Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mãi dành tình yêu cho văn học nghệ thuật
25/03/2024 12:00:00

Tác giả: Kim Xuyến

Đã từ lâu, người dân Hải Dương nói riêng, cử tri cả nước nói chung khá quen thuộc với hình ảnh một nữ đại biểu Quốc hội đại diện cho tỉnh Hải Dương thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình cả nước với những bài phát biểu sâu sắc trên diễn đàn Quốc hội, đó là đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

 

Trước khi biết đến Nguyễn Thị Việt Nga trong vai trò đại biểu Quốc hội, chị đã từng trải qua nhiều vị trí công tác. Sinh ra trong gia đình vốn có mẹ là cô giáo dạy Văn, tuổi thơ của chị đã được mẹ truyền cho ngọn lửa văn chương. Không chỉ là một học trò xuất sắc của lớp chuyên Văn, trường THPT Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, chị còn là một trong những cây bút của lứa tuổi học sinh thời đó và cũng là lứa học trò đầu tiên được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mời tham gia Lớp Bồi dưỡng năng khiếu văn học trẻ. Sẵn năng khiếu bẩm sinh và tài năng trời phú cùng với niềm đam mê văn chương, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã sáng tác và có nhiều thơ, truyện được in ở các báo: Hoa học trò, Mực tím, Tuổi xanh, Áo trắng; tạp chí Sinh viên, Sinh viên Việt Nam… Năm 1998, chị in tập truyện ngắn đầu tiên “Hoa cúc tím”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, chị trở về cống hiến cho quê hương trong vai trò giảng viên Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Ngoài thời gian lên lớp, chị vẫn miệt mài sáng tác. Năm 2002, chị chuyển sang Hội Văn học nghệ thuật tỉnh công tác và từng bước trải qua các chức trách quản lý như Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương. Trong quá trình công tác, trên cương vị quản lý, chị vẫn không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, vẫn ham học, ham đọc và ham viết. Năm 2008, chị tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội; năm 2011, chị bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận văn học tại Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội). Trong mắt đàn em chúng tôi, chị là một người nhanh nhẹn, hoạt bát, giản dị, chân thành và cởi mở. Trong công việc luôn hết mình, trách nhiệm. Dù bận nhiều công việc cơ quan, gia đình, nhưng chị vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, vẫn dành một khoảng riêng cho sáng tác và nghiên cứu văn học nghệ thuật. Chị là một cây bút đa năng, viết nhiều thể loại: thơ, truyện thiếu nhi, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, tản văn, bình luận văn chương. Lối hành văn trong sáng, giản dị và đầy nữ tính. Các tác phẩm của chị thiên về đề tài nhà trường và gia đình, nội dung, tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc, hướng đến vẻ đẹp chân-thiện-mỹ nên chiếm được cảm tình của bạn đọc. Tiểu thuyết “Đường đời” (NXB Trẻ, 2000) của chị đã đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi hai mươi”, do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; được chuyển thể và dựng thành phim “Phượng hồng”, phát trên VTV1, VTV3, VTV4 và một số đài truyền hình địa phương từ năm 2003 đến nay. Cuốn tiểu thuyết này cũng được tái bản nhiều lần.

Năm 2016 Nguyễn Thị Việt Nga chuyển sang Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đảm đương cương vị Giám đốc Sở, rồi Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Ở cương vị nào, chị cũng thể hiện được phẩm chất, bản lĩnh, khả năng tổ chức, của một lãnh đạo tài ba. Dù bận rộn với nhiệm vụ của một Đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng Nguyễn Thị Việt Nga vẫn tranh thủ sáng tác, nghiên cứu văn học, không ngừng trình làng tác phẩm mới. Đến nay chị đã xuất bản được trên 30 đầu sách gồm: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết, thơ, tản văn, tiểu luận phê bình văn chương, trong đó có những tập đã được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, chị cũng có 2 kịch bản phim tài liệu do VTC 10 dàn dựng và phát sóng; kịch bản phim truyền hình “Lối rẽ cuộc đời” (10 tập) do Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương thực hiện.

