Ông Lưu lại sẵn ở trong vườn hoa một người con gái đã lớn và đã đẹp. Ông chỉ có mỗi một cô con gáiấy thôi, nên ông yêu quý lắm. Đó cũng là một cây hoa đắt giá, chứ sao! Những bạn già của ông Lưu đến chơi để xem hoa nở ngoài cửa sổ. Những gã trẻ tuổi - hạng này thì không quen biết là thường - chỉ dạo qua để xem hoa nở ở trong cửa sổ. Đời hoa bên trong và đời hoa bên ngoài, vì thế, có hai giá trị khác nhau hẳn về vật chất lẫn tinh thần, để mà biệt đãi con mắt hai hạng người thường làm cho vườn nhà ông Lưu nổi tiếng. Hoa nở trên cây không chứa được nhiều vẻ say đắm bằng hoa nở trong buồng khuê. Cổ nhân vịnh về hoa, đã có câu rằng: “Nếu mà hoa biết nói, thì có thể làm chết được người”.
Ta đã biết về hoa như trên rồi, thì cái cô Lê con gái ông Lưu, bất tất ta phải hiểu rõ về hương sắc ra sao nữa. Chỉ có một điều cần hơn hết, là cô Lê biết nói, và nói khéo hơn nhiều kẻ khác. Duy cô làm chết được ai. Cô chỉ mới khiến cho một người đàn ông say đắm hơn cả vườn hoa nhà ông Lưu, và sự say đắm ấy có hiệu lực làm mềm tấm lòng phong kín của đời thiếu nữ. Lê đã nghiêng theo cái tên âu yếm nhất là Hoàng. Cô mong chờ ngày tốt đẹp ghép đôi tên mình và tên ý trung nhân lại.
Trong khi ấy, ông Lưu đương phiền trong lòng vì vừa nghe một người đến chê vườn nhà ông thiếu mất thứ hải đường vàng. Hoa ấy vốn khó kiếm. Lại có một người khác mách rằng xưa kia trong vùng Hương Tích vẫn có giống hải đường vàng mọc trên đường núi, nhưng vì du khách tự do bẻ mãi đi thành lại hết, giờ chỉ ở vào quá trong rừng sâu mới còn, tìm được tốn công lắm.
Lê nghe lỏm được câu chuyện đó. Cô nghĩ có thể lợi dụng cơ hội để cho Hoàng lấy được lòng người mà gã muốn kính thờ vào bậc tứ thân. Trong một cuộc gặp gỡ không thiếu đằm thắm, sau những cái dắt tay khăng khít trên con đường cỏ thơm, chiều nhẹ, gió hòa, Lê dịu dàng hỏi bạn:
- Sao không bao giờ em thấy anh biếu em một bó hoa?
Lời giai nhân khiến nở một nụ cười nhạt trên môi Hoàng.
Gã nhìn Lê và đáp:
- Không! Điều đó thì không bao giờ có cả.
Bàn tay lạnh lùng, giọng Lê buồn bã:
- Sao thế, hở anh?
Nét cương quyết hiện trên mặt ngăm ngăm, Hoàng lắc đầu nói:
- Không! Không làm sao cả. Em thích một bông hoa, vì có lẽ em là đàn bà. Nhưng anh trái lại anh không thấy tình chúng ta phải nhờ đến một bông hoa mới lâu bền được.
Gượng cười, Lê cãi:
- Em có bắt anh phải mang đến một bông hoa mới được nhận hết tấm lòng em đâu! Này đây cả một đời em đang theo cánh tay anh đó, nào đã phải dùng đến một cánh hoa nhỏ bé nhất đâu. Anh đừng có nói gàn, nói bướng. Nhưng mà em thích một thứ hoa thì đã làm sao cho cái tình của chúng ta chưa? Giời ơi! Tôi chỉ muốn một bông hoa, cũng không được chiều, thì cái người hứa sẽ chiều tôi cả một cuộc đời dễ chừng không muốn chiều tôi một điều gì cả.
Đây là lúc mà bất cứ một người đàn ông nào cũng muốn cáu, tuy rằng vẫn có những người tốt nhịn mà không dám cáu với đàn bà. Hoàng là thứ máu nóng. Gã đứng dừng lại mà bảo:
- Em điên hay sao thế? Đời thiếu một bông hoa, cũng không hề chi đến sự sống của chúng mình cả bây giờ lẫn về sau. Phải hiểu như thế, và phải coi hoa chỉ như là một thứ trang sức, mỏng manh, có cũng được mà không cũng chẳng làm sao khiến ta phải đến nỗi rỏ một giọt lệ, một giọt máu.
Lê giọng tủi:
- Anh không hiểu được lòng em. Anh hãy cứ im cho em nói rõ, kẻo mà ngày mai sẽ thành ra ngày chúng ta phải buồn rầu vì xa cách nhau.
- À, em dọa anh đấy ư? Này em đi khe khẽ chứ kẻo mà mòn hết guốc. Mỗi cơn giận vô lý là một lần tiêu cuộc đời mòn nhiều lắm đấy, đắt nhiều lắm đấy.
