Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Hai cây gỗ quý" của tác giả Kiều Duy Khánh
05/06/2023 11:00:59

Tiếng con chim tăng ló kêu một hồi giục giã trên ngọn cây cạnh lều khiến ông Mầng tỉnh giấc. Nhìn qua vách liếp, ông giật mình. Mặt trời đã lên cao quá nóc lều. Mọi ngày vào giờ này, ông đã vào rừng tuần từ lâu lắm rồi.

 
 

Khó khăn lắm ông mới ngồi được dậy, thấy đầu đau như bị ai gõ. Sao hôm nay mình lại ngủ quên đến tận giờ này? Ngồi thần ra một lúc ông chợt nhớ ra. Tối qua ông uống bữa rượu chia tay với anh Thành cán bộ, say quá ông lăn ra ngủ tại chỗ lúc nào không biết. Nhìn ngó khắp lều mà không thấy anh cán bộ đâu.

“Kéc... kéc... kéc...”

Con chim tăng ló lại cất lên một hồi giục giã. Con chim kêu giọng khác thế, chắc có chuyện xảy ra trong cánh rừng rồi. Ông Mầng vội lao tới vách lều, lấy con dao đeo ngang hông rồi chạy vội vào rừng. Con chim vỗ cánh bay về phía trước như dẫn đường. Ông Mầng hối hả chạy theo, lòng nóng như vừa ăn cả nắm ớt rừng.

Con chim bay về phía con suối Ko Tôm, nơi có 2 cây đinh hương cổ thụ, to và đẹp nhất cánh rừng. Linh cảm có điều gì đã xảy ra với hai cây quý, ông hối hả hơn những bước chân.

Gần đến chỗ hai cây gỗ quý nhất rồi. Một khoảng trống mênh mông hiện ra trước mặt. Sao thế này? Cánh rừng xanh tươi thâm u bị xé toang, thấy cả bầu trời. Ông Mầng hoảng hốt, chân nọ đạp díu lên chân kia, lao nhanh về phía hai cái cây.

Ông bỗng ngã khuỵu xuống như người đột ngột bị trúng cơn gió núi, hai mắt trợn trừng, đỏ vằn những tia máu. Ông không còn tin vào mắt mình nữa. Hai cây gỗ đinh hương năm người ôm còn chưa chạm được vào tay nhau chỉ còn trơ lại hai cái gốc. Biểu tượng, niềm tự hào của cánh rừng đã bị khai tử. Cả một khoảng rừng bị đè nát, ngổn ngang những cây, những cành bị gãy dập. Từ vết cây bị cắt, những mụn nhựa ứa ra trắng đục như máu.

Ông Mầng quỳ gục xuống bên 2 gốc cây, đau đớn.

*

Từ khi nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho các tập thể, cá nhân trông coi, Hội Cựu chiến binh bản Trạm Hốc được giao cả cánh rừng Pha Cúng rộng bạt ngàn kéo dài từ chân dốc bản Xỉn đến tận bản Mông Keo Đồn. Hội Cựu chiến binh phân ra mỗi thành viên coi giữ một khoảng.

Ông Mầng được giao trông coi quả đồi San Phìa, một khoảng rừng gần như còn nguyên sinh với nhiều những cây gỗ tốt như nghiến, thông, lim, gụ… và nhiều loài thú quý hiếm. Đặc biệt cánh rừng có hai cây gỗ đinh hương hơn trăm tuổi, to như cái giếng bản.

Từ ngày ông Mầng được giao trông giữ cánh rừng, thỉnh thoảng lại có người lên đưa cho ông cả nắm tiền dày bằng cục gạch hoặc hứa cho một con trâu đực to chỉ xin ông làm ngơ cho họ chặt hai cây gỗ, nhưng ông thẳng thừng từ chối và đuổi ra khỏi lều.

Người cùng bản với ông rồi người cùng họ, có khi cả anh em con cháu thỉnh thoảng cũng lên tỉ tê năn nỉ ông cho chặt vài cây gỗ đẹp về làm nhà mới, làm ngơ cho vào săn con hươu, con hoẵng, ông đuổi tất. Người trong bản ghét ông, người trong họ ghét ông. Mỗi lần ông về bản, những người đã từng lên năn nỉ ông bĩu môi vênh mặt: “Không biết thương người trong họ thì như con chim không biết thương đàn, bị đàn bỏ rơi, bay một mình lạc lối thôi”. Ông mặc kệ. Những lời nói xấu như con cú kêu ban đêm thì không đi qua được vách đá, chỉ vọng lại tai người nói mà thôi.

