Minh hoạ: Bùi Quang Đức
1. Hoà ngồi bệt trên đất, rúc vào góc hiên, hai tay ôm lấy đầu đang thụt vào giữa hai đầu gối để chắn không cho tiếng khóc của con Hiền xói vào tai. Ba nó chết rồi. Ba đã chết sau những lời nó nói đêm qua…Tiếng khóc của con Hiền như những giọt nước sôi rớt từng giọt, từng giọt lên đầu Hoà. Hình như cả người nó tê liệt, trống rỗng còn lục phủ ngũ tạng nó nhồi hết lên hộp sọ. Nó ân hận và đau đớn. Cả xấu hổ nữa. Nhưng nó không biết phải làm gì bây giờ. Nó tê liệt. Và nó nhận ra, nó đang mong chờ anh Hai về. Không, là nó đặt toàn bộ hi vọng vào anh Hai, người mà xưa giờ nó ghét cay ghét đắng. Nó ghét anh bởi trong mắt ba, nó luôn là đứa ngỗ nghịch và nông cạn còn anh Hai luôn là niềm tự hào. Nó ghét anh Hai bởi từ bé, nó luôn cảm nhận ba dành cho anh sự dịu dàng và che chở, nhưng lại dành cho nó sự nghiêm khắc khó chịu. Nó ghét anh cũng vì mỗi khi ba dữ đòn phạt nó thì anh toàn lao vào bênh vực, che chắn. Chỉ khi đó, ba mới dịu lại. Bao nhiêu uất ức, phản ứng với ba nó dồn sang căm ghét anh. Trong thâm tâm, nó biết nó vô lý và anh Hai vô tội. Nhưng chỉ có như thế nó mới bớt ghen tị với sự dịu dàng ba nó dành cho Hai Thành.
Người ta đang mang xác ba đặt vô cái ghế bố kê giữa nhà. Gọi là nhà cho sang chứ chỉ có vách trước và bếp sau là ba má Hoà làm nên thôi. Từ khi con đường đất trước nhà chuyển lên đường nhựa, giá nhà đất lên vùn vụt. Hai nhà hàng xóm sát hai bên vách bán căn nhà sập sệ của họ lấy mớ tiền vài chục lượng vàng rồi dời đi. Rồi hai nhà hàng xóm mới về xây nhà ba tầng hai bên, cái nhà vách gỗ cũ của ba má sập luôn. Người ta dựng đền lại bốn cây trụ bê tông rồi lợp lên mái tôn mới, gác liền vào cho nhà Hoà dùng hai bên vách tường nhà họ. Má lén ba bán chiếc dây chuyền vàng y đeo trên cổ, kêu người ta chở gạch cát về xây bếp và công trình phụ. Ba buồn hiu cả tháng. Chiếc dây chuyền đó là thứ duy nhất ba mua được cho má trước ngày có Hoà. Tiền bán chiếc dây chuyền đó đủ xây khu bếp nhưng không đủ làm cửa và hiên trước. Ba dậy sớm hơn và về muộn hơn, khi ba anh em Hoà đã say ngủ. Trong suốt nửa năm nó học lớp năm, gần như anh em Hoà không thấy mặt ba. Chiếc xích lô với đôi bánh trước quấn chằng những sợi cao su màu đỏ hồng ba cắt từ ruột xe đạp cũ xin ở hàng vá xe để bảo vệ đôi bánh trước bám đường chống trượt. Tới khi Hoà lên lớp sáu, anh Hai nằng nặc đòi đi bộ đội dù thừa điểm đậu đại học Y. Ba má buồn không cản hai Thành được. Tiền định để đóng học phí cho anh Hai ba lấy dựng mặt nhà phía trước. Ba xây hẳn cái bậu chắn ngoài hàng hiên, cắm vô đó hai cây sắt chữ U rồi giăng dây thép cho má treo lan. Dưới hàng ba lợp ván gỗ dỡ ra từ nhà cũ, bộ ngựa cổ đen bóng đã có trước cả anh Hai là nơi cả nhà ăn cơm chiều, đón khách tới chơi và đôi khi, má nằm chờ ba đạp xe về lúc nửa khuya.
