Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Văn nghệ dân gian: "Nông cụ xưa" của tác giả Tăng Bá Hoành
06/06/2023 08:23:04

 

Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ công nghệ 4.0. Nền nông nghiệp truyền thống, cổ điển được thay thế bằng một nền nông nghiệp hiện đại, bộ nông cụ gắn với nền nông nghiệp cổ điển ấy phần lớn chỉ còn trong ký ức và trong các bảo tàng dân tộc học hoặc bảo tàng địa phương, tuy thế cũng chỉ trên những nét căn bản chưa thể nói là đầy đủ. Hiện vật, hình ảnh, bản vẽ còn đó nhưng hiểu chức năng, cách sử dụng, cách chế tác ra nó cũng không dễ, chưa nói đến phương pháp bảo trì. Đây là cả một kho tàng tri thức dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỷ XX, Henri Oger thuê thợ Liễu Chàng vẽ và khắc in những nông cụ tiêu biểu đương thời. Năm 1928, Gouru một nhà dân tộc học người Pháp đi đến hàng nghìn làng để nghiên cứu về phong tục, tập quán người Việt, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1958, đoàn dân tộc học Liên Xô về Hải Dương tiếp tục nghiên cứu bộ nông cụ này ví nó là vật chứng cho nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng.

Trong khảo cổ học không ít hiện vật tìm được trong các tầng văn hóa nhưng hiểu được chức năng của nó cũng không dễ. Bởi thế mà chúng ta cần sớm tìm hiểu về bộ nông cụ của cha ông đã sáng tạo, sử dụng, bảo trì qua hàng thiên niên kỷ mà nay không còn trong các gia đình nông dân. Nông cụ của nước ta thật phong phú, đa dạng và mỗi miền một khác, bài viết chỉ giới thiệu khái lược trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ.

Nông cụ là công cụ để phục vụ sản xuất của nghề nông, của người nông dân, nó quyết định năng suất từng mùa vụ thông qua lao động của con người. Nghiên cứu một nền nông nghiệp không chỉ để biết nó sản xuất những thứ gì mà quan trọng hơn là nó được sản xuất bằng nông cụ gì? Chỉ trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ, bộ nông cụ ấy cũng vô cùng phong phú.

Con trâu là một cơ thể sống, đồng thời là công cụ về sức kéo số một của nhà nông, cũng vì thế mà ông cha ta gọi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ở đồng bằng Bắc Bộ nhiều ruộng triều bãi, không thích nghi với bò như những vùng đất pha cát hay miền núi. Ở miền Bắc cũng không có cày bừa đôi như đồng bằng Nam Bộ. Về số đo của bộ nông cụ cũng chỉ tương đối, có thể sai số 1-2%, bởi nông cụ không phải là hàng công nghiệp kỹ thuật cao.

Bộ nông cụ làm đất:

Cày, để phát huy sức kéo của trâu phải có cái cày. Đây là công cụ quan trọng nhất của nhà nông, nó xuất hiện từ thời đồ đồng. Thân cày là thành phần quan trọng nhất, phải làm bằng gỗ tốt, thường thường bằng gỗ táu, ưa nước và bền, canh điền xưa thường nói “Cày gỗ táu cày ngày sáu sào”. Hai bộ phận gắn liền với thân cày là mũi cày và riệp cày, đều bằng gang đúc, thường có 2 lỗ đinh để chốt khi lắp ráp. Láng cày bằng tre già, chằng cày bằng mây, kèm theo ốp láng và cá cày, bộ phận điều khiển nông sâu. Bắp cày thường làm bằng đoạn gốc tre góa già, phần đầu có nén và khuy sắt nối với rỏng rảnh bằng gỗ tốt, dài khoảng 50cm, hai đầu có khấc để mắc chão cày nối với ỏe, đây là những thứ chịu lực rất lớn nên đều phải tạo từ những vật liệu bền chắc và dẻo dai.

