Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản văn "Đông về bên bếp lửa hồng" của tác giả Muồng Hoàng Yến
11/03/2024 12:00:00

Đông về, trên những vạt đồi cỏ cây xác xơ, u buồn. Những đợt sương tụ trên núi như trùm chăn ngủ, rồi đến trưa tan ra lại rủ nhau ùa xuống phủ kín cả những cánh rừng rit rít gió. Cái lạnh càng tái tê hơn khi sương muối nghé thăm. Cỏ cây héo úa, những tàu lá chuối rừng cũng ngả vàng rồi héo hắt. Những lúc đó lại thèm xiết bao cảm giác ngồi quây quần bếp củi cùng gia đình.

Tôi cũng chẳng nhớ mình biết nhóm bếp củi khi nào. Từ lúc còn chưa bắc nổi nồi cơm lên bếp tôi đã tự mình chẻ đóm nhóm lửa. Bếp lửa là nơi gắn bó với gia đình tôi nhiều nhất. Mọi sinh hoạt cũng từ bếp lửa mà thành. Nồi cơm, canh, nồi ngô nồi sắn, nước uống, nước tắm, nồi cám lợn... cũng nhờ bếp củi mà nên. Cuộc sống bao đời ông bà, pá mé gắn bó với hơi khói, cái cay cay chảy nước mắt đã đem theo bao câu chuyện kể.

Bên bếp củi cả nhà vừa ăn cơm, vừa râm ran bao câu chuyện ngày thường. Chuyện mua con trâu, bán con bò hay chuyện thóc được mùa, ngô hạn hán... Cả những chuyện trọng đại ma chay cưới hỏi… Mọi chuyện buồn vui đều được kể bên hơi ấm bếp lửa.

Cả những lần bị pá mé mắng thì bếp củi cũng là nơi để chị em tôi gửi niềm tâm sự. Những giọt nước mắt rơi xuống mau khô, khuôn mặt cũng trở nên tươi hơn khi được bếp củi hắt lên hơi ấm an ủi. Bếp củi như chẳng bao giờ hết yêu thương, chở che cho những tủi hờn tuổi thơ.

Ánh lửa bập bùng với tiếng lách tách của củi như âm thanh kể chuyện đời mình. Lửa cũng có nỗi lòng riêng. Mé bảo lúc nào lửa reo thì nhà sẽ có khách. Lúc nào lửa âm ỉ là nỗi lòng của ai đó chưa được tỏ bày. Khi lửa nhanh tắt cũng là lúc bữa cơm không ngon...

Còn chị em tôi lại thích nhất cảm giác được vùi củ khoai trong lòng than hồng rực. Chỉ một lúc sau củ khoai nóng hổi đã bở tơi thơm nưng nức trên đôi tay vừa ăn vừa xuýt xoa thổi. Hay những bắp ngô nếp thơm dẻo nướng xoay vòng trên đống than đỏ lựu... Cái gì ăn được chị em tôi cũng đem nướng, nhờ bếp củi mà thành món, nên hương.

Có lẽ bếp chẳng bao giờ tắt khi những ngày Tết cận kề. Pá dậy sớm đun nồi nước sôi ùng ục để thịt lợn Tết. Mé cũng lịch kịch nấu đỗ xanh chuẩn bị nhân bánh chưng. Chị cũng hì hụi đun nồi nước lá bưởi để rửa đồ bày biện ban thờ… Và cả đêm nồi bánh chưng lại toả hương trên bếp than đỏ rực chờ sáng, trên những khuôn mặt hớn hở thèm thuồng của mấy đứa em nhỏ.

Cứ thế bên nếp nhà sàn bếp lửa cứ lặng lẽ ăn ở cùng người tạo dựng cuộc sống. Dù đi đâu, về đâu, dù cuộc sống có đủ đầy bao nhiêu thì bếp lửa vẫn cứ chờn vờn trong tâm thức bao người như thế. Và mỗi độ đông về, chẳng khi nào quên được bếp lửa ấm áp yêu thương như tình quê vời vợi mong nhớ. Và đâu đó, những kẻ tha hương vẫn thầm hỏi lòng mỗi khi đông về như lời nhà thơ Bằng Việt chia sẻ trong bài thơ “Bếp lửa” của mình: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Giải pháp và đích đến của Thơ(07/03/2024)
Tản văn "Những tiếng chim thiêng" của tác giả Hồ Huy(07/03/2024)
Viết trước thềm xuân(16/02/2024)
Hương xuân(16/02/2024)
Ấm áp xuân sang(16/02/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na