Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Văn nghệ dân gian: "Cây tre" - tác giả Tăng Bá Hoành
02/06/2022 12:00:00

Cây tre Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc, vào văn nghệ dân gian như một đặc trưng văn hóa. Cây tre, giá trị thực dụng của cây tre trong muôn mặt của đời sống con người đã đi vào văn học nghệ thuật như một hình ảnh điển hình.

 
 

Trước khi bàn về cây tre trong đời sống xã hội Việt Nam, chúng ta cũng cần tìm hiểu về đời sống sinh vật của chúng.

Họ nhà tre rất nhiều giống loài, sống khắp đất nước ta và một số nước ở châu Á. Ta nói đến tre là nói khái quát, thức tế chúng có hàng trăm giống, loài như: tre góa loài sinh trưởng khắp đất nước, tre lồng ngộc thân to, cật cứng; tầm vông, thân nhỏ nhưng, cật dày rất cứng, rồi trúc, bương, vầu, đằng ngà, nứa, mai, dùng,... Tiềm năng sự sống của tre ở củ non và mầm măng. Khi trồng phải phát phần thân và ngọn, chỉ để chừng một mét ở phần gốc cùng với củ tre để tập trung dinh dưỡng cho mầm măng. Tre phải trồng về mùa xuân mới có thể phát triển, nhất là khí hậu miền Bắc, dân gian đã có câu: Giêng trúc, lục tiêu, nghĩa là trồng tre, dù là loài gì cũng phải trồng vào mùa xuân, còn chuối phải trồng vào mùa hè mới phát triển. Tre thích nghi với các loại đất, các vùng miền của Việt Nam:

Ở đâu tre cũng xanh tươi,

Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu.

Nguyễn Duy

Thậm xưng là như vậy, nhưng thực tế những đỉnh núi cao khô cằn và giá lạnh tre không thể phát triển được.

Tre phổ biến được trồng từ củ và mầm vào đầu xuân. Ít ai biết tre bắt đầu sinh trưởng vòng đời của mình từ hạt, quen gọi là gạo tre. Từ mùa xuân gieo trồng, tre mọc thành măng, đứng thẳng, phân từng đốt, thân rỗng, phát triển thành bụi. Độ rỗng và gióng ngắn dài tùy loài, giống. Tre phát triển nhanh, chỉ vài ba năm đã thành bụi lớn. Tre vừa cứng rắn vừa dẻo dai, sức sống thật phi thường, bám đất kiên cường như người dân đất Việt. Tre tuy trồng vào mùa xuân, nhưng phát triển mãnh liệt vào mùa hạ, mùa nóng ẩm của một năm, măng mọc tua tủa khắp các bản làng và rừng núi. Trong họ tre có giống trúc, gióng ngắn, thân thẳng, cật cứng, lá xanh ví như người quân tử, được khái lược đưa vào tranh dân gian. Theo kết quả của những công trình khoa học, tre có chu kỳ sinh vật từ 40 đến 60 năm, có giống dài hơn. Cuối đời, tre ra hoa, kết hạt rồi qua đời, dân gian gọi là sưu, kết thúc một chu kỳ sinh vật. Tre mẹ mang hết chất dinh dưỡng để nuôi hoa và quả, hy sinh tính mạng cả một thế hệ trước cho con cháu đời sau, thật đáng kính trọng và xúc động. Dù bao nhiêu bụi tre, lũy tre hay cả một cánh rừng, dù được trồng ở những nơi khác nhau, đến kỳ đều phải hy sinh thầm lặng cho thế hệ tương lai. Giống như một kiếp người, bao năm âm thầm phấn đấu nhọc nhằn, gian khổ, có khi đầy cay đắng vì tương lai cho gia đình, quê hương, đất nước, rồi lại buông xuôi về với cát bụi. Thật đáng buồn, nhưng sự sống là như vậy. Mùa xuân đến, những gạo tre cường tráng sẽ nẩy mầm, bắt đầu cho một thế hệ mới đầy sức sống. Tre sưu có thể cả một cánh rừng, gặp cơn giông, sét đánh bùng cháy, để lại mặt đất đầy than mùn, chuẩn bị cho một cuộc sống mới đầy hứa hẹn.

