Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Thanh minh" của tác giả Bùi Thu Hằng
20/04/2022 12:00:00

 
 

 Minh họa của Tiến Quân
 
Con đường đồng hun hút, sương mờ phủ lên những bóng cây bất động, không người qua lại. Xung quanh không một âm thanh để liên tưởng đến cuộc sống đang tồn tại. Đã hơn mười giờ đêm. Người đàn ông ngồi sụp bên chiếc xe cà tàng, đôi chân lạnh buốt vì thấm sương. Tưởng tượng cảnh ở nhà, có lẽ bà Miên, vợ ông đang sốt ruột chờ chồng, còn cái Mai chắc đang giục mẹ nó đi tìm bố. Lòng ông như lửa đốt. Rồi lại lạnh ngắt trống trải. Nỗi buồn dâng ngập trong tim, giằng xé mãnh liệt. Người đàn ông vốn hiền lành, an phận giờ sắp nổi loạn bởi nỗi đau khiến ông bừng tỉnh, nhận ra tình cảnh, thân phận trong guồng quay của tiền bạc, nơi mà thước đo được tính bằng tiền tài, địa vị. Mà ông chẳng có gì trong guồng quay đó! Ông châm điếu thuốc, rít hơi dài cho bớt lạnh, lấy toàn bộ sinh lực để đi đến một quyết định liều lĩnh.

Cơn gió mạnh ào tới, tiếng gió thổi u u nghe rờn rợn, mang theo hơi nước, báo hiệu trời sắp giông. Ừ, trời giông thì càng thuận cho việc sắp tới! Người đàn ông lẩm nhẩm.

Nhớ lại chuyện xảy ra hôm nay, lòng ông xót xa! Khi cái Mai, con gái ông vui mừng thông báo, bố mẹ người yêu nó sẽ đến thăm nhà nói chuyện! Vợ chồng ông tất bật soạn mâm cơm, trước là cúng tổ tiên, sau rồi có ý mời ông bà ấy ở lại xơi cùng. Gì thì gì, họ cũng sắp thành thông gia, sao phải ngại. Nghe con cái Mai kể, thì gia đình bên ấy là quan chức, có ngôi biệt thự lớn ở khu đô thị sinh thái lớn nhất tỉnh. Người yêu cái Mai là con trưởng, đang giữ chức trưởng phòng ở một sở to đùng. Ừ thì nó xinh đẹp, học hành đàng hoàng, công việc tuy không cao sang nhưng cũng là giáo viên ở một huyện ven thành phố. Có điều ông gờn gợn, hôm trước người hàng xóm cùng quê khi thấy Mai và người yêu nó đi với nhau bảo: “Tôi vốn họ xa với nhà bên đó, bố mẹ người yêu cái Mai nổi tiếng quan cách, kỹ tính!”. Nhưng ông gạt phắt: “Chúng nó yêu nhau, chúng nó mới là người quyết định. Mà nếu ông bà ấy không đồng ý thì họ đến thăm nhà làm gì!”.

Chiếc xe hơi bóng lộn màu đen đỗ xịch trước cái cổng bé tí. Bố mẹ Đồng xuống xe, vẻ mặt lạnh tanh. Ngồi xuống ghế, chưa uống nước trà mà ông đã cẩn thận hãm, bà mẹ của Đồng đã vào thẳng vấn đề: “Hôm nay, tôi đến để gặp ông bà về chuyện của hai đứa!”. Ông phấn khởi giục bà xuống bếp xem cơm nước thế nào, rồi tiếp tục nhắc ông bà cứ nói tiếp đi. Bà ấy nghiêm mặt, nhìn bao quát gia cảnh, ánh mắt coi thường, miệt thị: “Nghe nói bà nhà thì làm nghề nông, còn ông thì làm nghề bốc mộ thuê phải không?”. Ông ngại ngùng: “Vâng, chả giấu gì ông bà, hoàn cảnh chúng tôi còn nhiều khó khăn. Được cái cháu Mai nó ngoan ngoãn chăm chỉ từ bé, bao giờ cũng đứng nhất nhì lớp! Cháu cũng rất thương bố mẹ. Nó bảo sẽ cố gắng phấn đấu để giúp bố mẹ bớt khổ. Cháu nó tiết kiệm, chịu khó lắm…!”. “Thôi việc đấy thì ông khỏi phải nói, chúng tôi đâu có nhiều thì giờ! Vì các cháu nó cũng sâu đậm mới báo cho tôi nên chúng tôi chỉ còn cách đến gặp ông bà, xin ông bà khuyên cháu đừng qua lại với con trai tôi nữa. Gia đình hai bên không môn đăng hộ đối thì các cháu không thể bền được ông ạ!”.

