Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Quê hương mãi là máu thịt của nhà viết kịch Lộng Chương
01/06/2022 12:00:00

 
 
 
Nhà viết kịch Lộng Chương (1918-2003) 

Mới đó mà đã gần chục năm trời, kể từ chuyến trở về đầu tiên của vợ chồng tôi với nguồn cội Hải Dương thân yêu. Đó là ngày 04/6/2014.

Ngần ấy thời gian, tôi không thể nhớ, đã có bao chuyến đi, bao sự kiện đã xảy ra… nhưng giờ nhìn lại, chỉ cảm nhận mọi việc mới tuyệt vời làm sao… dẫu nhiều lo toan vất vả…

Cho đến những ngày hè năm 2022 này, tên tuổi cùng hương linh cha tôi đã trở về trọn vẹn, gắn bó dài lâu, trong vòng tay ấm áp, rộng mở, vô cùng bao dung của nguồn cội yêu dấu: thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Nhưng trước những ngày này khoảng 5 năm, đầu năm 2017, danh xưng “Lộng Chương” của cha tôi cũng đã được đặt tên cho một con đường tại TP Hải Dương. Đó là một cái kết đẹp, nặng nghĩa tình của những con người Thành Đông, dành cho cha tôi!

Tôi nhớ lắm những ngày đầu bước chân về quê hương trong tâm thế bồi hồi, xúc động…

Khi ấy, những người trò bé nhỏ (tự nhận) của cha tôi (dù chưa một lần được diện kiến người) ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, là các em: Việt Nga, Thương Huyền, Đức Toàn… đã nhiệt tâm tổ chức Hội thảo “Tác gia Lộng Chương với nền Văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Ban lãnh đạo Hội VHNT Hải Dương cùng gia đình nhà viết kịch Lộng Chương 

Hội thảo diễn ra trang nghiêm, đầy đặn về nội dung, ăm ắp về tình người, khiến lòng tôi vô cùng ấm áp. Hội thảo đi qua, nhưng đọng lại trong tôi cái tình thật đằm thắm với mọi người, nhất là với hai “nữ tướng” của Hội: Chủ tịch Nguyễn Thị Việt Nga (Giờ là Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) và Phó Chủ tịch Trương Thị Thương Huyền (Giờ là Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương). Sau này tôi được tiếp xúc thường xuyên, được chứng kiến cách chỉ đạo và xử lý công việc, được đọc các sáng tác văn thơ của hai em, nếu nói rằng hai em hội đủ: Tâm - Tầm - Tài, có lẽ không ngoa!

Nhớ ngày vợ chồng tôi bước chân vào phòng làm việc của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hải Dương - TS. Lương Văn Cầu (năm 2014); được dự bữa trưa đầm ấm cùng ông và bạn bè xứ Đông, tôi cảm nhận thật sâu sắc sự nhiệt thành, tình cảm trân trọng hương linh cha tôi, qua cách ứng xử thân tình của tất cả.

Tôi cũng chả thể bao giờ quên NSND Trịnh Thái, đạo diễn Xuân Ba, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương Bùi Quang Toàn và nhiều bạn khác… đã chẳng quản đường sá xa xôi giữa ngày hè nóng nực, chạy đi chạy về Thúc Kháng, lo toan dàn dựng không gian và chương trình sao cho thật trọn vẹn một buổi lễ trọng - Lễ giỗ Tổ nghề Sân khấu và Kỷ niệm 100 năm sinh Nhà viết kịch Lộng Chương (30/9/2017), với tâm niệm: dứt khoát không để bất kỳ một sơ sẩy nhỏ, làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của buổi lễ…

Với cái tâm của người trò nghệ sĩ dành cho người thầy đã khuất, NSND Trịnh Thái và đạo diễn Xuân Ba nói với vợ chồng tôi: Anh chị yên tâm, việc của anh chị là việc của chúng tôi! Và thế là, các anh rong ruổi đi về giữa TP Hải Dương và Thúc Kháng, cùng cán bộ lãnh đạo xã bàn bạc chuyện tổ chức buổi lễ sao cho vẹn tròn. Cái tình ấy của các anh, tôi đâu thể quên!

Đặc biệt, trong tôi chưa thể phai nhòa những kỷ niệm ngày đầu về Thúc Kháng, lòng rưng rưng khi cảm cái tình của các cán bộ gánh trọng trách của quê hương. Các bạn ấy đã mất ăn mất ngủ, tính toán, lo toan từ chuyện an ninh trật tự, hậu cần, y tế đến giao thông đường sá đi về địa điểm tổ chức lễ, sao cho an toàn, trôi chảy, vui vẻ nhưng phải thật đủ đầy, trang nghiêm...

Trước đó cả tháng trời, một ngày đầu thu, tôi nhận được cuộc gọi, từ giọng nói chưa từng biết; nhưng ngay sau đó cho đến giờ và chắc chắn mãi về sau, giọng nói ấy đã trở nên thân thuộc với tôi biết bao!

