Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Bút ký của "Một vị tướng một tấm lòng son" của tác giả Vũ Tuyết Mây
05/06/2023 12:00:00

Từ những năm giao thông đi lại còn khó khăn, tôi đã có cơ may, hai lần được đặt chân lên mảnh đất Quảng Trị, nơi có nhiều địa danh khắc sâu vào tâm khảm cả dân tộc: cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, Khe Sanh… ; chỗ cái tên như ta đang đi về miền cổ tích: Dốc Miếu, Cồn Tiên, Ái Tử, Quán Ngang, Thạch Hãn, Nham Biều…; lại có những địa danh nghe lạ lẫm, như ở tận trời Tây: Phu Lơ, Gio An, Tà Cơn, Cha Lo…

 

Nhưng đấy chính là những cái tên, ngay từ những ngày còn tuổi học trò, mỗi sáng mỗi chiều tôi lại hồi hộp, đón chờ tin thắng trận từ những miền đất ấy gửi ra, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng có khi buồn thương trĩu nặng, không ngăn nổi dòng nước mắt tuôn chảy, đấy là lúc chiều về, làng tôi nhận được giấy báo tin, lại một người trai nữa ngoài mặt trận ngã xuống. Thế nghĩa là đâu đó trong xóm làng, có một bà mẹ sẽ đứt từng khúc ruột, khi biết mình vĩnh viễn mất đứa con thương, có một người con gái không còn niềm hy vọng đón người yêu từ mặt trận trở về, tất cả chỉ còn lại bóng hình “… Người chiến sĩ mười tám, đôi mươi/ Bàn tay chưa có chai/ đẹp như bàn tay con gái/ ngày mai ra trận…”

Quảng Trị khi ấy trong tâm trí tôi sâu và xa thăm thẳm, bởi núi rừng sâu thẳm, mênh mông đến tận tít chân trời, chẳng có đường ngang, ngõ dọc, chỉ có những cây cối cao thấp, dây leo chằng chịt cách ngăn; chỉ có những cánh rừng bị bom đạn cày xới, và những cuộc càn quét, đốt phá, giết chóc đẫm máu của quân xâm lược Mỹ. Nhưng sâu nặng hơn vẫn là hình ảnh những người mẹ lưng còng, nón lá, chân lấm bùn, liêu xiêu ra tận cổng làng, ống tay áo làm khăn lau nước mắt, dõi theo bước chân xa dần của đứa con lên đường vào Quảng Trị, vào miền Nam xa xôi: “Đi rồi về nhé con! Nhớ nhé! Phải về đấy con ơi…!”. Hình ảnh ấy và những lời dặn ấy, đã ngấm vào tận xương tủy của lớp người thời kháng chiến!

Lại nhớ, buổi sáng ấy, tại sân kho hợp tác xã, làng tiễn chân đơn vị đêm qua trên đường hành quân vào chiến trường nghỉ lại. Những cô gái làng, áo nâu non lật tà phấp phới, má ửng hồng, mà nước mắt trào dâng, trước những người trai xanh màu xanh áo lính, mắt còn vương nét thơ ngây. Các cô đưa tiễn đoàn quân bằng làn điệu chèo: “Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà em yêu/ Mẹ già em dại đã có em lo/ Ngày mai hết giặc anh lại về/ Ngàn trùng dù có cách xa/ Em vẫn đợi, em vẫn chờ…”.

Thật buồn! Đoàn quân hôm ấy, những người mà em yêu, em đợi, em chờ, có rất nhiều người mãi mãi không trở về. Họ đã lần lượt ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại trên những nẻo đường hành quân ra trận, trong những trận đánh nhau với quân thù trên đất Quảng Trị và dọc dài ở những triền đất miền Nam xa xôi ấy.

Qua cầu Hiền Lương, bước chân vào Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 và nhiều nghĩa trang khác nữa, tận mắt nhìn hàng hàng bia mộ nối dài, vượt ra ngoài tầm mắt, trên những quả đồi cao thấp, ghi tên cả ngàn vạn chiến sĩ, những người anh hùng, những tưởng thế là mình đã hiểu được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh...