Tre trong đời sống xã hội Việt Nam thật vô cùng phong phú và hữu ích. Tre là loài cây sống gắn bó với người dân Việt Nam từ xa xưa trên mọi phương diện của đời sống. Có thể nói, tre song hành từ khi con người có mặt trên đất nước ta. Trong các di chỉ khảo cổ học, người ta đã thấy dấu vết tre đan trên đồ gốm thời tiền sử. Trong những mộ cổ cuối văn hóa Đông Sơn đã thấy tre kết như vạc giường, tạo thành quan tài, hình thức mai táng này còn mãi đến năm 1945. Hãy đi ngược thời gian, trở về với đất nước nửa thế kỷ trước, cây tre có mặt hầu hết ở những nhu cầu thiết yếu của đời sống con người.

Trong kiến trúc, nhà tre chiếm tới trên 95%, thầm chí còn cao hơn nữa tùy vùng miền. Từ kèo cột, rui mè đều bằng tre. Có ngôi nhà cột xà bằng gỗ nhưng mái vẫn bằng tre. Khi kiến trúc phương Tây xâm nhập vào Việt Nam, có những trần nhà, vách nhà bằng vôi rơm đẹp và bền, gọi là tóc xi, nhưng xương vẫn bằng tre. Những công trình tín ngưỡng và công cộng đồ sộ, ngày nay ta nhìn thấy được xây dựng bằng gỗ tứ thiết hay xi măng cốt thép, nhưng sơ khai là những công trình tranh tre. Những ngôi nhà tre làm đúng quy cách, ngâm tẩm đủ thời gian, có thể tồn tại hàng trăm năm.

Về phương tiện giao thông. Cách đây gần nghìn năm đã có cầu gỗ, cầu đá, nhưng cầu tre vẫn là phổ biến. Thuyền nan, thuyền thúng, bè mảng, phao cứu sinh đều từ tre.

Đồ dùng gia đình: giường, chõng, bàn, ghế, liếp, giại, cửa, vách, sàn, giường thờ, thúng, mủng, nong, nia, bồ, cót, lồng, giần, sàng, rổ, rá, rế, đũa, điếu cày, ống đóm... đều bằng tre. Cối xay là công cụ vô cùng quan trọng với đời sống người Việt, nên mỗi làng có vài người chuyên đóng cối, đời sống của họ khá phong lưu. Miền núi không có nghề này, vì thế để phục vụ hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội phải điều hàng trăm thợ đóng cối ở đồng bằng lên chiến trường phục vụ như một bộ phận không thể thiếu của hậu cần. Nhiều làng nghề chỉ chuyên làm hàng tre nứa như thúng mủng, giần sàng, rổ rá, dậm nơm, lờ đó... Cẩm Giàng xưa có làng chuyên chế tác hộp tre, sơn then làm đồ đựng trang sức. Đồng bào miền núi có sưu tập đồ tre đan đạt đến mức nghệ thuật tinh xảo, điển hình là các loại gùi.

Bộ công cụ phổ biến của nhà nông căn bản bằng tre: gầu giai, gầu sòng, đòn càn, đòn xác, đòn gánh, quang, trành... Cày bừa là nông cụ cơ yếu của nhà nông cũng không thể thiếu những thành phần bằng tre như bắp cày, tay bừa.

Trong bộ công cụ đánh bắt cá như: nơm, rập, vó, đăng, róc, trúm, ống lươn, đụt, giỏ, vịt, lờ, đó, rọ... đều bằng tre hoặc có thần phần của tre. Ở miền Trung còn có loại ống tre đặt ở đáy sông để bẫy cá bống rất hiệu quả.

Các loại dây buộc, dây kéo, dây chằng phần lớn được tạo từ tre. Thừng, chão, lạt vắn để tát nước, lạt buộc các các cỡ,... tạo từ tre non, tre bánh tẻ.

Trong bộ đồ chơi và tín ngưỡng dân gian từ cây nêu, cành phan, khung diều, ống sáo, cầu thùm, cây đu, cà kheo đều từ tre. Dây thả loại diều lớn cũng được tạo từ dây tre. Ống đựng sớ, thần tích ở đình làng cũng làm từ ống vầu già, tiện rồi sơn, tồn tại vài thế kỷ. Trong Nam dược nhiều bộ phận của tre còn là những vị thuốc đặc hiệu. Trong thực phẩm, măng tre không thể thiếu trong những bữa cỗ thịnh soạn.

