Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản văn "Những tiếng chim thiêng" của tác giả Hồ Huy
07/03/2024 12:00:00

Ngày đã hiền lên những ngọn chiều ngẩn ngơ xám bạc. Ô Quy Hồ lồ lộ những dải tay áo trườn vào sương, đêm nay khuya ai? Sương bay hay loài tuyết bay, chỉ thấy trập trùng vòng cua hun hút, chỉ thấy sượng sùng bầy sa mu sấp xoải vươn dài đón tiếng chim rơi về đâu côi cút. Tội tình! Những tiếng chim rơi mà người đời vẫn tưởng vô hình, nhưng có đôi lúc nó đã hóa hình xứ sở. Ngờ ngợ một Ô Quy Hồ, lồ lộ một Ô Quy Hồ. Nào bóng chim nghiêng ơ giọt linh thiêng.

Này bóng chim thiêng rơi giọt linh thiêng, cho tôi ướm hỏi những muộn phiền đã đen vào đất, cho tôi vặn vẹo những cung đèo nắng mưa lạnh lùng nhìn nhau như mật thất. Tình như ai yêu em, như tôi ấp ủ mà nhen, lửa lòng Tây Bắc.

Những cung đường Tây Bắc khiến người ta bật cười như mùa lúa nàng chín vàng trong mắt. Những cung đường Tây Bắc khiến người ta chực khóc khi gió mùa chàng từ nơi xa lắc, luồn xuống âm vương địa phủ mà thốc ngược lên dãy Hoàng Liên Sơn. Yêu nhau ngày nắng, hờn nhau ngày mưa, chạnh lòng nhau ngày gió, tình ai bỏ ngỏ, tình tôi bỏ ngỏ, tình em còn đó, cho đến một ngày sớm nay đường ai hoa mơ, hoa mai, hoa mận, nhấp nhổm đào phai.

Tây Bắc như con trăn hoa khổng lồ gồng mình lên uốn vặn những con đèo heo hút, nuốt lặng đám thời gian đang phong tỏa sắc màu bằng những hơi tuyết sắc lẹm như những đọt cây lá kim lao xuống bìa đêm vun vút. Dốc lao vùn vụt, đèo lên thậm thụt, tình chưa buông ai quên ai, lời chim chưa nguôi ngoai mà day dứt mệt nhoài. Ô Quy Hồ! Ô Quy Hồ… Hồ Ô Quy ơ….

So vai một đêm với Mã Pí Lèng, ngấp nghển trưa vắng cùng Khau Phạ, duỗi chân thở dài ban mai như ai vươn vai Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ là một trong 4 cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở dải tình ca trổ hoa Tây Bắc.

Một ngày khi chạm tình yêu Tổ quốc của mình vào bình minh, những đốm hoa của núi đang manh nha dẫn dắt mùa xuân về gặp mặt. Tôi nghe người đàn bà Mông ngoại ngũ tuần Lò Thị Khe thôn Cát Cát xã San Sả Hồ kể về tiếng chim nức nở đau thương.

Từ chập tối Cát Cát thôn đã im vắng đi nhiều, dẫu là bản làng du lịch thật đấy nhưng tôi có cảm giác thời gian vào tối, khi những âm thanh sắc màu ngả dần vào đêm thì con người phải trả lại quyền ngự trị cho núi rừng.

Giọng người đàn bà Mông có lúc cũng uốn lượn quanh co, như gió mang hơi lạnh phả vào nét mặt, có lúc lại lạch tạch như tiếng củi lửa than hồng xô vào nhau Pú Đao, Tả Phìn, Phăng Xô Lin con mắt lim dim: Nơi mà các em đến chiều nay, ở bên kia kìa là “thác Tình Yêu”. Nó bắt nguồn truyền thuyết về tình yêu giữa chàng tiều phu Ô Quy Hồ - người con trai cả của thần núi Ai Lao và nàng tiên thứ bảy.

Ô Quy Hồ người con trai của thần núi. Chàng say mê cảnh sắc thiên nhiên, lấy tài sáo trúc của mình làm vui đến độ không chịu nối nghiệp cha nên bị cha hóa phép, phải làm người thường trần thế. Còn nàng tiên thứ Bảy vì đem lòng yêu tiếng sáo chàng Hồ mà say đường về, mà mụ đường về, mà thôi đường về.

Tình yêu giữa hai người như nhựa ủ đời nhựa, như nước đựng đời nước, như rừng mọc đời rừng, như hàng sa mu này, như dòng thác ngơ ngác này, như cột nhà đời đời của người Mông ta, như cái hoa đào sớm mai đã mở cổng ra. Nhưng vua cha của nàng tiên thứ Bảy đã không chấp thuận. Nàng bị giữ trong cung cấm, còn Ô Quy Hồ bị ứng phép mà biến thành con rùa đen đến giờ vẫn câm nín trên đỉnh đèo gần thác Tình Yêu.

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao nàng tiên thứ Bảy lại biến mình thành con chim phượng sau những ủ dột nhớ thương mà tận thế. Chim phượng bay đi, nó lượn lờ khắp núi đồi, khắp thung sâu, khắp đèo cao vực thẳm. Nó bay lên đỉnh đèo nơi có Ô Quy Hồ đã hóa thành con rùa đen câm nín ngàn năm để buông ra những thanh âm nhớ thương day dứt.