*

Có tiếng xe máy ì ì leo lên cái dốc rồi dừng lại trước cửa lều. Ông Mầng cũng vừa đi tuần rừng về, trên tay nặng trĩu một xâu củ mài to như bắp chân.

Một người thanh niên lạ, ăn mặc khá lịch sự, đầu tóc bóng mượt xuất hiện. Vừa bước khỏi xe, anh thanh niên đã chạy tới bắt tay ông:

- Chào bố, con tên là Thành, cán bộ ngoài phòng nông nghiệp huyện. Con được giao nhiệm vụ vào đây để kiểm đếm những loài gỗ quý trong cánh rừng này còn có biện pháp bảo vệ. Con sẽ ở đây vài ngày, bố giúp con tìm hiểu, thống kê những cây gỗ quý trong rừng nhé, con trả công hẳn hoi.

Ngay buổi chiều hôm đó Thành đã sốt sắng giục ông đưa vào rừng. Cứ thấy cây nào to, đẹp, quý là Thành chụp rất nhiều ảnh bảo đem về báo cáo. Thành ngẩn ngơ khi đứng trước hai cây đinh hương. Chà, đẹp và quý quá. Hai cây này giá trị lắm đây. Phải trông coi bảo vệ thật cẩn thận bố ạ.

Hết tìm hiểu cây, Thành lại nhờ ông chỉ cho những con đường đi vào và ra khỏi cánh rừng, ghi ghi chép chép rồi vẽ những hình ngoằn ngoèo chi chít, ngó vào những hình vẽ cứ như đàn rắn bò ấy, ông Mầng chẳng hiểu gì cả.

*

Thành ôm lấy vai ông Mầng niềm nở:

- Sáng mai con phải về huyện sớm để báo cáo kết quả kiểm tra cánh rừng cho lãnh đạo rồi bố ạ. Ở với bố mấy ngày mà con thấy quý cái tính thật thà của bố quá cơ. Tí nữa con xuống chợ mua tí đồ nhắm, tối nay bố con mình uống với nhau vài chén rượu chia tay, tiện thể con muốn được nhận bố làm bố nuôi để bố con mình lấy chỗ đi lại.

Nói rồi Thành phóng xe đi đến tối mịt mới quay lại. Đưa cho ông Mầng cân thịt lợn và một chai rượu, rổn rảng. Bố làm giúp con để tối nay bố con mình uống rượu, con tranh thủ ra ngắm cánh rừng một lúc, mai về cho đỡ nhớ.

Ông Mầng ít khi uống rượu, nhưng Thành mời nhiệt tình quá nên cũng miễn cưỡng cạn vài chén. Nhưng vừa uống được một lúc ông đã thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng, mắt thì cứ muốn dính lại. Chỉ một lúc sau, ông lăn ra ngủ, ngay tại mâm, không còn biết đất trời gì nữa.

*

Bây giờ thì ông Mầng đã hiểu ra tất cả. Cái thằng xưng là cán bộ huyện hóa ra là một tên lừa đảo, một gã lâm tặc. Thảo nào ngay từ lần gặp đầu tiên, ông đã thấy ở nó có cái gì đó giả dối. Ông đứng bật dậy như một cái lò xo. Và giờ thì ông chạy. Ông chạy như con nai bị hổ đuổi, như con thỏ chạy trốn con chó săn. Đầu ông lúc này chỉ thấy hiện lên hình ảnh hai cái gốc cây đinh hương…

Những bụi gai giăng như lưới, mặc. Ông vẫn hùng hục chạy. Ông rẽ cây mà chạy, giẫm lên gai mà chạy. Bàn chân, hai cánh tay, mặt mũi ông bị gai cào tóe máu, quần áo rách tả tơi, mắc từng mảnh vào cây.

Ông Mầng chạy thẳng đến nhà ông Pín, chi hội trưởng cựu chiến binh bản. Vừa hổn hển thở, lão vừa phệu phạo:

- Anh Pín ơi, tôi để bọn lâm tặc nó chặt trộm mất hai cây đinh hương to rồi…

Chỉ nói được mấy câu như vậy, ông ngã khuỵu xuống dưới chân cầu thang. Phải một lúc lâu sau ông mới lấy lại được bình tĩnh, vừa thổn thển thở, ông vừa kể lại toàn bộ câu chuyện một cách rời rạc, đứt quãng.

Ông Pín mặt cứ tái dần đi theo mỗi lời ông Mầng kể. Rồi không nói không rằng, ông Pín lao vội ra sân, lấy cái xe máy và phóng đi. Ông cũng vội vã chẳng kém ông Mầng lúc chạy từ rừng về. Ông Mầng chẳng hiểu ông Pín chạy đi đâu, cứ nghệt ra nhìn theo, ngơ ngác.