Ông bố Đồng tiếp lời: “Vợ chồng tôi chỉ có duy nhất đứa con trai. Hơn hai mươi năm nuôi nó khôn lớn, thành đạt, tôi không muốn sau này con tôi phải khổ. Tôi nói thật, con gái ông bà đừng hy vọng mồi chài con tôi để đổi đời nhé. Không có chuyện ấy đâu! Ông bà cũng tự ngẫm hoàn cảnh nhà mình đi. Kể cả thằng Đồng có cãi lời, thì chúng tôi cũng không bao giờ đồng ý đâu”.

Ông như bị cả thùng nước lạnh giội xuống đầu. Cái Mai thì bật khóc chạy vào trong. Còn thằng Đồng cũng bất ngờ, đứng như trời trồng. Ông biết, nó sẽ không đời nào đánh đổi vì con gái ông. Mâm cơm trên tay vợ ông rơi xoảng xuống đất, bát đĩa thức ăn tan tành.

Chiếc xe hơi lăn bánh để lại chút khói mờ trong tiếng nức nở tru tréo của vợ ông, tiếng khóc nghẹn ngào của đứa con gái tội nghiệp.

“Trời ơi, nhục ơi là nhục, mày thấy mày ngu chưa?” - Ông ôm đầu gào lên trong nỗi căm hận.

Ông lao ra khỏi nhà, bỏ lại phía sau tiếng khóc của mẹ con Mai.

*****

Ông uống gần cạn chai rượu! Ờ thì họ có nói sai đâu. Thời trai tráng, trong khi bằng tuổi, bạn bè ông đã vợ con nhà cửa đề huề. Còn ông, phận mồ côi, chẳng ai dám lấy làm chồng, rồi thì gặp mẹ cái Mai cũng mồ côi, lại quá lứa lỡ thì, thôi thì để nương tựa nhau. Hai ông bà đẻ được mỗi cái Mai, vì quá nghèo nên cũng chỉ mong con học hành nên người. Con cái Mai nó thật ngoan hiền. Ông thương nó đến quắt lòng...

Ông lại tu ngụm rượu nữa, chai rượu trắng với khổ thịt luộc sáng nay được đội mai táng của xã chia phần, định mang về cho vợ con mà lúc đêm vẫn nhìn thấy treo lủng lẳng trên cái xe rách. Bụng đói cồn cào, ông ngồi ăn vội vàng, suýt thì nghẹn. Ừ, buồn mấy thì buồn, đến lúc cái bụng đói thì cũng phải ăn, không ăn thì làm gì có sức mà buồn. Mắt ông ầng ậng nước, suy cho cùng, đời mà, có thực mới vực được đạo, có tiền thì mua tiên cũng được, chân lý ấy giờ sao mà sâu sắc thế. Vậy mà trước đây mình nghĩ nó đơn giản! Suy cho cùng, họ cũng có cái lý của họ, gia đình người ta danh giá, giàu có cả tỉnh biết, giờ lại đi thông gia với cái loại nghèo kiết xác, đã thế bố nó lại làm nghề bốc mả, cái nghề mà mạt hạng người ta chẳng ai chịu làm. Đau cho con mình thôi, giờ mang tiếng vì nghèo hèn mà bị từ hôn, bao giờ mới ngóc lên được, có ai còn dám lấy! Chuyện sáng nay lại hiện về trong đầu ông. Là vì sáng nay đến làm đám tang cho nhà ông Kiền, chủ một khu du lịch sinh thái ven bờ sông gần xóm ông, giàu có tiếng trong vùng. Lúc khâm liệm, ông thấy bà vợ ông chủ khu sinh thái đặt vào quan tài cái dây chuyền đính viên đá đỏ to cỡ quả trứng chim cút, vốn là vật bất ly thân của ông Kiền từ lúc còn trẻ, cùng sấp tiền mệnh giá lớn. Nhẩm tính nếu bán đi cũng vài trăm triệu. Ông nghe đám thợ bốc mộ thì thầm, đồn đoán “Đó là tâm nguyện của ông Kiền trước khi chết vì căn bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa. Chắc có lẽ lúc đó, ông ấy cũng thấy tiền vàng thành vô nghĩa rồi”. Nhưng với ông, nó thật có ý nghĩa. Chí ít cũng là một khoản tiền dành dụm cho con cái Mai làm vốn kiếm tấm chồng, không sợ người ta khinh rẻ nữa. Suốt đời làm nghề bốc mộ, chôn người, quần áo bùn đất, hôi hám, chẳng ai dám đến gần hay chơi bời với nhà ông cả. Có lẽ họ sợ, họ kiêng và cả kỳ thị. Tiền công chưa ráo mồ hôi đã hết, chỉ đủ trang trải tằn tiện, chưa kể lúc trái gió trở giời, ốm đau. Mà muốn đổi nghề thì bố con ông cần phải có vốn liếng.

