Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Sân khấu: "Lá thư chưa kịp gửi" của tác giả Trần Quang Hợp
07/06/2023 08:19:12

 

Bà Hậu - Vợ liệt sĩ Trường (60 tuổi)

Quân - Con trai bà Hậu (30 tuổi)

Thư - Người yêu Quân (25 tuổi)

Ông Hải - Chú ruột Quân (50 tuổi)

Ông Văn - Bạn chiến đấu với liệt sĩ Trường (60 tuổi)

Bối cảnh: Chuyện xảy ra tại nhà bà Hậu, bối cảnh: phòng khách nhà bà Hậu. Một bộ bàn ghế uống nước, phía sau một bức tường có bàn thờ ảnh liệt sĩ Trường mặc bộ hải quân.

(Bà Hậu đi ra tay cầm một xấp thiếp mời lẩm nhẩm tính toán rồi ngồi xuống ghi chép đứng lên ngồi xuống)

Bà Hậu: Không hiểu công việc gì mà giờ này vẫn không thèm về! (Đi ra đi vào rồi ngồi xuống bàn tính toán thì Quân về)

Quân: Mẹ!

Bà Hậu: Mẹ con cái gì! Sao không ở đến hôm đón dâu rồi mới về?

Quân: (Ngồi xuống ghế cầm tấm thiệp mời lên ngắm nghía) Đơn vị con nhiều việc quá nên giờ con mới về được mẹ ạ!

Bà Hậu: Việc gì thì việc, không quan trọng bằng việc cưới vợ!

Quân: Mẹ không nghe ti vi đài báo nói ầm ầm về tình hình biển Đông hiện nay à?

Mẹ! Mẹ không thấy con được thăng quân hàm rồi sao?

Bà Hậu: Thăng quân hàm gì thì thăng nhưng cũng phải công bằng giữa việc nhà không như bố anh ấy chỉ mải việc nước quên hết việc nhà!

Quân: Thôi mà mẹ, cái thời của bố con khác. Lúc đó là chiến tranh mà!

Bà Hậu: Thôi đi anh đừng có lẻo mép! Bây giờ thì anh cho tôi biết khách khứa bạn bè anh em dưới đơn vị anh mời bao nhiêu người để mẹ còn tính!

Quân: Chắc con mời khoảng 30 người thôi mẹ ạ!

Bà Hậu: (Đưa cho Quân tập thiếp mời) Đây, thiếp mời mẹ chuẩn bị cho anh đây!

Quân: Ôi! Thiếp mời đẹp quá!

Bà Hậu: Ở nhà mà viết giấy mời! Mẹ đi mời nốt mấy bác hàng xóm!

Quân: Vâng! Mẹ đi đi! (Bà Hậu đi ra, Quân gọi giật lại) À mẹ ơi, chú Hải đã nói gì với mẹ chưa ạ? (Hai tay xoa vào nhau)

Bà Hậu: Nói gì cơ?

Quân: Chú chưa nói gì ạ? Thế thì thôi, mẹ đi đi ạ!

Ông Hải: Quân! Về lúc nào vậy cháu?

Quân: (Mừng rỡ) Chú Hải! Cháu vừa về!

Ông Hải: Sáng đi từ lúc mấy giờ mà về sớm vậy?

Quân: Dạ, cháu đi theo xe của thủ trưởng quân khu về tỉnh làm việc chú ạ! Chú chưa nói chuyện ấy với mẹ cháu à?

Ông Hải: Thì chú đang định sang nói đây! Mà việc này căng đấy không chắc mẹ cháu đã đồng ý đâu!

Quân: Cháu thấy lo quá không biết phải nói với mẹ cháu thế nào. Lỡ mẹ cháu giận thì chả có cưới với xin nữa đâu chú ạ!

Ông Hải: Hay chú điện cho các anh dưới quân khu xin hoãn cho cháu đi đợt này nhé!

Quân: Ấy, không được đâu chú. Đợt này là cháu tình nguyện đi mà!

Ông Hải: Cháu tình nguyện đi à? Cả họ nhà mình còn mỗi cháu là đích tôn thôi! Mẹ cháu mong từng ngày để lấy vợ cho cháu rồi sẽ xin cho cháu về tỉnh đội cho gần nhà. Giờ cháu lại tình nguyện thế này, ngay bản thân chú cũng không muốn!

Quân: Chú ơi, quyết định cháu đã nhận rồi chú ạ!

Ông Hải: Nhưng việc nào ra việc ấy, cưới vợ là việc trọng đại của cả một đời người, đã quyết định rồi thì phải dành thời gian lo cho xong rồi muốn làm gì thì làm! Mà đám cưới xong thì vợ chồng cũng phải ở với nhau vài hôm chứ!

