Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Trang Văn nghệ trẻ: "Tâm sự người lính" của Phạm Ngân Hà (Học sinh lớp Bồi dưỡng Năng khiếu Văn học trẻ 2022
07/06/2023 08:26:03

 

Chiều hôm nay, biển Cửa Lò đón cơn nắng sau những ngày mưa bão, thổi sức sống vào giàn hoa giấy bên hiên nhà. Những cánh hoa mỏng manh và hồng rực nhẹ nhàng bay theo chiều gió, rung rinh nét đẹp của thiên nhiên. Hai ông cháu tôi ngồi bên cửa gỗ, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng chuông gió và sóng biển hòa với nhau thành một giai điệu thanh nhẹ và vui tai. Tôi lúi húi bóc củ khoai lang bở tơi mà ông dành cho. Còn ông uống nước chè. Hai ông cháu đố nhau những câu đố dân gian và cùng cười sảng khoái. Chợt tiếng loa phát thanh của xóm biển vang lên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”. Nghe lời hát quen thuộc, ông bỗng khựng lại trầm ngâm, rồi từ từ kể cho tôi nghe về khoảng thời gian ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông tôi là chiến sĩ pháo binh. Ông tham gia kháng chiến chống Mỹ khi trái tim căng tràn nhiệt huyết tuổi đôi mươi. Thuở đó, ông cùng bao thanh niên khắp Nam Bắc xung phong vào chiến trường. Thuở đầu mới vào quân ngũ, ông chưa quen với việc lội suối leo rừng. Nhưng qua thời gian đã tôi luyện ông trở thành người lính kiên cường, bản lĩnh. Nhiệm vụ của đơn vị ông là đưa pháo vào chiến trường.

Công việc kéo pháo diễn ra hằng ngày, hằng tuần và vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Thế nhưng ai cũng phấn chấn, hào hứng. Chạy dọc trên những quả đồi là hàng trăm chiến sĩ vừa ngụy trang vừa kéo pháo. Tất cả mọi người đều hát vang: “Hò dô ta nào, kéo pháo ta cùng qua đèo, hò dô ta nào, kéo pháo ta cùng qua núi…”. Khi nghe thấy báo hiệu máy bay địch, mọi người sẽ giữ nguyên vị trí và im lặng. Một số chiến sĩ lấy lá cây phủ lên phần bị trống của pháo trong lúc một tiểu đội khác trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khi máy bay địch rời đi, công việc kéo pháo lại nhộn nhịp trở lại.

Ông vẫn giữ chiếc áo vải si ta thơm mùi núi rừng mà ông gắn bó. Chiếc áo mà những cô gái thanh niên xung phong từng giặt hộ cho ông trên những nẻo đường Trường Sơn. Trong kỷ vật của ông còn có chiếc mũ tai bèo màu xanh bạc màu vì sương gió. Ông kể, hằng ngày đoàn chiến sĩ ăn cơm bọc lá chuối với ít lạc. Cũng có khi thì rau, sắn, khi thì cá khô, măng rừng hay chút thịt. Nhưng ông thích ăn hơn cả là cháo trắng rắc chút lương khô vụn của các chị dân tộc nấu cho kịp giờ kéo pháo. Tôi thắc mắc hỏi ông rằng: “Sao cháu thấy trên các bộ phim tài liệu, các chú bộ đội được ăn thịt lợn rừng với xôi ạ?”. Ông tôi bật cười và nói cho tôi hiểu những lúc đó là quân ta lập công lớn, pháo ta đánh thắng nhiều mục tiêu, hoặc dịp lễ Tết nên được liên hoan. Dân ta còn đói, đồng bào ta còn khổ thì bộ đội sao có thể ăn ngon được.

Rồi ông kể cho tôi nghe về bếp Hoàng Cầm mà tôi đã được cô giáo giảng qua bài “Tiểu đội xe không kính”. Lời kể của ông không giống như cô giáo, luôn thiết tha và dạt dào xúc cảm, mà mang một chút hài hước, hóm hỉnh riêng. Nhưng tôi hiểu cả ông và cô đều muốn nói đó là căn bếp sáng tạo của chú bộ đội Hoàng Cầm, giúp quân ta xử lí được khói từ việc bếp núc, tránh máy bay của địch và là niềm tự hào đã đi vào văn thơ.

Khi ở rừng ở núi, muỗi và côn trùng rất nhiều. Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, lều trại tuy đơn sơ nhưng được dựng cẩn thận, kín đáo. Đây là điều Bác Hồ kính yêu trực tiếp căn dặn, chỉ đạo. Chính vì làm tốt công tác vệ sinh ăn ở mà sức khỏe của chiến sĩ ta luôn bình phục nhanh sau cơn bệnh.