Phôi cày ngày xưa đều bằng gỗ tứ thiết chịu lực uốn và vặn, được bán nhiều ở những chợ lớn, nhất là những chợ vùng sơn cước. Cày bằng gỗ tốt có thể cày vài chục năm. Ở Nhà truyền thống Phú Thụy, Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên có một cái cày mà tay cầm mòn thắt lại chỉ bằng ngón tay cái.

Bừa, sau cái cày phải nói đến cái bừa, thứ nông cụ quan trọng thứ hai của nhà nông. Để tạo nên cái bừa phải có bàn tay thợ rèn, thậm chỉ phải nhờ nghệ nhân của những làng chuyên sản xuất cày bừa vì nó liên quan đến nghề rèn sắt thép và một số chi tiết chuyên ngành mà không phải thợ rèn làng nào cũng làm được. Răng bừa bằng sắt, dài 30cm, phần trên vuông, cạnh 1,5x1,5cm, mũi nhọn, có 11 răng. Răng bừa phía dưới tôi già để xé đất hiệu quả, phần đỉnh lại để non cho dễ tán khi đã lắp nhài. Nén, nhài, đinh cước, đinh tôm đều bằng sắt, những thứ này được chế tạo sẵn, bán ở hàng sắt, cũng có thể chế tạo ở lò rèn ở mỗi làng. Cái bừa dài 1,1m, đường kính 4,5cm. Gọng bừa là bộ phận nối cái bừa với chão bừa, dáng hơi cong, giữa có chằng bừa bằng sắt, mắc vào hai răng cuối, đặt lên lưng gọng, trên đó có đệm gỗ gọi là con cà cuống để tán lực trên gọng. Để giữ cho gọng cố định còn có đanh tôm trên lưng cà cuống. Cuối gọng bừa có đinh cước và khấc mắc chão cày. Khi đục lỗ tra gọng trên cái bừa là vấn đề kỹ thuật hệ trọng để khi bừa có độ nghiêng thích hợp. Gọng và cái bừa thường làm bằng gỗ nghiến hoặc lim vì đây là bộ phận chịu lực rất cao khi canh tác. Tay bừa phải làm bằng tre già. Tay bừa nối với cái bừa bằng sổ bừa. Sổ bừa nối với cái bừa bằng một lỗ chữ nhật ở phía dưới, có một lỗ đục đinh, xỏ mây buộc cố định vào cái bừa, trông rất gọn, xinh và bền chắc. Một cái bừa chế tạo khéo không khác một sản phẩm mỹ nghệ.

 

Cuốc ta là dụng cụ thiết yếu và phổ biến của nghề nông. Cuốc cổ truyền có bàn bằng gỗ, tựa bàn mai, nhưng lỗ tra ngang qua sỏ cuốc, hình vuông. Sỏ cuốc có đai sắt giữ cho bàn không bị vỡ, nứt khi tra cán cũng như khi lao động. Khi tra cán phải có nêm cuốc để giữ cho cán luôn chặt và gia cố phần tiếp xúc với bàn quốc. Lưỡi cuốc bằng sắt, phía trên có rãnh sâu để tra bàn, thời đại văn hóa Đông Sơn, lưỡi cuốc còn làm bằng đồng thau. Tên cuốc ta ra đời từ khi có cuốc tây trên thị trường, xưa chỉ có tên chung là cuốc.

Cuốc tây có lưỡi, bàn và lỗ tra cán là một khối liền, đều bằng sắt tôi già. Đầu thế kỷ XX, cuốc tây có trên thị trường Việt Nam, khỏe và tiện dụng nên cuốc ta ít dần và nay không còn trên thị trường. Dù có trâu cày vẫn phải dùng đến cuốc để vạ bờ cuốc góc, đánh luống khi trồng màu, nhất là trồng ngô, khoai... Về vụ mùa, đất đồng nếu gặt xong không cày ngay đều phải cuốc, cuốc như thế gọi là bẩy ải.