Quân: Cháu cũng muốn như vậy lắm nhưng không được chú ạ!

Ông Hải: Thế quyết định của cháu là đi ngày nào?

Quân: Cưới xong là cháu đi luôn chú ạ!

Ông Hải: Sao! Cưới xong đi luôn à?

Quân: Vâng ạ!

Ông Hải: (Trầm ngâm suy nghĩ) Cháu có biết ngày trước bố cháu cưới mẹ cháu cũng chỉ vẻn vẹn trong 3 ngày phép không? Cưới vợ ngày hôm trước, hôm sau cũng đi luôn và không bao giờ về nữa!

Quân: Chú! Chú lại giống mẹ cháu rồi! Bây giờ là thời bình mà chú!

Ông Hải: Ừ, cũng biết vậy nhưng chú vẫn thấy lo lo! Vì chú thấy tất cả mọi điều nó cứ lặp lại giống như... Thế còn cái Thư thì thế nào, liệu nó có vui vẻ cho cháu đi không?

Quân: Thư thì cháu tin là cô ấy sẽ hiểu và thông cảm cho cháu.

Ông Hải: Việc này chú cũng thấy bối rối vì cháu biết tính mẹ cháu rồi đấy!

Bà Hậu: Tính tôi thì sao? Hai chú cháu đang nói xấu tôi đấy phải không?

Quân: Mẹ... Mẹ về rồi đấy ạ?

Ông Hải: Chị!

Bà Hậu: Chú sang lâu chưa? Hai chú cháu đang bàn tính nhau chuyện gì mà rôm rả vậy?

Quân: Dạ, không có chuyện gì đâu mẹ ạ! (Xách túi cho mẹ đi vào)

Bà Hậu: Đấy, chú xem thằng cháu của chú đấy, sát ngày cưới mới vác mặt về chả giúp được mẹ việc gì cả!

Ông Hải: Thì chị cũng phải thông cảm cho cháu nó, vừa được thăng quân hàm nên công việc cũng bận lên rất nhiều!

Bà Hậu: Chú đừng có bênh nó! Nó y như bố nó! Ngày xưa, anh chú 3 ngày phép là lấy được vợ! Ngày xưa như thế còn được chứ bây giờ thì còn lâu nhé! Chả có đứa con gái nào nó chấp nhận như thế cả đâu. Thôi, tôi xuống nấu cơm. Trưa nay chú ở lại ăn cơm với mẹ con tôi nhé!

Ông Hải: Chị à, em có chuyện này muốn thưa với chị!

Bà Hậu: Có chuyện gì nữa đây!

Ông Hải: Chả là chuyện cháu Quân!

Bà Hậu: À, chuyện đám cưới của thằng Quân tôi đã lo chu tất rồi chú à!

Quân: Mẹ ơi, không phải chuyện đám cưới mà là...

Bà Hậu: Ơ hay, hai chú cháu nhà này cứ úp úp mở mở thế! Có chuyện gì thì nói luôn cho tôi nghe xem nào!

Ông Hải: Thế này chị ạ! Hôm qua, cháu Quân vừa nhận được quyết định tăng cường ra Trường Sa!

Bà Hậu: Cái gì? Cháu nói thằng Quân phải ra Trường Sa á!

Quân: Đúng đấy mẹ ạ!

Bà Hậu: Không thể nào có chuyện đấy được! Thằng Quân là con liệt sĩ nó được ưu tiên mà!

Ông Hải: Chị ạ, đây là một nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà cháu Quân là người vinh dự được giao phó đấy!

Bà Hậu: Tôi không cần cái vinh dự nào nữa! Trong gia đình này có một tấm bằng Tổ quốc ghi công đã là quá vinh dự rồi!

Quân: Nhưng mẹ ơi! Là một người lính, con không thể nào ngồi yên khi Tổ quốc cần mẹ ạ!

Ông Hải: Đúng đấy chị! Cháu nó có chí khí lắm!

Bà Hậu: Nhưng tôi không muốn con dâu của tôi nó lại giống như tôi! Cả một đời người con gái chỉ có một đêm duy nhất với chồng!

Quân: Mẹ!!!

Bà Hậu: Quân! Chuyện này là thế nào? Con nói thật cho mẹ nghe đi!

Quân: (Lục ba lô lấy tờ quyết định đưa cho mẹ đọc) Mẹ ơi, đây là quyết định của con!

