Sở dĩ gọi như vậy là vì tôi muốn nói đến cây trong vườn của mỗi gia đình ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ vài chục năm về trước. Vườn quê xưa có số lượng, chủng loại cây vô cùng phong phú. Tuy nhiên chúng đều hết sức hữu ích, thậm chí từ một cây có thể sử dụng cho nhiều công việc khác nhau. Câu thành ngữ “Cây nhà lá vườn” là hàm ý nói về những sản phẩm có sẵn hoặc được chế biến từ những cây, lá trong vườn của mỗi gia đình. Nhưng không chỉ như vậy, chúng còn có vai trò lớn lao hơn thế. Làm đẹp không gian nhà ở, giúp môi trường cân bằng sinh thái. Mỗi cây trong vườn quê đều gắn bó với tâm tư, tình cảm con người. Góp phần tạo nên hình ảnh một làng quê Việt Nam vô cùng độc đáo và đẹp đẽ.
Tôi nhớ cách đây không lâu, có một bác đồng nghiệp kể lại rằng: Vào cái đêm trước khi chuyển ra thành phố, bác không sao ngủ được bèn dạo bộ ra vườn. Bước chân dẫn bác đến bên một cây to được trồng ngay từ ngày đầu tiên gia đình đến ở. Tâm trạng bồi hồi xúc động, tay xoa xoa từng cái bướu xù xì, bác thì thầm nói lời từ biệt mà thấy lòng nặng trĩu. Nhiều người cho rằng cứ mỗi lần chủ nhân có việc phải xa nhà một thời gian, lúc trở về đều thấy cây cối trong vườn như buồn rầu, héo úa. Thế đấy, người nông dân không chỉ gắn bó với ngôi nhà mà còn có ân tình sâu nặng cùng cây. Trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp đề cập đến một vài loại cây trong vườn, tuy nhiên vẫn cần phải viết nhiều hơn về những cây tương đối phổ biến trong vườn quê ở đồng bằng Bắc Bộ.
Kinh nghiệm trồng cây trong vườn quê truyền thống của ông cha ta được đúc kết theo nguyên tắc “Phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối”. Nhà ở dân gian đồng bằng Bắc Bộ thường quay mặt về hướng gió chủ đạo Đông Nam, vì vậy cây lá thưa luôn được trồng ở phía trước vừa đón gió mát vừa thoáng tầm nhìn; cây lá rậm trồng ở phía sau ngăn nắng phía Tây và che chắn tầm nhìn. Cây cau thường được trồng thành hàng ở trước nhà. Cây lâu năm thẳng đứng, thân mốc thếch như một bậc lão niên. Được cho là lành tính nên cau dùng hứng nước mưa phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bẹ cau ôm tròn quanh ngọn nên lũ chim sẻ rất thích về làm tổ. Những đêm trăng thanh, bóng cau đổ dài trước sân thềm, bọn trẻ lại tụ tập vui đùa, ca hát. Hình ảnh cây cau hiện lên thật đẹp trong bài hát “Hoa cau vườn trầu” của nhạc sỹ Nguyễn Tiến. Quả cau để ăn trầu, chọn bày trên bàn thờ lễ. Cau đã đi vào truyện cổ tích, ca dao và cả thi ca. Còn cây chuối, tuy được đặt ở phía sau nhưng lại là cây vô cùng đặc biệt. Chuối mọc thành khóm, luôn thể hiện sự đùm bọc, tốt tươi, tiếp nối. Cây khi mang buồng dáng nghiêng nghiêng như bà mẹ oằn mình bồng bế đàn con đông đúc. Chuối cho sử dụng từ củ, quả, thân, hoa đến lá, đều có thể chế biến hoặc nấu kèm thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau. Do những đặc tính hiếm có mà cây chuối được dùng rất nhiều việc trong lễ hiếu, được đưa vào truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao và cả thi ca.