Móng có lưỡi và bàn như cuốc mộc, nhưng cán được tra theo chiều thẳng đứng, có nén tra cán bằng. Cán móng bằng tre già độ lớn vừa tay cầm. Móng dùng để đào mương, xẻ bờ, đào hố rất hiệu quả.

Mai có hình dáng giống như móng, chỉ khác là cán và bàn liền nhau, về kích thước cũng vậy. Nhưng tại sao dân gian lại hay nói mai dài hơn móng, đây là nói hàm ý theo nghĩa bóng, đồng thời cũng là cách chơi chữ. Mai là công cụ đào đất, đồng âm với mai là ngày mai, từ chỉ thời gian tương lai. Trong xã hội có những người nhận lời nhau nhưng không chịu thực hiện để ngày này qua ngày khác nên mới có thành ngữ “Mai dài hơn móng”.

Vì tính đa năng của cuốc, móng, mai như vậy mà nay vẫn tồn tại trong các gia đình nông dân.

Bộ công cụ tát nước: Bộ công cụ này gồm gầu dai, gầu sòng, gầu kéo và guồng nước, ở miền núi còn có cọn nước, tức dụng cụ dùng sức nước để đẩy nước lên cao.

Gầu dai có dáng như đầu trâu, đan bằng tre, có khung ràm bằng tre để đóng lưỡi và buộc thừng hay lạt vắn, cuối dây có ròng rọc bằng tre để tát êm tay bền sức. Lưỡi bằng ruột tre vầu non, tước cật rồi ép phẳng, cũng có thể làm bằng gốc tre đặc chẻ mỏng, bền nhưng hiệu quả sử dụng kém. Gầu dai phải cần hai người tát, có thể đưa nước lên cao 1-2m. Nếu lầu nước sâu, chỗ đứng thuận lợi, có thể tát 2-3 gầu một lúc.

Gầu sòng đan bằng tre, thân gầu dài chừng 1m, có thiết diện hình bán nguyệt, cán bằng tre dài chừng 2m buộc liền với đuôi gầu và thang ngang, có lưỡi như gầu dai, dùng phương pháp đòn bẩy để đưa nước lên cao, tối đa cũng chừng 1m và chỉ cần một người.

 

Gầu kéo làm bằng 2 tấm gỗ mỏng và nhẹ vuông góc với nhau, bịt kín hai đầu. Tấm đứng có ngõng tự đóng mở. Gầu loại này chỉ cần một người kéo nhưng chỉ có thể đưa nước lên 50-60cm.

Guồng nước cấu tạo phức tạp hơn, phần chính gồm một máng nước hình chữ u vuông góc, dài khoảng 4-5m, trong đặt một dây guồng gồm nhiều bát gỗ 25x25cm, vừa khít với máng guồng. Những bát gỗ nối với nhau như một dây xích, trên có một trục xoay để guồng nước. Trục có nhiều bàn đạp để 2 hoặc 4 người cùng đạp một lúc. Guồng có thể đưa nước lên cao trên 2m. Hiện nay, Hải Dương chỉ còn một guồng nước đang được lưu tại Bảo tàng. Đây là chiếc guồng Bác Hồ tham gia đạp nước tại Hiệp Lực, ngày 26 tháng 7 năm 1962, khi về thăm huyện Ninh Giang. Hôm ấy Bác có đọc một câu thơ vận truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chống úng thắng lợi mới là người ngoan.

Bộ công cụ vận chuyển: thuyền, đòn càn, đòn xóc, đòn gánh, đòn ống, quang, trành... đều là dụng cụ vận chuyển nhưng cách sử dụng và cấu tạo và trọng tải khác nhau:

Thuyền là phương tiện dùng phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, bởi ở đây sông ngòi như mạng nhện, ra khỏi làng là đã mắc sông ngòi. Đi chợ, đi làm đồng, chở lúa đều phải dùng đến thuyền. Thuyền dùng trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là thuyền nan, đan bằng tre, chống thấm nước bằng vỏ sắn giã nhỏ rồi đánh kỹ bằng cậng lá dừa. Ở vùng triều bãi, thuyền nan là phương tiện chuyên chở đi lại khi làm đồng rất hiệu quả, có thể chở 9-10 người và hàng tấn nông phẩm.