Tiếng người lẫn vào tiếng chim, lời yêu chưa đến được, người yêu chưa tìm được, chỉ có những tiếng Ô Quy Hồ khắc khoải, chỉ có một con rùa đen đang ở đâu đó trên đỉnh đèo Ô Quy còn không thôi day dứt hồ nghi về thế giới này. Có một sự thực là cái thiện và cái đẹp cũng có thể bị thánh thần ngoảnh mặt quay lưng. Một thứ đồ để trưng diện thì luôn luôn dễ vỡ. Một bàn tay nắm chặt bàn tay không thể cứu chuộc một tình yêu vụn vỡ. Lời nguyền, luôn là những lời nguyền thử thách thế giới này, thử thách tình yêu này, làm tình làm tội những con tim này.

Con trai của thần núi đáng thương, gã tiều phu nghèo đốn củi đáng thương, tiếng sáo đáng thương hay vị thần núi đáng kính đáng thương? Không ai đáng thương hết, mà chỉ có những trái tim đang trọng thương.

Con rùa đen như một kẻ tự kỷ, trên quãng đường nó bò lên đỉnh Hoàng Liên Sơn đã xả những hoài nghi và buồn đau nơi trái tim mình thành những cung đường hiểm trở, những cung đường như những đợt sóng lòng quặn vào gan ruột. Mỗi lần quặn thắt thì những khúc cua tay áo lại mở ra rồi bất chợt thu hẹp, khiến người ta phải từ từ chậm chạp mà đạp chân vào đất.

Ấy là những lúc rùa đen rụt cổ, nó cố ghim mình không bị trơn trượt vào nỗi đau buồn lặng câm của mình, niềm vui thì có thể biến hình, nhưng nỗi đau buồn thì không thể biến hình, luôn luôn lặng thinh, luôn luôn ở phía sau của những bình minh… Tội tình…

Đêm ở thác, đêm ở rừng, đêm đổ đèo, đêm ngoặt đêm ngoèo, đêm no bóng tối, đêm đói bình minh, đêm dật dờ u u minh minh, đêm đâu phải là đêm sám hối mà tiếng chim kia rơi xuống vực sâu. Đêm không lâu, đêm mở mắt, đêm thấy những tầm nhìn xa mờ xám ngắt, lại là bầu trời đang mở ra từ tiếng chim thiêng bay lên từ vực sâu. Ô Quy Hồ…

Con rùa đen vẫn ở một nơi nào đó trên đỉnh dốc, trên đỉnh đèo, trên đỉnh của những thanh âm chỉ là câm nín. Một sự câm nín tức tưởi, nhưng nó vẫn đẹp như chưa từng câm nín.

Bất giác tôi nhớ đến ca từ trong “Bông hồng thủy tinh” của cố nghệ sỹ Trần Lập:

Tình yêu xưa như vết cứa xót xa

Tim anh âm thầm đau đớn

Bụi mờ quá khứ đã giăng che mờ trên cây đàn đã nín câm

Và tình yêu đó xin gọi tên Bông Hồng Thủy Tinh

Để sỏi đá quen bước chân anh từng đêm trên phố khuya

Con rùa đen kia, người đốn củi biết thổi sáo nghèo hèn kia, chàng trai vị thế, con của một thần núi hung mạnh kia sao mà giống hình ảnh một cây đàn đang nín câm đến vậy? Vẻ đẹp chua xót nhất là vẻ đẹp không thể nói nên lời.

Buổi sáng hôm ấy, những ánh nắng mỏng như dây tơ đang dệt từ khung cửi phía nhà ai cô gái vụng về bung ra sương mai. Tôi chầm chậm đổ dốc như chàng rùa đen rụt cổ, tôi ghim bàn chân mình xuống đất để rồi cũng vắt tay áo lên mà cua.

Nhắm mắt vào lại thấy mây đang chảy vào khứu giác, mở mắt ra lại thấy dòng thác bàng bạc. Gần 50km đường đèo từ khi lấm tấm hoa mận Tam Đường Lai Châu cho đến khi sắc hồng anh đào từ phía SaPa ấm vào bụi tuyết, có cảm giác tôi thấy con chim phượng vẫn không thôi một giờ một khắc bay lượn trên bầu trời mà tìm kiếm tình yêu, mà cứu hộ tình yêu. Phải chăng tình yêu luôn luôn là sự cứu chuộc. Bởi vậy Ô Quy Hồ là thứ âm thanh đã thấm vào núi này, đã ngấm vào đất này, đã tan chảy theo dòng thác này và hơn tất thảy đã luôn luôn chầu chực bung hoa ở xứ này.

Trên đường đi, dưới đường cua, sau đường đổ dốc, mỗi lần thay đổi độ cao, mỗi lần phải ghi nhớ cữ bẻ lái cho phù hợp với từng khúc áo tôi đều thấy có thanh âm từ tiếng chim thiêng dẫn đường. Một tiếng chim thiêng dành cho tình yêu lứa đôi chưa đủ để nó nồng nàn và day dứt khắc khoải đến vậy. Đó còn là tiếng chim thiêng của tự do, của tình yêu xứ sở, tiếng chim đã trở thành âm thanh gan ruột đời đời với con đèo trác tuyệt. Ô Quy Hồ… ơ Ô Quý Hồ...
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Viết trước thềm xuân(16/02/2024)
Hương xuân(16/02/2024)
Ấm áp xuân sang(16/02/2024)
Xuân đảo xa nhớ mẹ (16/02/2024)
Sắc xuân quê nhà (Thân yêu gửi những người xây cầu Quang Thanh)(16/02/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na