Lời toà soạn:
Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau một năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều chuyển động mới, cho thấy đời sống văn học nghệ thuật ngày một phong phú, đa dạng.
Sau một năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhằm đánh giá, thông tin về những chuyển động của văn học nghệ thuật trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật trung ương và địa phương, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) đã tổ chức loạt bài phỏng vấn để tiếp tục lan tỏa tích cực hơn nữa các nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tạp chí Văn nghệ Hải Dương trân trọng giới thiệu toàn văn phần trả lời phỏng vấn của nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
Phóng viên: Thưa bà, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương đã có những chuyển động như thế nào sau 1 năm diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc?
Trả lời: Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 24/11/2021, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong đó có những nội dung về văn hoá, văn học nghệ thuật. Bám sát những nội dung được triển khai tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, với sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp rất nhiệt thành của các ban, sở, ngành, đặc biệt là những đơn vị có liên quan tới lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật, Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã tập trung quán triệt những nội dung quan trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, động viên các văn nghệ sĩ tích cực bám sát đời sống chính trị xã hội kinh tế của tỉnh trong thời điểm vô cùng khó khăn của năm qua để phản ánh kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Với tâm huyết, trách nhiệm và đam mê của mình, hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Hải Dương đã ra đời, tạo nên âm hưởng rất riêng trong đời sống văn hoá, văn học nghệ thuật trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Nhiều triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật của nhóm, cá nhân được Hội đứng ra tổ chức. Hội còn phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động, các triển lãm làm nổi bật những thành tựu kinh tế chính trị của tỉnh chào mừng các ngày lễ lớn. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của Hải Dương được tôn vinh trong khu vực, toàn quốc và cả quốc tế. Đặc biệt giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương (giải thưởng được UBND tỉnh trao định kỳ mỗi 5 năm) với sự tôn vinh 69 tác phẩm của các tác giả đã thể hiện rất rõ những thành tựu của văn học nghệ thuật Hải Dương sau 1 năm thực hiện nghị quyết của Hội nghị văn hoá toàn quốc (11/2021).
Phóng viên: Theo bà, Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ?
Trả lời: Đây là một trong những hành động thiết thực nhất thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Tính từ Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (năm 1943) thì lần này là Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Thời gian ấy, con số ấy đủ để nói lên sự quan tâm "văn hoá soi đường cho quốc dân đi", nói lên tầm nhìn, thái độ đánh giá và trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với vị trí vai trò của văn hoá, văn học nghệ thuật trong thời điểm hiện tại và cả mấy chục năm sau nữa. Chính vì vậy, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này là làn gió lành, là hơi thở ấm thổi bùng giá trị văn hoá của dân tộc ta, đánh thức trách nhiệm và lương tri của cả dân tộc đặc biệt là của văn nghệ sĩ với văn hoá, văn học nghệ thuật. Qua hội nghị khẳng định văn hoá đang và sẽ được đánh giá đúng mức, quan tâm đầu tư thích đáng để phát triển, để làm nền cho sự phát triển chung của dân tộc.
Phóng viên: Bà có đề xuất gì để những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được lan tỏa tích cực hơn nữa trong ngành Văn học nghệ thuật?
Trả lời: Thực tế chúng ta đều hiểu trong nền văn hoá thì văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế nhất, sáng tạo nhất và có sức lan toả rộng nhất. Vì vậy sau khi Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 này được tổ chức, với tư cách là người trực tiếp tham gia tổ chức động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo và tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật, tôi thực sự mong Đảng và Nhà nước có sự quan tâm cụ thể, xứng đáng bằng những chính sách chế tài cụ thể đối với văn học nghệ thuật trong các hoạt động của các loại hình chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu hô hào chung chung, cụ thể: chế độ đãi ngộ xứng tầm đối với những văn nghệ sĩ tài năng; chế độ đặc thù khi tổ chức các hoạt động đặc thù của văn học nghệ thuật; tư duy tổ chức của hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ trung ương tới các địa phương và cả chế độ thống nhất đối với những công chức viên chức đang công tác tại các Hội, các cơ quan liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật... Đó chính là đòn xeo thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật có tầm vóc quy mô và tổ chức chặt chẽ, đồng thời qua đó cũng xác định trách nhiệm của văn nghệ sĩ khi họ tham gia các hoạt động của lĩnh vực này.