Mục Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: Trích tham luận "Tình hình văn xuôi hiện nay" của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng (Đại học Quốc gia Hà Nội)
30/11/2022 12:00:00
Các khuynh hướng văn xuôi tiếp cận cuộc sống và con người thời đại.
Con người trong không gian văn hóa gia đình - Văn học/văn xuôi tiếp cận gia đình như một “đơn vị văn hóa Việt căn bản và quan trọng là xu hướng chưa thật sự nổi trội trên văn đàn Việt Nam đương đại, nhưng rõ ràng trong tương lai gần và xa nó phải ở thế thượng phong. Về phương diện triết học thì: “Gia đình phản ánh tất cả những mâu thuẫn thu nhỏ lại của sự phát triển xã hội” (Từ điển triết học, Nxb Sự thật 1976, tr. 355). Gia đình, nếu có thể nói, là một “tế bào xã hội”, là “hang ổ”, là “chốn nương thân” của mỗi con người từ khi hoài thai trong bụng mẹ đến khi cất tiếng khóc chào đời, cả đến khi giã biệt cõi tạm/ trần gian vẫn cứ trở về với nơi sinh thành qua làn khói hương nghi ngút, thành kính, anh linh. Gia đình có yên ổn thuận hòa thì con người mới an cư lạc nghiệp, số phận con người mới được vun trồng, nhân cách mới đâm chồi nảy lộc. Gia đình tất nhiên gắn liền với xã hội, quốc gia vì “Tổ quốc hòa bình gia đình hạnh phúc” như câu khẩu hiệu thường trực trong mỗi nếp nhà chứa chất riêng tư. Trong thời kỳ chiến tranh và cách mạng, văn học/văn xuôi tựa trên cảm hứng sử thi – lãng mạn thường hướng ngoại đến những chủ đề lớn, có tính vĩ mô (ngay tên sách cũng đã thể hiện những vấn đề chung, sinh tử với cả dân tộc và mỗi cá nhân như Ra trận của Tố Hữu, Vỡ bờ của nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Vùng trời của Hữu Mai, Bão biển của Chu Văn,...). Bắt đầu từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, độc giả có cảm giác được đổi gió, đổi món khi thưởng thức Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng, Những linh hồn bị hành quyết của Ông Văn Tùng, Lão Khổ của Tạ Duy Anh,... Chuyển dịch sang thế kỷ XXI, chủ đề gia đình được các nhà văn tiếp tục khai thác sâu hơn với nhiều dụng công nghệ thuật như Dòng sông mía của Đào Thắng, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Thế giới xô lệch của Bích Ngân, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Huyết ngọc của Tống Ngọc Hân, Chuyện tình Khau Vai của Nguyễn Thế Kỷ ... - Viết về con người trong không gian văn hóa gia đình là cách thức “hướng nội” của văn học/văn xuôi Việt Nam đương đại. Một con người cụ thể sinh ra và lớn lên, trưởng thành, đạt tới nhân cách văn hóa bao giờ cũng chịu sự quy định tiên quyết của các thành tố gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu khởi đầu của mỗi con người (gia đình) không yên ổn, yên ấm thì khi vào đời tất không tránh khỏi chệnh choạng, lao đao. Những tác phẩm xuất hiện trên văn đàn gần đây nhất như Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như, Người yêu dấu và những truyện khác của Dạ Ngân, Gánh gánh gồng gồng của Nguyễn Xuân Phượng, Nước non vạn dặm (Tập 1 – Nợ nước non) của Nguyễn Thế Kỷ, Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành,... đều tiếp cận gia đình như một đơn vị văn hóa căn bản quan trọng trong đời sống của cả cộng đồng xã hội nói chung, với mỗi cá nhân nói riêng. Một mặt, nhà văn miêu tả sự khủng hoảng tất yếu của gia đình hiện đại do áp lực của thời đại, một mặt khác vun xới những mầm mống tốt đẹp để bảo vệ gia đình như là cách