Hình ảnh cây tre luôn gắn với hình ảnh của làng quê. Nhà văn Thép Mới đã viết: “Dưới bóng tre xanh, từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang”. Tre chống chịu bão giông, ngăn ngừa đạo tặc bảo vệ cuộc sống bình yên của mỗi xóm làng. Lùm tre xanh mướt xòa như mái tóc che chở những ngôi nhà. Ở dưới bóng tre những trưa hè nghe tiếng võng đu đưa… Tre cứng cáp, dẻo dai và vững chắc nên được dựng nhà, dựng cửa; làm dụng cụ sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Cây tre hiện diện trong những câu truyện cổ tích, ca dao và cả thi ca. Ai đã từng sinh ra, lớn lên ở làng quê chắc hẳn bồi hồi mỗi khi nghe lời bài hát “Làng tôi” của Nhạc sỹ Văn Cao.
Xoan là cây thân gỗ tương đối cao ở trong vườn. Khi trưởng thành thân thẳng đứng, gốc to vững chãi như một đấng nam nhi. Gỗ xoan nhẹ, cứng vừa phải nên rất dễ gia công. Được dùng làm nhà. bàn ghế, giường, tủ và đồ đạc. Mùa xuân đến khi những chùm hoa li ti, phớt tím nở dày cũng là lúc từng đàn chim vành khuyên từ đâu bay đến ríu rít trên cành. Nhà thơ Nguyễn Bính từng thổn thức “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”. Cũng không biết từ bao giờ, người dân quê lấy “Khuôn mặt trái xoan” làm tiêu chí cho nét đẹp của người phụ nữ. Trong truyện cổ tích Tấm Cám, cây xoan đào là nơi để cô Tấm hóa thân.
Cây mít là cây “quý nhân phù trợ” mỗi gia đình. Từ lâu đã tồn tại câu thành ngữ “Nhà ngói cây mít” ý nói lên sự đủ đầy, thịnh vượng và bền vững. Lá mít thưa nên cây có thể trồng ở mọi vị trí trong vườn. Mít chứa linh khí tốt, đem tài lộc đến cho ngôi nhà, gia chủ. Khi quả chín, bên trong vàng ươm những múi, thơm nức và có vị ngọt đậm rất riêng. Gỗ mít vân màu nâu sậm, chắc, quánh có thể làm nhà cửa, nhưng được sử dụng nhiều nhất là đóng tủ, bàn thờ, tạo tác đồ tế lễ. Là lành tính nên cây mít cũng dùng hứng nước mưa. Từ lâu, mít cũng đi vào trong tục ngữ, ca dao.
Thân thuộc trong đời sống hàng ngày đồng thời “gắn duyên” với người phụ nữ là cây bưởi. Ai mà không xao xuyến cùng tâm trạng của đôi trai gái trong bài thơ “Hương thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Quả bưởi chín vàng không phải ngẫu nhiên được chọn đặt giữa mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên ngày Tết. Hoa để ướp hương, nấu chè và để chưng cất nước hoa. Lá có tinh dầu, phụ nữ dùng nấu nước gội đầu hoặc xông giải cảm. Ngoài ra lá, gai bưởi có mặt trong món “ốc luộc” đồng quê “đậm đà bản sắc”.
