Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Đinh ninh lời Bác dặn
24/05/2022 12:00:00

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2022)

 

53 năm, kể từ ngày Bác về cõi vĩnh hằng, nhưng nhiều người dân tỉnh ta vẫn còn nhớ trong lễ quốc tang năm ấy, mọi người đã nén nỗi buồn đau thương tiếc Bác, giơ cao cánh tay xin thề thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Người. Từ đó đến nay, hình ảnh và những câu chuyện về Bác lúc sinh thời về thăm, làm việc, ân cần trò chuyện với dân vẫn được nhiều người nhắc đến. Như cuộc đón Bác đầu tiên ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 1945 qua nạn đói kinh hoàng. Bác đã dừng chân ở ga Lai Khê, Tiền Trung, Cẩm Giàng và lâu hơn tại ga Hải Dương. Người ân cần thăm hỏi nhân dân và nhắc nhở cần nâng cao cảnh giác trước việc thực dân Pháp âm mưu xâm lược nước ta lần nữa. Chính quyền và nhân dân cần đoàn kết thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc lụt… bảo vệ chính quyền cách mạng…

 
 
 Tranh cổ động: Hà Huy Chương

Sau đấy không lâu, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trên địa bàn chiến lược quan trọng tỉnh ta đã diễn ra cuộc chiến đấu toàn dân toàn diện, lập nhiều chiến công vang dội. Dù ở chiến khu, bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dõi theo, tiếp sức cho quân dân ta qua nhiều phần thưởng, thư khen, bài báo. Trong bài “Đường số 5 anh dũng”, ký tên C.B. trên báo Nhân Dân, Bác viết:

Đường số 5 hơn trăm đồn bốt

Dân đường 5 có một lòng son

Dù cho sông cạn đá mòn

Quyết tâm gìn giữ nước non Lạc Hồng

Bác viết thư khen nhiều chiến công của bộ đội, dân quân du kích trong diệt bốt, phá càn, tề ngụy, đánh phá giao thông, ngăn chặn địch chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vào thời kỳ sau hòa bình lập lại (1954), từ năm 1957, Bác đã về thăm và trò chuyện với nhân dân xã Ái Quốc (lúc đó thuộc Nam Sách) về tương lai tươi sáng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; sau đó Người về nói chuyện với cán bộ, công nhân cơ quan khu Tả Ngạn đóng trên thị xã Hải Dương.

Ngày 1-4-1959, Bác Hồ về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương.

Từ đó đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước, Bác thường xuyên theo dõi những biến chuyển trên đồng ruộng và nông thôn Hải Dương. Bác về thăm các xã Hồng Thái, Hiệp Lực, Ứng Hòe (Ninh Giang), Nam Chính (Nam Sách) và nhiều nơi khác. Đến đâu, Bác cũng hỏi chuyện và lắng nghe cung cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công tác thủy lợi. Từ thực tế đội thủy lợi chuyên trách ở tỉnh nhà, Bác đã viết loạt bài công tác thủy lợi trên báo Nhân Dân. Hằng năm, cứ đến mùa nước lớn, Bác lại có thư gửi các tỉnh có đê... Năm 1962, Bác về thăm và vừa guồng nước chống úng với xã viên Hiệp Lực, vừa đọc câu “Trăm năm trong cõi người ta/ Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”. Bác thăm Nhà máy sứ Hải Dương, và viết tặng nhà máy năm chữ “Phải cố gắng tiến bộ” trên bình sứ.

Mùa xuân năm 1965, giữa lúc Mỹ tăng cường chiến tranh đặc biệt ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Bác lại về thăm tỉnh ta lần thứ năm. Sáng hôm ấy, Bác đến thăm HTX Hồng Thái (Ninh Giang), một điển hình làm thủy lợi giỏi đã được nhận cờ thi đua của Bác; thăm xã Nam Chính (Nam Sách) có phong trào vệ sinh phòng bệnh điển hình miền Bắc. Buổi chiều, Bác thăm Côn Sơn, một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi gắn bó với nhiều danh nhân văn hóa- lịch sử thuộc Thiền phái Trúc Lâm và người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Di tích đã được xếp hạng trước đó 3 năm. Bác vãn cảnh chùa, đọc bia, thăm hỏi các nhà sư và khuyên nên trồng cây quanh chùa. Bác lội suối lên tận thạch bàn, nơi Nguyễn Trãi xưa thường ngồi thưởng cờ, ngẫm suy thế sự. Bác ghi sổ lưu niệm và căn dặn cán bộ, nhân dân, nhà chùa cần trồng nhiều cây xanh, phủ đồi trọc…

Không thể ngờ đó lại là chuyến thăm Hải Dương cuối cùng trước ngày Bác đi xa. Trong lễ quốc tang, ngày 10-9-1969, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hải Hưng đã ra lời kêu gọi Đảng bộ và quân dân trong tỉnh biến đau thương thành hành động, thực hiện tốt nhất bản Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch. Trước anh linh Bác, hàng ngàn người tuyên thệ:

- “Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo và đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đem hết sức lực củng cố và tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Chấp hành các cấp bộ đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết…”.

- “Suốt đời làm cách mạng, phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập… Một ngày nào mà miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa thống nhất, nhân dân ta chưa được sung sướng… Trước anh linh Bác, chúng ta xin thề tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân, không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…”.

- “Bác thường dạy: Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

- “Trước anh linh Bác, chúng ta xin thề: Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, không ham địa vị, không hám giàu sang phú quý, không lãng phí, tham ô, hủ hóa; thực hiện bằng được lời dạy của Bác là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

- “Người thường dạy chúng ta phải gắn bó với quần chúng, đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi nhân dân, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”.

- “Trước anh linh Bác, chúng ta xin thề: Suốt đời vì lợi ích của Đảng, của nhân dân mà phục vụ; nguyện làm người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân, thực sự tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, thực sự dân chủ với dân và tôn trọng mọi pháp luật của Nhà nước, không quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền…”. (*)

Đinh ninh những lời Bác dặn trong những lần Người về thăm quê hương cũng như lời thề trước anh linh Bác, từ đó đến nay, cùng với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta ngày càng lớn mạnh, phát triển. Tỉnh ta đã từng bước thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ… đưa Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp giàu mạnh, văn minh.

                                                                                                                          (*)Theo Báo Hải Hưng-14/9/1969

 Nguyễn Thế Trường
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Âm nhạc: Anh về cùng mùa hoa(19/05/2022)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Gương soi của bé"(03/05/2022)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Về quê ngoại"(01/05/2022)
Chuyện làng văn nghệ: "Mùa xuân kể thêm chuyện xe tăng 390" của tác giả Nguyễn Ngọc San(30/04/2022)
Nguyên cứu, lý luận phê bình: "Vai trò của nhà làm phim..." của tác giả Nguyễn Thị Nam(29/04/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na