Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Giải pháp và đích đến của Thơ
07/03/2024 08:08:11

Tác giả: Phạm Ánh Sao

(Chào mừng Đại hội X - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2023-2028)
 

Ở đây cho phép tôi không nói tới thơ hay và thơ không hay, mà chủ yếu là trao đổi một số kinh nghiệm trong việc xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) để đưa thơ ca đến với đời sống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của tỉnh nhà và khẳng định vai trò của thơ ca.

Nhà thơ sáng tác ra tác phẩm là đắm mình vào hơi thở của cuộc sống, nhìn nhận thấu đáo, xuyên suốt xã hội đương đại. Qua đó, kết tinh lựa chọn và ghi lại thông qua tác phẩm, chia sẻ gửi gắm vào trong trang viết về lý tưởng, nhân sinh quan, với niềm vui và nỗi buồn về những mảnh đời còn chưa thôi sấp ngửa. Sự cắn rứt lương tri trong cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai phần sáng tối, thiện và ác. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, qua tài năng sáng tạo, trải nghiệm thực tế, quan sát tinh tế, nhạy cảm với sự ấn tượng sâu sắc cùng suy nghĩ thấu đáo, mang tính hình tượng cao là đặc trưng của thơ.

Ngày nay với sự phát triển của kinh tế thị trường, xu thế hội nhập quốc tế, ngày càng sâu rộng, sự phát triển khoa học công nghệ truyền thông đa phương tiện, đời sống văn học nghệ thuật có điều kiện phát triển vượt bậc. Các nhà thơ đã tìm tòi, chiêm nghiệm, tâm huyết nung nấu nhiều đề tài theo xu hướng cách tân, trên bình diện của mỹ học truyền thống là chủ đạo. Phát huy chủ nghĩa yêu nước, tự hào dân tộc, phản ánh chân thực lao động sáng tạo của nhân dân.

Sáng tác VHNT điều đầu tiên là phải có năng khiếu. Macsim GoocKi cho rằng: “Nếu không có năng khiếu văn học tốt nhất là nên bỏ viết văn”. Còn nhà phát minh Thomas Edison Mỹ đã chỉ ra chân lý: “Thiên tài là một phần của cảm ứng còn chín mươi phần trăm là mồ hôi”.

Vì vậy ngoài năng khiếu ra các nhà văn, nhà thơ phải lao động cật lực khi muốn có tác phẩm thành công. Để thơ đến được với đông đảo tầng lớp, cần phải có những giải pháp hữu hiệu tạo đích đến cho thơ.

Trước hết cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, rồi đến sự năng nổ nhiệt tình hoạt động của lãnh đạo và các hội viên trong ban. Một giải pháp không thể thiếu được là công tác xã hội hóa tạo điều kiện hoạt động bề nổi của VHNT nói chung và thơ nói riêng.

Những năm qua, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã làm tốt công tác xã hội hóa cho các hoạt động của mình. Do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, nên các cuộc tổ chức giới thiệu về thơ ca còn hạn chế. Ban Thơ đã chủ động phối hợp với Văn phòng Hội xin ý kiến của Thường trực Hội đi liên hệ cơ sở, tạo nguồn kinh phí và phối hợp tổ chức hoạt động mở rộng tới các huyện thị và các trường học. Cụ thể ở các kỳ tổ chức Ngày thơ Việt Nam, Ban Thơ cùng lãnh đạo Hội liên hệ với huyện Bình Giang tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại làng Tiến sĩ Mộ Trạch. Hoạt động đã gây được tiếng vang, thơ đã được chuyển tải và giới thiệu tới toàn xã, các em học sinh và khách thập phương, tạo nên sự phong phú của ngày hội thơ ca.