Nhưng không. Chỉ đến một ngày giữa mùa thu năm 2022, tôi may mắn có cuộc tiếp xúc với Viện sĩ, Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, đồng thời tiếp cận với cuốn “Một thời Quảng Trị” của tác giả. Qua lời kể của Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu, tôi mới hiểu một cách đầy đủ, cặn kẽ về ý nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng, giá trị của mỗi tấc đất ở Quảng Trị, và cái giá phải trả vì một cuộc sống bình yên cho dân tộc, đó chính là tận cùng của sự tàn khốc, tận cùng của sự hy sinh, tận cùng của lòng yêu Tổ quốc... và đây cũng là đỉnh cao của lý trí, của sự hy sinh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng dân tộc Việt Nam: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Một thời Quảng Trị”, bên cạnh những trận đánh đồn, diệt bốt, luồn rừng chặn địch, giành giật từng cứ điểm, chia lửa với Thành cổ Quảng Trị, và những hướng chiến lược toàn miền Nam, nhanh chóng giải phóng cho nhân dân khỏi sự kiềm tỏa… Là bom đạn cày xới dọc ngang, là thương vong, là những cuộc cân não, giành giật từng tấc đất, từng cứ điểm… Là người này ngã xuống, người sau lại xông lên, khi lựu đạn đã xì khói, khi lưỡi lê sáng loáng… Là ngọn lửa ấm tình đồng đội, tình quân dân, tình sau trước… từng khoảnh khắc, từng gương mặt, ánh mắt và lời nói… cứ xoắn bện, chất chồng, theo trí nhớ của người Anh hùng. “Khi ấy có những lúc chúng tôi phải hành quân đêm, ngày ẩn sâu vào lòng đất mẹ, để che mắt quân thù; vì ban ngày bom đạn cày xới mịt mùng”. Lại có: “Những giờ phút lặng phắc nín thở chờ giặc tới, tưởng như trái tim sắp vỡ cùng thời gian”, “Những trận chiến thiêu cháy quân thù bằng tất cả hờn căm…”.

Làng xóm, gia đình và đồng đội của Vị tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn còn nhớ như in cái ngày ông nhập ngũ, khi vừa mới sang tuổi 18 (ngày 20 tháng 2 năm 1965), rồi trưởng thành bắt đầu từ người chiến sĩ, và những trận chiến đánh đuổi quân thù.

Những năm 1968 đến 1972, khi mặt trận Quảng Trị trở thành nơi ác liệt nhất của các chiến trường miền Nam. Khi giữa ta và địch tranh chấp nhau tất cả những gì cần cho sự chiến thắng của mỗi bên: từ đảo Cồn Cỏ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương đến địa đạo Vịnh Mốc, Dốc Miếu, Cồn Tiên, sông Thạch Hãn, Thành cổ… đó lại là những địa danh gắn liền với những vùng đất hoang tàn, bị chia cắt bởi sông ngòi, rừng núi, và bị cày xới bởi đạn bom, bao phủ lên là khí hậu chỉ có hai mùa, nắng cháy và mưa nguồn… mà nhà thơ Tố Hữu từng mô tả bằng thơ:

Anh về Quảng Trị, Gio Linh

Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang

Bời bời cỏ lút đồng hoang

Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn

Tả tơi mấy ấp khu dồn

Mái tôn, rào kẽm tháp đồn bơ vơ!

Sau những ngày hành quân cháy lưng, rộp chân từ đất Bắc, rồi những đêm bí mật luồn rừng, cắt sông đến điểm tập kết, và sau cái đêm mưa tầm tã, pháo sáng, máy bay quần thảo ném bom, đạn pháo từ các căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, Ái Tử, Đông Hà… bắn dọc các triền sông, hòng ngăn chặn bộ đội ta vượt sông, thì Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội vẫn đến được đất Quảng Trị theo lệnh điều động của trên.

