Thờ cúng tổ tiên là thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ đã gây dựng nên cuộc sống cho con cháu. Thờ cúng vào những dịp lễ tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Trang trí tết cho không gian thờ là một công việc không thể thiếu trong các hoạt động tâm linh vào dịp tết. Mấy chục năm về trước nhà ở hầu hết thường có ba gian thông tuông. Gian chính giữa thờ gia tiên, cũng là nơi tiếp khách nên trang trí tết cho không gian thờ đồng thời cũng là một phần trang trí tết cho phòng khách. Trang trí tết theo truyền thống của mỗi gia đình thường phục vụ cho nhu cầu tâm linh là chính. Ngày thường chính giữa ban thờ vốn có đặt bài vị, bát hương, mâm bồng, đĩa trầu và chén nước; phía trên treo bức cuốn thư, hai bên có hai câu đối in lên bằng giấy. Những gia đình khá giả mới có đồ ngũ sự bằng gỗ quý hoặc đồng. Từ tối ba mươi tết trên ban thờ đã nghi ngút khói hương có thêm mâm ngũ quả, chồng bánh chưng xanh và hai mâm cỗ. Ngoài ra còn có chai rượu, hộp mứt, hộp trà, bánh, kẹo... do các con cháu kính dâng cúng tổ tiên. Lục bình bên này ban thờ cắm cành đào bích, đối diện bên kia là bình hoa tươi (hoặc hoa giấy gắn trang kim). Những năm gần đây, không gian thờ cúng không còn đặt ở tầng một nữa, vì vậy công việc trang trí không gian thờ cúng cũng tách riêng. Nguyên tắc cơ bản vẫn theo phong cách truyền thống nhưng hình thức đã có nhiều thay đổi. Chủng loại mẫu mã các đồ thờ cũng đẹp và phong phú hơn. Đặc biệt là đã đưa vật liệu, công nghệ mới vào trang trí như đèn led, chân dung 3D, hương nến điện, đèn nháy... Tuy nhiên trang trí ban thờ hiện nay vẫn đang tồn tại song song hai phong cách truyền thống và hiện đại. Những phòng thờ trên cao có sân thượng ở phía trước thì trang trí thêm chậu hoa, cây cảnh hoặc bể non bộ mang ý nghĩa phong thủy, tâm linh.
Phòng khách là bộ mặt của gia chủ, là nơi mà chúng ta cảm nhận không khí tết hiện diện một cách rõ ràng nhất. Vì vậy ngày tết phòng khách cũng là nơi được ưu tiên dọn dẹp và trang trí đầu tiên. Phòng khách truyền thống thường được trang trí bằng những tranh dân gian treo tường như tranh tứ quý, tranh Hàng Trống hay tranh Đông Hồ. Từ khi tách ra khỏi phòng thờ cùng với nhận thức thay đổi, phòng khách được trang trí theo phong cách hoàn toàn tự do. Tuy nhiên những năm trước đây, trang trí nội thất chưa được thiết kế bài bản, việc mua sắm và sắp xếp đồ đạc chỉ được thực hiện sau khi nhà đã xây xong. Hiện nay nội thất phòng khách thường được nghiên cứu, thiết kế và thi công hoàn thiện đồng bộ cùng với ngôi nhà. Một số phòng khách được trang trí theo phong cách tối giản, phóng khoáng và hiện đại. Không gian tiếp khách theo xu hướng mở, có thể liên thông với không gian cầu thang, phòng ăn-bếp qua một vách ngăn trang trí. Không gian phòng khách được thiết kế rộng rãi hơn. Bàn, ghế có kích thước cũng lớn hơn trước kia. Các đồ vật, thiết bị trang trí rất phong phú, bao gồm tivi, tủ kệ, bể cá, cây cảnh... Sử dụng tranh sơn tường, tranh vẽ hoặc những hình kỷ hà bố cục nghệ thuật gắn lên tường. Hệ thống chiếu sáng ngày càng được chú ý lắp đặt một cách khoa học và có tính thẩm mỹ. Dịp tết chỉ cần trang trí thêm bằng những chậu hoa, cây cảnh, lẵng hoa quả... Để nhớ lại hương vị tết cổ truyền, một số chủ nhà trang trí hình tràng pháo đỏ, bánh chưng xanh, câu đối, đèn lồng...