Bà Hậu: (Cầm tờ quyết định đọc rồi buông rơi xuống đất) Không! Không thể như thế được. Chú Hải, chú là chú ruột của nó, vả lại chú lại đang công tác ở Tỉnh đội. Chú phải làm cách nào đi chứ! Chú phải làm cách nào để đơn vị họ cử người khác đi thay chứ, không thể thế này được!

Ông Hải: Chị Hậu... Việc này tôi...!

Quân: Mẹ! Mẹ hãy nghe con nói! Nhiệm vụ này là điều mà bấy lâu nay con hằng mong ước! Bây giờ con mới thực hiện được mẹ ạ!

Bà Hậu: Mong ước cái gì không mong, mong ước đi ra đảo à!

Quân: Vâng ạ! Con chỉ muốn...

Bà Hậu: Muốn sao? Con muốn mẹ phải quỳ xuống đây để cầu xin con hay sao?

Ông Hải: Chị Hậu, chị đừng quá xúc động như vậy! Bây giờ là thời bình chứ có phải là chiến tranh như ngày xưa đâu! Cháu nó đi vài năm rồi lại về mà chị!

Bà Hậu: Chú tưởng tôi suốt ngày ở nhà mà không biết gì sao? Hôm nào tôi cũng nghe đài, xem ti vi. Tình hình biển Đông bây giờ như thế nào tôi biết chứ! Thằng Quân ra ngoài đó không có chiến tranh nhưng tên bay đạn lạc rồi cũng…

Quân: Mẹ… Mẹ đừng lo xa quá như vậy!

Bà Hậu: Mẹ không lo sao được? Gia đình này, dòng họ này chỉ còn có mỗi mình con để nối dõi tông đường, để hương khói cho tổ tiên ông bà. Nếu con có mệnh hệ gì thì mẹ biết ăn nói thế nào với bố con, với ông bà nơi chín suối đây!

Quân: Mẹ ơi! Bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc! Đã biết bao nhiêu người đã ngã xuống, hy sinh để giữ vững biển trời Tổ quốc trong đó có cả bố con! Con tin tưởng rằng, bố sẽ rất tự hào khi con đã trưởng thành và tiếp bước những truyền thống hào hùng của cha anh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta mẹ ạ!

Ông Hải: Cháu nó nói đúng đấy chị Hậu ạ! Chị hãy vui vẻ cho cháu nó yên tâm lên đường!

Bà Hậu: Mọi người ích kỷ lắm! Mọi người chỉ biết sống riêng cho lý tưởng của mình. Nhưng có biết đâu những người phụ nữ chúng tôi đã phải chịu thiệt thòi như thế nào không? Tôi thì đã đành, còn con Thư nó chịu làm sao nổi cảnh vợ chồng mới cưới mà phải xa cách!

Quân: Mẹ ơi! Con tin Thư sẽ thông cảm và tôn trọng sự quyết định của con. Mà bây giờ, phương tiện truyền thông liên lạc thuận tiện lắm! Con sẽ thường xuyên liên lạc về nói chuyện với mẹ, với Thư mà!

Ông Hải: Đúng đấy chị ạ! Thời buổi thông tin như bây giờ thì xa mấy cũng gần mà chị!

Bà Hậu: Không có xa với gần gì hết! Tôi phải xuống Quân khu để hỏi cho ra nhẽ. Thằng Quân là con liệt sỹ nó phải được ưu tiên!

Ông Hải: Chị ơi, quyết định cháu Quân đã nhận rồi không thay đổi được đâu chị ạ!

Bà Hậu: Tôi không tin!

Quân: Thưa mẹ, nhiệm vụ này là do con tình nguyện ạ.

Bà Hậu: Sao? Con tình nguyện?... Thế thì con đi đi! Đi luôn đi không có cưới xin gì hết!

Ông Hải: Chị Hậu!

Bà Hậu: Cả chú nữa, đi đi! Đi hết đi! (Ngồi xuống bàn khóc)

Ông Hải: (Kéo Quân ra góc sân khấu nói) Quân này chú nghĩ việc này không thể thuyết phục mẹ cháu ngay được đâu. Phải có thời gian cháu ạ!

Quân: Nhưng ngày cưới sắp đến rồi, mà mẹ cháu cứ như thế này thì…!

Ông Hải: Thôi, bây giờ chú cháu mình cứ đi đi cho mẹ cháu bình tĩnh lại đã (Hai người đi ra. Âm nhạc nổi lên, bà Hậu lại bên bàn thờ chồng chắp tay khấn).

