Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Tác giả Văn Duy cây bút đa tài và hóm hỉnh" của tác giả Kim Xuyến
14/09/2023 03:16:38

Ấn tượng ban đầu của tôi khi tiếp xúc với ông là một người có phong thái đĩnh đạc và nụ cười luôn thường trực. Biết ông cách nay hơn 20 năm, khi tôi còn là một cô bé mới tốt nghiệp ra trường và đi làm. Bởi ông hay đến cơ quan Hội để họp và sinh hoạt chuyên môn. Lúc ấy ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa VII- Trưởng Ban Văn xuôi. Vừa nghỉ hưu ở ngành giáo dục nên ông chuyên tâm hơn với hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật, ông là tác giả Văn Duy.

Tác giả Văn Duy (tên thật là Phạm Văn Duy), sinh ngày 03/4/1940 tại thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, nhưng ông lại gắn bó và sinh cơ lập nghiệp ở mảnh đất Kinh Môn giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Tốt nghiệp ngành Ngữ văn - Đại học Tổng hợp, ông trở thành giáo viên các cấp từ tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông Kinh Môn. Ông có 9 năm làm hiệu trưởng trường năng khiếu huyện Kim Môn từ 1990-1999 (đến năm 1997 tách huyện Kim Thành và Kinh Môn, trường mang tên trường THCS chuyênPhạm Sư Mạnh- Kinh Môn).

Tác giả Văn Duy là hội viên lớp đầu tiên của Hội VHNT tỉnh từ khi mới thành lập Hội năm 1978, và hội viên Hội Ngôn ngữ học từ năm 1999, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ năm 2006. Ông đến với văn học nghệ thuật bắt đầu từ thơ. Tác phẩm đầu tiên của ông là bài thơ “Việc làm đẹp nhất” (1968), viết về người giáo viên. Bài thơ đã được đăng ở Nội san giáo dục Hải Hưng của Ty Giáo dục Hải Hưng xuất bản. Đến nay ông đã có 2 tập thơ ra mắt bạn đọc: “Lặng lẽ tỏa hương”, NXB Lao Động, 1992 và “Tiếng ru”, NXB Thanh Niên, 1997. Thơ ông đã có những bài được bạn đọc nhắc nhở như: “Vực nghé”, “Nghe tiếng cau rơi”.

Trong khi làm thơ, tác giả Văn Duy vẫn viết truyện, viết báo. Ông trình làng tập truyện ngắn “Người khách sau chiến tranh”, NXB Thanh Niên ấn hành, 2004. Chỉ sau 2 năm, đến năm 2006, ông tiếp tục ra mắt độc giả tập truyện ngắn “Đường trần”, NXB Văn học ấn hành.

Không dừng lại ở đó, với kiến văn sâu rộng và lòng yêu thích tìm tòi, khám phá, tác giả Văn Duy còn say mê nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học. Với tập tiểu luận “Trời mưa bong bóng”, NXB Văn học, 2012, ngòi bút Văn Duy đã chuyển hướng từ một cây bút thơ, truyện ngắn sang giới thiệu với bạn đọc những nét chung nhất trong cảm nhận của mình về những tác phẩm thơ, tiểu luận thi ca mà ông tâm đắc. Các tác giả, tác phẩm được Văn Duy đề cập đến đều khá tiêu biểu, được nhiều bạn đọc yêu mến và có giá trị trong nền văn học nước nhà.

Nếu Tứ Kỳ là quê hương thứ nhất, nơi chôn rau cắt rốn, thì Kinh Môn là quê hương thứ hai, mảnh đất văn hiến giàu tiềm năng với những dấu tích ngàn năm về lịch sử, văn hóa đã dung dưỡng và hun đúc nên tâm hồn một cây bút Văn Duy đa tài. Qua tiểu luận phê bình thứ hai “Kinh Môn- Thơ của tiền nhân”, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019, người đọc hiểu sâu hơn về các bài thơ khắc trên vách đá ở động Kính Chủ, đặc biệt là các bài thơ của Phạm Sư Mạnh- một vị quan thời Trần. Về cảm nhận và suy ngẫm về thơ của tiền nhân, Văn Duy vừa có những đánh giá khái quát về các bài thơ khắc trên vách đá động Kính Chủ, vừa có những trang viết đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng nghệ thuật của các tác gia lớn như Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Húc, Nguyễn Đại Năng… với sự cảm thụ vừa sắc sảo, vừa tinh tế đồng thời nắm vững phương pháp loại hình, đặt tác phẩm vào “hệ sinh thái văn hóa” (Nho giáo, Phật giáo, đặc trưng thi pháp văn học trung đại, thể loại văn học và bút pháp) đem đến cho độc giả những cảm nhận phong phú, bất ngờ, thú vị.