Đòn càn làm bằng tre vẳn, già, thường lấy đoạn rỗng cho nhẹ, dài trên 2m, đẽo vát hai đầu trái chiều nhau. Đòn càn chủ yếu dùng để gánh rơm rạ, vì bó rơm rạ lớn cần phải xiên sâu mới không mỏi khi vận chuyển. Đòn càn độ đàn hồi kém, rất khó gánh nặng, nhưng nhờ thân dài rất thuận cho việc gánh vật cồng kềnh nhưng nhẹ xốp như rơm rạ. Những người thiếu trung thực, cơ hội, nay nói thế này mai lại nói thế khác cốt có lợi cho mình, nên dân gian có câu “Đòn càn 2 mũi”.

Đòn xóc cũng được làm bằng tre có hai mũi nhọn nhưng không đẽo vát như đòn càn, hơi cong ở hai đầu, dài khoảng 2m, làm bằng đoạn gốc tre già, chẻ đôi rồi đẽo mỏng trong lòng cho nhẹ, độ đàn hồi rất cao nên gánh đỡ chối vai. Đòn xóc chủ yếu dùng để gánh lúa. Đòn càn, đòn xóc khi chế tác cần lựa sao cho đoạn gánh phải vào giữa dóng để đỡ đau vai.

Đòn ống làm bằng tre vẳn, rỗng, thẳng, già dùng để khiêng vật nặng, khi sử dụng ít nhất cũng phải hai người.

Đòn gánh cũng làm bằng tre già, đoạn gần gốc, đẽo mỏng phía bụng, dài khoảng gần 2m, hơi cong, cuối đòn để mấu để khi gánh không bị tuột quang. Đòn gánh của những người buôn bán chuyên nghiệp thường dài hơn 2m, hai đầu uốn cong, nơi đặt quang có khuy để cố định khi gánh. Đòn gánh loại này cũng có thể gọi là hàng mỹ nghệ.

 

Quang: được tạo bằng lạt tre non bện chắp, được quàng vào trôn quang theo một thể thức nhất định gọi là thắt trôn quang. Quang có 4 rảnh dài chừng 1m dùng để gánh, chuyển chở các đồ vật.

Trành: chức năng cũng như quang nhưng tạo bằng tre bánh tẻ, vót dẹt như đũa cái nhưng mỏng hơn, rồi uốn lại thành quang, dưới không có trôn cố định mà là hai dây thừng buộc ngang, tạo nên sự năng động khi sử dụng. Quang trành có thể chịu lực 50-60 cân.

Công cụ chặt, cắt, xén,...:

Liềm là công cụ không thể thiếu với nhà nông. Liềm gồm có chuôi gỗ và lưỡi liềm bằng sắt luyện, cán dài, có thể xuyên qua chuôi, đánh quặp lại ở phía cuối để chống long, tụt khi sử dụng. Chuôi liềm thường làm bằng gỗ ruối và phải có nén. Liềm có nhiều loại, liềm cắt cỏ, liềm cắt lúa, liềm xén. Do yêu cầu sử dụng mà kích thước và hình dáng có khác nhau đôi chút, như liềm cắt cỏ hình cổ cò, liềm xén hình mỏ rang, gồi lúa dù to cũng chỉ cần kéo nhẹ một đường là xong. Lưỡi liềm phải rẽ chấu, tựa như răng cá chuối, tôi già, ngâm vào nồi nước giải vài ngày trước khi sử dụng. Sau một vụ gặt, chấu cùn, đầu vụ sau lại phải nhờ thợ rèn rẽ lại.