- Vẫn không đắt bằng khi người ta không lấy được nhau! Anh có muốn lấy tôi không, mà anh cứ không chịu nghe tôi một lời?
- Sao lại không? Nhưng vẫn không thể chiều cô bằng một cánh hoa!
- Nhưng không có hoa ấy, thì anh đừng hòng đứng lễ trước bàn thờ nhà tôi! Tôi bàn cho anh những điều dễ dãi, anh không nghe, để rồi lại trách cuộc đời khó khăn, mà than, mà oán. Thày tôi hiện giờ không thích gì cả, chỉ thích có một cây hoa hải đường vàng. Anh làm thế nào cho có một cây hoa hải đường vàng, tức là có trăm nghìn sính lễ của người khác đấy. Anh đem biếu thày tôi một cây hải đường vàng, thì anh cứ ở lỳ ngay nhà tôi từ lúc ấy mà đi, hết tháng này sang năm khác, cũng không hề bị mời nhẹ một câu ra khỏi cửa. Còn như không có hải đường vàng, thì anh chẳng có cách gì làm xiêu lòng thày tôi được cả. Thày tôi sẽ chẳng bao giờ thèm gả tôi cho anh. Thế là cho tới khi mặt trời mọc ở phương tây, tôi cũng không thể là vợ anh được. Cơ sự như vậy, mà anh đành tâm được hay sao?
Hoàng vừa nhìn lên trời, vừa kiêu hãnh khoanh tay lại mà nói như đóng đanh vào cột:
- Tôi chẳng làm gì có sẵn một cây hải đường vàng! Tôi cũng chẳng biết hải đường vàng là cái quái gì cả! Tôi cũng chẳng cần phải có một cây hải đường vàng mới lấy được vợ. Ở đời, hoa không phải là một thứ cần thiết cho sự sống của mình, tôi không ưa hoa! Tôi chẳng phải là kẻ không có hoa thì... chết!
Lê bỗng tái sắc nói:
- A, anh nguyền rủa thày tôi, hử? Thày tôi chính là người yêu hoa, tôi cũng yêu hoa. Tôi chỉ lấy một người chồng yêu hoa. Anh không yêu hoa thì anh sẽ chết, vì anh là kẻ tục, đời anh khô khan, lòng anh tăm tối...
Trong buổi chiều, tiếng cười khanh khách của người đàn ông bỗng vang dội và như làm rung động khắp các ngọn cỏ cây. Cũng may trên đường đi không có hoa. Nếu có hoa, chắc màu hoa cũng phải tê tái.
Sau đó, lẽ tất nhiên không có đám cưới Lê với Hoàng. Người đàn ông không chịu biếu ai một cây hoa, vì không thích hoa, đã bị người gái đẹp ghét đồng thời với sự không ưa của người cha. Gã không cần van nài nhiều, khi biết bao nhiêu van nài đều bị đánh sụt giá bởi một cây hoa vô nghĩa lý.
Câu chuyện tới đây là hết, nhưng hai năm qua đi, Lê bỗng nhận được một bức thư dài. Chính bức thư này mới chấm dấu hết thật. Thư bắt đầu là một đoạn bút ký hình như cắt ra ở một quyển vở riêng, viết bằng một thứ tự dạng không quen thuộc. Nhưng Lê hồi hộp ngay từ lúc đọc dòng chữ đề trên đầu trang thứ nhất. Bút ký chép rằng:
... “Từ đây trở xuống, tôi muốn gửi cho con gái lớn của tôi tên là Lê.
Hỡi Lê, đứa con xa mẹ từ ngày còn nhỏ, con có biết rằng ở đời còn một người đàn bà bú mớm cho con đương ngồi nhớ đến con chăng?
Sáng hôm nay trời thu đẹp lắm, nhưng mẹ không có chồng. Những hoa ở buồng mẹ đều tươi cả, mà đều vô nghĩa lý ở bên cạnh sự đau buồn của mẹ. Vậy mà chính hoa đã gây ra trong đời mẹ sự đau buồn kéo dài trọn một đời người. Đã từ lâu, mẹ chán tất cả những loài hoa quốc sắc thiên hương, nhưng cứ phải ngắm ở trước mắt, vì Lý, em con, nó thích hoa cũng như bố nó. Vì thế, mẹ dù sống chung với nó mà không thấy sung sướng bằng giá thử được sống với con là đứa mẹ chắc sẽ gần cạnh hơn. Sự tiếc rẻ này cho mẹ biết rằng xưa kia mình đã lựa chọn lầm. Mẹ nhắc lại sơ sơ cái việc cũ cho con biết, nếu con chưa hề được ai mách bảo cho biết cả. Trước, hồi còn trẻ, mẹ lấy chồng được hai con, thì có một việc bất hòa phải cùng chồng ly dị. Nguyên cớ thật là buồn cười. Nhưng cho đến bây giờ, mẹ vẫn cho việc ly dị là rất phải. Sống chung đụng trọn đời với một người chồng hèn yếu, mẹ khổ lắm, mà làm người cứ chịu khổ một cách vô nghĩa thì mẹ không làm. Mẹ vốn chỉ muốn có một người chồng tâm hồn khỏe mạnh, lúc trẻ cũng như lúc già, luôn luôn bền giữ chí khí một trượng phu, không biết coi những cái gì tầm thường làm quan trọng. Trái lại thế, người cha của con mới ba mươi tuổi đã tưởng tậu được một ít đất rộng và có vợ đẹp con khôn là đủ lắm rồi, không cần làm gì cho thiệt đến một cái chân tóc của mình cả. Ông ta, trong một đêm trăng sáng (mà giá trăng không sáng cũng không làm sao) đã hí hửng nhủ với vợ bằng mấy câu thơ ông ta cho là hay lắm lắm:
Vẽ vườn thôi trở về vườn,
Nằm xem trăng sáng đầy giường đôi ta.