UBND huyện Cẩm Giàng, Phòng Văn hóa đã phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại Văn miếu Mao Điền thu hút đông đảo quần chúng gần xa đến tham dự, giao lưu thơ. Tại nơi biểu tượng của đạo học, những vần thơ về đất và người Cẩm Giàng, về quê hương đất nước đã được cất lên xúc động, ý nghĩa. Đặc biệt trong Ngày thơ Việt Nam xuân 2023, Hội VHNT đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam ở Bảo tàng tỉnh với chủ đề: “Hải Dương- Nhịp điệu mới”. Sự kiện đã chuyển tải thơ đến đông đảo quần chúng và người yêu thơ gần xa về dự.

Vấn đề đi thực tế cũng được áp dụng xã hội hóa một cách tự nguyện, nhiệt tình từ các tổ chức xã hội và các hội viên, tạo nên những chuyến đi bổ ích, và đã thu được nhiều kết quả tốt. Tiêu biểu như các chuyến đi thực tế tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Gốm Bát Tràng; Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng; Thanh Hà- Hải Dương...

Những chuyến đi thực tế và giao lưu thơ đã để lại tình cảm tốt đẹp và tạo cảm xúc cho các nhà thơ. Đồng thời cũng đã chuyển tải thơ tới các vùng miền. Qua đó nhiều tác phẩm ra đời viết về những nơi đã đi và đã đến. Vẫn biết rằng không hẳn cứ đi thực tế là có tác phẩm, nhưng vốn sống thực tế đã tạo cho các nhà thơ cảm xúc thai nghén cho tác phẩm của mình. Nếu không có công tác xã hội hóa chắc chắn các hoạt động sẽ hạn chế và tính quảng bá rộng rãi không cao. Điều đó khẳng định, việc xã hội hóa để đưa thơ tới đời sống đã được Ban Thơ và Hội VHNT tỉnh làm tốt. Bằng những giải pháp nêu trên, thơ đã được giới thiệu rộng rãi với mọi tầng lớp và người yêu thơ.

Hiện tại ở tỉnh nhà có hàng trăm câu lạc bộ thơ ca đang hoạt động sôi nổi, với hàng ngàn hội viên thường xuyên tổ chức giao lưu và hội thảo thơ. Từ xưa đến nay, thơ ca là phương tiện để dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con, là phương tiện phổ dụng giải tỏa tâm sự, ký thác tâm trạng thăng hoa. Các nhà thơ có thể không sống được bằng thơ, nhưng cũng có những người không làm thơ lại sẵn sàng chết vì thơ. Thơ là thế, “Nó là quy luật bay ra ngoài quy luật”.

Thật tự hào cho nền thơ ca Việt Nam bay cao, bay xa, được thế giới biết tới qua các cuộc hội thảo thơ với sự tham gia của hàng trăm quốc gia. Đặc biệt có những nguyên thủ quốc gia khi tới thăm Việt Nam đã trải lòng mình bằng những vần thơ mang đậm hồn Việt. Ngay cả các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các bài phát biểu đôi khi cũng gửi gắm cảm xúc qua những vần thơ. Như vậy chứng tỏ rằng thơ đã được phổ cập rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội và bạn bè quốc tế.

Xuân Giáp Thìn đã cận kề ngang ngõ. Những vần thơ xuân đang dào dạt cùng cảm xúc của các nhà thơ sẽ được chuyển tải tới mọi người yêu thơ qua Ngày thơ Việt Nam 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Hải Dương đang vào nhịp sống mới, trưởng thành vươn lên trên mọi lĩnh vực, hứa hẹn khát vọng bay xa. Nỗ lực đưa thơ ca đến đời sống của Hội VHNT tỉnh Hải Dương cùng với các vần thơ ca ngợi mùa xuân, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc sống mới là những nốt nhạc đóng góp vào “Bản hòa âm đất nước” để đất và người Hải Dương vào Xuân.

Cành xuân hoa thắm lá xanh

Chắt chiu đong những ngọt lành trao nhau. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tản văn "Những tiếng chim thiêng" của tác giả Hồ Huy(07/03/2024)
Viết trước thềm xuân(16/02/2024)
Hương xuân(16/02/2024)
Ấm áp xuân sang(16/02/2024)
Xuân đảo xa nhớ mẹ (16/02/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na