những truyện ngắn với bút pháp hiện thực, phần 2 là bút pháp hiện thực huyền ảo. Nhưng hiện thực huyền ảo của Nguyễn Hải Yến có nét riêng biệt. Cả tập truyện là sự xót xa, chắt chiu của tình thương, của sự mong mỏi cứu rỗi những cảnh đời luân lạc, những cảnh khổ… Một điều lạ là tác giả không đặt tình huống vào thế đối kháng, không để con người đối đầu nhau, mà luôn tìm hướng hóa giải (có khi rất hài hước, cười ra nước mắt; có khi lại vô cùng đau xót). Bắt đầu từ cái đẹp, từ tình cảm con người thuần phác, thủy chung, Nguyễn Hải Yến đã gửi đến người đọc thông điệp của sự hướng thiện. “Mọi cung bậc buồn đau của các nhân vật của Yến, rốt cuộc cũng dẫn về bi kịch của sự phát triển xã hội Việt, hôm qua, hôm nay”, đó là “bài toán mà người Việt phải giải quyết… trong sự tích hợp văn hóa toàn cầu”... (Nguyễn Thị Minh Thái).

Nếu Nguyễn Hải Yến dụng công trong kết cấu, chọn lựa ngôn từ và thành công với bút pháp hiện thực kết hợp hiện thực huyền ảo thì Nguyễn Thu Hằng có thế mạnh của một cây bút truyện ngắn chuyên viết về nông thôn. Chị đa tài và “có duyên” với hàng loạt giải thưởng sáng tác viết cho thiếu nhi, viết về đề tài biển đảo, về tuổi hai mươi… Vốn là một cô giáo dạy Văn ở Cẩm Giàng, Hải Dương nhưng bản năng sáng tác trong chị đã bộc lộ từ rất sớm và ngày càng “chín” dần theo thời gian. Chị không chỉ khẳng định tài năng của mình qua nhiều lần đạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác và những tập truyện viết về biển đảo (Bám biển, Đảo thức), viết cho thiếu nhi (Cánh thư bay, Thì thầm cùng giọt sương, Mật thư trên ngọn đa) mà chị còn để lại ấn tượng đặc biệt với độc giả qua những truyện ngắn viết về đề tài nông thôn trong tập truyện Cánh đồng xa xăm (2019).

Làng quê Việt Nam với những người nông dân một nắng hai sương, tảo tần, lam lũ và lấp lánh vẻ đẹp của tình người đã trở thành mảnh đất màu mỡ mà nhiều nhà văn đã “cày xới” thành công. Nhưng những năm gần đây, văn học Việt Nam thưa vắng tác phẩm gây tiếng vang về mảng đề tài này. Vì vậy, đọc tập truyện Cánh đồng xa xăm của Nguyễn Thu Hằng, người đọc sẽ không khỏi giật mình trước những biến động dữ dội của làng quê vốn yên bình bỗng đổi thay chóng mặt trong quá trình xây dựng nông thôn mới được tác giả nắm bắt và phản ánh chân thực, sinh động (Cánh đồng xa xăm, Ngàn dâu…). Những truyện ngắn đó được kể, được dựng bởi một người sinh ra và gắn bó máu thịt với làng quê mình. Cách dẫn truyện của chị rất tự nhiên, lôi cuốn, tạo được “đỉnh” để độc giả vỡ òa cảm xúc, thỏa mãn những hồi hộp, băn khoăn hoặc bâng khuâng, suy ngẫm (Mùa rươi, Kỳ mộc, Cắn chỉ…).

Nguyễn Thu Hằng quan tâm đến số phận cá nhân trong những cảnh huống nhiều éo le, đặc biệt là những người phụ nữ nông thôn kém may mắn, dám vượt lên trên thành trì định kiến của làng quê để bộc lộ khát khao rất con người (Trăng rơi). Những va đập thường nhật trong đời sống gia đình hiện đại khiến không ít người trở nên sa ngã, thậm chí tha hóa về lối sống đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người cần phải tránh cái xấu xa, cái tầm thường (Cắn chỉ). Những tình cảm trong sáng, những giá trị cốt lõi trong đời sống tinh thần của người dân quê cần được trân trọng (Kỳ mộc, Lồng chim cu gáy…).

