Sau hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm cho diện mạo nông thôn tỉnh Hải Dương có sự thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những gì đạt được hôm nay là kết quả sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nhất trí, sự vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hiến công, hiến kế, của cải vật chất của các tầng lớp nhân dân. Nó là trái ngọt của chặng đường xây dựng nông thôn mới đầy khó khăn, gian khổ, thấm đẫm mồ hôi trên mảnh đất tỉnh Đông.
Chồng chất khó khăn
Trong lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng nông thôn. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường” .
Từ Nghị quyết đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và ban hành Bộ tiêu, chính thức phát tiếng pháo hiệu cho công cuộc xây dựng nông thôn mới trên toàn đất nước.
Ngay khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân trong tỉnh đã hăng hái bắt tay vào cuộc với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, thi đua cùng các địa phương trong cả nước.
Thế nhưng khi bắt tay triển khai mới thấy khó khăn chồng chất khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới cần triển khai trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, trong khi cả nước chưa có mô hình mẫu, kinh nghiệm để các địa phương học tập, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do quá mới mẻ, nên một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện khi triển khai.
Một trong những khó khăn cốt yếu mà cấp, ngành nào ở tỉnh Hải Dương cũng nhìn thấy là để đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, nhất là về vốn. Trong khi đó, cùng một lúc, tỉnh cần phải đầu tư phát triển cho nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, do đó chưa thể đáp ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí cho các địa phương thực hiện Chương trình. Đời sống người dân nông thôn ở một số vùng trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đóng góp của người dân còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu biết về chủ trương xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn yếu, làm hình thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trách nhiệm chưa cao, thiếu quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ đầu thực hiện chương trình…
“Dậy mà đi…”
Trước những vấn đề đặt ra, Tỉnh ủy Hải Dương xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy từ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015) đến Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) bên cạnh công tác xây dựng Đảng là then chốt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo.
Trong thời gian hơn 10 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết, văn bản chỉ đạo thực hiện và nhiều thông báo kết luận để chỉ đạo thực hiện, đặc biệt những nội dung liên quan đến cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các xã, huyện để có thêm động lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn và tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện; tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các huyện, thành phố và các Sở, ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỉnh ủy chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; các huyện, thành phố triển khai kịp thời các nội dung chương trình ngay từ những năm đầu thực hiện.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện chương trình như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân; Đề án dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đạt chuẩn nông thôn mới.
Giao các sở, ngành và các đơn vị có liên quan của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành các văn bản như: xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã, huyện hàng năm; hướng dẫn công tác quy hoạch nông thôn mới; hướng dẫn công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thẩm tra, thẩm định các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới... tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã triển khai thực hiện ở cơ sở.
UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ các chương trình, kế hoạch của tỉnh và nghị quyết, chương trình của huyện, thành phố xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, dự án, chính sách cụ thể. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tập trung chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, thành phố các đề án và quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã; một số địa phương tham mưu, đề xuất HĐND các huyện, thành phố bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách cấp huyện cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
UBND các xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương chính sách của Trung ương, tỉnh; chương trình, kế hoạch của huyện ủy, thành ủy, UBND huyện, thành phố tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của chương trình; đồng thời trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngành của xã, các thôn và nhân dân trên địa bàn triển khai thực hiện, hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành 18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh; 100% các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; 100% các xã thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới; 100% các thôn thành lập Ban phát triển.
Công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Phong trào thi đua "Làm theo gương Bác thi đua đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới" được tuyên truyền bằng nhiều hình thức: qua các hội nghị, các cuộc họp, các lớp tập huấn; báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng…, giúp cán bộ và nhân dân trong tỉnh nắm rõ nội dung, ý nghĩa và lợi ích của chương trình để đồng lòng, chung sức thực hiện…
Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện chương trình: đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; góp công lao động, kinh phí, hiến đất, tháo dỡ các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, sức khoẻ nhân dân, thực hiện dân số kế hoạch hoá gia đình; xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở nông thôn; phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Ở cơ sở nêu cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát động đoàn viên, hội viên đẩy mạnh tuyên truyền qua những tấm gương, điển hình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xây dựng nông thôn mới đối với bản thân và cộng đồng, từ đó, thay đổi thái độ, hành vi và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới…
Với sự vào cuộc rộng khắp của toàn hệ thống chính trị, sự nhất trí đồng lòng từ trên xuống dưới, khó đâu tháo gỡ đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương nhanh chóng lan tỏa rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Người dân đã nhận rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới và chủ động tham gia với hàng loạt các công việc cụ thể: góp công lao động, kinh phí, hiến đất, tháo dỡ các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới…
Khắp các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những gương sáng tập thể, cá nhân đóng góp công, của xây dựng nông thôn mới: Hội Nông dân của 12 địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường ở các cơ sở, chi tổ hội. Thành lập gần 400 mô hình chi Hội “nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”. Hội Phụ nữ các cấp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của hơn 200 câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường, gần 1000 đoạn đường phụ nữ tự quản, tổ thu gom rác thải. Từ năm 2017 đến nay, mỗi cơ sở Hội đăng ký, xây dựng ít nhất 1 mô hình đường hoa. Hội Cựu chiến binh các cấp đã vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia hiến gần 200 nghìn m2 đất làm đường giao thông; làm mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 400 km các tuyến đường liên xã, liên thôn…
Theo thống kê, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, 9.000ha đất và 987.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được xây dựng nhưng không phải đền bù khi giải phóng mặt bằng. Tiêu biểu là huyện Bình Giang đã vận động nhân dân hiến 834 ha đất, 10.000 ngày công và 318 tỷ đồng; huyện Gia Lộc vận động hiến 51,7 ha đất, 66.986 ngày công và 256 tỷ đồng; huyện Nam Sách vận động hiến 27,1 ha đất, 17.688 ngày công và 152 tỷ đồng; huyện Thanh Miện huy động động 486 tỷ đồng...