Má chết cũng ngay trên bộ ngựa đó. Vào đêm mưa tháng Sáu muốn thúi trời đất. Đêm ấy ba ráng đạp thêm cuốc xe chở người ta ra bến Bình Đông bắt ghe xuôi về Cái Răng quê má. Ba đã không muốn đi nhưng nghe người ta năn nỉ, rồi má nhủ ba ráng đưa bà dì ông dượng đó đặng họ kịp ghe khách đỡ cảnh sang ghe hàng. Ba nấn ná bên má hoài vì má ho sốt cả tuần chưa đỡ. Đêm đó, má vô tém mùng cho Hoà và con Hiền xong, còn nán lại xoa đầu dặn Hoà phải chịu lời ba giống anh Hai, phải nhường em và bớt mấy trò nghịch dại. Anh Hai sắp ra quân rồi, Hoà nghe anh dạy để đặng học giỏi sau này ấm thân. Tiếng má rủ rỉ kèm những cơn ho kéo rít giữa chừng khiến Hoà vừa xúc động lại vừa lâng lâng sung sướng mà ngủ thiếp bên cạnh em lúc nào không hay. Tới chừng nghe tiếng xoảng của cà mèn phở rơi trên nền xi măng ngoài hiên và tiếng ba nấc gào kêu cứu, nó mới sực tỉnh và cũng rơi vào cảm giác nghẹn sốc y như giờ…
Chắc má mệt dữ lắm, mà má giấu không cho ba hay. Cái đêm định mệnh đó làm như má linh cảm nên dặn dò Hoà xong, xoa đầu bé Hiền đã say ngủ rồi mới ra hàng ba ngồi. Má thích nhất chỗ ngồi đó. Phía trước là vô số giò phong lan ba mang về, má chăm mát tay nở bông quanh năm. Cái chỗ đó dường như có gì đó hơn nữa mà mỗi đêm đạp xe về mệt đến mấy, ba vẫn ngồi xuống cạnh má, có khi chỉ im lặng, có khi rù rì trò chuyện. Cũng có lần, ba ôm vai cho má tựa ngủ luôn tại đó tới sáng.
Đám tang má xong, ba nằm ngay chỗ má đã nằm chết cả tuần. Giống như ba muốn tìm chút hơi má còn vương ở đó. Anh Hai được cho ra quân sớm hơn hai tháng, phần vì họ thông cảm hoàn cảnh nhà nghèo má mất, phần cũng là để kịp nhập học đại học. Vắng má, ba thành người khác. Ba không còn cười nói nữa. Có những ngày ba đạp xe đi từ sáng đến tận khuya, khi về đầy mùi rượu và mớ tiền vò viên rơi ra từ túi quần. Có ngày ba nằm lì cả ngày không nói một câu, chỉ nhìn anh Hai ra vô lủi thủi nấu cơm lau nhà rồi mắt ba đỏ sọng. Qua đám thất tuần má thì ba không còn như vậy nữa. Ba thu bộ gõ đem đốt rồi dẹp hết những giò lan đi, thay vào đó là tấm lưới che nắng và mấy chậu ớt hiểm. Ngày còn má, má không cho ba ăn cay. Má biểu, hồi hổi ba từng chống những cơn sốt rét bằng ớt nên hư cả bao tử, giờ phải kiêng cữ. Má không còn, ba ăn ớt như bù cho bao lâu bị má càm ràm mỗi bữa. Đôi khi giữa bữa, ba dừng thất thần nhìn lom lom vào chỗ má vẫn ngồi giờ chỉ có chén cơm gác đôi đũa, rồi gắp nguyên trái ớt bỏ vô miệng nhai trệu trạo. Mắt ba ứa nước, không biết vì cay hay vì trách hờn khoảng trống lặng câm. Má mất khi Hoà chớm vô lớp bảy, đến giờ nó sắp nhập học đại học mà ba vẫn giữ cái cách ăn ớt ấy. Đôi lúc Hoà chỉ muốn quăng hết mấy chậu ớt. Đôi lúc lại muốn đấm vô cái mặt anh Hai rầu rầu với đôi mắt ướt, nhìn ba không nói gì rồi lặng lẽ gắp một trái ớt bỏ miệng nhai y như ba. Họ nhìn nhau như nói chuyện, thấu hiểu nhau bỏ mặc Hoà và con Hiền nhăn nhó, càm ràm ba thay phần của má.