Ngoài những cây đã nêu trên, vườn nhà còn nhiều loại cây, rau quả khác. Trước tiên là cây đu đủ. Về phong thủy, tượng trưng sự no đủ, mang lại sung túc cho gia chủ. Dáng cây đơn, quả mọc chen dày quanh thân đu đủ gây ấn tượng tốt đối với cảnh quan nhà ở. Một loại cây ăn quả khác là cây thị. Lá dày, xanh đậm mọc đối xứng dọc theo cuống lá tạo nên có dáng vẻ riêng. Thị đã đi vào câu truyện cổ tích “Tấm cám” mà hầu hết mọi người đều nghe từ thời còn nhỏ. Tiếp đến là cây khế, được nhắc đến rất thân thương trong bài “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Mùa hè những chùm hoa khế lấm chấm phớt hồng dưới tán lá xanh, dày mát rượi là nơi lý tưởng cho bọn trẻ leo trèo, hái quả và trò chuyện véo von. Cây khế cũng từng đi vào truyện cổ tích, ca dao, và cả thi ca. Rồi đến cây me, có dáng thanh bởi lá nhỏ, thưa chia làm nhiều phiến mọc đối xứng dọc hai bên cuống lá. Vị chua của me đặc biệt hấp dẫn trẻ em. Me đã có trong tục ngữ, ca dao. Cây mía là món ăn nhiều người ưa thích. Mía chứa nhiều nước, vị ngọt và lành. Thân cây dài khoảng hai đến ba mét, chia làm nhiều đốt. Cây mía còn nguyên từ rễ đến ngọn được dựng cạnh ban thờ ngày tết. Ở vườn quê nhìn lên, thấy chùm quả chín, đỏ mọng trên cây đó chính là quả hồng. Hồng thường chín vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch và ăn kèm với cốm. Cây ổi cũng là cây dân dã trong vườn mà đám trẻ con yêu quý. Ổi chín chuyển màu vàng tươi, hương thơm và ngọt. Gỗ ổi quánh và chắc, các em trai chọn làm con gụ (còn gọi là con cù). Một cây khác có gai, lá tròn nhưng quả lại rất giòn, ngon đó là cây táo. Chùm táo chín trông thật ngon lành làm sao. Chả thế mà nó được nhắc đến trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”. Cây táo còn có mặt trong tác phẩm văn học và thi ca. Vườn nhà có một nhóm cây họ cam, chanh. Là những cây không cao lắm, lá thưa nên thường trồng ở trước nhà. Quả cam, chanh vắt nước dùng giải khát và làm gia vị. Đối với những vườn rộng, có ao thì cây sung và cây vối được tận dụng trồng cạnh ven bờ. Người xưa xếp sung vào bộ “Tam đa” và cả “Tứ linh”. Quả sung mọc thành chùm phủ kín thân cây. Cây sung đã đi vào một số tục ngữ, ca dao. Còn cây vối là cây lành tính. Nước uống nấu bằng lá và nụ vối rất ưa dùng ở làng quê. Quả vối chín cũng là món ăn ưa thích của trẻ em. Trong vườn quê còn trồng nhiều loại rau, quả. Nhóm dây leo gồm có mướp, gấc, bí, bầu, mùng tơi, đậu đũa…, nhóm rau có cà chua, su hào, cải bắp, súp lơ…, nhóm gia vị có gừng, giềng, ớt, tỏi, húng quế, mùi tàu…, nhóm cây cảnh, cây làm thuốc thường trồng trước sân nhà như lựu, đào, hòe, đinh lăng, huyết dụ…, các loại hoa như nhài, hồng, mười giờ, huệ, tầm xuân... Những rau, bèo được trồng, thả ven bờ và dưới ao như khoai nước, rau muống, rau cần, rau rút, bèo tây…
Ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia thường làm hàng rào bằng cây xanh thân nhỏ, lá dày như như găng, râm bụt, cúc tần… và thường được xén cao chừng một mét. Mùa hè trên hàng rào găng mọc ra những chùm hoa tím nhỏ xinh xinh, hàng rào râm bụt xuất hiện những bông hoa đỏ chói, hàng rào cúc tần cõng trên mình những búi tơ hồng bồng bềnh, vàng rực.
Ngày nay đất nước ta phát triển nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, không còn nhiều những khu vườn với nhiều cây lá như xưa, song ký ức về những vườn cây lá đẹp đẽ, thơ mộng và đầy hương sắc ghi sâu trong tâm trí của bao thế hệ. Nhiều người đã và đang có nhu cầu tìm lại hình ảnh cuộc sống nơi thôn dã ngày xưa. Rất mừng là những năm gần đây đội ngũ chuyên gia thiết kế cảnh quan ngày càng chú ý hơn đến việc khai thác, sử dụng cây bản địa vào tác phẩm của mình. Một số địa phương cũng quan tâm bảo tồn, khôi phục không gian nhà ở truyền thống, vừa phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng vừa giữ gìn cảnh quan môi trường cùng bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc của dân tộc.