- A lô chị. Em là Cường. Bùi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng…

Mới nghe lời tự giới thiệu này, trong tôi đã xốn xang… Vậy là, quê hương đã mở lòng với vợ chồng tôi rồi đấy...

Thế rồi, Chủ tịch Cường đọc một hơi không ngưng nghỉ, bài viết ngắn gọn, nhưng thật súc tích và đầy đủ về cha tôi, in trong một ấn phẩm vinh danh những người con của quê hương. Trước nay, sách báo nói về cha tôi đã quá nhiều. Nhưng ấn phẩm này, do chính quê hương xuất bản, lần đầu tôi được biết đến. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Trong điếu văn tại lễ tang cha tôi, NSND Trọng Khôi đã khóc rằng: “Ông: …đã là người của trăm họ, uống nước trăm sông, ăn gạo trăm làng để phục vụ hàng triệu con người”; và cho đến bây giờ, quê hương vẫn không quên cha tôi, quê hương vẫn ghi đậm dấu ấn về cha tôi, vẫn luôn ngóng đợi cha tôi về đó thôi…

Ôi, không lời nào có thể tả được cảm xúc của tôi, sau cuộc trò chuyện với Chủ tịch Bùi Văn Cường qua điện thoại lần đó.

Và rồi, khi đặt bước chân đầu tiên về quê hương Châu Khê, Thúc Kháng, được Chủ tịch Bùi Văn Cường ra tận hành lang đón; được gặp cả bộ máy lãnh đạo xã, thôn - những người đại diện của quê hương, được nắm những bàn tay thô mộc, khỏe mạnh, chân thành của những con người lạ mà quen thân ấy, lòng tôi ấm áp vô cùng! Từ đó, sau mỗi lần đặt chân về Châu Khê, Thúc Kháng, thì tình cảm thân thương, sự tin cậy những người anh, người em, người cháu ấy… nhân lên gấp bội trong tôi!

Thế là ngày ấy - ngày 30 tháng 9 năm 2017 đáng nhớ, một buổi lễ trang trọng Kỷ niệm 100 năm sinh Nhà viết kịch Lộng Chương, với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, huyện, con cháu, bạn bè, người quen của gia đình cùng đông đảo nhân dân địa phương đã diễn ra, với lòng tự hào và niềm vui trọn vẹn.

Sau lễ, về đến nhà, đêm ấy tôi thức trắng…

Có lẽ, sẽ không thừa khi tôi muốn nói sâu hơn một chút ấn tượng của mình khi bước chân về quê hương.

Ấn tượng nhất trong tôi là khuôn viên nhỏ, thực sự khiêm nhường; cùng những dãy nhà cũ kỹ, nhưng sạch sẽ, gọn gàng của HĐND và UBND xã Thúc Kháng. Ngay cạnh đó, là 3 khu trường học rộng rãi, khang trang cùng rất nhiều khu công năng phục vụ cho mục tiêu giáo dục, mà chính quyền địa phương đã toàn tâm toàn ý đầu tư cho thế hệ trẻ quê mình.

Tâm sự với tôi, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường nói: Làm lãnh đạo, kể cả những người ở tầm cao nhất nước, hay ở cấp tỉnh cho đến cấp địa phương gần dân, sát dân, điều quan trọng là làm gì cũng phải có tâm. Em hỏi chị: Nơi làm việc của em như thế này là tốt rồi, đúng không? Trong lúc kinh phí còn hạn hẹp thì đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã hoành tráng, to đẹp làm gì? Cái quan trọng nhất là phải quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ bây giờ; bởi chúng mới là tương lai của quê hương, đất nước. Em lãnh đạo xã, được dân bầu ra, phải có trách nhiệm với dân trước tiên. Dân vạn đại, đúng không chị? Thế nên, phải tạo điều kiện cho lớp trẻ phấn đấu trưởng thành…

Sau đó, Chủ tịch Cường đưa tôi sang tham quan khối liên hoàn 3 trường học: Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non. Trước mắt tôi, những ngôi trường đẹp đẽ, thoáng rộng là minh chứng cho những lời tâm huyết của người đứng đầu xã với hơn 4 nghìn dân. Điều này cũng thể hiện rất rõ, phải có sự đồng thuận cao, từ Bí thư Đảng ủy Bùi Văn Hùng, Chủ tịch Bùi Văn Cường, đến tất cả những con người trực thuộc bộ máy lãnh đạo xã, về một chủ trương điều hành hợp lòng dân, sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp.