Đã gần trưa mà anh Hai vẫn chưa về tới. Hoà lấy hết cam đảm ngồi thẳng lên, xây mặt vô trong nhìn về phía ba. Cái ghế bố không đủ dài hay tại ba cao nên hai cẳng chân ba chờm cả ra ngoài viền khung i-nox lạnh ngắt. Đôi bàn chân đầy vết chai dày cứng, hằn vết rám nắng đen thui ngoài những chỗ quai dép bắt chặt lấy da. Hai ống quyển dài, sần sùi thô ráp và ánh bóng như đồng hun phía trước hai bắp vế săn cứng ngắc. Đôi chân ấy bao năm gắn với những cuốc xích lô thồ từ người đến hàng hoá đi mòn khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn này. Có lẽ không chỉ ở Sài Gòn, đôi chân ấy không biết đã qua bao con đường để ba từ miền trung du xứ Bắc vô tận trong đây một thân một mình. Hoà nhớ mấy ông bác từng đến thăm ba. Họ nói giọng giống ba, ngồi uống với ba ly bia và cho quà anh em Hoà, ôm lấy ba khi ra về. Khi ấy còn rất nhỏ, Hoà chỉ thấy thích thú về những món quà và ngạc nhiên vì ba cứ lắc đầu, xua tay cười cười với họ. Nhưng rồi Hoà không thích nữa khi họ về rồi, má lén chùi nước mắt và ba ôm má vỗ về rất lâu. Sau này lớn hơn Hoà mới biết những ngôi sao màu vàng đẹp ơi là đẹp trên cổ áo họ là quân hàm sĩ quan bộ đội. Ý nghĩ so sánh ba với mấy bác không ở lâu trong đầu Hoà nhưng anh Hai thì buồn ra mặt. Anh Hai hay lén nhìn ba và lặng lẽ đi lau chùi cái xích lô sạch tới nỗi có thể soi gương trên thành pa nô inox được luôn.
“Tại sao ba cứ luôn chịu khổ vậy chứ? Tại sao ba cứ cắm mặt đạp xích lô, khuân vác hầu hạ người ta cả đời khi bao người khác họ thăng tiến, giàu sang phú quý? Tại sao ba cứ khư khư cái nhà nát này? Tại sao ba từ chối bán để dư tiền mua nhà khác, dư tiền đóng học phí cho anh em con mà khỏi cần đạp xích lô hầu hạ thiên hạ? Tại sao trong nhà, ba chỉ lo thương anh Hai mà không thèm quan tâm tới hai đứa con còn lại? Ngay cả anh Hai bao lần thuyết phục ba bán nhà mà ba cũng không nghe, ba nói ở đây để thấy má. Muốn thấy má thì chỉ có theo má lên trển thôi chứ đối mặt với cơm áo cực khổ đày đoạ thế này sao mà thấy!”
Đó là những lời tối qua nó hét vào ba khi cơn giận dữ bùng nổ. Ba đã nhìn nó rất lâu. Đôi mắt ba lạ lắm, không một gợn giận mà chỉ có nỗi buồn mênh mang như khúc sông tối thẫm. Ba nhẩn nha uống hết cả chai rượu với mấy trái ớt non và lưng cơm rồi trước khi vô ngủ, ba ra chỗ nó ngồi học, đặt tay lên vai nó nói nhỏ: Ba xin lỗi các con. Nhất là con và em Hiền.
2.
Lúc mới từ bệnh viện Trảng Dài về tới nhà, mặt Thành như sáp đục, cứng đờ. Chân anh bước lảo đảo, mềm nhũn quỳ thụp xuống trước xác ông Nghĩa. Đôi mắt Thành đau rát, khô khốc và cả cơ thể như cứng đờ quỳ trước đôi bàn chân người cha. Rồi cũng bất ngờ như lấy lại được hơi thở, anh nhỏ nhẹ nói người ta chuẩn bị đồ để anh tự tay tắm rửa cho cha mình. Sinh viên Y năm thứ năm còn lạ gì xác chết nữa đâu. Mấy người nhà đòn xì xào rồi lảng ra ngoài khi anh không đếm xỉa đến những lời can của họ, cứ tỉ mỉ lau từng chút khuôn mặt ông Nghĩa. Con Hiền quỳ bên cạnh, vừa châm rượu và nước thơm vừa kể sự tình chi tiết chuyện anh Ba nó nặng lời với ba tối qua. Ngôi nhà giữa trưa hấp nóng hầm hập, mồ hôi túa trên mặt nó tái nhợt.