Sức hấp dẫn và mới lạ trong truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng là sự tài tình, khéo léo trong việc đan cài “tính dục” như một thứ gia vị, làm cho tác phẩm trở nên đậm đà. Trong nhiều truyện, chị đã dùng “tính dục” như một phương tiện nghệ thuật để khám phá cái phần bản năng và cả phần “người” trong các nhân vật của mình. Luân lý xưa nay không thể đưa ra lời răn xác đáng nào cho việc phải làm sao để không trơ lỳ về mặt cảm xúc khi phải dìm sâu, dìm chặt cái phần bản năng trong mỗi người nhưng tập truyện Cánh đồng xa xăm cũng cảnh tỉnh người dân quê nói riêng, con người nói chung trước những cám dỗ tầm thường, trước lối sống thực dụng có thể bào mòn nhân cách.

Nguyễn Thu Hằng đã không ngoảnh mặt làm ngơ với những khổ đau, ngang trái của mỗi phận người nông dân trong cơn “địa chấn” của thời cuộc. Mỗi truyện ngắn của chị là những cảnh đời khác nhau nhưng truyện nào cũng ẩn chứa tâm tư, khắc khoải của người viết. Tập truyện ngắn “Chuồng cọp trên cao” của chị là những mảnh giấc mơ, đẹp nhưng trớ trêu, hi vọng rồi cũng thất vọng nhưng không làm con người tuyệt vọng. Niềm tin vẫn lấp lánh như hòn than hồng được ấp ủ, chỉ chờ ngọn gió đời thổi qua là sẽ bùng lên thành những ngọn lửa mạnh mẽ. Số phận khắc nghiệt khiến những giấc mơ tuổi trẻ dang dở và đôi khi vỡ vụn, chỉ còn lại những nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi. Tập truyện phản ánh chân thực cuộc sống và góc nhìn của những chàng trai, cô gái đa số ở nông thôn, lớn lên trong nghèo khó với ước vọng đổi đời, hoài bão rực cháy trong tim nhưng hiện thực cuộc sống xù xì, gai góc, không phải lúc nào cũng như mơ ước màu xanh của tuổi trẻ. Tuổi trẻ có quyền khát vọng, có quyền vấp ngã, thất bại, yêu và được yêu nhưng những bài học trải nghiệm sẽ theo họ suốt cuộc đời. Đó là thông điệp sâu xa mà Nguyễn Thu Hằng muốn gửi đến người đọc.

Ẩn đằng sau lời tâm sự của nhân vật, lời kể của tác giả là nỗi đau quặn thắt kiếp người. Qua từng truyện ngắn, người đọc thấy một khung trời hiện thực hiện lên rõ ràng, mong ước rõ ràng nhưng kết thúc còn dang dở với ước mơ không thành. Mỗi chi tiết đều được Nguyễn Thu Hằng mô tả dưới một ánh mắt nặng tình với từng cảnh, từng người, từng vật. Giọng văn xuyên suốt tập truyện nhuốm màu u buồn, nỗi buồn trong veo qua những câu văn xuôi đầy chất thơ, khi êm đềm như gió thoảng, khi xoáy vào lòng người như gió cuốn.

“Chuồng cọp trên cao” cho thấy vốn sống dồi dào, sự từng trải của tác giả về những lĩnh vực khác nhau: từ việc làm thuốc, làm gốm, chơi lan đột biến đến chế men rượu… Nguyễn Thu Hằng không chỉ thể hiện một năng lực quan sát tỉ mỉ, tài tình mà chị còn bộc lộ trí tưởng tượng bay bổng với những thủ pháp nghệ thuật rất điêu luyện qua việc xây dựng hàng loạt hình tượng nghệ thuật độc đáo, các chi tiết đậm tính hình tượng, ngôn ngữ kể chuyện không quá cầu kỳ nhưng là cả sự công phu trong những hình thức so sánh, đối thoại và độc thoại nội tâm.

Tập truyện đã đem đến cho bạn đọc một góc nhìn mới mẻ, sâu sắc về cuộc sống, cách cảm, cách nghĩ của tuổi trẻ hôm nay, tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần để nuôi dưỡng những giấc mơ còn dang dở như tác giả muốn gửi gắm: “Mong rằng tập truyện này sẽ mở ra cho các bạn một khoảng trời bông gạo trắng, giúp bạn xây một chuồng cọp trên cao, và thắt được chiếc vòng hương tặng người yêu quí” (Nguyễn Thu Hằng).