Bà Hậu: Anh Trường ơi, em phải làm thế nào để giữ được con đây! Thực sự em không muốn nó phải ra đi trong lúc này. Và em có linh cảm câu chuyện của chúng mình 30 năm trước giờ nó lại lặp lại. Anh Trường ơi, em thấy lo quá anh ạ! (Bỗng có tiếng gọi ngoài cửa).

Ông Văn: Có ai ở trong nhà không? Cho tôi hỏi thăm một chút ạ! (Bà Hậu đi ra, ông Văn xuất hiện trên tay ôm một chiếc balo) Chào chị, chị cho tôi hỏi thăm nhà chị Bùi Thị Hậu ở khu 2, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc…

Bà Hậu: Dạ, anh đến đúng nhà rồi đấy ạ!

Ông Văn: Thế, chị là chị Hậu?

Bà Hậu: Vâng, tôi là Hậu!

Ông Văn: Ôi! May quá, thế là tôi đã tìm đúng địa chỉ rồi!

Bà Hậu: Vâng, mời anh vào trong nhà ạ! (Bà Hậu vào trong lấy nước).

Ông Văn: Anh Trường, thế là tôi đã tìm được nhà anh rồi!

(Bà Hậu đi ra, sững người nhìn hành động của ông Văn rồi tiến lại bàn lên tiếng)

Bà Hậu: Mời anh ngồi uống nước ạ!

Ông Văn: (Giật mình) Dạ vâng, cám ơn chị!

Bà Hậu: (Bà Hậu rót nước mời ông Văn) Thế hôm nay anh tìm đến nhà tôi là có chuyện gì ạ?

Ông Văn: Thưa chị, tôi tên là Văn cùng đơn vị cũ với anh Trường ở Trường Sa.

Bà Hậu: Sao? Anh là đồng đội cũ với anh Trường – chồng tôi sao?

Ông Văn: Vâng! Anh Trường là tiểu đội trưởng của tôi... Hôm đấy là ngày 14/3/1988, tiểu đội chúng tôi gồm 5 người và 20 chiến sỹ công binh được nhận nhiệm vụ cắm và giữ lá cờ trên đảo Gạc Ma. Đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ có 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa của địch tiến đến. Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, chúng dùng xuồng máy đổ bộ vào đảo. Hai bên giao tranh giằng co với nhau bằng tay không. Rồi sau đó, sĩ quan của địch (cầm súng lục) nổ súng bắn chỉ thiên nhưng không có tác dụng, vì chúng tôi vẫn kiên cường giữ vững lá cờ Tổ quốc đã được cắm trên đảo. Thế rồi, phía địch bắt đầu hành động mạnh tay hơn và anh Trường đã bị trúng đạn! Trước khi hy sinh anh đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc yêu thương”.

Bà Hậu: Trời ơi, anh Trường!

Ông Văn: Hôm đó, tôi cũng bị thương nhưng vết thương của tôi chỉ ở phần mềm!

Bà Hậu: Anh Văn! Trước lúc hi sinh anh Trường có dặn dò gì không anh?

Ông Văn: Anh ấy không kịp dặn dò gì cả nhưng anh ấy có để lại cho tôi 1 chiếc ba lô trong đó là những kỷ vật cuối cùng của anh! Đáng nhẽ, tôi phải giữ nó để gửi về luôn cho chị. Nhưng do sau đó vết thương của tôi bị nhiễm trùng. Tôi sốt và hôn mê mấy ngày liền, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đã nằm trong bệnh viện ở đất liền. Và chiếc ba lô của anh Trường cũng bị thất lạc từ ngày đó. Tôi cứ nghĩ là sẽ không bao giờ tìm lại được chiếc ba lô của anh nữa. Cho đến tháng 10 năm ngoái, tôi được trở lại thăm đảo Trường Sa cùng với đoàn cựu chiến binh của tỉnh, tình cờ tôi nhìn thấy chiếc ba lô của anh Trường vẫn còn nguyên vẹn nằm trong phòng Hồ Chí Minh của đảo. Và cũng rất may, tôi gặp được cậu Sơn là đồng đội cũ của tôi với anh Trường, nay cậu ấy đã là Trưởng Đảo nên tôi mới xin lại được chiếc ba lô của anh Trường. (Cầm chiếc ba lô lên trao cho bà Hậu). Chị Hậu! Đây là chiếc ba lô của anh Trường. Hôm nay, tôi mang ra đây để trao lại cho chị, chị hãy nhận lấy!