- Em đừng bao giờ nhắc lại chuyện anh Ba cãi cha tối qua nữa nhen. Nó nói cũng vì thương ba quá vất vả vì mấy anh em mình thôi. Giờ chắc trong lòng nó đau lắm. Em ra kêu nó vô đây phụ anh sửa soạn cho ba đi.
Hoà đờ đẫn quỳ xuống cạnh chân cha. Nó không dám nhìn vào mặt ông. Anh Hai đang lau xuống ngực ông. Vồng ngực từng rộng tới nỗi cả ba đứa đều rúc đầu vào khi còn bé mà vẫn dư chỗ giờ phẳng lì, lép chặt xuống mặt tấm bố. Hai cánh tay ông Nghĩa đầy những vết sẹo, cái do đạn sượt, cái do hàng hoá nặng trượt rơi để lại. Vết sẹo dài cứa sâu nơi cánh tay mặt kia là do ba đỡ cho Hoà khi mải đá banh lao đầu vào đống tôn cũ xếp bên đường. Máu phun như vòi nước lên mặt ba, chảy tong tong theo ngón tay ba nhưng ba chỉ mải vạch đầu nó coi xem có bị trầy xước chỗ nào không... Cơn đau trong bụng Hoà lan lên ngực, lên mắt và ứ lấy họng nó. Người cha nó cả đời chống đối, cãi bướng để được ông chú ý cho đến giờ nó mới nhận ra, ông đã già yếu và giống nó vô cùng. Trong ngực nó, tiếng nấc bật lên. Rồi như thác tuôn, tiếng từ trong lòng nó, nước từ mắt nó ào ào tuôn. Nó phủ phục sát đất, đập đầu trên nền xi măng sần sần vết xước gào lên:
- Ba ơi! Xin hãy tha lỗi cho con. Xin ba đừng bỏ anh em con, ba ơi!
Bàn tay mềm và ấm của anh Hai lay vai Hoà. Giọng anh Hai nhỏ nhưng khẩn thiết khiến cơn đau đớn trong lòng nó loãng ra:
Thằng Ba đừng có tự trách nữa. Ba mất là do đột quỵ chứ không phải do lỗi của em đâu. Thuốc huyết áp cả tuần anh dặn còn nguyên đây. Có lẽ ba đã quá mệt mỏi, có lẽ ba quá nhớ má… Bình tĩnh lại để lo cho ba về bên má đi Hoà. Mà hai đứa coi nè!
Trên đùi phải ông Nghĩa, nơi chiếc quần xà lỏn che đi, Hai Thành vừa nhận ra những chữ màu đỏ. Chữ viết nguệch ngoạc nhưng rõ nét bằng bút bi, ấn mạnh tới rớm máu giờ đã khô lại. Vẻn vẹn hai từ “ Mở pano”.
3.
Chiếc xích lô được dẫn vào giữa nhà, trước bàn thờ có di ảnh ba và má. Hoà từ từ vặn những con ốc vít bắt quanh viền pano. Hoà từng hỏi ba, sao ba lại đặt hàn hai cái khung kê tay to và dày thế. Nom chắc chắn thế chỉ tổ người ta xếp thêm đồ bắt mình chở. Lẽ hai, ba lại phải chở có khi là bốn. Ba chỉ đùa rằng ba hàn thế để xe có hai cái két đựng đồ quý, mang theo người chứ để ở nhà mấy anh em mải chơi lỡ bị ăn trộm mất.
Pano bên trái bung ra. Chiếc mũ nồi kẹp trong tấm áo rằn ri bọc một cuốn sổ bìa da. Trong cuốn sổ có dán hình má tóc uốn cao mặc váy đẹp rực rỡ bên cạnh quầy bar của vũ trường. Tấm ảnh bên cạnh là má đứng khoác tay một người đàn ông mặc đúng chiếc áo bọc cuốn sổ, trên ve áo đóng lon thiếu tá. Tấm hình kế tiếp má mang váy bầu, ngồi trong lòng người đàn ông đó bên cạnh vườn lan trổ đầy bông. Nhìn má rạng ngời như một người khác, khác hẳn má khắc khổ khi đẩy chiếc xe mía ghim trở về cuối ngày lúc sống tại căn nhà này.