Giữa dàn “đồng ca” đa thanh ấy Trần Thúy Lành là một cây bút tiêu biểu, giản dị, chân chất, mộc mạc và nhẹ nhàng trong văn phong nhưng cũng ấn tượng bởi lòng trắc ẩn của một ngòi bút đầy nữ tính. Chị sớm bộc lộ năng khiếu sáng tác truyện ngắn từ khi còn là học sinh phổ thông và đạt giải trong cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh" của Báo Tiền Phong năm 1997, sau đó truyện ngắn của chị xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí: Hải Dương, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Báo Đà Nẵng, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh... Mấy năm gần đây, Trần Thúy Lành xuất bản 3 tập truyện ngắn và tái bản tập truyện “Lồng son”. Mỗi truyện ngắn của chị không dài, chỉ vừa phải, cô đọng để sau mỗi truyện lắng lại trong tôi là những suy ngẫm về cuộc đời, khắc khoải, đau đáu cùng số phận nhân vật. Xuyên suốt tập truyện ngắn là thân phận của người phụ nữ khiến người đọc phải day dứt, động lòng trắc ẩn. Cuốn sách mang đậm giá trị nhân đạo bởi nhà văn Thúy Lành đã khắc họa thành công các nhân vật, đi đến những ngóc ngách tâm hồn, hiểu tận cùng nỗi đau của họ.

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành thường tập trung khai thác đề tài gia đình – xã hội. Chị viết nhiều và viết ấn tượng về người phụ nữ gặp những éo le trong cuộc đời, đồng thời lên án những thói hư tật xấu, sự tha hóa đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Quả đúng như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Trần Thúy Lành không dựng truyện mà kể chuyện. Một cách kể thông thoáng, khách quan”. Nội dung các câu chuyện của chị được xây dựng qua lối kể chuyện hết sức tự nhiên với những ngôn từ bình dị, gần gũi, có sự kiên định rõ ràng về bút pháp, giọng điệu. Là một cô giáo trẻ nên chị đã trải lòng mình vào những trang viết. Người đọc được gặp ở đó một trái tim tuổi trẻ nhiệt thành, tâm huyết, không ngại khó ngại khổ mang tri thức của mình đến với vùng quê nghèo xa xôi. Ở đó có những con người bình dị, chân chất mà cháy hết mình cho lý tưởng cao đẹp (tác phẩm "Bình yên"- Giải Đồng hạng "Tác phẩm tuổi xanh"). Có sự mơ mộng lãng mạn, nuôi trong tim một thần tượng của riêng mình (Thần tượng). Nhưng cũng có lúc ta thấy một Trần Thúy Lành có cái nhìn già dặn, chín chắn trong mối quan hệ gia đình.

Truyện ngắn của chị mở ra cho bạn đọc nhiều suy tưởng nhưng đa phần đó là cái kết tươi sáng, lấp lánh niềm hy vọng ở một ngày mai. Người phụ nữ trong “Khi mẹ trở về” từng chán nản vì chồng nghiện rượu và trai gái đã bỏ sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Sau những nhọc nhằn lao động cơ cực bên nước người trở về, người chồng đã trở thành người đàn ông chỉn chu, đàng hoàng. Hay như Nguyệt, một cô gái tật nguyền vốn luôn mặc cảm, tự ti trước cuộc đời, từng có ý định quyên sinh. Nhưng khi gặp được vị bác sĩ, cô đã hoàn toàn thay đổi. Một cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa, mang màu sắc lấp lánh được mở ra (Vầng trăng khuyết).

Trần Thúy Lành đã dẫn dắt người đọc đi từ cốt truyện này đến cốt truyện khác với nhiều hình ảnh nhân vật tiêu biểu được xây dựng thành công như hình ảnh nông dân, viên chức, giáo viên, sinh viên, nhưng ấn tượng nhất chính là hình ảnh người chiến sĩ áo trắng, những bác sĩ “lương y như từ mẫu” hết lòng phục vụ nhân dân trong cuộc sống đời thường cũng như khi có dịch Covid-19 tràn qua. Với phong cách viết giản dị, tự nhiên, những câu chuyện ta vẫn bắt gặp trong đời sống, gần gũi với mọi người, hiện thực mà đầy chất nhân văn, Trần Thúy Lành biết dựng tình huống để tạo cốt truyện và biết lựa chọn chi tiết đủ đầy kể chuyện qua bộc lộ tính cách và thể hiện ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm. Ấn tượng nữa là đọc “Blouse trắng” từ hình ảnh bác sĩ đến giáo viên, nông dân, viên chức đều cảm nhận thấy rõ bản tính con người xứ Đông chân chất, nhân hậu, đầy khát vọng cống hiến.