Sân vườn trước cửa nhà ở là không gian đưa sinh khí, sức xuân vào nhà. Trang trí tết cho sân vườn trước cửa nhà tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn cho khách đến thăm. Theo phong tục truyền thống, trang trí tết ở sân vườn hết sức đơn giản. Sáng ba mươi tết một cây nêu sẽ được dựng lên ở chính giữa sân với ý nghĩa đuổi tà ma và làm dấu cho linh hồn người thân biết để tìm về. Cây cối trong vườn cũng được quét vôi trắng và đính giấy đỏ trên thân để được cùng đón tết. Ngày nay nhà ở có sân vườn chủ yếu ở khu vực nông thôn, còn ở thành phố không nhiều. Tuy nhiên dù là diện tích nhỏ cũng vẫn có thể trang trí với vô vàn ý tưởng sáng tạo. Có thể trồng một vài cây, dàn dây leo nở hoa vào dịp tết. Đơn giản hơn là mua một vài chậu hoa, cây cảnh sắp xếp, trang trí trước cửa nhà. Ấn tượng hơn nữa thì tạo một tiểu cảnh đón xuân ở góc sân bằng nhiều vật dụng bán sẵn hoặc tự chế như dây lộc, pháo đỏ, đèn lồng, hoa quả mang đặc trưng của tết. Để gợi lại một số hình ảnh truyền thống, có thể trang trí thêm một số vật dụng ở nông thôn như rổ, rá, nơm, lờ, chum, vại... Cần chú ý bố trí đèn màu, đèn nháy để làm tăng hiệu quả nghệ thuật trang trí về ban đêm.
Những năm gần đây rất nhiều gia đình ở thành phố đã trồng hoa, cây cảnh ở ban công, thậm chí trồng cả rau xanh, cây leo ăn quả tạo thành vườn trên mái. Có người ví như một “vườn thượng uyển” thời hiện đại, vì vậy sẽ là thiếu sót nếu không kể đến trang trí tết ở ban công, vườn trên mái. Thực ra từ lâu nhiều gia đình cũng đã đặt chậu hoa, cây cảnh trên ban công, có điều ngày càng trang trí công phu, kỹ lưỡng hơn. Nhìn từ xa đã thấy dàn hoa nở rực rỡ, bồng bềnh trên các tầng cao rất là lãng mạn. Trang trí tết ở ban công cần chú ý không chỉ tạo thẩm mỹ phía trong mà còn đáp ứng vẻ đẹp nhìn từ bên ngoài. Trang trí vườn trên mái cần lưu ý khả năng chịu lực và chống thấm dột của sàn. Chỉ nên trồng những cây có tầm vóc nhỏ, kết cấu khung, dàn chắc chắn để tránh bị đổ, gãy do ảnh hưởng của gió bão. Ngày thường vườn trên mái đã làm cho tâm hồn thư thái. Sáng đầu xuân lên vườn “thượng uyển” nhìn vườn hoa rực rỡ sắc hương, càng có cảm giác như được hòa mình với thiên nhiên.
Mới đón tết ngày nào mà giờ đã là cuối năm, tiết trời se se lạnh. Mặc dù đang đông nhưng người viết đã cảm nhận được cái tết cùng với một mùa xuân mới đã đến rất gần. Tưởng chừng tết Nguyên Đán đã quá quen thuộc với mọi gia đình. Tết cổ truyền đã được khái quát bằng câu ca dao: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng hình như chưa đủ! Thật kỳ lạ! Nếu chỉ có thế thì vì sao cứ đến gần tết là nhà nhà lại háo hức, đua nhau đi sắm tết. Khoảng hai mươi ba tết là mọi người hối hả lau dọn nhà cửa, ban thờ và tiến hành trang trí tết. Tết năm nay cũng vậy, vẫn háo hức chờ đợi những điều tốt đẹp khác với năm cũ sắp qua. Trang trí tết chắc chắn cũng có nhiều cái mới! Đầu tiên phải kể đến là đón con giáp mới, chậu hoa mới, cành đào mới và chắc chắn chủ nhà năm nay thêm tuổi mới. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là năm mới sẽ mang đến mọi điều tốt lành, ngập tràn hạnh phúc, yêu thương cho mọi gia đình. Có lẽ đó mới chính là lý do quan trọng nhất để việc trang trí tết năm nào cũng luôn luôn mới.