Về thủy lợi, tre giữ vai trò trọng yếu, tre sống thành bụi, phát triển nhanh, đan xen với nhau, rễ không sâu nhưng rất dày, khó chia tách, khô hạn hàng tháng không chết, vì chất dinh dưỡng, sự sống tiềm tàng ở củ. Tre không sống dưới nước, nhưng có thể chịu nước nhiều ngày vẫn xanh tươi. Tre vừa cứng lại vừa dẻo dai, có thể chắn sóng, chống sạt lở, chịu gió mưa hơn tất cả các loại cây nên được trồng nhiều dọc các triền sông để hộ đê chắn sóng.

Trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, chống cướp giữ làng, tre giữ vai trò trọng yếu. Trước hết là lũy tre làng, kết hợp với hào sâu, cổng dày gai góc. Về vũ khí có gậy tre, tên tre, chông tre tẩm thuốc độc, đòn xóc, đòn càn, hèo, côn, khi cần cũng biến thành vũ khí, điển hình là gậy tầm vông Nam Bộ. Cán các loại vũ khí cổ điển như giáo, mác ở Việt Nam căn bản bằng tre. Trong huyền thoại, có chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đánh giặc Ân. Vũ khí đơn sơ ban đầu của dân quân du kích, kể cả quân đội bắt đầu từ gậy tre. Trong kháng chiến chống Nguyên, thương là vũ khí được dùng phổ biến vì có cán dài, mũi nhọn, lưỡi sắc. Nguyễn Chế Nghĩa lập công lớn bằng loại thương này, sau làng Cối Xuyên có lệ đánh côn bằng tre đầu xuân thay cho thương để giữ truyền thống đánh giặc của ông cha. Trong chống Pháp ở Tây Nguyên, Anh hùng Núp bao lần diệt Pháp bằng tên tre. Không những thế, trong tôn giáo, tre còn là biểu tượng của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Nếu Thích Ca Mâu Ni ở Ấn Độ, giác đạo dưới gốc cây Bồ Đề, thì Việt Nam, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo quốc dân đánh bại đế quốc Nguyên Mông, tu đạo viên thành từ trong Rừng Trúc. Thật tuyệt vời cho cây tre Việt Nam. Đúng là:

Tre xanh xanh tự bao giờ,

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh.

Tác dụng và thể loại công cụ từ cây tre Việt Nam suốt từ Bắc chí Nam thật muôn hình vạn trạng, vô cùng to lớn trên mọi mặt của cuộc sống. Toàn bộ cây tre non cũng như già, từ củ, măng đến cành lá đều có ích. Măng tre nứa là món ăn khoái khẩu, củ tre già làm củi, mắc võng, đầu thang để chống trượt, làm mõ, đinh tre già trong đồ mộc hiệu quả hơn đinh sắt vì không rỉ sét, lá tre tươi làm thuốc, phụ gia để giấm giá đỗ. Tre non chẻ lạt, bánh tẻ đan lát, tre già làm nhà… Mấu tre cũng được tận dụng. Ở Đảo Yên thuộc Cù Lao Chàm, Hội An, người ta buộc nối tiếp những cây tre dài còn nguyên mấu, coi đó như những bậc thang để khai thác tổ yến trên vách đá cheo leo. Lợi ích của cây tre như vậy nên nó sớm đi vào văn học, nghệ thuật như: ca dao, tục ngữ, sự tích, thơ văn, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc. Trong kiến trúc đình chùa làng không thể thiếu phù điêu trúc hóa long. Từ hình tượng này mà tháng 6 năm 1922, nhân dịp vua Khải Định sang Pháp, dự hội chợ của những nước thuộc địa tại Mác-xây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm Con rồng tre để vạch mặt sự lỗi thời của chế độ phong kiến Việt Nam nay lại trở thành bù nhìn làm tay sai cho bọn cướp nước. Vua ấy như một khúc tre già được nghệ nhân tạo tác nên con rồng chỉ để là đồ chơi, tượng trưng cho ông vua bù nhìn. Tranh dân gian bao giờ cũng có hình ảnh cây trúc. Tre phát triển phi thường trong mọi môi trường của đất nước, mang lại biết bao lợi ích mà bao thế hệ người Việt nương nhờ bóng mát của cây tre để tồn tại và phát triển.

Khi nói về con người Việt Nam trong lịch sử thơ ca thường lấy cây tre làm ẩn dụ:

Lạt này gói bánh chưng xanh,

Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng.