Đến với truyện ngắn của Vũ Thị Thanh Hòa, người đọc cảm nhận được tính thời sự nóng bỏng trong những đề tài chị đề cập. Là một cây bút đa tài và sung sức, chị viết nhiều thể loại, từ tản văn đến thơ, truyện ngắn. Dù ở thể loại nào, Vũ Thị Thanh Hòa cũng để lại dấu ấn riêng với chất giọng riêng, dễ đi vào lòng người đọc. Trong nhiều mảng sáng tác của mình, chị dành tình cảm đặc biệt cho những con người lao động có thân phận bé nhỏ nhưng luôn kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Với tập truyện ngắn “Hoa mận về xuôi” - NXB Văn học (2022), chị đã dần khẳng định lối đi riêng trong cách xây dựng nhân vật. Truyện ngắn của chị đã đưa người đọc đến với thế giới nhân vật rất ấn tượng. Đó là những thân phận bé nhỏ, những con người lao động có số phận cơ cực, đặc biệt là những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Dù bối cảnh không gian của tập truyện chủ yếu gói gọn trong những gia đình lao động nghèo ở nông thôn nhưng vẫn mang ý nghĩa khái quát về đời sống xã hội đương thời. Người đọc dễ dàng nhận thấy lòng trắc ẩn của tác giả gửi gắm qua mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện. Nhân vật chị Tần trong “Hương chè” vất vả, lam lũ bán rau để kiếm từng đồng nuôi hai con ăn học, trong khi chồng chị đi xuất khẩu bên Đài Loan. Tần không chỉ nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh mà còn phải đối mặt với những lời tán tỉnh, ve vãn của gã đàn ông cùng xóm. Tần vượt qua bao cám đỗ để giữ mình trong khi chồng chị ngoại tình ở xứ người, muốn ruồng rẫy, ly hôn chị. Giữa lúc lòng chị tan nát, bao đêm phải tự lau nước mắt cho mình thì chị gặp lại người yêu cũ, giờ đã góa vợ. Tình thế éo le khi chồng chị đột ngột trở về và tuyên bố “mất trắng”. Đứng trước bao ràng buộc vô hình, Tần sẽ lựa chọn con đường hạnh phúc của mình ra sao? Truyện kết thúc bỏ ngỏ, để lại nhiều trăn trở trong lòng độc giả.

Tập truyện “Hoa mận về xuôi" còn xây dựng những nhân vật phụ nữ (May trong “Hoa mận về xuôi”, An trong “Cuộc hẹn đã định trước”, Thụy và mẹ Thụy trong “Lạc nhịp”, Thùy Mai trong “Mùa hoa khế”…). Mỗi nhân vật là một cảnh đời, một tính cách khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là khao khát vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó cũng là mưu cầu chính đáng của mỗi con người nhưng hành trình đến với hạnh phúc còn đầy rẫy nhọc nhằn, chông gai.

Truyện của Vũ Thị Thanh Hòa có nhiều tình huống bất ngờ, lôi cuốn. Nhân vật được dụng công xây dựng trong các mối quan hệ, qua ngoại hình và hành động, ngôn ngữ; đặc biệt là nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật khá tinh tế. Không chỉ thành công với cách kể hấp dẫn và ngôn ngữ phong phú, sinh động, Vũ Thị Thanh Hòa còn gửi gắm nhiều thông điệp về nhân sinh qua thế giới nhân vật mà chị sáng tạo nên. Vì thế, “Hoa mận về xuôi” đã đạt giải Ba giải thưởng toàn quốc của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật năm 2022.

Có thể khẳng định truyện ngắn của những cây bút nữ trẻ Hải Dương đã góp phần mở rộng đường biên văn học, đa dạng hóa đề tài và bút pháp. Tuy nhiên họ còn ít tác phẩm có đủ sức gây thành các hiện tượng văn học, độ kết tinh và tầm bao quát những vấn đề xã hội chưa cao. Diện mạo mới chính là cuộc sống của nhân dân, của đất nước, những biến chuyển lớn lao trong đời sống xã hội mới là mảnh đất hiện thực phong phú mời gọi các nhà văn, các cây bút nữ xứ Đông tìm tòi, khám phá. Thách thức lớn nhất đặt ra với người cầm bút viết truyện ngắn là sự cần thiết phải trau dồi tài năng và cá tính nghệ thuật để sáng tạo những tác phẩm xuất sắc, làm nên diện mạo mới của văn xuôi Hải Dương. 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mối tình đầu và cây cột mốc(14/09/2023)
Cho tôi về...(14/09/2023)
Ngẫu hứng(14/09/2023)
Nhớ lại và suy nghĩ - Tác giả: Vũ Tuyết Mây(14/09/2023)
Mưa Tây Nguyên(13/09/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na