Chuyện kể rằng: Ở làng Lâm Kiền (một cách gọi khác là Lam Kiều) có một người tên là Phạm Trấn. Còn ở làng Đoàn Lâm có một người tên là Đỗ Uông, hai làng khá gần nhau.
Tương truyền làng Đoàn Lâm có một con yêu tinh, thường thường biến hiện trăm vẻ để trêu ghẹo người ta, làng ấy tìm mọi phương kế để trừ mà mãi không được.
Nói về Đỗ Uông khi còn nhỏ, một đêm ngồi học trong nhà, con yêu tinh này thò tay vào trong cửa sổ trước chỗ bàn học để trêu ghẹo Đỗ Uông. Đỗ Uông bèn đem chuyện này nói với thầy phù thủy. Thầy xui phải lấy chỉ ngũ sắc mà buộc lấy tay nó sẽ được.
Vào một đêm khác, con yêu tinh này quen thói tìm đến, rồi lại thò tay vào trêu ghẹo. Đỗ Uông đã ngay lập tức lấy chỉ ngũ sắc trói tay nó lại, buộc vào trấn song cửa sổ. Con yêu quả nhiên không biến được nữa mới kêu van rối rít, Đỗ Uông dứt khoát không tha. Mãi đến gần sáng, con yêu lại kêu rằng:
- Ông ngày sau tất đại quý, tôi muốn bỡn ông đấy thôi, nỡ nào ông lại hại tôi?
Đỗ Uông hỏi:
- Như tài sức tao, thì có đỗ nổi được Trạng nguyên không?
Con yêu nói:
- Trạng nguyên đã có một ông họ Phạm, ông chỉ đỗ được Bảng nhãn mà thôi.
Đỗ Uông lại hỏi:
- Mày có vật gì thiêng, hễ cho tao xem thì tao sẽ cởi trói cho mày.
Nghe vậy, một lát con yêu nhả trong mồm ra một viên ngọc cầm ở trong tay, ánh sáng loé vào trong nhà, rồi nói với Đỗ Uông rằng:
- Tôi chỉ nhờ có của này nên mới thiêng, nay xin dâng ông để giúp thêm cho việc học hành.
Đỗ Uông cầm lấy viên ngọc, rồi nuốt vào bụng, sau đó mới cởi trói tha cho con yêu tinh đi. Từ bây giờ con yêu mất thiêng, không thể quấy nhiễu gì đối với dân làng được nữa.
Nói về Đỗ Uông, sau khi nuốt được viên ngọc ấy thì văn chương mỗi ngày một hay, nổi tiếng trong các trường, văn ông Phạm Trấn không bì kịp.
Đến năm Bính Thìn (1556), niên hiệu Quang Bảo thứ 2, đời vua Mạc Phúc Nguyên, Phạm Trấn và Đỗ Uông lúc này đều trạc 34 tuổi và cùng đi thi, đỗ thi hội, được đến thi đình. Hôm thi đình, Đỗ Uông đọc thấy đầu bài, toàn những chỗ nhớ cả, chắc là nắm Trạng nguyên trong tay. Bấy giờ Phạm Trấn ngồi trong lều làm văn, phảng phất như có hai người tới giúp đỡ. Trông ra thì là Đông Phương Sóc (khoảng 154 TCN - 93 TCN, học giả nổi tiếng, cùng thời với Tư Mã Thiên-Trung Quốc) và Hàn Kỳ (Tể tướng triều Bắc Tống-Thế kỷ XI, nổi tiếng về thơ văn). Hai người đứng cạnh đọc lên cho Phạm Trấn viết. Rồi lại thấy Đông Phương Sóc bảo với Hàn kỳ rằng: “Phải có một người sang làm cho Đỗ Uông đau bụng, để giảm sức văn của hắn đi mới được”… Một lát, nghe tiếng Đỗ Uông ngồi lều bên kia rên lên hừ hừ, không sao viết được. Đến lúc Phạm Trấn viết hơn một đoạn, thì Đỗ Uông mới bớt đau bụng và làm tiếp được văn, cho nên nhớ nhiều mà sức văn hơi kém.
Khi xướng danh bảng vàng, quả nhiên Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên, mà Đỗ Uông thì chỉ đỗ Bảng nhãn. Phạm Trấn mừng lắm, nói rằng:
- Phen này ta mới đè nổi được Đỗ Uông!
Đỗ Uông nghe vậy tức lắm. Đến lúc vinh quy, Trạng nguyên, Bảng nhãn cùng về một đường. Bảng nhãn nhất định không chịu nhường Trạng nguyên đi trước, cứ sóng ngựa đi ngang hàng nhau. Đi mãi đến chợ Bồng Khê, làng Hoạch Trạch (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang bây giờ), người làng ấy vốn biết tiếng hai ông hay chữ, nay cùng vinh quy về qua cầu làng mới ra xin hai ông cho một bài thơ để đề vào cầu.