Có những cái tên dù đã đi qua mấy chục năm, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí và tình cảm của ông. Đầu tiên là đêm 27 tháng 2 năm 1968 vượt sông, đồng đội ông hy sinh.

Để vào được chiến trường Quảng Trị, ông và đồng đội phải vượt sông Bến Hải dưới những làn đạn pháo và những pha quét đèn tai mắt địch, chỉ bằng những chiếc đò, mảng chuối, những chiếc dây song giăng qua sông của du kích xã Vĩnh Giang, và cả những tấm nylon buộc túm làm phao. Thế nghĩa là những người lính qua sông trên thượng nguồn bằng tất cả những gì có thể qua được. Tại khúc sông này, Tiểu đội phó Dương Văn Dũng, tiểu đoàn 2 hy sinh trong đêm 27 tháng 2 năm 1968, do bị bom tọa độ.

Ngay từ khi đặt chân lên đất Quảng Trị, Trung đoàn 27 của ông đã bắt tay ngay vào việc bí mật đào công sự, lập trận địa phục kích, đánh địch. Và ngay từ trận đầu, chỉ sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 1, tiểu đoàn 2, đã tiêu diệt gọn Trung đội thám báo Mỹ đang đi tuần tra, lùng sục cán bộ, bộ đội ta.

Từ trận đầu, Nguyễn Huy Hiệu đã ghi nhớ từng cái tên, từng gương mặt, quê quán của từng đồng đội, đã anh dũng hy sinh vào nhật ký ký ức. Rồi từ đấy, dù đi qua bao trận đánh, tiếp đến bao chặng đường hành quân, trong những thời khắc khốc liệt hay khải hoàn, ông vẫn ghi trong tim những gương mặt, những cái tên cùng quê quán, đã nối tiếp ngã xuống trước mũi súng, hay bom đạn của quân thù… Đó là: tiểu đội trưởng Lê Viết Thuật, quê Liên Minh, Diễn Nghĩa, Diễn Châu, Nghệ An; chiến sĩ Hồ Xuân Vinh, quê Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An; chiến sĩ Nguyễn Viết Linh, quê Phú Linh, Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An. Thi hài các anh được chuyển về xã Vĩnh Trường, Vĩnh Linh làm lễ truy điệu và an táng.

Trận đầu chiến thắng. Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 của ông được lệnh triển khai lực lượng, đánh địch ở Cồn Tiên, qua Long Sơ, sang Dốc Miếu. Kết hợp cùng đơn vị bạn vây ép Cồn Tiên từ 3 phía, trong khi từ các tháp canh bắn ra như vãi đạn. Nhờ mưu trí, dũng cảm, trận đánh này đã tiêu diệt và làm bị thương 150 tên lính Mỹ, thu hàng chục loại vũ khí. Trận này, Nguyễn Huy Hiệu cũng đã kịp thời ghi lại những cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh, bằng cả lòng thương xót: Trung đội trưởng Lê Ngọc Thu, Trung đội trưởng Phạm Sĩ Công cùng 3 chiến sĩ: Lê Hữu Biền, quê Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An; Nguyễn Văn Biền, quê Xóm Trung, Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An; Trần Ngọc Hà, quê Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Các anh được đơn vị đưa về an táng tại xã Vĩnh Trường, khu vực Vĩnh Linh. Ông cũng tạc vào lòng sự hy sinh cao cả của chiến sĩ Cao Như Thiêm. Thiêm trong mũi tiến công tổ 3 người, bắn đến viên đạn cuối cùng, dù hai lần bị thương. Bị địch bắt, dụ dỗ, anh quyết không khai. Tức tối, địch dựng anh bên gốc cây đa đầu làng rồi xả súng bắn. Trước lúc bị bắn, anh ngoảnh mặt về phía Bắc hô lớn:

“Việt Nam nhất định thắng lợi

Hồ Chí Minh muôn Năm!”