Ông vứt vỏ chai xuống mương, đứng phắt dậy. Ông đã lên một kế hoạch, có lẽ là kế hoạch khủng khiếp nhất trong đời. Phải tìm cách lấy được chỗ tiền vàng của ông Kiền, kể cả phải đào mộ. Ông nhẩm tính, sau khi lấy được, tiền sẽ giấu đi còn vàng sẽ bán. Sau đó, dồn gửi tiết kiệm hoặc mở một cửa hàng tạp hóa cho vợ. Ông sẽ bỏ nghề này, cuộc sống rồi sẽ tốt hơn... Vốn quen tiếp xúc với mồ mả nên ông không mảy may sợ hãi, có sợ là sợ bị người sống phát hiện. “Chết là hết”. Đó là điều đầu tiên ông nghĩ. Dù ông biết, đây không phải chuyện đùa, có thể ông sẽ mất tất cả, danh dự, tù tội...

- Làm gì giữa đồng không mông quạnh thế? Không khiếp à!

Đang miên man suy nghĩ, ông khẽ giật mình. Hóa ra là tay Tuất, đi bắt lươn. Tuất nhà ở xóm trên, thỉnh thoảng cũng hay đi cùng đội ông đắp mộ. Ông chợt lo lắng khi tay Tuất bỗng dưng xuất hiện không đúng lúc chút nào. Mà ông vốn ghét tay này, vì hắn ta tính khộng khệnh, hay dạy đời, thích đá đểu, hay xui ông bỏ nghề để theo hắn ta làm thợ hồ.

- Tự nhiên mất ngủ, ra hóng gió!- Ông bâng quơ trả lời.

- Sao mùi rượu nồng nặc thế, mà sắp mưa đấy, có về không?

- Kệ tôi, ông đi việc của ông đi!

Ông Tuất lờ mờ cảm thấy có việc không bình thường, bèn ngồi xuống:

- Thôi có việc gì thì cũng về nhà hẵng, mồ mả lạnh lẽo thế này, mưa xuống, có hơi rượu, cảm chết ra đấy thì khổ vợ khổ con!

- Tôi lại đang thích mưa đây! - Ông buột miệng.

Chợt thấy ông Tuất nhìn xoáy vào mình, ông chờn chợn.

- Thì tôi bảo vậy cũng là lo cho ông, tôi về trước đây!- Ông nói.

Ông miễn cưỡng bảo:

- Ừ, tôi cũng về luôn đây!

Nhìn theo bóng Tuất đi vội vã, ông thở phào. Cảm giác phấn chấn hơn khi tưởng tượng ra chỉ sáng mai thôi, việc xong xuôi, ông sẽ có cuộc sống mới. Ông vác cái túi nhựa, bên trong có xà beng, cùng nhiều vật dụng cần thiết lên vai. Trời bắt đầu lất phất mưa. Tiếng mưa rơi trên đá mộ rào rào. Không gian tĩnh lặng như đồng lõa với âm mưu tội lỗi. Ông tự nhủ, mình phải thật khẩn trương.

Bất chợt, có tiếng động lạ, như bước chân người phía sau. Ông quay lại, chỉ thấy tiếng gió lào xào hun hút giữa màn đêm thanh vắng. Chẳng có ai dám ra bãi tha ma giờ này đâu. Ông tự nhủ rồi phăm phăm đi về phía mộ ông Kiền. Gò đất phủ kín vòng hoa. Bức ảnh người đã chết lờ mờ trong ánh chớp đêm. Nhưng sao đôi mắt ông ta như đang nhìn xoáy vào ông. Ông hùng hổ cầm xẻng, bắt đầu xắn đất. Trong tai ông là câu nói ngạo mạn của bố mẹ thằng Đồng. Ông phầm phập lưỡi xẻng xuống ngôi mộ. Hình như lại có tiếng động lạ. Ông dừng tay ngoái lại phía sau. Một bóng đen lấp ló, chuyển động trên lưng ngôi mộ bên cạnh với đôi mắt sáng quắc hướng về ông. Ông ném viên gạch về phía bóng đen. Con chuột to sụ lao ra, mùi hôi nồng nặc. Ông thở phào, rồi thoăn thoắt xúc từng xẻng đất còn mềm ướt.