Qua những chuyến công tác hay đi thực tế sáng tác ở mỗi vùng miền, chị đều ghi lại những cảm xúc của mình trong những bài bút ký, ghi chép. Trong một chuyến công tác tại Ấn Độ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thiên nhiên, đất nước và con người Ấn Độ đã để lại ấn tượng trong chị, đó là chất liệu sống để chị cho ra đời nhiều bút ký, ghi chép, tiêu biểu như: “Ấn tượng Varanasi”, “Lá bồ đề”, “Một lần sông Hằng”… Đây là nguồn tư liệu quý cho bạn đọc muốn tìm hiểu về đất nước này. Với con mắt của một đại biểu của nhân dân và sự nhạy cảm của một nhà văn, đất nước, con người Ấn Độ hiện lên rất thú vị. Qua đó người đọc thấy được sự trăn trở của nhà văn trước nhân sinh, trước thân phận con người và đồng cảm với họ.

Trả lời phỏng vấn trong một bài viết của phóng viên về mối quan hệ giữa văn chương và chính trị, Nguyễn Thị Việt Nga nói: “Là một nhà văn, tôi thấy mình có một thế mạnh nhất định khi làm Đại biểu Quốc hội. Sự nhạy cảm riêng của nhà văn khiến cho việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri được thuận lợi, chính xác hơn rất nhiều. Những trăn trở của nhà văn trước nhân sinh, trước thân phận con người, trước vận mệnh Tổ quốc đã giúp tôi thêm đồng cảm với nhân dân, với cử tri và suy ngẫm sâu hơn về những vấn đề trọng đại của đất nước trên diễn đàn Quốc hội. Là nhà văn, nên những bài phát biểu của tôi trên nghị trường thường được chuẩn bị khá nhanh và suôn sẻ. Khi tham gia ý kiến vào các dự án Luật, tư duy của một nhà văn cũng giúp tôi rất nhiều trong việc xem xét các lập luận, quy định của dự án Luật. Và ngược lại, trong quá trình hoạt động Quốc hội, tôi tích lũy thêm dược rất nhiều kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, làm phong phú hơn những trải nghiệm và thế giới văn chương của mình. Khi cất lên tiếng nói ở diễn đàn Quốc hội, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11, tôi đã phát biểu, tha thiết đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ, tích cực và quyết liệt để củng cố, phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng, thành động lực để phát triển kinh tế, phát triển đất nước nói chung”.

Với Nguyễn Thị Việt Nga, văn chương và chính trị có mối quan hệ rất mật thiết. Giá trị của văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống, khắc họa lịch sử, nâng cao nhận thức cho con người. Vì thế tiếng nói của văn chương góp phần giúp những người làm chính trị thấu hiểu hơn về góc khuất của đời sống, về tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có những quyết sách, những đề xuất chính sách phù hợp. Văn chương có khả năng cổ vũ, khích lệ tinh thần người đọc, nên trong lịch sử, văn chương đã góp phần động viên tinh thần chiến đấu trong chiến tranh. Văn chương tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách mềm mại, uyển chuyển qua các hình tượng nghệ thuật, dễ đi vào lòng người. Và ngược lại, các chính sách của chính quyền có tác dụng kích thích văn chương phát triển theo chiều hướng có lợi cho chế độ, thể hện qua sự ưu đãi, tôn vinh các tác giả, các cuộc thi, các giải thưởng dành cho người sáng tác…”.

Say mê và tâm huyết với văn học nghệ thuật, chị đã được tặng thưởng “Tác giả Trẻ” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2003 với tập truyện vừa “Bạn bè ơi”; giải Nhì cuộc vận động sáng tác "văn học tuổi 20" lần thứ I - năm 2000 ; giải Tư cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần thứ III - năm 2005; tặng thưởng cuộc thi sáng tác tiểu thuyết 2003 - 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Ngã ba”; giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác về đề tài nông nghiệp- nông dân-nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2009, với tác phẩm “Bà nội”; 4 giải thưởng VHNT Côn Sơn và nhiều giải thưởng về VHNT do các bộ, ngành trung ương và địa phương trao tặng.

Hiện nay chị đang thể hiện rất tốt vai trò của mình trên diễn đàn Quốc hội, nhưng chị không quên mình vẫn là một hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Chị vẫn thường xuyên gửi tác phẩm cho Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà và tham gia tích cực, có những quyết sách đối với hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương nói chung và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nói riêng. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của chị đối với quê hương. Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, chúc chị Nguyễn Thị Việt Nga luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chùa làng(11/03/2024)
Hoa rừng(11/03/2024)
Truyện ngắn "Núi con rồng" của tác giả Trần Quốc Cưỡng(11/03/2024)
Tản văn "Đông về bên bếp lửa hồng" của tác giả Muồng Hoàng Yến(11/03/2024)
Giải pháp và đích đến của Thơ(07/03/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na