Còn nhiều và rất nhiều trận đánh nữa, dọc theo chiều dài của cuộc chiến tranh, ông và đồng đội đã bước những bước thần kỳ đến tận cột mốc 30 tháng 4 năm 1975, với chiến thắng trọn vẹn của quân đội ta, đưa non sông về một dải.

Dọc đường chiến tranh, vị tướng vẫn không quên hàng trăm đồng đội đã kiên cường dũng cảm chiến đấu và đã anh dũng hy sinh ngay trước mắt ông. Vì thế, ngày 20 tháng 12 năm 1973, ngày được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã viết và ông đã khóc: “… Nhận danh hiệu Anh hùng, tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đại đội Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư… chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B.41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 27- Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống… Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này…”. Đọc dòng nhật ký của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhà báo chiến trường Vũ Thuộc, Tổng Biên tập tờ Tiền Tuyến đã thốt lên: “Đúng như vậy đấy Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu ạ! Cả bộ quân hàm Thượng tướng anh đang mang trên người, cũng là nhờ họ. Mọi vinh quang của chúng ta, của Đảng, Tổ quốc, của nhân dân ta có được như hôm nay… tất cả đều nhờ họ - những người con thân yêu đã ngã xuống trong “Một thời Quảng Trị”, trong một thời 30 năm chiến đấu, hy sinh của cả dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Chiến tranh đi qua, rất nhiều người đã tưởng các anh, những người lính từ trận mạc trở về, sẽ nghỉ ngơi và an nhiên với đời thường, bù lại những ngày gian khổ, hy sinh. Nhưng không. Ông, vị tướng lại chọn cách sống, tiếp tục được cống hiến, tiếp tục được tham gia giữ gìn bờ cõi, tiếp tục được đi, được đến và được tri ân mảnh đất Quảng Trị, nơi bao đồng đội, đồng bào từng đổ máu, có cả máu của ông, bao ngôi làng, cánh rừng bị tàn phá. Và ông đã thực hiện ý nguyện của mình chỉ bằng một tấm lòng son.

Làm Trung đoàn trưởng rồi Quân đoàn trưởng, ông đã dẫn quân đi ươm trồng, lấy lại màu xanh, sự sống cho những quả đồi, triền núi của Quảng Trị, nơi từng bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá năm xưa, bằng hẳn một chiến dịch: “Màu xanh đồng bằng”. Màu xanh đồng bằng đem đến cho núi rừng nhiều vùng, nhiều quả đồi, một màu xanh tươi cây cối, không khí mát lành, hoa trái xum xuê. “Màu xanh đồng bằng” còn cung cấp cho ngành lâm nghiệp từ Quảng trị đến Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh hai triệu cây lát hoa, tràm hoa cùng hàng ngàn cây giống bạch đàn, xà cừ, phi lao.

Trong chuyến công tác bên Ấn Độ, ông có vinh dự được bà Thủ tướng In- đra-Gian-đi tặng cây đa, từ phong trào “Xanh” của đất nước Ấn Độ. Suốt những ngày công tác, ông đã giữ gìn, bảo vệ cây đa như một báu vật. Trở về nước, ông tiếp tục ươm trồng cho xanh tốt, rồi mang vào trồng ở thị xã Quảng Trị, cùng với số cây lát hoa.

Ngày kỷ niệm 20 năm giải phóng Quảng Trị (28 tháng 4 năm 1992), ông dẫn một đoàn đại biểu của Quân đoàn 1 vào dự kỷ niệm, rồi cùng quân và dân Quảng Trị khởi công xây dựng tượng đài chiến thắng tại ngã ba Long Hưng - cửa ngõ Tây Nam Thành cổ Quảng Trị.

Năm 1998, khi mang hàm Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông về thăm xã Gia Bình, tìm lại chỗ đất có cây đa – Đài quan sát của ta thời chiến tranh, nơi chiến sĩ Cao Xuân Thiêm đứng tựa lưng vào gốc đa, mặt ngoảnh về miền Bắc, anh dũng hy sinh… trồng vào gốc đa cũ một cây đa búp đỏ. Cùng với trồng đa, ông dành lương của mình hỗ trợ dân làng đào đắp, xây lại giếng nước, cái giếng từng là nơi tắm rửa cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, trước khi đưa đến nơi an táng, bị bom đạn vùi lấp trong những trận giao tranh.