Tính trong 10 năm thực hiện chương trình (Giai đoạn 2011 – 2021), Hải Dương đã huy động hơn 58.383 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 2,61%; ngân sách địa phương từ cấp tỉnh đến xã chiếm 17,5%. Riêng giá trị tiền, của do nhân dân đóng góp là hơn 5.461 tỷ đồng chiếm, 9,35%... Từ các nguồn vốn trên, căn cứ đặc thù, các địa phương đã hoàn thành các tiêu chí, làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cũng nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những bước tiến quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ đã được chú trọng phát triển; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất…
Những ngọn cờ tiên phong
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa làm vừa sáng tạo, rút kinh nghiệm những nhân tố điển hình đã xuất hiện. Năm 2014, 3 xã đầu tiên của tỉnh là Bạch Đằng (Kinh Môn), Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) và Nhân Quyền (Bình Giang) đã bứt tốc về đích, hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Bạch Đằng (Kinh Môn) không nằm trong nhóm các xã được chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn vươn lên đã đạt chuẩn năm 2014.
Từ những ngọn cờ tiên phong, những tấm bằng “nông thôn mới” đầu tiên được trao, câu chuyện xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất Hải Dương đã cụ thể, rõ hình hài, có hình mẫu, có kinh nghiệm để các địa phương còn lại có động lực bứt phá. Và mỗi năm, liên tục có thêm các xã mới trong tỉnh hoàn thành chinh phục bộ tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có những xã đối mặt với trùng trùng khó khăn như: Nguồn lực thực hiện chương trình chưa đáp ứng so với nhu cầu. Nguồn vốn huy động từ ngân sách xã và nhân dân gặp khó khăn, đặc biệt đối với các hạng mục công trình do ngân sách thực hiện như: Đường giao thông trục xã, đường huyện, nhà văn hóa và sân thể thao xã… vẫn vươn lên về đích ngoạn mục.
Không chỉ cấp xã báo công hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cấp huyện cũng đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 11/2017, huyện Kinh Môn đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Tính tới giữa năm 2017, tất cả các xã thuộc huyện Kinh Môn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Bản thân huyện Kinh Môn cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Về đích huyện nông thôn mới là tiền đề quan trọng để năm 2019, Kinh Môn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết thành lập thị xã Kinh Môn.
Sau Kinh Môn hàng loạt các địa phương cũng lần lượt chinh phục danh hiệu huyện nông thôn mới: Chí Linh năm 2017, Cẩm Giàng năm 2018, Nam Sách năm 2019…
Không chỉ dừng lại đó, sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các địa phương lại nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những cái tên Bạch Đằng (Kinh Môn); Cẩm Sơn (Cẩm Giàng)… đã viết lên những câu chuyện nông thôn mới kiểu mẫu đầy kham phục và tự hào.
Mùa quả ngọt
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia mới với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, quả ngọt nông thôn mới đã tỏa hương trên mảnh đất tỉnh Đông.
Đến năm 2021 tỉnh Hải Dương có 12/12 huyện, thành phố, thị xã đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 100%.Toàn tỉnh có tất cả 178 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu...
Diện mạo nông thôn thực sự được đổi mới, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng.
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Hải Dương đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân nông thôn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị được giữ vững nhiều vùng quê nông thôn trở thành nơi đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.
Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, dần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi ngày càng phát triển. HTX ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Chương trình OCOP ngày phát triển nhanh chóng góp phần việc tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Nông nghiệp ngày càng trở thành khu vực hấp dẫn thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt và để duy trì chất lượng xây dựng nông thôn mới, tỉnh chủ trương tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 146/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 52/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Với những gì đã đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người Hải Dương có quyền tự hào về quê hương mình. Tin rằng với sự đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, với đường hướng vững chãi bước vào tương lai, mảnh đất Hải Dương sẽ không ngừng phát triển, vươn tới những tầm cao.