Hai ông bảo nhau rằng:
Cầu ngói này hơn 10 gian, hạn đi qua 7 gian thì phải vịnh xong một bài thơ. Ai làm xong trước thì được đi trước, không được tranh nhau nữa.
Phạm Trấn y ước, ngồi trên ngựa vừa đi vừa vịnh, đi khỏi 7 gian thì vừa xong bài thơ 8 câu. Ai cũng chịu là tài, chỉ Đỗ Uông không chịu, nói rằng:
- Bài ấy chẳng qua làm sẵn tự bao giờ, không phải mới làm, tài gì mà phải khen.
Nói thế rồi lại cứ đi ngang hàng. Khi đến làng Minh Luân (khu vực xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang nay), lại có người mới làm nhà xong, đón đường xin một bài thơ để mừng nhà mới.
Phạm Trấn ứng khẩu đọc một bài rằng:
Năm năm thêm phú quý,
Ngày ngày hưởng vinh hoa.
Xưa có câu như thế,
Nay mừng mới làm nhà.
Đỗ Uông đã hơi chịu tài nhanh hơn mình, nhưng khi đi đến làng Đoàn Lâm (tục gọi là làng Cầu Cốc), trong cầu có một người con gái bán hàng, tên là cô Loan, hai ông mới thách nhau làm bài thơ nôm, đầu bài ra là: “Cô Loan bán hàng Cầu Cốc”. Hạn phải mỗi câu dựng 2 tiếng thuộc về giống gia cầm, qua cầu phải xong bài thơ, hễ ai xong thì được đi trước không được tranh nhau nữa.
Ông Phạm Trấn lại ngồi trên ngựa mà ngâm xong trước. Thơ rằng:
Quai vạc đôi bên cánh phượng phong.
Giở giang bán chác lụa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới.
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng
…
(Theo dân gian, bài thơ đủ là 8 câu, nhưng nay 4 câu đã bị thất truyền)
Đỗ Uông lúc này mới chịu là tài và thốt ra với Phạm Trấn rằng:
- Thò đọc ra là thành thơ, nếu không có quỷ ngâm thần trợ, thì sao được thế này!
Từ đấy mới nhường Trạng nguyên Phạm Trấn đi trước.
Sau này, cả hai ông được bổ làm quan to. Một hôm, Đỗ Uông đi lẻn xem ngôi mộ tổ nhà ông Phạm Trấn, thấy có hai gò đất nhỏ ở hai bên Ngôi mộ, tục gọi là gò Thần Đồng. Đỗ Uông trỏ vào và rằng:
- Mấy phen tay ấy nó đè ta là bởi hai cái đống đất này đây.
Nói rồi, Đỗ Uông mới lấy chân đạp vào hai gò đất ấy. Phạm Trấn từ khi ấy phải bệnh điếc tai, chữa mãi không khỏi. Có người mách với Phạm Trấn rằng:
- Đỗ Uông đã đạp vào gò Thần Đồng, nên ông mới ra nỗi này đấy.
Phạm Trấn giận lắm, liền tâu với vua. Vua bắt Đỗ Uông phải tạ mộ nhà ông Phạm Trấn, từ đấy ông Phạm Trấn mới khỏi bệnh.
Nói về Trạng nguyên Phạm Trấn (nay dân gian vẫn gọi là Trạng Trấn). Ông sinh năm Quý Mùi (1523) tại xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Nam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc). Khi đi học, thầy đồ thấy ông học hành thông tuệ, nên đã dạy không lấy tiền. Với tư chất thông minh, lại cần mẫn nên ông học giỏi nổi tiếng trong vùng.
Chuyện còn kể rằng, Phạm Trấn và Đỗ Uông sau khi đỗ đạt được bổ làm quan trong triều, có lần hai người ngồi uống rượu, cùng làm thơ bình về rượu, Đỗ Uông đọc:
- Hữu hoàng dụng hoàng, vô hoàng dụng hỏa, sử dụng hàm nghi, vô thi bất khả. (Có rượu Hoàng lưu dùng rượu Hoàng lưu, không rượu Hoàng lưu dùng rượu hỏa tửu, dùng thứ gì cũng xong, thơ thì phải có).
Phạm Trấn đọc ngay:
- Hữu hoàng tắc ẩm, hỏa tửu tắc nguyệt, hữu vi thử ngôn, thiên địa nhật nguyệt (Có Hoàng lưu thì uống, rượu hỏa tửu thì thôi, nếu trái lời ấy, có trời đất, nhật nguyệt soi xét).
Qua thơ thấy rõ cái chí của hai người khác nhau. Sau khi nhà Lê - Trịnh giành lại triều chính từ nhà Mạc, Đỗ Uông chấp thuận ra làm quan với nhà Lê. Phạm Trấn làm quan tới chức Thừa chính sử, một lòng với nhà Mạc, rồi sau đó ông cáo quan về ở ẩn, tuân theo lễ nghĩa thánh hiền, người quân tử không thờ hai vua.