Ca dao

Lạt tre như sợi tơ hồng, se duyên cho muôn vàn đôi lứa. Nói về bản chất của cây tre, nhà thơ Nguyễn Duy đã viết:

Rễ siêng không ngại đất nghèo,

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

Vươn mình theo gió đu đưa,

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.

Nói đến nông thôn Việt Nam, Nam cũng như Bắc, trước hết phải nói đến hình ảnh cây tre, vì đó là hình ảnh phổ biến, bao trùm, rồi mới đến những điểm nhấn như cây đa, giếng nước, mái đình, chợ bến. Bởi thế mà trong bài Làng tôi của Nhạc sĩ Văn Cao bắt đầu ngay vào hình ảnh cây tre:

Làng tôi xanh bóng tre,

Từng tiếng chuông ban chiều

Không chỉ thế, nhạc sĩ Hồ Bắc cũng bắt đầu tương tự:

Làng tôi sau lũy tre mờ xa,

Tình quê yêu thương những nếp nhà

Nếp nhà ở đây là những nếp nhà tranh tre, mái rạ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đúng như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết:

Mái gianh ơi hỡi mái gianh,

Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương.

Nhưng sẽ là thiếu nếu không nói đến tác phẩm Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới, thuyết minh cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Ba Lan, năm 1955. Tác phẩm một thời đã đi vào sách giáo khoa, tre ở đây được nhân cách hóa như người dân đất Việt:

“Cây tre là người bạn thân của nông thôn Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi, đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn. Tre trông thanh tao, giản dị, chí khí như người...”.

Năm mươi năm sau, chỉ năm mươi năm thôi, chưa bằng một đời người, đất nước giải phóng rồi thống nhất, đổi mới rồi hội nhập, vượt qua mọi trở ngại, tiến lên băng băng trên con đường cao tốc. Làng quê chưa giầu nhưng đã khá giả, mỗi năm thay đổi một chút, một chút thôi, nay nhìn lại thật lạ thường với lớp người cao tuổi. Bụi tre, lũy tre, bóng tre trùm mát rượi bao đời hầu như đã biến mất ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, người ta chỉ có thể nhìn thấy chúng ở nơi chắn sóng ven đê, lác đác ở đám đất công chưa được phép sử dụng. Những giậu tre được cắt xén gọn gàng cũng được thay bằng tường bao gạch xây kiểu cách như những biệt thự xưa ở thành phố, chí ít cũng bằng gạch ba banh, hiếm hoi lắm mới có một giậu tre vài ba mét còn sót lại. Xưa về thăm một vùng quê nào đó, khách lạ thường nghe ngóng, quan sát, ngày trông tre, đêm nghe tiếng gà là biết đất tốt xấu, dân giầu nghèo. Bây giờ làng không có tre, gà nuôi ở trang trại, đại gia nuôi gà cảnh chỉ gáy te te. Kinh nghiệm xưa giờ không dùng được.

Những mái tranh nay không còn, người ta tiêu diệt chúng một cách triệt để, vì nó là hình ảnh của sự đói nghèo bám riết lấy người nông dân bao đời, nơi nào còn những nhà tranh, nhà tạm thật khó đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nông thôn Hải Dương hiện nay đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà kiên cố khang trang, hiện đại với nội thất sang trọng, đắt tiền hơn cả những biệt thự của những quan chức thời Pháp thuộc. Góc vườn không phải là những bụi tre mà là cây cảnh, cây đặc sản, chí ít cũng có vài chậu hoa, hiếm hoi lắm mới thấy vài chậu cảnh trúc tăm, trúc Phật. Giại tre, liếp nứa là thứ chống nắng gió bao đời, nay được thay bằng những lán tôn rộng lớn, mưa nắng chẳng sờn. Chỉ tiếc rằng khi chuyển đổi vườn tạp thành vườn chuyên canh, cây đặc sản đã không lưu ý đến những giậu tre truyền thống, mát và đẹp; những cây cổ thụ trong vườn, tuy thu nhập không cao nhưng có ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc. Đó là di sản của thế hệ trước truyền cho thế hệ sau.