Ở đời, đẹp nhất là hoa,
Với tình ấy đã trao qua tay này.
Mẹ không ưa những câu thơ như thế. Mẹ không đồng ý về chỗ cho hoa với tình vợ chồng là đẹp nhất đời. Ở đời còn nhiều sự đẹp hơn nữa mà người cha của con không làm nổi đấy mà thôi. Ông ta hằng ngày ngồi quẩn trong bốn mảnh rào thưa, đem cánh tay còn mạnh gân mà tỉa tót những lá lan, nhánh hồng, như một cụ già bẩy tám mươi tuổi. Hoa, thành ra chỉ có nghĩa là làm yếu người ta đi. Mẹ bèn ngăn cản sự chơi hoa. Nhưng mà ông chỉ biết có một sự chơi hoa làm thú sống. Một hôm ông ta đem một bình cúc đến trước mặt vợ, nói những câu nghe thật sốt ruột. Mẹ giận quá, liền ném những bông hoa đi. Hai vợ chồng cãi nhau. Đến khi hăng máu, người chồng liền ném cả cái bình hoa vào mặt vợ. Vết thương bây giờ vẫn hãy còn, nhưng tình nghĩa lúc đó không thể có nữa. Việc ly dị kết quả bằng cách chia con. Người đàn ông được Lê. Còn mẹ thì nhận lấy Lý mà đi xa, xa hẳn, quyết không bao giờ gặp nhau lại nữa”.
“Lý dần dần đẹp ra và lớn lên. Nó cũng yêu hoa đến mê say như bố nó. Mẹ thất vọng về đứa con làm lẽ sống độc nhất ấy. Vì tính tình nó như thế chỉ làm hại cho cuộc đời người đàn ông sau này thôi. Dù là đàn bà, ta cũng không được coi hoa làm trọng. Không có một giò thủy tiên mang tự bên Tàu sang thì sự sống của ta cũng không giảm giá chút nào. Mẹ cầu rằng Lê, con gái lớn của mẹ, cũng nghĩ như mẹ vậy. Hai đứa con, chẳng lẽ giống bố cả hai? Ôi! Nếu khi chia con, mẹ sớm biết chọn Lê, thì có lẽ mẹ đã sung sướng nhiều”.
Đến đây là hết đoạn bút ký. Tiếp đến những dòng chữ mà Lê nhận ra ngay là tự dạng của Hoàng. Cô lại càng hồi hộp lắm, cô đọc:
“Tôi đã gặp bà Hồ trong những câu chuyện mà những đàn bà yếu đuối không thể nói được. Cho nên tôi mến phục bà bao nhiêu, thì cái tình Lý gửi vào tay tôi càng khiến tôi thiết tha nhận lấy bấy nhiêu. Đến khi bà Hồ biết ra, định ngăn cản thì không kịp nữa. Bà đành nhận tôi làm rể một cách buồn phiền, vì lẽ Lý cũng hay vì hoa mà làm khổ tôi như Lê đã làm khổ vậy.
Tôi tuy phải làm chồng một người khó chịu như thế, nhưng còn hơn sự ở với Lê, vì nơi đây tôi may mắn có một người mẹ vợ không giống một chút nào cái ông định làm bố vợ tôi. Thì ra hai ông bà trước kia đã từng có một đoạn đời mà chúng ta nghĩ lấy làm tiếc. Các người bỏ nhau rồi. Tôi với Lê cũng đã bỏ nhau rồi. Phải hay không phải, chắc Lê cũng đã nghĩ ra. Tôi chỉ mong Lê sẽ lấy hay là đã lấy một người đàn ông đừng khác tôi nhiều quá.
Tôi cần nói sau hết câu này cho Lê khỏi ngạc nhiên: Người mẹ đáng quý của chúng ta vừa mới từ trần. Tôi lục được tập nhật ký của người, thấy cần gửi cho Lê mấy trang trên đây. Vì chính chỉ nhờ có tập nhật ký, tôi mới biết rõ gia cảnh về trước của Lê và của Lý. Rồi tôi nghĩ chỉ nhờ có mấy trang tự dạng của người mẹ này, mới khiến cho Lê đừng tưởng cuộc đời là khó khăn khi thiếu một cây hoa hải đường vàng”.