Ngoài sáng tác thơ, văn xuôi, tác giả Văn Duy còn có 5 tập khảo cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian: “Văn hoá đất Kinh Môn”, NXB Văn hoá Dân tộc, 2008; “Văn hoá dân gian làng Xuân Nẻo”, NXB Từ điển Bách khoa, 2009; “Văn hóa dân gian vùng ven sông Bạch Đằng huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng”, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản, 2010; “Làng nghề cổ truyền huyện Thủy Nguyên”, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản, 2011; “Tìm hiểu về thanh đồng trong hoạt động tâm linh diễn xướng hát văn hầu Thánh dân gian Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, 2015; nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập; gần một nghìn tin, bài báo được in ấn, phát hành ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương.

Không chỉ sáng tác và nghiên cứu văn học, khi còn tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội, ông chịu trách nhiệm biên tập phần văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Hải Dương và tích cực tham gia trao đổi, hướng dẫn chuyên môn cho các em học sinh lớp Bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học trẻ do Hội VHNT tỉnh và Sở Giáo dục phối hợp tổ chức. Bằng những kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và sáng tạo văn học nghệ thuật, ông không chỉ truyền đạt cho các em những kiến thức về văn học, nghệ thuật, mà còn động viên, khuyến khích, tiếp thêm niềm đam mê sáng tác cho các em bằng những buổi trao đổi chất lượng mang tính học thuật và chuyên môn cao, vững vàng.

Đa dạng trong sáng tạo nhưng ông tâm đắc nhất với mảng sáng tác truyện ngắn và thơ. Thơ ông khiến người đọc dễ cảm, dễ đọc. Ông quan niệm thơ phải có cấu tứ, vần điệu…; truyện thì phải có cốt truyện, có con người, sự việc, diễn biến, kết quả… Ông viết nhiều, đa dạng loại hình và tác phẩm của ông cũng được các cây bút lý luận phê bình và bạn viết đề cập. Ở họ có một nhận xét chung ngòi bút Văn Duy dí dỏm, hài hước, hóm hỉnh. Các tình huống bi hài của cuộc sống được ông khai thác trên khía cạnh nhân văn khiến người đọc vừa cười một cách dí dỏm, vừa phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Ông đã đoạt các giải thưởng về VHNT như: tập truyện ngắn “Người khách sau chiến tranh” đoạt giải C; tập truyện ngắn “Đường trần” giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ VI (2006- 2010); tập nghiên cứu văn nghệ dân gian “Tìm hiểu về thanh đồng trong hoạt động tâm linh diễn xướng hát văn hầu Thánh dân gian Việt Nam” giải B; tập nghiên cứu lý luận phê bình “Trời mưa bong bóng” đoạt giải C Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ VII (2011- 2015) và nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, của các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay tác giả Văn Duy là một trong những hội viên cao tuổi của Hội. Ở tuổi 83, ông vẫn miệt mài, say mê cùng con chữ. Hàng năm ông vẫn đều đặn gửi bài dự trại sáng tác. Ông vẫn nhiệt tình tham gia với HĐND, UBND huyện Kinh Môn thực hiện cuốn sách “Kinh Môn xưa và nay” và hoàn thành 3 tập bản thảo: “Về làng” - tập bút ký về văn hóa, “Mở từng trang sách” - (tập hồi ký giáo dục Việt Nam từ 1950 đến 2020), “Thơ trong ngục tù đế quốc của các chí sĩ cách mạng từ 1858- 1975” - tiểu luận phê bình. Chúng tôi những người làm công tác VHNT chúc ông luôn mạnh khỏe, luôn giữ được phong thái và bút lực dồi dào, đóng góp cho văn học nghệ thuật Hải Dương nhiều tác phẩm có giá trị. 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, phê bình: Diện mạo mới từ truyện ngắn của các cây bút nữ xứ Đông đương đại(14/09/2023)
Mối tình đầu và cây cột mốc(14/09/2023)
Cho tôi về...(14/09/2023)
Ngẫu hứng(14/09/2023)
Nhớ lại và suy nghĩ - Tác giả: Vũ Tuyết Mây(14/09/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na