thức hữu hiệu bảo vệ văn hóa truyền thống Việt Nam. Cả hai xung lực ấy cọ xát, đấu tranh, tạo nên những kết cục đôi khi ngoài ý muốn chủ quan. Viết về gia đình như một đơn vị văn hóa ngày càng gia tăng trong thực tế sáng tác cũng là tín hiệu đáng phấn khởi khi chạm tới chủ đề mối quan hệ giữa các thế hệ trong xã hội đã dội vào gia đình như thế nào. Gia đình có thể bền vững như một thành trì nhất thành bất biến trước sức tấn công của một cấu trúc “cộng sinh - hiện sinh” mới do thời đại quy định? Cũng không tránh khỏi những bi kịch gia đình do ngoại cảnh (chiến tranh) mang đến sự bất khả kháng của con người do bị hoàn cảnh xô đẩy như Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang, Mùi thuốc súng của Nguyễn Văn Thọ, Giọt nước mắt người lính của Nguyễn Đăng An,... Trong những tác phẩm ấy có mùi vị đắng chát của những nổi loạn bản năng gốc, của sự vô luân bất thường. Con người trong không gian văn hóa xã hội (truyền thống và hiện đại) - Sự trở lại của đề tài truyền thống (lịch sử và chiến tranh cách mạng) trên văn đàn hiện nay ghi nhận tinh thần “ôn cố tri tân”. Những tác phẩm tốt xuất bản gần đây như Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Chim bằng và Nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh, Thiên mệnh của Nguyễn Trọng Tân, Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, Nguyên khí ngàn đời của Lục Hường,... là những tác phẩm viết về “lịch sử xa”, trong đó hiện lên hình ảnh những võ công với những chiến công hiển hách trong quá khứ có nhiều công lao với dân, với nước. Đồng thời cũng xuất hiện những tác phẩm viết về “lịch sử gần” - thời đại cách mạng và chiến tranh (1930-1975). Một số tác phẩm tiêu biểu như Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Hừng Đông của Nguyễn Thế Kỷ, Người công giáo cộng sản của Trần Việt Trung,... Hình tượng người chiến sỹ cộng sản được tái hiện như những tấm gương đạo đức sáng ngời, tận hiến cho lý tưởng giải phóng dân tộc, đấu tranh không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân dân (Lãnh tụ Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu, Trần Tử Bình). Những hình tượng văn học kỳ vĩ này có tác dụng nêu gương sáng đạo đức Cộng sản “cần/ kiệm/ liêm chính/ chí công vô tư”, cao hơn là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những tác phẩm viết về đề tài truyền thống, xét về hiệu quả nghệ thuật, bổ sung những kinh nghiệm sống của tiền nhân trong ứng xử với kẻ xâm lược ngoại bang cũng như với đồng bào mình của các giai tầng xã hội khác nhau trên sức mạnh của lương tri và lòng nhân ái. Trong xã hội hiện đại mọi quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên phức tạp, vào trong cơ chế thị trường (định hướng XHCN) con người sẽ sống và hành xử như thế nào để sống đúng nghĩa (tồn tại hay không tồn tại), để giữ được thiên lương cho lành, là một câu hỏi lớn, không có câu trả lời cuối cùng. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm viết theo tinh thần “mổ xẻ” thời cuộc và con người hiện nay. Chúng tôi gọi đây là dòng văn học mang tính đối thoại, chính luận. Có thể nói, mở màn là Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường từ những năm 90 của thế kỷ trước. Những người chạy tiếp sức có Nguyễn Phan Hách với Cuồng phong, Nguyễn Bắc Sơn với những tiểu thuyết có tiếng vang như Lửa đắng, Luật đời và cha con, Gã Tép Riu, Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn, Dương Hướng với Dưới chín tầng trời, Trịnh Thanh Phong với Ma làng, Nguyễn Đắc Như với Đốt trúc, Đoàn Ngọc Hà với Thầy Đàm, Vũ Quốc Khánh với Seo Sơn, Keo đỏ, Vùng xoáy, Nguyễn Như Phong với Kim tiền, Mai Tiến Nghị với Đông trùng hạ thảo, Nguyễn Bình Phương với Một ví dụ xoàng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2021),... Những “ma trận” đời sống, những cuồng phong của bể dâu, những éo le của số phận, những mảng sáng tối của cơ chế thị trường, của cạnh tranh khốc liệt hằn rõ lên trên từng trang sách. - Nhưng đậm nhất dấu ấn của cơ chế thị trường, sự băng hoại đạo đức, đồng tiền lên ngôi, huynh đệ tương tàn, phận người bèo dạt mây trôi của thời buổi từ chiến trường đến thị trường đọng lại rõ mồn một trong bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian (4 quyển, 8 tập, 2000 tr.) của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Dành gần 30 năm (1994 – 2022) cho một trường thiên tiểu thuyết ngồn ngộn chất liệu đời sống, nhất là lĩnh vực thị trường, cạnh tranh, doanh nghiệp, doanh nhân, thoái vốn, bất động sản, rửa tiền, các “phi vụ” làm ăn động trời, những cái chết tàn khốc vì vỡ nợ,… có thể nói, phải là “người trong chăn mới biết có rận”. Từ đó mới biết vì sao ít có tác phẩm hay về đời sống đương đại nhìn từ kinh tế thị trường và quy luật cạnh tranh có thể làm đảo lộn nhiều giá trị căn cốt. Vì nhà văn thường chỉ “ngắm rớt” và “nhắm rớt” (theo cách diễn đạt của nhà văn Hoài Thanh) thực tại, hiểu “lơ mơ” (đem cái nhìn tĩnh để viết về cái động) về đồng loại cùng thời, đem theo những khuôn mẫu cũ để áp đặt vào xã hội và con người. Tuy nhiên, phải công bằng nhận xét, thị trường tàn phá quan hệ đạo đức, dễ dẫn con người tới bến bờ tha hóa. Nhưng cũng chính từ trong lò bát quái ấy đã thoát thai những con người của thời đại (nhân vật Hương là một điển hình). Con người trong không gian văn hóa bản thể - Có hai xu hướng viết về con người trong “không gian văn hóa bản thể”: một, có thể nói đang trương nở, viết về bản năng gốc, nặng về miêu tả vô thức, tình dục, xác thịt, coi đó là món “khoái khẩu”, như là thức nhắm, đồ mồi của người nghiện rượu (ở đây là nghiện... phần con). Lối viết này thường hay nhân danh “vì con người” (“thuyết nhân vị”). Những Nổi loạn của Đào Hiếu, Ổ rơm của Trần Quốc Tiến, Dại tình của Bùi Bình Thi, Sợi xích của Lê Kiều Như, Lạc giới của Thủy Anna, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Một thời giông bão của Thương Tín, Song song của Vũ Đình Giang, Thân xác của A Sáng,... là theo vết trượt của Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng (được tái bản sau hơn 50 năm in lần đầu ở miền Nam, trước 1975). Xem ra nhiều độc giả hoan hỉ, thỏa mãn những “cơn khát” của thứ “trái cấm”, món húy kị. Trong số những tác phẩm vừa nêu, lối viết tự nhiên nhi nhiên (theo phương pháp của chủ nghĩa tự nhiên) đôi khi vô hình trung hạ thấp phẩm giá con người, tô đậm phần “con”, hạ thấp phần “người”. Để biện minh cho thành phẩm chữ của mình họ viện đến triết lý “tụng ca thân xác” (!?), một thời đã xa được truyền bá tích cực ở một không gian khác biệt, nay có vẻ được phục dựng. Chúng tôi gọi đó là thứ “hoan ca” thiếu liều lượng, không biết điểm dừng của người viết văn (Bùi Việt Thắng - Dòng tiểu thuyết thân xác trong văn học Việt Nam đương đại, sách Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, Nxb Thanh niên, 