Trong cuộc gặp mặt đầu tiên tại xã, còn có đầy đủ các cán bộ thôn Châu Khê - nguyên quán của cha tôi: Ông Phạm Đình Hưng - Trưởng thôn và Phạm Duy Cơ - Bí thư Chi bộ thôn. Châu Khê vốn là một làng nghề vàng bạc truyền thống rất lâu đời, nơi có nhiều nghệ nhân chế tác ra những sản phẩm vàng bạc tinh xảo, đã được đưa đi giới thiệu với muôn phương. Sản phẩm mỹ thuật vàng bạc Châu Khê đã trở thành niềm tự hào của quê hương tôi.

Cũng trong hôm đó tôi còn được gặp ông Phạm Đình Phòng, người đã được bà trẻ tôi (em gái ông nội sinh ra cha tôi) nuôi dưỡng. Sự kết nối chu đáo của Chủ tịch Bùi Văn Cường thật quá vẹn toàn, không chỉ một lời cảm ơn là đủ!

Các lãnh đạo thôn cho tôi biết, hiện đang sửa sang, nâng cấp nhà văn hóa xã, mà trọng tâm là thư viện và sẵn sàng đón nhận những lưu vật của cha tôi để lại. Thật là, chả còn gì để tôi có thể yên tâm và tự hào hơn thế! Quê hương đã mở rộng tấm lòng đón nhận hương linh của cha tôi về. Quê hương đang sẵn sàng dang rộng vòng tay nhiệt thành bảo tồn di sản của cha tôi. Di sản ấy, trước tiên là đạo đức, là phẩm giá, là nhân cách… của một con người tử tế - là cha tôi. Và di sản ấy - chính là khối tác phẩm đồ sộ, mà cha tôi đã dằn vặt, lao tâm khổ tứ cả một kiếp nhân sinh, đã sáng tạo ra và để lại cho đời!

Khi cha tôi còn tự tại trên cõi đời này, và ngay cả giờ đây, khi người đã khuất núi lâu rồi, được “mang” theo món “hồi môn” rất lớn - là nhân cách đẹp đẽ của cha, để đi đến bất cứ đâu, làm bất kể việc gì, nhằm góp phần bảo tồn sự nghiệp Nhà hoạt động Sân khấu Lộng Chương, tôi đã luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tâm và trân trọng hết mình của các cụ cao niên, các anh chị, các em, các cháu, nơi tôi đến. Thật tự hào biết bao!

Một kỷ niệm không thể phai trong tôi, là ngày 22/6/2019, trong cái nắng nóng kinh hoàng giữa hè (39-40 độ C), quê hương đã tổ chức viếng thăm phần mộ cha tôi tại nghĩa trang Thanh Tước, với đầy đủ lãnh đạo tỉnh, xã, thôn và đại diện các ban - ngành - đoàn thể. Bài thơ tưởng niệm cha tôi của cụ Lê Xuân Đương đọc trước mộ là kỷ vật quý, đã được gia đình lưu giữ. Nghĩa cử và cái tình sâu đậm của quê hương dành cho cha tôi là điều không thể đo đếm!

Vậy là, sau sự kiện danh xưng “Lộng Chương” được đặt cho một con đường tại TP Hải Dương, nay tên tuổi thân yêu của cha tôi lại được gắn bó dài lâu trên chính mảnh đất nguồn cội, địa linh nhân kiệt “Thúc Kháng” của tất cả chúng ta!

Con đường đẹp đẽ ấy (dài 700m; lòng rộng 7m; mỗi bên hè đường là 1m), được chỉ dẫn đi vào từ nơi giao cắt với đường liên tỉnh 38, qua đường liên xã mang tên Thanh Niên khoảng 1km, đến ngã ba là rẽ phải. Đó là điểm đầu của con đường mang tên Lộng Chương; đi thẳng tiếp đến ngã tư là điểm cuối. Tại ngã tư, rẽ trái là đường vào UBND xã Thúc Kháng, rẽ phải là đình Châu Khê.

Xin một lời cuối: Cảm ơn tất cả! Cảm ơn những con người đáng mến, đáng yêu, đáng kính, đáng trọng mà tôi đã được gặp, đã được quen biết, đã trở thành thân thiết như máu mủ ruột rà… trên mỗi bước đi, trên những quãng đường đưa linh hồn anh linh về với cội nguồn của cha tôi, cội nguồn của chính anh chị em con cháu chúng tôi - là thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương - Thành Đông yêu dấu của chúng ta!

Xin cúi đầu cảm tạ tất cả!

Con gái út Nhà viết kịch Lộng Chương
Phạm Hồng Thắm
 
Các tin mới hơn
Đọc sách hội viên: "Vẻ đẹp của những vần thơ "Vụn"" (Đọc tập thơ “Vụn” của nhà thơ Hà Cừ -NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) (03/05/2024)
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Tiếng rao đêm" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(31/05/2022)
Ngân cùng tiếng ve(31/05/2022)
Đi ngang mùa hạ(31/05/2022)
Triển lãm Mỹ thuật họa sĩ PHẠM TRÍ TUỆ (1942 - 2021) (30/05/2022)
Thương nhớ mùa hoa xoan(30/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na