Ông tôi tình cờ gặp được bà nội của tôi trong một lần mắc sốt rét nơi chiến trường. Bà nội tôi là cô y tá nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, luôn túc trực bên các bệnh nhân. Lần đó khi ông đang bị cơn sốt rét hành hạ thì nghe thấy tiếng hát trong trẻo của bà và ông đã thầm thương trộm nhớ: “Sông Lam một dải xanh như ngọc, vời vợi mắt ai buồn tái tê. Xa xa mây phủ non Hồng Lĩnh, đá vàng hoa cải nở bến sông… Sông Lam bên lở bên bồi, mà anh lỡ hẹn với người anh thương...”. Lần đó, ông đã được bà chăm sóc chu đáo, luôn hỏi han ông một cách ân cần. Khi khỏi bệnh, ông tặng bà chiếc khăn tay do chính tay ông làm, phần bà gói lương khô nhỏ,… Rồi tình yêu giữa hai người dần nảy nở. Tình yêu của ông bà không có những lời hứa hẹn, không có đồ vật làm tin, chỉ có ý chí quyết tâm cùng nhau đánh giặc, và lời hẹn ước: ngày đất nước hòa bình sẽ về chung một nhà.

Chợt giọng ông nhỏ dần và đôi mắt ngân ngấn nước: “Vào một buổi chiều, khi pháo đã lên đỉnh đồi, sau hàng loạt sự tính toán tỉ mỉ, kĩ lưỡng thì đơn vị ông được lệnh bắn pháo tiêu diệt khu căn cứ của địch. Nhưng lần này quân ta đã bị lộ điểm bắn pháo. Ngay lập tức quân địch cho máy bay ném bom dữ dội hòng tiêu diệt quân ta. Một số chiến sĩ đã hi sinh. Bản thân ông cũng bị thương và đôi chân không còn nguyên vẹn. Ông được đưa về khu xử lí vết thương. Lúc đó, ông đã khóc không phải vì đau ở thể xác mà vì ông sẽ không còn có thể tham gia chiến đấu nữa. Vài ngày sau đó, ông bị cưa một chân do nhiễm trùng nặng rồi đưa về hậu phương. Sau này, ông được bà đưa về quê, tham gia sản xuất nhu yếu phẩm cung cấp cho chiến trường…

Lời ông kể trong buổi chiều hoàng hôn sẫm đỏ sao mà thắm thiết. Tiếng sóng biển táp vào bờ như lời cảm thán dành cho ông và thế hệ đi trước. Tôi nắm tay ông đi bộ ra biển, ngắm hoàng hôn. Nhìn bước chân mình tung tăng trên bãi cát, trong tôi dâng lên cảm xúc khó tả khi ngắm nhìn vết chân tròn và chiếc bóng khuyết của ông. Ông chẳng thể tung tăng như tôi nữa. Là một người thương binh, ông phải chịu sự giày vò của những cơn đau thể xác. Nhưng tôi tự hào vì ông của tôi là một chiến sĩ không chịu cúi đầu trước kẻ thù. Ông và những đồng đội của mình đã hy sinh máu xương để bảo vệ đất nước.

Tình yêu của ông bà tôi cũng như tình yêu đôi lứa của biết bao chiến sĩ anh hùng của thời kì lịch sử đó. Lời hẹn ước chính là hẹn với non sông – Hẹn một ngày đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Càng nghe ông kể, tôi càng khâm phục những người lính cụ Hồ và thầm cảm ơn ông, sự hi sinh của thế hệ cha ông đi trước để cho chúng tôi được hưởng hòa bình ngày hôm nay.

Tôi nhẹ nhàng ôm chặt ông thì thầm: “Ông ơi, ông là anh hùng trong lòng cháu. Chân của cháu sẽ là chân của ông. Ông đi đâu thì cháu sẽ cùng đi!”. Ông nhìn tôi mỉm cười hiền hậu, đôi mắt sẫm đỏ màu hoàng hôn. Tiếng ông thủ thỉ dặn dò: “Con hãy biết yêu Tổ quốc của mình, làm một người con ngoan. Sau này, dù đi bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về và biết ơn cội nguồn. Đó là sự đền đáp mà ông và những người lính cụ Hồ muốn nhận.”. Tôi nép đầu vào ngực ông và nắm chặt tay ông như một lời cam kết.

Mặt trời dần lặn vào lòng biển sâu nhường chỗ cho mặt trăng. Những vì sao lấp lánh như những viên kim cương dần hiện ra. Tôi và ông chậm rãi bước về trong tiếng sóng thật êm. 
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Mục Sân khấu: "Lá thư chưa kịp gửi" của tác giả Trần Quang Hợp(07/06/2023)
Mục Văn nghệ dân gian: "Nông cụ xưa" của tác giả Tăng Bá Hoành(06/06/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Ký ức tháng Tư..." của tác giả Bùi Việt Thắng(06/06/2023)
Mục Tác giả-Tác phẩm: "Nhà sử học Tăng Bá Hoành người say mê nghiên cứu sử học và dịch thuật"(05/06/2023)
Truyện ngắn "Hai cây gỗ quý" của tác giả Kiều Duy Khánh(05/06/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na