Đồ dùng trong gia đình cũng thay đổi lớn. Thóc cho vào bao, gạo để trong thùng, nồi cơm điện không ưa đũa cái mà thay bằng muôi nhựa. Đũa ăn cũng thay dần bằng nhựa bằng nhôm, chỉ có tăm tre, mành chiếu trúc là còn thông dụng. Rổ rá cũng bằng nhựa, bằng kim loại, sạch mà tiện.

Bộ nông cụ bằng tre hay có tre trong kết cấu cũng bị loại khỏi cuộc sống hàng ngày. Cách đây một thế kỷ, nhiều học giả Pháp sang Việt Nam thấy lạ thường, cả cánh đồng không có tiếng động cơ, nay đã khác. Tát nước, cắt cỏ, cày bừa, gặt hái... nghĩa là những công việc hàng ngày của nhà nông đều thực hiện bằng máy. Đường sỏi, đường bê tông đến đầu ruộng, chuyên chở có xe rùa, xe điện, xe máy, công nông; quang gánh, đòn càn đòn xóc để làm gì vì đôi vai đã được giải phóng. Ngoài đồng mà tiếng máy rộn rã suốt ngày. Nhiều làng không còn lúa, cánh đồng xưa là những miệt vườn như Nam Bộ. Nhiều nhà không cấy lúa nên cũng chẳng cần cót với bồ. Cán cuốc cán mai, cán xẻng cũng bằng kẽm, rẻ mà bền. Muốn tìm tre tra cán không dễ, phải ra tận bờ đê, hay đến cửa hàng tre nứa nhưng không phải lúc nào cũng vừa ý. Các loại lạt, các loại dây bằng tre không cần nữa đã có dây nilon thay thế. Trong xây dựng, cọc móng bằng tre thay dần bằng bê tông, cọc cát hay móng bè, giàn giáo thay dần bằng sắt thép, gỗ bạch đàn, tre mất dần chỗ đứng. Thúng đội sỏi đá thông dụng một thời, nay thay bằng xe rùa tải lên tầng bằng điện, năng suất cao mà đỡ tốn sức.

Ngành văn hóa đã nhìn thấy sớm sự thay đổi bắt đầu từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ kinh nghiệm các nước tiên tiến, nên có kế hoạch sưu tầm từ sớm. Đúng như những triết gia đã dự báo từ thế kỷ XIX, những làng quê thơ mộng bao đời sẽ thay đổi vì nền công nghiệp hiện đại. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, bảo tàng đã sưu tầm để bảo quản những nông cụ, dụng cụ gia đình, trong đó có loại hình chất liệu bằng tre nứa, kể cả nhà tre để dựng lại trong khuôn viên, đến nay trưng bày cho học sinh trải nhiệm, cho mọi người ôn cố tri tân. Một số nhà tre điển hình đã được bảo tồn nhưng tiếc rằng quá ít. Nhiều khu sinh thái đã sưu tầm, ương trồng các loại tre như bảo tàng sinh học, trong đó có khu sinh thái toàn tre. Cây tre bao đời đã và đang được bảo tồn trong khu sinh học, đặc trưng cho đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt là một số kiến trúc sư đã tạo dựng những ngôi nhà tre có thẩm mỹ cao, chất lượng tốt, đạt giải quốc tế. Tuy nhiên, ngày nay muốn tìm một người thợ đóng cối xay, một hiệp thợ làm nhà tre truyền thống thật không dễ.

Cây tre vắng bóng trong những làng quê, sản phẩm từ tre mất dần trong mỗi gia đình, tạo nên nỗi cảm hoài của lớp người cao tuổi nông thôn. Còn lớp trẻ thì thản nhiên, chỉ thấy quê mình đổi mới, tiện nghi và hiện đại. Nhưng hình ảnh cây tre còn mãi trong các vườn sinh thái, trong những dải đất ven đê, trong những công viên, chậu cảnh. Tre vẫn phát triển bạt ngàn trên các núi rừng mọi miền đất nước theo quy hoạch kinh tế, môi trường và văn hóa.

Tre sẽ mãi mãi xanh tươi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.


 
Các tin mới hơn
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Sân khấu: Kịch bản "Đoàn quân tóc trắng" (hay "Lão du kích") của tác giả Lộng Chương(01/06/2022)
Quê hương mãi là máu thịt của nhà viết kịch Lộng Chương(01/06/2022)
Truyện ngắn "Tiếng rao đêm" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(31/05/2022)
Ngân cùng tiếng ve(31/05/2022)
Đi ngang mùa hạ(31/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na