Một lát toàn thân đẫm mồ hôi. Ông ngồi bệt xuống lau đôi mắt đã mờ đi. Có tiếng lộc cộc như ai đó đang đến. Bầu trời chằng chịt ánh chớp. Đúng là có bóng người đang đi tới. Người đó trên tay cầm đèn pin, như đang tìm kiếm gì đó. Ông hốt hoảng vứt xẻng, chạy thục mạng. Thấy vậy người kia đuổi theo. Khi còn cách ông vài bước chân, người đó gọi trong tiếng thở hổn hển:

- Bố!

Ông đứng khựng. Là con Mai! Con Mai đang đứng đó đầu tóc ướt sũng, khuôn mặt trắng bệch, mồm méo xệch:

- Sao bố lại ở đây. Sao bố không nghe điện thoại cũng không gọi về nhà. Mẹ con con đi tìm bố suốt từ tối đến giờ!

Con gái ông nó đang lo cho ông. Vậy mà ông làm cái gì thế này. Sao lại như có ma đưa lối quỷ dẫn đường để ông làm những việc khốn nạn vừa rồi.

- Bố, sao bố lại suy nghĩ tiêu cực như thế!

Ông giật mình. Hóa ra nó biết mình đang làm điều tội lỗi. Giờ còn mặt mũi nào mà nhìn thấy mặt nó nữa. Bất ngờ, cái Mai bám chặt tay ông:

- Bố đừng làm điều dại dột như thế. Bố mà chết, thì mẹ con con biết dựa vào ai!

Ông trấn tĩnh, thế là nó chưa biết chuyện gì rồi. Nó đang nghĩ mình làm quẫn thôi! Ông nắm đôi tay lạnh ngắt của đứa con gái, rồi bảo:

- Ừ bố biết, bố nghĩ lại rồi! Nhưng sao biết bố ở đây?

- Thì chú Tuất chạy vào nhà bảo là thấy bố đang ở gần bãi tha ma, cạnh bờ sông. Khi mẹ kể lại chuyện, chú ấy lo bố làm liều nên bảo con đi tìm!

Rồi cái Mai ôm vai bố:

- Con cũng nghĩ đi nghĩ lại rồi ạ. Người ta như thế thì mình còn tức gì tiếc gì nữa! Con còn bàn tay khối óc, lại giống bố chẳng ngại khó khăn. Nhất định con sẽ tìm được người xứng đáng thương con, thương bố mẹ! Bố đừng suy nghĩ nhiều bố nhé!

Ông khóc, đôi vai gầy gò rung rung trong chiếc áo bạc. Con ông nó biết nghĩ cho ông, nó thật khá, nó hiểu đời rồi. Có một đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn như vậy mà chút nữa ông đã phạm tội tày trời. Nếu bại lộ, chắc đứa con gái đáng thương vô tội của ông sẽ chẳng thể sống nổi với miệng tiếng thế gian. Ông thấy mình đang có thật nhiều thứ, một gia đình êm ấm, đứa con gái ngoan, công việc lương thiện. Lẽ ra ông phải vui, nhưng chỉ vì phẫn uất cay cú mà suýt nữa đánh mất tất cả. Nghĩ thế, ông thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

Ông nén nghẹn ngào, lúng túng nhắc con:

- Con ra đường cái trước đi, bố thắp cho ông Kiền nén hương rồi bố về!

Đợi con gái đi, ông lặng lẽ quay lại đắp lại ngôi mộ. Những vật dụng tội lỗi, ông gói chặt, quẳng xuống sông!

Chạy theo cho kịp đứa con đang đứng đợi, ông cố ngoái lại phía bãi tha ma và lẩm bẩm lời xin lỗi. Cái Mai không hiểu bố nói gì, định gặng hỏi, nhưng ông vội giục nó về nhanh kẻo bà Miên lo!

- Bố ơi mai là Thanh minh rồi đấy. Ngày mai chắc lại bận đấy bố nhỉ! Mai con được nghỉ, mẹ con con sẽ ra giúp bố! Xong việc, mình còn đi tảo mộ cho các cụ nữa. Sáng mai để con đi chợ sớm chuẩn bị lễ bố nhé!

Con gái ông vừa đi vừa nhắc.

Bỗng dưng, trời tạnh mưa, cơn gió mát lành mang theo hương phù sa và mùi cỏ khiến lòng ông dịu lại! 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Bút ký "Người về từ Trường Sa!" của tác giả Trần Quỳnh Nga(19/04/2022)
Ký ức xanh(19/04/2022)
Truyện ngắn "Phía chiều dậy hương" của tác giả Vũ Thị Thanh Hòa(18/04/2022)
Nhật ký đường ra trận(18/04/2022)
Tùy bút "Việt Nam chiến tranh và hòa bình" của tác giả Văn Duy(15/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na