Tương truyền, sau khi cáo quan về ở ẩn, Phạm Trấn đã cùng bạn về mở trường dạy học ở làng Ngọc Nhị, xã Cẩm Đới, Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ông thấy dân vạn chài sống lênh đênh trên sông nước nên rất khó khăn, bèn có ý định lập làng mới trên cạn. Và ông đã mua một khoảnh đất hoang ở phía Nam làng Khê Thượng, dựng trang trại, rồi khuyên dân chài lên cạn, đổi sang nghề trồng trọt. Nghe theo ông, nhiều dân vạn chài cùng dân các làng lân cận như Vô Khuy, Ngọc Nhị… cũng đến sinh sống, làm ăn. Dần dần làng trở nên đông đúc, ông đặt tên là làng Đan Thê. Ông còn vận động các làng ấy giúp đỡ làng mới bằng cách đánh tre cả bụi, đánh chuối có buồng đem đến trồng, dỡ nhà bếp có bồ hóng đem đến dựng, để coi đây như là một làng cũ. Lập làng xong, dân Đan Thê bị kiện chiếm đất, lấn ruộng. Ông đã nhờ những đồng môn đang làm quan trong triều, nhất là Đỗ Uông, bảo vệ cho việc làm chính đáng của mình. Do vậy, làng Đan Thê thắng kiện, được giữ nguyên, rồi ngày càng đông đúc hơn. Phạm Trấn còn có công dạy dân canh tác, làm vườn, mang giống dưa chuột và vải của quê hương Hải Dương lên cho người dân trồng. Vì thế, làng Đan Thê mới có một trại vải chạy dọc làng, với hàng trăm cây. Đến nay, giống dưa chuột vẫn được gìn giữ, phát triển và trở thành đặc sản của địa phương. Với công đức ấy, sau khi ông mất được dân làng nhớ công ơn và tôn vinh là thành hoàng, thờ phụng.
Về Đỗ Uông, ông là người làng Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện). Sau khi đỗ đạt cùng với Phạm Trấn, ông làm quan từ triều Mạc đến triều Lê Trung Hưng.
Sự học của Đỗ Uông, dân gian còn có câu chuyện rằng: Đỗ Uông có cụ ngoại là một góa phụ nghèo khó, kiếm sống nhờ vào quán nước mở ven đường. Một lần có một ông tới quán uống nước, đã để quên một gói bạc, bà đã cất đi. Sau khi ông khách nọ quay lại tìm, bà lấy bạc ra trả lại nguyên vẹn. Ông khách muốn trả ơn bà bằng ít bạc, nhưng bà dứt khoát không nhận, bèn có ý định trả ơn bằng việc chỉ cho bà một huyệt đất phát đến công khanh. Bà nói:
- Tôi chẳng có con cái, chỉ có một cháu ngoại gọi bằng cụ, còn phát đạt gì nữa.
Ông khách nói:
- Cháu ngoại cũng được, nhưng duy chỉ có điều phát phúc sẽ không được lâu dài.
Người cháu gọi bà bằng cụ chính là Đỗ Uông, quả là sau lớn lên đi học rất thông minh, sáng láng...
Chuyện học hành và đi thi, rồi sự ganh đua với Trạng nguyên Phạm Trấn, như trên đã kể.
Cũng như Phạm Trấn, Đỗ Uông sau đỗ đạt được bổ làm quan. Ông làm quan từ thời nhà Mạc đến thời Lê Trung hưng, với chức cao nhất là Thượng thư bộ Hộ. Năm 1574, đời vua Mạc Mậu Hợp, Đỗ Uông từng là Vương phó, thầy của các bậc vương công thời ấy. Đến đời vua Lê Kính Tông (khoảng năm 1600), trong nước có biến, Đỗ Uông bị loạn quân giết chết (theo Lịch triều hiến chương loại chí). Còn sách “Vũ trung tùy bút” của danh sĩ Phạm Đình Hổ thì lại chép, do Đỗ Uông can ngăn chúa, nên bị chúa Trịnh giận mà giết chết (!)
Tuy nhiên, do công lao đóng góp lớn với xã tắc, sau khi mất, Đỗ Uông được phong chức Thái bảo. Quê hương tôn ông làm Thành Hoàng làng Đoàn Lâm, thờ ở Đình Đông (nay thuộc thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện), ở Hải Dương ai cũng biết tới những địa danh này.
Để ca ngợi những bậc hiền tài, dân gian thường cứ sáng tạo ra những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại như thế, để mà truyền khẩu, để cho người đời dễ thuộc, dễ nhớ, vì vậy mà luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng và dài lâu.