Có dịp quay trở lại, nhìn chiếc giếng thời chiến tranh, từng soi tỏ gương mặt của những anh hùng liệt sĩ, giờ được xây thành bằng đá xanh, cây đa búp đỏ đứng phía sau, tạo cho làng Gia Bình đã bình yên, còn thêm đẹp, thêm tươi, mà ông không ngăn được nước mắt.

Thấy người dân Gia Bình tâm đắc với cây đa, giếng nước, lòng còn thiết tha muốn xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ, để được hương nến cho các liệt sĩ mỗi ngày, ông kêu gọi, rồi dẫn nhà tài trợ quay trở lại Gia Bình lần thứ ba. Năm 2008, ngôi đình khánh thành, đúng vào 27 tháng 7, ngày Thương binh, Liệt sĩ.

Hơn bốn mươi năm sau chiến tranh, bây giờ vị tướng trên trận mạc giữ Thành cổ Quảng Trị Nguyễn Huy Hiệu đã ở vào tuổi bảy mươi, nhưng vì những kỷ niệm một thời, mà năm nào ông cũng khăn gói, quay lại Quảng Trị, để thăm lại mảnh đất và những con người từng gắn bó, chở che, hy sinh. Và lần nào cũng vậy, sau một chặng đường dài, dù trời nắng hay mưa, hễ đặt chân tới đất Quảng Trị, lòng ông vẫn nguyên vẹn quặn thắt một nỗi buồn, đau đến sương gió cũng ngậm ngùi. Đấy là ông nghĩ tới xương cốt chiến sĩ ông còn nằm trong lòng đất Thành cổ Quảng Trị, lòng sông Thạch Hãn, trong rất nhiều con sông, khe suối, cheo leo núi đồi… mà không có bia mộ. Và ông coi những câu thơ viết về người lính, đang nằm dưới lòng sông sâu, hay trong lòng đất mẹ, chính là bài ca bi hùng viết về những người lính của ông, và của cả cuộc đời ông, người lính già đã qua hàng trăm trận đánh, đã đi cả ngàn, vạn bước chân không mỏi:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

…Xin cỏ cây chớ vô tình tươi tốt

Và sông kia đừng xiết xoáy đổi dòng

Móng những công trình xin đừng vô cảm

Lớp lớp địa tầng đồng đội chúng tôi đông

Và hoa nữa mỗi lần đua nở

Ngát hương đời cũng từ đất mà thơm

Hãy cúi xuống hôn vào lòng đất mẹ

Nơi những linh hồn yên nghỉ gió mưa chan”

Một tấm lòng son trong tình đồng đội của vị Tướng Nguyễn Huy Hiệu, chính là sự tiếp nối truyền thống của cha ông ta “… Tướng sĩ một lòng Phụ Tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…” (*).

Một tấm lòng vì dân, vì nước đã tạo cho vị tướng Nguyễn Huy Hiệu và đồng đội của ông có đủ niềm tin, sáng tạo trong cách đánh địch. Niềm tin, lòng dũng cảm và ý chí quyết thắng, đã tạo nên sức mạnh không gì có thể lay chuyển nổi. Và ông xứng đáng được nhân dân và đồng đội suy tôn là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, với một lòng kính trọng và ngưỡng mộ. 

 
(*) Trích trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Cho tôi về...(23/04/2024)
Chiều ấy(23/04/2024)
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền" (23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Di ngôn" của tác giả Nguyễn Thu Hà(02/06/2023)
Bài hát ngôi sao xanh (31/05/2023)
Tới Côn Đảo(31/05/2023)
Những cô gái Trường Sơn năm xưa(31/05/2023)
Truyện ngắn "Hoa trên đá" của tác giả Trần Thúy Lành(31/05/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na