Hai Thành như chết lặng khi nhìn mấy tấm ảnh. Con bé Hiền lanh chanh mấy câu khen má đẹp khi vừa mở cuốn sổ, rồi hiểu ra khi nhìn thấy bức ảnh thứ tư, má bế trên tay một đứa nhỏ, mặc áo dài trắng, đầu đội vòng hoa hồng trắng đứng bên ba trước tấm màn xanh có hai con chim câu đang nối mỏ. Tay Hoà run rẩy khi nạy tấm ván pano thứ hai. Một ống giấy tờ rơi ra từ trong chiếc áo bộ đội xanh lá còn rất mới. Trong chiếc hộp đó, có tờ hôn thú của ba má, ghi năm 1977 và tờ giấy chủ quyền đất. Tờ giấy ghi tên Thành kèm hai tờ phụ lục của hai lần chuyển đổi sở hữu. Tờ đầu má chuyển cho ba, còn tờ thứ hai, sau ngày má chết, ba sang tên cho Hai Thành.
Con bé Hiền ngồi chết lặng, hết nhìn anh Hai sang Hoà rồi oà khóc. Tờ giấy khai sinh của anh Hai ghi tháng chín năm 1975, cha là Đoàn Văn Nghĩa. Tờ hôn thú của ba và má lại được lập giữa năm 1976. Hoà đau đớn khi hiểu vì sao ba khuân về hàng trăm giò lan, cố treo cho kín quanh hàng hiên để mỗi chiều má ngồi ngó mông lung ra xa.
Khuôn mặt Hai Thành trắng bệch, áp chặt vào chân chiếc bàn đang kê di ảnh ba má. Hai tấm áo lính và đống giấy ôm chặt trong lòng. Rồi như không thể kìm được nữa, tiếng “Ba ơi” Hai Thành cất lên đau tới nỗi con bé Hiền quýnh quáng quàng tay đỡ thân hình người anh lớn đang đổ gục trước bàn thờ quẩn khói nhang. Tiếng khóc lần đầu tiên Hoà nghe thấy từ người anh hai mươi lăm tuổi chưa một lần khóc trong đời đang vỡ ra, ghim vào trái tim cả ba anh em nhói buốt.
4.
Hoà nhìn người đàn ông tầm thước với mái tóc trắng như cước ngồi bất động trước di ảnh của ba mẹ. Đã hai mươi năm kể từ khi ba mất, đám giỗ lần này anh Hai mới làm lớn như vầy. Miếng đất có ngôi nhà tạm xưa giờ thành căn nhà gần hai trăm mét vuông sàn làm phòng mạch với ba tầng lầu phủ đầy những giò lan giống mới. Bàn tay người đàn ông lướt trên hai tấm áo lính để trong khay gỗ phía dưới ban thờ run rẩy. Những giọt nước mắt lăn từ hai gò má ông chảy xuống, thấm vào lớp vải dày tạo ra những đốm sẫm, loang nhẹ.
- Ba còn sống đây nhờ anh Nghĩa. Cái ngày các anh ấy tiến vào, ba bất chấp viên đạn nằm trong ổ sườn trốn nhủi về kiếm má con. Chính anh Nghĩa đã bất chấp hậu quả đem ba tới trạm quân y dã chiến kịp lấy viên đạn ra trước khi nó xuyên lên tim. Ba được cứu sống nhưng còn mặt dày xin ảnh lo giúp má con con… May nhờ ảnh mà má con côi cút một thân có người cưu mang, con có người cha trượng nghĩa, thương yêu dạy dỗ thành người thế này. Ba có lỗi, có lỗi vô cùng với má con, với con, với hai đứa em đây và nhất là với anh Nghĩa. Ba cứ tưởng cuối đời khi đem tấm thân này về lại nơi chôn nhau cắt rốn, sẽ không thể tìm lại được con. Ai dè, nền đất cũ ba giao má con vẫn còn y đây…
Hoà lẳng lặng ra hiên, nơi mấy giò lan vũ nữ đang rung rinh trước gió chiều để lén lau nước mắt. Những câu trách móc Hoà đã thốt ra lúc xưa giờ lại như cắt vào ngực. Dưới sân, chiếc xích lô của ba được anh Hai gìn giữ như mới còn nằm y nguyên chỗ từng là nơi ba má thường ngồi tâm sự. Mấy đứa nhỏ con anh Hai và con Hoà đang chạy vòng quanh chiếc xe cười nói rộn góc sân y chang ba anh em hồi bé. Mùi nhang ấm nồng thoảng theo từng cơn gió nhẹ, câu nói ngày nào ba thường nói lúc cả nhà quây quần ăn cơm chợt như mồn một bên tai Hoà: Người với người sống để thương lấy nhau con à!