Độ một tiếng sau thì ông Pín về. Ông có vẻ bình tĩnh hơn một chút. Rót cho ông Mầng chén nước, ông chậm rãi:

- Tôi vừa lên báo xã và các anh trong đồn biên phòng, các anh ở trạm kiểm lâm rồi. Các anh ấy đang tổ chức truy bắt bọn phá rừng. Không biết có tìm được không? Có tìm được thì cũng chẳng thể cứu lại hai cây gỗ quý…

Ông Mầng chẳng biết nói gì, cứ thần người ra, hai bàn tay thô ráp thì cứ vặn mãi cái cúc áo, đến khi cái cúc áo đứt bung ra, ông mới giật mình lúng túng. Một lúc sau, ông mới nghẹn ngào:

- Tôi sai rồi ông Pín ơi, tôi không xứng đáng để nhận nhiệm vụ này nữa, ông cho tôi xin nghỉ thôi…

*

Hai hôm nay ông Mầng không động đến một hạt cơm. Ông cứ nằm đó, trên cái giường cũ kỹ như một cái xác. Mắt ông mở trừng trừng nhìn lên nóc nhà, cả đêm và ngày đều thế. Hồn ông bây giờ nó đang đi tuần ở cánh rừng Phắc Ban.

Có tiếng xe máy đi vào, rồi tiếng bước chân bầm bập lên cầu thang. Giọng ông Pín ồm ồm gọi với lên:

- Ông Mầng à, có nhà không đấy?

Ông uể oải ngồi dậy. Tôi vẫn ở nhà đợi ông đến phạt cái tội làm mất hai cây quý đây mà…

Ông Pín bước vào trong nhà, ngạc nhiên:

- Sao có hai ngày không gặp mà nhìn ông như con nai bị đói cỏ, như con chim gáy bị mất bạn thế này? Ông phải vào ngay mà trông cái rừng đi, không bọn lâm tặc nó lại vào phá hết bây giờ.

Ông Mầng không tin vào tai mình. Ông tưởng lão Pín đang đùa cợt mình. Thà chửi thẳng vài câu còn đỡ hơn là nói mát nói mẻ thế này đấy ông Pín à. Tôi biết là tôi đã sai rồi. Nếu có phải nhảy xuống cái vực bên núi Cơi Pòn mà làm sống lại hai cây gỗ quý tôi cũng nhảy luôn đấy.

Nhưng ông Pín không nói đùa. Ông đi đến ông bạn già, đận đà:

- Các anh biên phòng, kiểm lâm và công an xã đã bắt được bọn chặt trộm hai cây đinh hương rồi. Nó khai hết, cả thủ đoạn bỏ thuốc mê vào rượu để lừa ông đấy. Ông không có lỗi đâu, phải vào ngay mà trông cánh rừng đi không lũ lâm tặc nó vào phá hết cánh rừng đấy!

*

Ông Mầng vừa đi tuần rừng về. Cả sáng nay đi lùng khắp rừng ông mới nhặt được 2 cái hạt cây đinh hương tròn mẩy nhất. Ông sẽ ươm mầm, trồng lại hai cây đinh hương khác để đền cho bản, cho xã, cho cánh rừng thân yêu và cho lòng tin của chi hội cựu chiến binh bản đối với mình.

Chọn đúng ngày tốt, rẫy hai khoảng đất rộng cạnh hai gốc cây đinh hương đã bị chặt trộm, vào rừng lấy mấy bao phân thú về, trộn lẫn đất rồi ươm xuống hai hạt đinh hương. Ngày nào cũng xuống lũng sâu múc nước lên tưới cho chúng với niềm hi vọng lớn lao.

Sáng nay ra thăm hai cái hạt, suýt thì ông hét to cho cả núi rừng biết. Hai hạt đinh hương đã nhu nhú đội đất chui lên hai cái mầm xanh mơn mởn ngơ ngác giữa đất trời. Ông rưng rưng đưa ngón tay xù xì thật khẽ, thật khẽ vuốt ve từng mầm cây âu yếm.

Đêm nay là đêm đầu tiên từ ngày quay lại với cánh rừng, ông Mầng ngủ ngon giấc. Trên ngọn cây cạnh lều, thi thoảng con chim tăng ló lại đánh rơi vài tiếng “Pặp…pặp ” chắc nó cũng đang mơ... 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Về thôi hôm qua(05/06/2023)
Sau mưa(05/06/2023)
Bút ký của "Một vị tướng một tấm lòng son" của tác giả Vũ Tuyết Mây(05/06/2023)
Truyện ngắn "Di ngôn" của tác giả Nguyễn Thu Hà(02/06/2023)
Bài hát ngôi sao xanh (31/05/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na