Hái là công cụ chuyên để gặt lúa nhưng không cắt được rạ. Hái làm bằng gỗ, gồm tay hái và càng hái giống như một cánh tay gầy co lại tạo thành một góc nhọn. Tay hái có vòng dây mo để xỏ tay khi gặt lúa. Lưỡi bằng sắt mỏng, lưng thẳng, bụng vồng lên như dao bầu, lưỡi có chấu như liềm. Hái Bắc Bộ lưỡi cắm vào phía trong tay hái, ngược lại, hái miền Trung, lưỡi lại cắm đằng lưng trông rất kỳ.

Dao phát có hai loại, dao trường và dao quắm. Dao trường dài chừng một mét, chuôi dài dùng để phát cỏ bờ và phát những cây cỏ ven ruộng vườn. Dao quắm dài chừng 1,5m, chuôi dài hơn lưỡi, dùng để phát cây cỏ trên những nơi nhiều sành gạch, sỏi đá. Mũi dao chống xuống đất cho lưỡi đỡ quăn mẻ. Dao này phổ biến ở miền sơn cước.

Bộ lạt, dây các cỡ:

Lạt lúa là thứ đặc chủng, không thể thiếu về mùa gặt. Lạt có thể tự chẻ hoặc mua sẵn từng bó ở chợ quê khi vào mùa. Lạt chẻ bằng tre góa đủ lá, dài gần 2m, khi bó lúa chỉ cần nén, thiết, vắn rồi cài lại là đủ chặt. Loại lạt này thường chỉ dùng một lần, muốn dùng lại chỉ có thể ngâm nước, nối vào để bó rạ. Ngoài lạt lúa còn lạt mạ, lạt ba dóng, lạt vắn dùng để tát nước. Chẻ lạt là một thử thách với đàn ông, cũng như nuôi lợn cũng là một thử thách với phụ nữ.

Thừng đay để xỏ mũi trâu, chão dùng khi cày bừa. Sản xuất thừng chão thường được tập trung trong làng nghề.

Bộ công cụ đập, tuốt và phơi thóc: trục lúa, néo lúa, cối đập, chạc đẩy đá, gậy rơm, nạng, bàn trang, bàn dũi...

 

Bộ phơi và bảo quản nông sản: sàng, mẹt, nong, nia, bồ, cót, gành, thúng, sảo, quạt...

Trên đây là bộ nông cụ mà nhà nông nào cũng cần có và được bảo quản chu đáo khi rơm lên đống, thóc vào bồ, trong đó những loại bằng tre chúng được cất trên gác bếp, còn lại để ở chái nhà tránh mưa nắng nên có thể sử dụng hiệu quả nhiều năm. Bộ nông cụ này được thể hiện phần lớn trong bộ tranh Liễu Chàng, 4200 bản đã được khắc in vào năm 1908.

Bộ nông cụ của nhà nông Bắc Bộ cũng như của Việt Nam phần lớn làm bằng tre gỗ, sắt thép không nhiều, được kế thừa qua hàng nghìn năm, góp phần sản xuất, nuôi sống con người đời này qua đời khác, khi cần trở thành vũ khí đánh giặc, giữ nước, lập nên những chiến công lừng lẫy, chấn động địa cầu. Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn nông cụ Việt Nam trước khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa là để giữ gìn tri thức Việt một thời, thứ làm cơ sở bản lĩnh Việt Nam hôm nay. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Truyện ngắn "Khúc đồng chiều" của tác giả Nguyễn Thu Hằng(15/04/2024)
Một ngày(15/04/2024)
Ngẫu hứng tháng Ba(15/04/2024)
Anh Cả(15/04/2024)
Bài phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2028 (Ngày 29/02/2024) (11/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Ký ức tháng Tư..." của tác giả Bùi Việt Thắng(06/06/2023)
Mục Tác giả-Tác phẩm: "Nhà sử học Tăng Bá Hoành người say mê nghiên cứu sử học và dịch thuật"(05/06/2023)
Truyện ngắn "Hai cây gỗ quý" của tác giả Kiều Duy Khánh(05/06/2023)
Về thôi hôm qua(05/06/2023)
Sau mưa(05/06/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na