2019). Không có chủ trương nào buộc nhà văn không được viết về “thân xác”. Ở đây nguyên tắc “không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào”, thiết nghĩ, cần được nhà văn quán triệt thấu đáo. Đặc tính của nghệ thuật cao cường là “gợi” (như Đại thi hào Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều, viết về vẻ đẹp thân thể của Thúy Kiều chỉ một câu là đủ “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”). Tuy nhiên, có tác phẩm viết về thế giới đồng tính nhưng không sa đà, không dẫn dắt độc giả vào mê cung như Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn (nhận Giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức 1988 - 2000). Tỉnh táo và nhân văn là ưu điểm của tác giả (nguyên là sỹ quan Công an, hiện là TBT tạp chí Văn nghệ TP.HCM); tác phẩm đã được chính chủ nhân chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình (nhiều tập, ăn khách). - Xu hướng thứ hai viết về con người trong “không gian văn hóa bản thể” là tiếp cận thế giới tâm linh – một lĩnh vực đời sống tinh thần với nhiều ẩn số vốn không dễ giải thích, cắt nghĩa rành mạch dưới ánh sáng của khoa học chính xác. Thế kỷ XXI, có thể nói là thế kỷ của tâm linh. Trong thực tế, tâm linh đang được/ bị lợi dụng thương mại hóa, như chúng ta đã biết. Nhưng trong văn học thì lại có “mùa gặt”. Có thể kể ra một số tiểu thuyết xuất hiện gần đây được dư luận đánh giá tốt (theo thứ tự thời gian in): Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Không & sắc của Bùi Anh Tấn, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Cách trở âm dương của Vũ Huy Anh, Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng, Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, Ngược mặt trời của Nguyễn Một, Chân trần của Thùy Dương, Hình nhân thụ huyết của Đỗ Doãn Quát, Mưa đỏ của Chu Lai, Cõi ta bà của Dương Kỳ Anh,... Thế giới tâm linh thường được chắp cánh bởi cái kỳ ảo là đặc trưng của các tác phẩm viết về đời sống tinh thần đan bện cảm thức tôn giáo, linh cảm, thường được gọi là “tâm đạo”. Khi được du ngoạn, đắm mình vào thế giới tâm linh con người thường “phiêu” hơn so với đời sống trần tục, thường nhật, đầy tính chất hiện sinh. Không thể phủ nhận một nhu cầu tinh thần chính đáng, nên khuyến khích. Một số người giải thích đơn giản, sở dĩ con người thời đại chìm sâu vào thế giới tâm linh phải chăng do đức tin khủng hoảng (!?). Họ viện dẫn con số hơn 8000 lễ hội/năm ở xứ ta là bằng chứng con người vẫn phải đi tìm đức tin ở thế giới có tính siêu thực. Theo chúng tôi, cách giải thích của tác giả Jack Komfield là thuyết phục: “Ngày nay, khi phải hối hả lao vào cuộc mưu sinh, chúng ta chỉ bận tâm đến những vấn đề làm sao có được vị trí tốt trong xã hội, làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân.... cho nên ít bận tâm chăm sóc, thậm chí quên đi đời sống tinh thần. Đã từ lâu chúng ta không còn liên lạc với bản thân mình. (...). Con đường tìm lại chính mình là hành trình theo tiếng gọi nội tâm sâu thẳm - con đường tâm linh. (...). Tính thường hằng của đời sống tâm linh có được khi lòng ta biết tin tưởng, biết ơn quà tặng của đời người. Khi chúng ta đúng là chính mình không vờ vĩnh hoặc mưu mô, chúng ta an nghỉ trong vũ trụ” (Tâm đạo, hành trình tâm linh, những nguy cơ và triển vọng, Nxb Thời đại, 2010).
Các tin mới hơn
|
|
Các tin cũ hơn
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|