Bà Hậu: (Bà Hậu lấy lá thư ra đọc) Trường Sa ngày 13/3/1988. “Em thương yêu! Thế là chỉ còn khoảng 1 tháng nữa thôi con chúng mình sẽ được sinh ra đời! Xin lỗi em và con, anh không về được vì tình hình chiến sự ở ngoài này căng thẳng lắm! Phía địch đang huy động lực lượng để chiếm giữ các đảo của ta! Bọn anh đang ngày đêm phải trực chiến, canh giữ từng tấc đất nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

Em ơi! Hôm qua anh em trong tiểu đội đã bàn nhau và thống nhất đặt tên con là Hoàng. Em ơi, con mình sinh ra là trai hay gái thì em nhớ đặt tên con là Hoàng nhé! Vì anh là Trường có nghĩa là Trường Sa còn con là Hoàng có nghĩa là Hoàng Sa đó em! Anh chỉ ước nguyện sau này con mình lớn lên nó tiếp tục sự nghiệp của anh trở thành một người lính đảo bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

À! Anh đã tìm thấy nốt nửa vỏ sò còn lại rồi đấy! Sau đợt này, anh xin nghỉ phép và mang nó về cho em và con để em ghép nó vào thành một con sò nguyên vẹn... Thôi, tầu của bọn chúng lại đến rồi cho anh được dừng bút ở đây! Hôn em và con thật nhiều!

Bà Hậu: Anh ơi! Thế là một nửa vỏ sò đã được về với nhau! Còn một nửa của em ở đâu? Ở đâu hả anh! Sao anh không về với em?

Ông Văn: Chị Hậu! Tất cả mọi thứ đều có thể quay về. Nhưng thời gian và người lính đã hi sinh ở chiến trường thì mãi mãi không bao giờ quay trở về được nữa đâu chị ạ!

Quân: Mẹ! Chuyện gì thế này? (Nhìn ông Văn vẻ nghi ngờ)

Ông Văn: Cháu Hoàng! Cháu Hoàng đây hả chị?

Quân: Dạ không, cháu tên Quân ạ!

Ông Văn: Thế còn cháu Hoàng?

Bà Hậu: Anh Văn! Cũng vì lá thư chưa kịp gửi của anh Trường nên tôi mới đặt tên cháu là Quân đấy anh ạ!

Ông Văn: Cũng tại tôi. Tôi không biết trong ba lô anh còn một lá thư chưa kịp gửi.

Quân: Mẹ nói gì? Lá thư nào hả mẹ?

Bà Hậu: Quân. Đây là chú Văn, bạn chiến đấu của bố con ngoài Trường Sa. Hôm nay chú lên đây là để mang những kỷ vật của bố về cho mẹ con mình đấy!

Quân: Bố ơi! Lá thư này bố chưa kịp gửi nên con đã không phải tên là Hoàng như bố và các chú đã đặt cho con. Nhưng con vẫn mãi là Hoàng! Hoàng Sa thân yêu của bố… Chú Văn! Bây giờ cháu đã thực hiện được ước nguyện của bố cháu rồi! Cháu sắp trở thành một người lính đảo rồi chú ạ!

Ông Văn: Có thật không cháu?

Quân: Vâng, hôm qua cháu vừa nhận quyết định ra Trường Sa!

Bà Hậu: Anh Văn! Suýt chút nữa tôi đã ngăn không cho cháu đi đấy chú ạ!

Ông Văn: (Hỏi Thư) Còn cháu? Cháu có bằng lòng cho chồng cháu trở thành người lính đảo nơi Trường Sa không?

Thư: Thưa chú, thưa mẹ! Bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Mà đó là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam chúng ta nói chung và của lớp trẻ chúng con nói riêng. Khi Tổ quốc cần, lớp lớp thanh niên chúng con luôn sẵn sàng lên đường. Con rất tự hào và hãnh diện khi có chồng là người lính đảo Trường Sa. Anh Quân! Chúng mình cưới nhau xong, anh cứ yên tâm lên đường, mọi công việc ở nhà đã có em lo!

Quân: Cảm ơn em! Cảm ơn chú! Cảm ơn mẹ! Con xin hứa sẽ tiếp bước người cha thân yêu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc! (Âm nhạc nổi lên). 
Hết 
 
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mục Văn nghệ dân gian: "Nông cụ xưa" của tác giả Tăng Bá Hoành(06/06/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Ký ức tháng Tư..." của tác giả Bùi Việt Thắng(06/06/2023)
Mục Tác giả-Tác phẩm: "Nhà sử học Tăng Bá Hoành người say mê nghiên cứu sử học và dịch thuật"(05/06/2023)
Truyện ngắn "Hai cây gỗ quý" của tác giả Kiều Duy Khánh(05/06/2023)
Về thôi hôm qua(05/06/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na